Khởi nghiệp

Tổng vốn đầu tư vào giáo dục và y tế năm 2023 đạt mức cao kỷ lục trong 10 năm trở lại

Thế Phương08:28 30/01/2024

Dù tổng đầu tư thị trường khởi nghiệp Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 giảm 13% so với năm ngoái nhưng giáo dục và y tế trở thành điểm sáng với số tiền gọi vốn kỷ lục trong 10 năm trở lại, chạm mốc 59 triệu USD và 160 triệu USD.

Thị trường đầu tư Việt sụt giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022

Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến bức tranh chung của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST). Số liệu từ Crunchbase đã cho thấy, tính đến tháng 8/2023, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu trị giá 187,6 tỷ USD, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng 23,4 tỷ USD được đầu tư cho startup, sụt giảm rõ rệt so với 37 tỷ đô USD/tháng của năm 2022.

Ngoài ra, số lượng các startup được định giá 1 tỷ USD lần đầu trong năm là 56 startup. Số lượng Kỳ lân mới trung bình hằng tháng của năm 2023 cũng đánh dấu mốc thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua.

Với số liệu từ Do Ventures cung cấp, Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam năm 2023 do BambuUP thực hiện đã khẳng định, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm 2 năm liên tiếp kể từ năm 2021.

screenshot-2024-01-29-at-15.29.10.png
So với năm 2022, nếu như giá trị đầu tư chỉ thấp hơn khoảng 13% thì tổng số lượng thương vụ đầu tư có mức giảm mạnh 40%, khi chỉ còn 56 giao dịch được ghi nhận.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD. Xu hướng này thể hiện rõ ràng hơn ở mức giảm mạnh 40% trong số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận. Trong đó, số lượng thương vụ giảm nhẹ ở các vòng đầu tư giai đoạn sau (từ 10 - 50 triệu USD) và vẫn duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước năm 2022.

Xu hướng này cho thấy sự có mặt ngày càng nhiều của các công ty công nghệ “trưởng thành” trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam”, báo cáo của BambuUP khẳng định.

Còn số lượng giao dịch giảm đáng kể ở các thương vụ với quy mô gọi đầu, mức vốn nhỏ và trung bình, với mức giảm đáng kể nhất là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500.000 USD. Cùng với sự sụt giảm về số lượng thương vụ, giá trị đầu tư cũng giảm rõ rệt ở các vòng đầu tư giai đoạn đầu. Điều này khẳng định sự thận trọng và khắt khe của các nhà đầu tư ngay cả với các khoản đầu tư quy mô nhỏ.

photo1623638785790-16236387860651252125170_784677db-1-.jpeg
Bà Lê Hoàng Uyên Vy: Các startup cần có sự thích ứng và chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng bền vững để có thể vượt qua giai đoạn biến động hiện tại.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Do Ventures cho biết, dù tổng giá trị thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam giảm 13%, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với tình hình chung trên thế giới (giảm đến 35% so với năm 2022 - theo số liệu từ PitchBook).

Tuy nhiên, những thách thức trong thị trường đầu tư sẽ còn tiếp tục trong ngắn hạn, nên việc gọi vốn và đạt được mức định giá cao không còn dễ dàng như một vài năm trước đây.

Vì vậy các công ty sẽ cần tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng nền tảng tốt, giải quyết được bài toán đơn vị kinh tế (unit economics) thay vì tăng trưởng nóng”, bà Vy bày tỏ.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, bà Vy cho rằng, các startup cần có sự thích ứng và chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng bền vững để có thể vượt qua giai đoạn biến động hiện tại.

Mặt khác, giai đoạn thử thách này cũng chính là thời điểm vàng để các startup có nền tảng tốt vượt lên các đối thủ cạnh tranh và dẫn đầu thị trường. Thị trường Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư ở các nhóm ngành then chốt và đang phát triển nhanh như y tế, giáo dục, và phần mềm như là một dịch vụ (SaaS).

