Triển khai dịch vụ xe đạp chia sẻ: Cần có một lộ trình “dài hơi”

Ánh Dương| 06/06/2021 10:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Mô hình xe đạp chia sẻ hiện khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới với mục đích ra đời của mô hình này là nhằm hướng đến một hệ sinh thái giao thông xanh, thông minh giúp giảm ô nhiễm môi trường, tắc đường, cũng như nâng cao sức khỏe cho người dân.

Tốc độ đô thị hóa toàn cầu ngày càng gia tăng nhanh chóng cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện cá nhân, đã gây ra những vấn đề xã hội và môi trường lớn như tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và mô hình xe đạp chia sẻ được coi như là một phương thức giao thông tối ưu để giải quyết hiệu quả những vấn đề này.

Với những tiện ích và lợi ích mà mô hình này mang lại, không ngạc nhiên khi nó được triển khai và phát triển rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mục đích ban đầu của việc chia sẻ xe đạp là vô cùng tốt, nhưng để duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

TP. Hồ Chí Minh triển khai thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp đô thị

Thực trạng tắc nghẽn giao thông tại các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn là vấn đề nan giải đau đầu của các nhà hoạch định chiến lược về giao thông.

Lượng phương tiện cá nhân tăng cao gây áp lực về giao thông đồng thời dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc lựa chọn các phương tiện giao thông thuận tiện và thân thiện với môi trường là vô cùng cấp thiết. Góp phần giải quyết bài toán này và tăng tính kết nối với các loại hình giao thông khác, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp đô thị - Mobike.

Dự án do Công ty Trí Nam đề xuất đầu tư. Trong giai đoạn thí điểm, Công ty Trí Nam dự kiến đầu tư 388 xe bố trí tại 43 vị trí khu vực Quận 1. Mỗi vị trí sẽ có khoảng 10 - 20 xe và số lượng xe có thể thay đổi cho phù hợp với không gian và mật độ sử dụng.

Hệ thống xe đạp công cộng này sẽ được bố trí trên vỉa hè của một số tuyến đường trung tâm tại Quận 1, gần với các điểm dừng xe buýt lưu lượng lớn nhằm đảm bảo người dân có thể đi bộ và tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi.

Triển khai dịch vụ xe đạp chia sẻ: Cần có một lộ trình “dài hơi” - Ảnh 1.

Mô phỏng trạm triển khai xe đạp công cộng cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: baogiaothong)

Để sử dụng dịch vụ, người dân sẽ tải miễn phí và cài đặt ứng dụng Mobike trên thiết bị điện thoại thông minh. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm có xe gần nhất. Xe đạp được sử dụng loại khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên smartphone. Người dùng có thể quét QR code để mở khóa xe. Khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đỗ xe vào đúng nơi quy định.

Mỗi khách hàng sẽ được đăng ký một tài khoản và kết nối thanh toán trên ứng dụng di động hoặc website thông qua các hình thức: thẻ tín dụng, ATM, tài khoản ngân hàng, chuyển khoản hoặc nạp tiền trực tiếp tại trung tâm quản lý...

Đặc biệt, để tránh xảy ra tình trạng mất cắp, thất lạc, người dùng đăng ký dịch vụ cần cung cấp và xác minh thông tin cá nhân hợp lệ. Mỗi xe đạp được gắn thẻ ID định danh. Thông qua hệ thống phần mềm trung tâm, nhân viên vận hành có thể theo dõi lộ trình di chuyển của xe và người điều khiển.

Có thể nói, mô hình xe đạp công cộng sẽ rất hữu ích trong việc giải bài toán tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để tránh đi vào vết xe đổ của Hà Nội trước đây vì không đáp ứng được nhu cầu "thuận tiện", ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai ứng dụng công nghệ trong mô hình này, nhằm tạo sự thuận tiện nhất cho người dân.

"Về lâu dài sẽ phải nghiên cứu đến việc thiết kế phần đường dành riêng cho xe đạp để lưu thông. Cái thứ hai là ứng dụng khoa học công nghệ để làm sao có kết hợp tích hợp giữa phần mềm người đi xe đạp với phần mềm của người đi xe buýt rồi metro và trung tâm giao thông công cộng mà chúng ta quản lý để cảnh báo sớm vị trí ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc giao thông để cho người dùng được thuận tiện hơn" - lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết. (1)

Vẫn còn đó những băn khoăn

Để thành công với mô hình xe đạp chia sẻ, các quốc gia trên thế giới đều đã phải mất nhiều năm kiên trì với những điều chỉnh để phù hợp thực tế, thậm chí phải đúc kết kinh nghiệm từ những thất bại cay đắng.

Mặc dù chưa thể thay thế xe máy, nhưng xe đạp có thể được xem là phương tiện nền tảng hữu ích để thúc đẩy phát triển "giao thông xanh" trong tương lai nhằm tiến tới phát triển các thành phố thông minh.

Đây là mô hình dù có nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, tính lưu động cao... song vẫn còn đó nhiều băn khoăn và lo lắng, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Trên thực tế, người dân đô thị sẽ hưởng ứng đi xe đạp khi có không gian an toàn và thuận tiện. Do vậy, để có thể triển khai thành công mô hình này, điều quan trọng đầu tiên đó là phải có một môi trường an toàn dành cho người đi xe đạp.

Các thành phố trên thế giới khi triển khai mô hình này cũng tập trung phát triển tại các địa điểm gần trạm xe buýt, ga tàu điện ngầm để người dân dễ dàng tiếp cận. Xe đạp có làn đường riêng để hoạt động. Trong khi đó, tại Việt Nam, tất cả những điều kiện này rất khó có thể đáp ứng trong một sớm một chiều.

Triển khai dịch vụ xe đạp chia sẻ: Cần có một lộ trình “dài hơi” - Ảnh 2.

Để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, nhiều quốc gia đã xây dựng làn đường dành riêng cho người đi xe đạp.

Thực tế cho thấy phần lớn đường sá trong lõi trung tâm TP phổ biến là đường nhỏ. Nếu muốn quy hoạch thêm làn xe đạp cần nhiều thời gian và vô cùng tốn kém. Còn hiện tại, nếu để xe đạp đi lẫn phần đường với xe máy và ô tô thì nguy cơ tai nạn xảy ra sẽ rất cao. Bên cạnh đó, vấn đề thời tiết nắng nóng thường xuyên, không khí ô nhiễm khiến người dân cũng e ngại việc sử dụng xe đạp để di chuyển.

PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa Đô thị học Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về tính an toàn, khả năng cung ứng dịch vụ, tiện ích của đơn vị thực hiện. "Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy muốn triển khai mô hình hiệu quả, an toàn, thu hút người dân đi xe đạp thì phải có làn đường riêng cho nó. Chưa kể, đơn vị cung ứng dịch vụ phải giải quyết nhanh các sự cố khi xe hỏng hóc giữa đường, ngoài ra các bãi xe đạp phải phủ đều, không cần tập trung khu trung tâm TP mà phải kết nối nhiều hơn đến các khu đô thị, các điểm du lịch…" - ông Hòa góp ý. (2)

Bởi vậy, muốn đề xuất này khả thi thì cần có sự chuẩn bị một cách đầy đủ, đồng bộ cả về hạ tầng, công nghệ, quản lý và đặc biệt là ý thức của mỗi người dân. TP cũng cần nghiên cứu một cách tổng thể để đưa ra nhiều phương án trong quy hoạch và lộ trình di chuyển nhằm mang lại sự tiện ích; nhất là tính kết nối giữa xe đạp với các loại hình khác. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý cân đối giữa cung - cầu để đảm bảo sự phát triển hài hòa nhất.

Khuyến khích người dân đi xe đạp là định hướng khó khăn nhưng đúng đắn trong việc phát triển đô thị bền vững trong tương lai. Và quan trọng vẫn là phải bắt đầu từ ý thức của người dân để xây dựng được văn hóa đi bộ và đạp xe...

Tuy chuẩn bị khá kỹ nhưng ông Ðỗ Bá Dân - Chủ tịch HÐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cũng nhìn nhận thời gian triển khai thí điểm sẽ có một số khó khăn như các bãi đỗ xe chưa phủ đều, chưa thu hút khách thuê, khách chưa quen thao tác trên các ứng dụng… "Thế nhưng, với quyết tâm góp phần thay đổi hành vi đi lại, giảm ô nhiễm môi trường, hy vọng sau thời gian thí điểm, các địa phương nhìn nhận hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng các bãi đỗ, phủ đều hơn khu vực nội đô TP" - Chủ tịch HÐQT Công ty Trí Nam mong muốn. (3)

Rõ ràng, đây là mô hình tối ưu để giải quyết bài toán giảm tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả và đưa nó trở thành mô hình giao thông phổ biến thì lại… là một câu chuyện dài. Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia triển khai thành công mô hình xe đạp chia sẻ nhưng bên cạnh đó cũng đã không ít thành phố phải "nếm mùi thất bại" của mô hình này vì rất nhiều nguyên nhân: cung vượt quá cầu, cơ sở hạ tầng không đảm bảo…

Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Hàn Quốc - xe đạp chia sẻ là phương tiện sinh hoạt và giao thông thiết yếu của người dân

"Ttareungi", dịch vụ chia sẻ xe đạp được thành phố Seoul ra mắt vào năm 2015, là mô hình kinh doanh chia sẻ phương tiện di chuyển đầu tiên và thành công nhất ở Hàn Quốc. 150 trạm xe đạp đã được lắp đặt tại các khoảng cách 300m xung quanh các trung tâm giao thông công cộng.

Để mua vé, khách hàng truy cập vào trang web hoặc ứng dụng điện thoại di động. Trang web có sẵn cả tiếng Anh, Nhật và tiếng Trung bên cạnh tiếng Hàn nên khách du lịch đến Seoul có thể thuận lợi tùy chọn xe đạp để đi thăm quan thay cho các phương tiện khác.

Khi đã phát triển ổn định và xây dựng thành công thói quen cho người dân, đa dạng hóa mô hình cũng là một ưu tiên của nhà cung cấp dịch vụ. Một phiên bản nhỏ hơn của xe đạp Ttareungyi cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới cho những người thấp hơn 160cm. Phiên bản này được dành cho trẻ em từ 13 tuổi trở xuống, có thể đăng ký dịch vụ với sự đồng ý của cha mẹ. Đối với trẻ em dưới 13 tuổi, chúng chỉ có thể được sử dụng dịch vụ sau khi xem video hướng dẫn an toàn dài 30 giây trên ứng dụng.

Triển khai dịch vụ xe đạp chia sẻ: Cần có một lộ trình “dài hơi” - Ảnh 3.

Những chiếc xe đạp từ dịch vụ chia sẻ xe đạp tại Seoul.

Đặc biệt, nhằm ngăn ngừa các sự cố và tai nạn có thể xảy ra vì số lượng xe đạp cho thuê ở mức khá cao, chính quyền thành phố Seoul đã triển khai một loạt các biện pháp bảo trì và an toàn, cùng với các dịch vụ mới cho người dùng. Nhiều tấm băng phản quang được gắn vào xe đạp để người lái xe và người đi bộ có thể nhìn thấy xe đạp dễ dàng hơn vào ban đêm.

Cho Sung-il, Chủ tịch của Seoul Facilities Corp, nhà điều hành dịch vụ cho biết: "Vì Ttareungyi đã trở thành phương tiện sinh hoạt và giao thông thiết yếu của người dân, nên tầm quan trọng của việc tăng cường an toàn sẽ ngày càng được chú trọng". 

Đồng thời ông cũng cho biết thêm, Tập đoàn đang tiếp tục tìm kiếm các phương pháp cải tiến bằng cách tham khảo ý kiến từ các chuyên gia với mục đích nâng cao độ an toàn cho người sử dụng vào ban đêm cũng như giảm thiểu tai nạn.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dịch vụ xe đạp chia sẻ nổi lên như một phương tiện giao thông cá nhân phổ biến và an toàn của người dân, với số lượng người dùng năm 2020 đã tăng 24% so với năm trước, đạt 2,78 triệu người.

Trung Quốc - từ dự án "tiềm năng" đến "nghĩa địa xe đạp"

Khoảng hơn 5 năm trước, cơn sốt chia sẻ xe đạp Trung Quốc thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư. Hình thức này bất ngờ trở nên phổ biến ở quốc gia đông dân nhất thế giới và nhanh chóng trở thành phương tiện giao thông công cộng của người dân thành thị.

Triển khai dịch vụ xe đạp chia sẻ: Cần có một lộ trình “dài hơi” - Ảnh 4.

Những "nghĩa địa" xe đạp khổng lồ của Trung Quốc sau khi mô hình xe đạp chia sẻ thất bại.

Những tưởng thị trường xe đạp chia sẻ sẽ phát triển mạnh mẽ với những tín hiệu khả quan ban đầu. Nhưng mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn khi nhu cầu thật sự của người dân đối với loại xe truyền thống này không cao, trong khi các công ty cung cấp dịch vụ lại bùng nổ với quy mô và số lượng ngày càng lớn dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu.

Số liệu ước tính của chính phủ Trung Quốc cho thấy năm 2017 có khoảng 20 triệu xe đạp được đưa vào sử dụng trên thị trường chia sẻ. Trong đó, chỉ riêng Xiaoming, một trong hàng chục start-up chia sẻ xe đạp đã phá sản, để lại tới 430.000 xe đạp tại hơn 10 thành phố.

Như một tất yếu, cuộc đào thải khốc liệt đã diễn ra nhanh chóng, một số công ty lựa chọn giải pháp sáp nhập vào các "ông lớn" trong ngành, nhưng nhiều công ty đã phải đóng cửa do kinh doanh thua lỗ để lại những "nghĩa địa" xe đạp khổng lồ khiến giới chức các thành phố phải đau đầu giải quyết.

Sự hưng thịnh rồi suy vong của tình trạng bùng nổ ứng dụng chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc giống như phiên bản "quá nhanh, quá nguy hiểm" của bong bóng công nghệ - một ý tưởng kinh doanh không lợi nhuận sống sót nhờ những dự báo sai lầm, giàu trí tưởng tượng và nhờ vào sức mạnh của những công ty lớn.

Singapore - "hồi sinh" từ thất bại

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển mô hình chia sẻ xe đạp với tốc độ chóng mặt cùng số lượng xe có thời điểm lên tới 200.000 chiếc. Tuy nhiên làn sóng đầu tư này cũng nhanh chóng rơi vào khủng hoảng.

Làn sóng đầu tiên rơi vào khủng hoảng năm 2019 sau khi các công ty chia sẻ xe, chủ yếu đến từ nước ngoài như Ofo, Mobike… phá sản, bỏ dở hoạt động, để lại sân chơi chỉ còn 3 người chơi chính - SG Bike, Anywheel và Moov Technology, tất cả đều là công ty nội địa. Số lượng xe đã giảm từ 200.000 chiếc xuống chỉ còn 45.000 chiếc.

Sau một thời gian im ắng, vài tháng trở lại đây, thị trường này bắt đầu có dấu hiệu "hồi sinh" trở lại, điển hình nhất là việc Cơ quan quản lý Giao thông đường bộ Singapore mới đây đã cấp phép cho công ty Anywheel mở rộng đội xe của mình từ 10.000 chiếc lên 15.000 chiếc.

Triển khai dịch vụ xe đạp chia sẻ: Cần có một lộ trình “dài hơi” - Ảnh 5.

Sau một thời gian im ắng, vài tháng trở lại đây, thị trường chia sẻ xe đạp tại Singapore bắt đầu có dấu hiệu "hồi sinh" trở lại.

Các mô hình kinh doanh chia sẻ xe đạp trước đây dựa trên việc tạo ra và phát triển nhanh chóng mạng lưới người dùng. Ở làn sóng thứ nhất, mô hình kinh doanh chia sẻ xe đến với Singapore như cách người ta bắt đầu yêu thích Facebook và Netflix chủ yếu vì công nghệ sáng tạo và mới mẻ.

Tuy nhiên, không giống như mô hình kinh doanh nền tảng được cung cấp bởi dữ liệu có khả năng mở rộng cao, các hoạt động và chi phí liên quan đến việc duy trì mạng lưới kinh doanh xe đạp chia sẻ là tài sản hữu hình. Phần lớn chi phí vận hành mang tính vật lý, khiến việc mở rộng quy mô kinh doanh trở nên khó khăn hơn so với một nền tảng công nghệ chỉ mang tính kỹ thuật số thuần túy.

Với những kinh nghiệm rút ra từ thất bại của làn sóng đầu tiên, giới chuyên gia cho rằng, thị trường chia sẻ xe đạp của Singapore thời điểm này sẽ chứng kiến làn sóng phát triển thứ hai nhưng sẽ bền vững hơn lần đầu.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng tạo ra những cơ chế thuận lợi với các điều kiện khuyến khích phát triển dài hạn như việc giảm một nửa chi phí cấp giấy phép cho mỗi chiếc xe đạp.

Hai trong số ba công ty chia sẻ xe đạp hiện tại đang tiếp cận việc mở rộng một cách thận trọng hơn theo quy mô thị trấn tại một số khu vực cụ thể thay vì phát triển ồ ạt như trước đây. Việc khởi động kinh doanh chậm rãi, cho phép các công ty có thời gian hiểu rõ hành vi, đòi hỏi của hành khách từ đó phân bố nguồn lực hiệu quả.

Một trong những yếu tố thuận lợi khác có thể đem đến thành công cho làn sóng thứ hai của các công ty chia sẻ xe đạp đó là, hiện nay có nhiều lựa chọn hơn về các phương tiện, không chỉ có xe đạp điện mà còn có cả phương tiện vận tải cá nhân, từ đó có thể tiếp cận tới nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.

Đặc biệt, thị trường giao nhận thức ăn tại Singapore đang ngày càng phát triển trong hai năm gần đây, đã tạo ra nhu cầu tiềm năng mới cho các giải pháp chia sẻ xe đạp và mô hình này cũng có thể giúp giải quyết vấn đề giao hàng vào những địa điểm mà các loại xe khác khó tiếp cận được.

Với những tiềm năng và tín hiệu khả quan trong thời gian vừa qua, biết đâu trong thời gian tới, mô hình này sẽ cho thấy một làn sóng "hồi sinh" mạnh mẽ tại Singapore.

Những thành bại trên thị trường chia sẻ xe đạp trên thế giới có thể là bài học tham khảo đáng giá cho nhiều thành phố, quốc gia khác trên thế giới đang hướng đến xây dựng hệ thống xe đạp chia sẻ này.

Tài liệu tham khảo

(1) https://vovgiaothong.vn/xe-dap-cong-cong-giai-phap-ben-vung-cho-giao-thong-xanh

(2),(3) https://nld.com.vn/thoi-su/xe-dap-cong-cong-thich-thu-va-ban-khoan-20210112214206106.htm

https://www.channelnewsasia.com/news/commentary/bike-sharing-singapore-moov-anywheel-sg-bike-future-12261768

https://www.straitstimes.com/business/economy/whatever-happened-to-chinas-giant-piles-of-abandoned-bicycles

https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2021/04/281_306366.html

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Triển khai dịch vụ xe đạp chia sẻ: Cần có một lộ trình “dài hơi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO