Triển khai thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam

Lan Phương (thực hiện)| 31/12/2018 09:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam sẽ được thực hiện từ 01/01/2019.

Tại buổi họp báo công bố Quy tắc mới đây, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã trao đổi với báo chí về những điểm đáng chú ý của bản quy tắc này.

Phó Chủ tịch thường trực Hồ Quang Lợi (trái) và Phó Chủ tịch Mai Đức Lộc (phải) chủ trì họp báo

Điểm mấu chốt của bản quy tắc

Bản quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là để cụ thể hóa điều 5 trong 10 điều quy định về đạo đức người làm báo. Trong đó quy định những điều người làm báo được làm, không được làm khi tham gia mạng xã hội.

4 điều trong phần những việc người làm báo cần làm là những việc quan trọng. Nhà báo có trách nhiệm lớn trong việc cung cấp, định hướng thông tin, dẫn dắt dư luận xã hội. Ý kiến của các nhà báo khác hẳn ý kiến của những người dân bình thường khi tham gia mạng xã hội. Vì thế, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của người làm báo không chỉ ở trên những ấn phẩm chính thức nơi mình công tác mà còn ở trên mạng xã hội khi chúng ta tham gia nó. Đấy chính là đạo đức của người làm báo.

Trong khi đó, 8 điều mà nhà báo không được làm khi tham gia mạng xã hội là những điều cảnh báo, răn đe để nhà báo khi tác nghiệp cũng như tham gia mạng xã hội phải tránh. Với vai trò dẫn dắt mạng xã hội, một ý kiến, hành vi của nhà báo đưa ra trên mạng xã hội mà sai, không chuẩn mực sẽ gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng, dư luận xã hội.

4 điều cần làm và 8 điều không được làm là những điều quan trọng mà từng nhà báo, hội viên hội nhà báo phải thấm nhuần, làm tốt để ngăn ngừa những việc làm không tốt, từ đó những điều tích cực cũng được lan tỏa.

Đăng tải ý kiến đúng mực

Trong phần những việc nhà báo cần làm khi tham gia mạng xã hội, các nhà báo cần lưu ý: “Đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm”. Bởi có những thời điểm thông tin gây hoang mang, băn khoăn, lo lắng trong dư luận xã hội, người ta không biết đâu là thật, đâu là giả, nên hiểu vấn đề này là như thế nào. Đó là lúc nhà báo cần kịp thời lên tiếng với trách nhiệm, đăng tải ý kiến một cách đúng mực, có văn hóa để giúp dư luận xã hội có thông tin đáng tin cậy, hiểu đúng vấn đề, có thái độ xử lý phù hợp hơn.

Còn về những việc người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội, cần lưu ý việc “đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác”. Điều này các nhà báo nên tuyệt đối tránh vì nó vừa vi phạm luật pháp, vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Nhà báo cần tạo cách nhìn thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận của xã hội, không nên đăng tin kích động, lôi kéo gây tác hại trong dư luận xã hội để người dân hiểu không đúng, hành động không đúng.

Trong những việc không được làm trên mạng xã hội còn, nhà báo cũng phải lưu ý việc không được: “Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc". Với thông tin kích động, mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực… nhà báo dứt khoát không thể làm.

Triển khai Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam

Sau khi bản Quy tắc này được công bố, các cấp hội nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí, từng nhà báo sẽ học tập, quán triệt, hiểu một cách sâu sắc những điều cần làm cũng như không được làm khi tham gia mạng xã hội, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội.

Việc ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đến việc cụ thể hóa nội dung thứ 5 ở Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, các nhà báo sẽ hiểu sâu sắc hơn về đạo đức nhà báo, các cơ quan báo chí sẽ quản lý phóng viên, hội viên của mình tốt hơn và chắc chắn sẽ có thêm những chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí.

Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan báo chí trong cả nước tổ chức thực hiện những quy tắc này. Trên cơ sở Quy tắc, căn cứ đặc thù, các cơ quan báo chí xây dựng quy tắc riêng để điều chỉnh hành vi người làm báo thuộc cơ quan mình khi sử dụng mạng xã hội.

Trước hết, sẽ có một đợt học tập trong toàn bộ cấp hội Nhà báo và các cơ quan báo chí về nội dung của bản quy tắc này. Khi đi vào thực hiện, người đứng đầu các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Quy tắc; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, có tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương với gần 300 tổ chức hội trực thuộc, trong đó có 63 hội nhà báo các tỉnh, thành phố. Đây chính là hệ thống của Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát này. Hơn nữa, từng cấp hội đều thành lập hội đồng xử lý vi phạm có trách nhiệm giám sát trực tiếp việc thực hiện quy tắc của hội viên, nhà báo trên mạng xã hội. Thậm chí, bản thân các nhà báo cũng làm được nhiệm vụ giám sát, nhắc nhở nhau làm việc tốt, tránh việc làm không tốt trên mạng xã hội.

Bộ TTTT đang chủ trì một cuộc thảo luận lớn để xây dựng Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người dân.Việc làm hôm nay của Hội Nhà báo Việt Nam cũng góp phần vào công việc chung đó. Từng người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tham gia mạng xã hội một cách tích cực cũng là tham gia vào việc phát huy tiện ích của mạng xã hội, ngăn chặn việc làm, thông tin không tốt, gây tổn hại cho xã hội trên mạng xã hội.

Bài liên quan
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khai trương Trung tâm Báo chí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Trung tâm Báo chí được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên (PV) trong nước, quốc tế đưa tin về Lễ kỷ niệm và chủ động, tích cực cung cấp thông tin của Ban Tổ chức về Lễ kỷ niệm.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Triển khai thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO