Một số văn phòng đại diện cử phóng viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam). Ảnh: MT
Còn tình trạng văn phòng đại diện hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích
Thời gian qua, Bộ TT&TT nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc có một số cơ quan báo chí, trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, một phần nguyên nhân là do sự suy thoái, yếu kém về đạo đức; sự buông lỏng quản lý, giáo dục của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí thiếu kiểm soát để một bộ phận phóng viên, cộng tác viên không thực chất hoạt động nghiệp vụ, lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi. Bên cạnh đó, không loại trừ nguyên nhân một số cơ quan báo chí tạo sức ép về làm kinh tế, thậm chí là giao, khoán chỉ tiêu doanh thu, quảng cáo cho văn phòng đại diện, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên; từ đó làm ngơ, dung túng để những việc làm nhũng nhiễu nêu trên diễn ra.
Bên cạnh việc chấn chỉnh hoạt động báo chí có dấu hiệu vi phạm nói chung thì Bộ TT&TT cũng đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chủ quản tăng cường quản lý, giám sát và chấn chỉnh tình trạng các văn phòng đại diện cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôi chỉ mục đích, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí nói chung.
Riêng đối với Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo Sở TT&TT tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương; thực hiện trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động của Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn theo quy định; chủ động phát huy thẩm quyền được pháp luật giao, nhất là tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
"Đối với Trưởng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương, do ở xa tòa soạn, cần tuyển chọn kỹ lưỡng những nhân sự có phẩm chất tốt về chính trị, đạo đức và theo dõi, giám sát hoạt động một cách thường xuyên, chặt chẽ", Văn bản 4854/BTTTT-CBC của Bộ TT&TT nêu rõ.
TP. HCM "xây" mô hình câu lạc bộ lành mạnh để "chống" vi phạm
Với gần 2000 Hội viên, Hội nhà báo TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) là tổ chức hội có nhiều "sân chơi" hấp dẫn, thu hút Hội viên tham gia, đáp ứng nhu cầu không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà cả về những sở thích lành mạnh, làm cho Hội trở thành "ngôi nhà chung" cho những người làm báo.
Tại TP.HCM, cách đây 20 năm, xuất phát từ hoạt động của các nhà báo, hội viên cùng được phân công viết về một lĩnh vực nên quen biết nhau, hỗ trợ nhau trong tác nghiệp đã hình thành các nhóm phóng viên chuyên ngành sau đó phát triển thành các câu lạc bộ trực thuộc Hội nhà báo TP.HCM (Hiện nay có 6 câu lạc bộ đang hoạt động). Thành lập sớm nhất phải kể đến câu lạc bộ phóng viên thể thao (hình thành từ những năm 1999-2000), sau đó là câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp (2007), câu lạc bộ phóng viên du lịch (2010), sau đó là các câu lạc bộ phóng viên nội chính, câu lạc bộ phóng viên ảnh, câu lạc bộ phóng viên khoa học-công nghệ.
Quy mô các câu lạc bộ lúc đầu chỉ khoảng trên 10 người, dần dần đã thu hút , phát triển lớn mạnh. Điển hình như câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp, năm 2007 đây là một nhóm tự phát với 12 nhà báo của 10 cơ quan báo đài trung ương và TP.HCH viết về nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2010 chuyển thành câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp thuộc Hội nhà báo TP.HCM với 29 thành viên thuộc 21 cơ quan báo đài. Hiện nay câu lạc bộ này có 64 thành viên thuộc 45 cơ quan báo chí.
Các câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành có cơ cấu Ban chủ nhiệm do các thành viên bầu và được Hội nhà báo TP.HCM ra quyết định công nhận.
Phần nhiều các thành viên trong câu lạc bộ, nhất là người đứng đầu là những nhà báo từng trải, kinh nghiệm, có uy tín trong giới, nhiệt tình trong công việc của câu lạc bộ và có quan hệ tốt với các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực của câu lạc bộ, ví dụ đối với Câu lạc bộ phóng viên thể thao thì gắn bó với Sở Văn hóa – Thể thao, Liên đoàn các bộ môn thể thao, các doanh nghiệp về trang thiết bị thể thao; Câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp thì gắn với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp Thành phố, các doanh nghiệp liên quan nông nghiệp, Câu lạc bộ phóng viên du lịch gắn với Tổng cục du lịch, Sở du lịch, hiệp hội du lịch Việt Nam và thành phố, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn,…
Các câu lạc bộ bám sát lĩnh vực mình để triển khai các hoạt động khá phong phú như: tổ chức tự bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm kết hợp thăm quan thực tế các mô hình hay, hỗ trợ truyền thông cho các cơ quan, tỉnh bạn, tổ chức các Giải báo chí (như Giải báo chí về Kinh tế nông nghiệp, Giải báo chí viết về du lịch…). Các hoạt động này được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Hội nhà báo và các cơ quan quản lý nhà nước. Kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa do các thành viên trong câu lạc bộ vận động. Hội nhà báo TP.HCM tạo mọi điều kiện hỗ trợ các câu lạc bộ như liên hệ các cơ quan, tổ chức truyền thông, cho sử dụng các cơ sở vật chất của Hội như hội trường, xe ô tô, máy photocopy… để giảm bớt chi phí cho các câu lạc bộ khi tổ chức các sự kiện.
Ngoài 6 câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành đang hoạt động như trên, trong thời gian tới Hội nhà báo TP.HCM dự kiến thành lập thêm một số câu lạc bộ phóng viên chuyên về một số lĩnh vực như công thương, xây dựng - đô thị, tài nguyên - môi trường, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc tế… Bên cạnh các câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành, Hội cũng chủ trương thành lập các câu lạc bộ theo sở thích như câu lạc bộ các môn thể thao (bóng đá, bóng bàn, quần vợt, cầu lông, xe đạp, chạy bộ…) hoặc các sở thích khác như câu lạc bộ ca hát, vẽ, câu lạc bộ du lịch caravan kết hợp từ thiện…
Để chuẩn hóa, thống nhất về tổ chức, hoạt động, cuối năm 2019, Thường trực Hội Nhà báo TP.HCM trực tiếp làm việc với từng ban chủ nhiệm câu lạc bộ để tìm hiểu tình hình hoạt động, hiểu thêm những thuận lợi, khó khăn và nghe các ý kiến đề xuất. Trên cơ sở đó, sau khi tham khảo ý kiến lãnh đạo Ban công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam và các câu lạc bộ, kể cả các cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn thành phố, tháng 12/2019, Hội nhà báo TP.HCM đã ban hành Quy định tạm thời về hoạt động của các câu lạc bộ chuyên ngành và câu lạc bộ theo sở thích thuộc Hội nhà báo TP.HCM trong đó quy định thành viên câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành chỉ gồm các phóng viên, biên tập viên; còn thành viên câu lạc bộ theo sở thích gồm tất cả các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, nhân viên các cơ quan báo chí. Quy định cũng kèm theo mẫu đơn tự nguyện tham gia có xác nhận của lãnh đạo cơ quan báo chí (đối với báo chí thành phố), hoặc Văn phòng đại diện, cơ quan thường trú (đối với các báo trung ương)...
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Nhà báo Trần Trọng Dũng cho rằng, mô hình câu lạc bộ nói trên đạt được hiệu quả trên 3 điểm chính:
Thứ nhất: loại hình này mang tới một "sân chơi" bổ ích, hấp dẫn với các Hội viên, để hội viên gắn bó với hoạt động Hội một cách tự nguyện. Hội viên thấy được lợi ích khi tham gia các câu lạc bộ cũng chính là tham gia hoạt động Hội bởi mô hình này đáp ứng được nhu cầu hợp tác trong quá trình tác nghiệp, thỏa mãn các sở thích cá nhân lành mạnh.
Hai là, hoạt động của các câu lạc bộ như là những hoạt động sau mặt báo, theo hướng "tự chủ" hoàn toàn không phải nhờ chi phí từ ngân sách. Các hoạt động của câu lạc bộ đã góp phần đẩy mạnh truyền thông trên các lĩnh vực theo đúng chủ trương, kế hoạch của thành phố, các ngành, các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.
Ví dụ: Có những hoạt động bám sát tình hình thời sự của cả nước và thành phố tạo hiệu quả rất tốt như vào đầu tháng 6/2020, khi Tổng cục du lịch phát động chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" thì Câu lạc bộ phóng viên du lịch chủ động đề xuất với Hội phối hợp với Sở du lịch và Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm "Phát huy vai trò truyền thông trong chương trình Người Việt Nam du lịch Việt Nam" với sự tham gia của hầu hết các đồng chí lãnh đạo các báo đài thành phố và Trung ương, cùng lãnh đạo của ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch…
Ba là, các câu lạc bộ phát triển, góp phần tăng cường mở rộng mối quan hệ đoàn kết giữa các đồng nghiệp không chỉ giữa báo chí thành phố với nhau mà còn giữa báo chí trung ương với báo chí TP.HCM, góp phần đưa công tác Hội thêm sinh động và phong phú.
Như vậy, thông qua mô hình câu lạc bộ báo chí tại TP. HCM, là một giải pháp tốt để các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tham gia diễn đàn, vừa tổ chức hoạt động báo chí theo đúng tôn chỉ, mục đích, vừa góp phần đẩy mạnh truyền thông trên các lĩnh vực theo đúng chủ trương, kế hoạch của thành phố. Việc tổ chức các hoạt động tác nghiệp lành mạnh như vậy cũng giúp triệt tiêu những cách làm, hoạt động tác nghiệp xa rời với tôn chỉ, mục đích, hạn chế những vi phạm thời gian qua của một bộ phận văn phòng đại diện, phóng viên thường trú như Bộ TT&TT đã chỉ ra.