Đánh giá về vai trò của các quỹ Việt Nam như Do Ventures trong thị trường đầu tư, bà Vy cho rằng, quỹ nội phần lớn tập trung vào các giai đoạn hạt giống (seed round). Trong khi đó, các vòng gọi vốn giai đoạn sau như Series B, Series C có giá trị lớn, nên cần đến sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài có nguồn lực tài chính dồi dào.

Dù vậy, các quỹ đầu tư nội địa chính là cầu nối ở giai đoạn đầu để thu hút quỹ nước ngoài đầu tư vào các startup Việt Nam ở giai đoạn sau.

Nếu trong thời gian tới có sự tham gia của các doanh nghiệp hay tập đoàn lớn trong nước ở các vòng gọi vốn giá trị lớn thì sẽ càng góp phần củng cố lòng tin của nhà đầu tư, trước cơ hội tại thị trường Việt Nam.

Vì sao Edtech luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư?

Cũng theo báo cáo, trái ngược với xu hướng sụt giảm ở các lĩnh vực khác, giáo dục và y tế nhận được số vốn đầu tư tăng kỷ lục, gấp từ 1,8 - 4,3 lần so với năm 2022 . Đặc biệt, y tế trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2023 với 160 triệu USD. Trong khi đó, bất chấp những khó khăn hiện tại, lĩnh vực dịch vụ tài chính vẫn được các nhà đầu tư quan tâm, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) tại thị trường Việt Nam.

Lý giải về sự gia tăng đầu tư của lĩnh vực giáo dục trong những năm gần đây, theo Giám đốc điều hành Do Ventures, do là một trong các lĩnh vực nòng cốt nên nhu cầu về giáo dục sẽ luôn được ưu tiên tại thị trường Việt Nam.

Ngoài các mô hình công nghệ giáo dục (EdTech) dành cho các môn học chính trên lớp, các mô hình dạy kỹ năng STEM và kỹ năng mềm ngày càng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu của người dùng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đáng chú ý trong năm vừa qua, ELSA huy động được 23 triệu USD cho vòng gọi vốn Series C; MindX có vòng gọi vốn Series B trị giá 15 triệu USD; VUIHOC cũng gọi vốn thành công cho vòng Series A với 6 triệu USD.

370176845_607212298232371_8468387088883165774_n(1).jpg
Là một điểm sáng của startup Việt, sau 2 năm, Edtech VUIHOC có mức tăng doanh thu hàng tháng cao gấp 7 lần so với thời điểm nhận số vốn đầu tiên trị giá 1 triệu USD vào năm 2021.

Chia sẻ về một startup có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023, bà Vy cho rằng, trong năm qua, VUIHOC- một trong những công ty trong danh mục đầu tư của Do Ventures đã huy động được 6 triệu USD trong vòng gọi vốn series A. Công ty đạt được mức tăng doanh thu hàng tháng rất ấn tượng, cao gấp 7 lần so với thời điểm nhận số vốn đầu tiên trị giá 1 triệu USD vào năm 2021.

Thậm chí, ngay cả trong giai đoạn thị trường khó khăn, VUIHOC vẫn duy trì mức tăng trưởng một cách hiệu quả bằng cách liên tục duy trì tỷ lệ LTV/CAC (​​Giá trị vòng đời khách hàng/Chi phí chuyển đổi khách hàng) cao, ở mức 4 - 5 lần.

“Công ty VUIHOC vừa giữ được mức tăng trưởng tốt, vừa vận hành một cách thận trọng trong giai đoạn thị trường còn nhiều thử thách trước mắt”, bà Vy kết luận./.

Bài liên quan
  • Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ EdTech thế giới?
    Trước đại dịch COVID-19, học trực tuyến chỉ là một lựa chọn hoặc thậm chí là một đặc quyền với những người có điều kiện. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, học trực tuyến đã trở thành nhu cầu thiết yếu đối với sinh viên và nhân viên.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tổng vốn đầu tư vào giáo dục và y tế năm 2023 đạt mức cao kỷ lục trong 10 năm trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO