Trợ lý ảo thông minh mở không gian mới cho sự phát triển kinh tế số

Phan Minh Ngọc| 07/07/2021 07:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Trợ lý ảo thông minh (IVA), còn được gọi là trợ lý cá nhân thông minh (IPA), là một phần mềm hiểu các lệnh thoại bằng ngôn ngữ tự nhiên và hỗ trợ hoàn thành các lệnh cơ bản các nhiệm vụ.

Các tác vụ này có thể bao gồm soạn thảo tin nhắn văn bản, tìm kiếm thông tin trên Internet, tìm khách sạn hoặc nhà hàng, kiểm tra đặt chỗ chuyến bay, nghe nhạc, chơi trò chơi, thêm sự kiện vào lịch và kiểm tra trạng thái của các thiết bị nhà thông minh, cung cấp thông tin sản phẩm, hỗ trợ khách hàng thanh toán hóa đơn và thực hiện chuyển khoản hoặc hoàn thành các biểu mẫu và chuyển trực tiếp các thắc mắc của khách hàng đến các nhân viên thực phụ trách dịch vụ khách hàng.

Nhờ đó, các trợ lý ảo này ngày nay được tích hợp vào hầu hết các thiết bị, chẳng hạn như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, máy tính bảng và loa di động. Một số IVA phổ biến nhất bao gồm Trợ lý Google, Siri của Apple, Cortana của Microsoft và Alexa của Amazon.

Trợ lý ảo thông minh mở ra một không gian mới cho sự phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Đáp ứng cho nhiều lĩnh vực

IVA thực hiện hiệu quả nhiều chức năng khác nhau cho các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bán lẻ, công nghệ thông tin, ngân hàng, ô tô và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, chúng mang lại phản hồi trò chuyện tốt hơn, giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Các nhà cung cấp IVA đang tích cực cải thiện để đáp ứng các ngôn ngữ khu vực và cung cấp IVA tùy chỉnh để khách hàng từ các khu vực địa lý khác nhau có thể dễ dàng giao tiếp.

Việc đầu tư ngày càng nhiều vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của một số công ty hàng đầu để giới thiệu các sản phẩm sáng tạo trong ngành đang củng cố sự tăng trưởng của thị trường. Một trong những ví dụ về R&D là Google Duplex, được công bố vào tháng 5/2018. Đây là một dự án mới, trong đó Trợ lý Google cho phép người dùng đặt chỗ qua điện thoại thông minh mà không cần bất kỳ sự tương tác nào từ phía họ.

Một ví dụ khác về sản phẩm sáng tạo ứng dụng IVA là giải pháp an ninh và nhà thông minh, được cung cấp bởi Ring (Mỹ). Đây là một công ty cung cấp các giải pháp về an ninh gia đình với một loạt camera thông minh và chuông cửa video. Nó đã được Amazon mua lại, từ đó hỗ trợ Amazon trong việc tích hợp các công nghệ dựa trên giọng nói vào các sản phẩm an ninh gia đình do Ring cung cấp.

Hay như nỗ lực dùng IVA để giúp giảm thiểu sự phân tâm của người lái xe, khi một số lệnh thông tin giải trí có thể được thực hiện thông qua trợ lý ảo hỗ trợ giọng nói. Các công ty đang triển khai trợ lý ảo dựa trên AI trên các phương tiện có thể thực hiện các tác vụ như đề xuất điểm đến dựa trên lịch và tối ưu hóa năng suất của người lái xe bằng cách cung cấp tin tức, đọc email và tin nhắn, v.v. Ví dụ, vào tháng 9/2019, các nhà sản xuất ô tô: Skoda đã công bố tích hợp trợ lý ảo trong xe của mình, có thể được truy cập thông qua lệnh thoại và hiện hỗ trợ 6 ngôn ngữ.

Cầu "nóng" lên

Doanh số bán điện thoại thông minh ngày càng tăng trưởng, cùng với ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền tảng truyền thông xã hội, đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng về những lợi ích mà IVA mang lại trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, xu hướng mang theo thiết bị của riêng mình (BYOD) và những tiến bộ công nghệ đã dẫn đến sự ra đời của tính năng làm việc từ xa. Những cải tiến trong những năm qua đã dẫn đến việc tăng cường sử dụng các công cụ dựa trên đám mây như Skype và MS Office Online. Việc tăng cường sử dụng các công cụ dựa trên đám mây này cho thấy ngày càng có nhiều người làm việc từ xa và phụ thuộc nhiều vào IVA để thực hiện nhiệm vụ của họ, từ đó mang lại những cơ hội to lớn cho sự phát triển của thị trường IVA.

Hơn nữa, việc thế hệ trẻ sử dụng IVA ngày càng tăng, cùng với trải nghiệm người tiêu dùng được cải thiện liên tục, đang thúc đẩy nhu cầu của họ trên khắp thế giới.

Trong bối cảnh IVA ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi như vậy, thị trường IVA toàn cầu ước đạt giá trị khoảng 4 tỷ USD vào năm 2020, theo tính toán trong một báo cáo mới nhất của tổ chức nghiên cứu thị trường Research and Markets. Con số này thậm chí còn lớn hơn đáng kể, ở mức 5,82 tỷ USD vào năm 2020, theo báo cáo của một tổ chức nghiên cứu thị trường khác là Grand View Research.

Trong tương lai, thị trường IVA toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới. Theo Grand View Research, thị trường này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 28,5% từ năm 2021 đến năm 2028. Tốc độ này thậm chí có thể còn nhảy vọt hơn nữa khi xét đến tác động của Covid-19.

Đại dịch đã gây ra sự gián đoạn lớn trong các ngành khác nhau bao gồm cả ngành công nghệ. Covid-19 dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến lĩnh vực dịch vụ trong ngành công nghệ. Trong khi đó, các giải pháp công nghệ tiên tiến được dự đoán sẽ đóng góp đáng kể trong khi ứng phó với đại dịch Covid-19 và giải quyết các thách thức liên tục phát triển. Tình hình hiện tại do dịch Covid bùng phát đã truyền cảm hứng cho các nhà cung cấp dược phẩm và cơ sở chăm sóc sức khỏe cải thiện đầu tư vào R&D của họ vào AI, hoạt động như một công nghệ cốt lõi để tạo ra nhiều sáng kiến khác nhau.

Cũng do Covid-19, nhiều cơ quan tiếp thị, tổ chức tài chính và cửa hàng tạp hóa đã bắt đầu triển khai đầy đủ các trợ lý ảo thông minh và các công cụ AI đàm thoại để nâng cao dịch vụ khách hàng trong cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh đại dịch, các DN phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì và sẵn sàng thử những con đường công nghệ mới như trợ lý ảo. Ngoài ra, trợ lý ảo Internet đã hỗ trợ nhiều ngành dọc khác nhau trong những thời điểm khó khăn này. Một số công ty bảo hiểm y tế và các tổ chức y tế công cộng trên toàn thế giới đã triển khai chatbot để hỗ trợ người dùng/bệnh nhân đưa ra lời khuyên COVID-19 phù hợp.

Tạo ra một thị trường ngày càng phát triển rộng hơn cho IVA Việt Nam

Ở Việt Nam, cho đến nay đã có một số IVA phiên bản Việt, do người Việt Nam nghiên cứu và phát triển. Bối cảnh đằng sau việc này là mặc dù thế giới đã có nhiều sản phẩm liên quan, nhiều IVA nổi tiếng và phổ cập, ví dụ như Siri, Cortana và Google Now, nhưng rất ít người dùng Việt Nam sử dụng những IVA này do chúng chưa thực sự hiểu ngôn ngữ Việt và chưa tối ưu cho người Việt về mặt thông tin và địa phương hóa. Do vậy, Việt Nam cần phải phát triển các ứng dụng IVA dành riêng cho người Việt, để giúp người dùng Việt Nam giao tiếp với điện thoại và các công cụ khác của mình bằng các khẩu lệnh một cách tiện dụng nhất.

Những IVA tiếng Việt này gồm Kiki của Zalo thuộc VNG, Viettel Cyberbot của Viettel, Virtual Assistant for Vietnamese (VAV) của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trợ lý ảo thông minh mở ra một không gian mới cho sự phát triển kinh tế số - Ảnh 2.

Trải nghiệm trợ lý ảo “Make in Vietnam” Kiki trên xe ô tô

Các nhà phát triển IVA tiếng Việt cùng có chung kế hoạch tiếp tục phát triển hơn nữa các sản phẩm của mình, tích hợp chúng lên tất cả các thiết bị phần cứng như loa thông minh và các thiết bị IoT (thiết bị kết nối Internet vạn vật), phát triển ở mức độ cao hơn công cụ tìm kiếm bằng giọng nói và tích hợp lên các sản phẩm hiện hành của nhà phát triển...

Một trong những kế hoạch dài hạn của các nhà phát triển IVA Việt Nam là tiến hành tích hợp với các nhà sản xuất thiết bị gia dụng ở Việt Nam như Sony, Samsung, LG, cũng như các nhà sản xuất ô-tô. Với quy mô thị trường của vài chục triệu người sử dụng tiềm năng ở Việt Nam thì các nhà phát triển IVA của Việt Nam sẽ có lợi thế để đàm phán với các đối tác này một khi sản phẩm của họ đã trở nên phổ cập ở một thiết bị và phần mềm nào đó, chẳng hạn như Zalo. Tuy nhiên, để có thể đưa vào giai đoạn hoàn thiện và triển khai các mô hình kinh doanh trên, các nhà phát triển Việt Nam sẽ cần có một khoảng thời gian khá dài.

Trong khi đó, cũng không thể phủ nhận khả năng các IVA quốc tế sẽ tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện và Việt hóa để phù hợp tốt hơn với ngôn ngữ tiếng Việt và được người dùng Việt Nam sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn như Google Assistant đã hỗ trợ tiếng Việt, tuy vẫn có những lúc trợ lý này không hiểu đúng, làm đúng những gì "ông chủ" mình sai bảo, mong muốn.

Nhưng về lâu về dài thì các công cụ như AI và máy học sẽ giúp cho Google Assistant hay bất cứ IVA quốc tế nào cũng sẽ trở nên thông minh, hiểu chuyện, làm đúng và phục vụ các ông bà chủ người Việt tốt hơn, tương tự như cách mà phần mềm dịch tự động Google Translate đang ngày càng được cải thiện để các câu dịch Việt-Anh, Anh-Việt bớt ngu ngơ hơn.

Để tồn tại và tiếp tục phát triển trong cuộc cạnh tranh với các IVA của các ông lớn công nghệ thế giới phát triển, các IVA do người Việt phát triển trước mắt chỉ có thể tập trung khai thác nhanh chóng điểm mạnh và ưu thế duy nhất của mình là khả năng xử lý tiếng Việt của chính người Việt và ứng dụng phù hợp với đặc điểm Việt Nam. Tuy nhiên, do các ông lớn công nghệ thế giới cũng có các team người Việt nên ưu thế này sẽ mất đi nhanh chóng, gây khó cho IVA Việt Nam trong việc chiếm giữ và phát triển thị phần.

Trong bối cảnh này, Chính phủ có thể đóng một vai trò nhất định trong việc trợ giúp sự phát triển của IVA Việt Nam qua những sáng kiến, giải pháp như áp dụng trợ lý ảo tại Bộ TT&TT hoặc tại chính quyền các địa phương. Với vai trò là người mua, người sử dụng như vậy, Chính phủ sẽ tạo ra một thị trường ngày càng phát triển rộng hơn cho IVA Việt Nam, nhưng với điều kiện là các IVA này cũng phải nhanh chóng được hoàn thiện và không ngừng nâng cấp để theo kịp những tính năng với cùng chất lượng mà các IVA quốc tế mang đến cho người dùng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trợ lý ảo thông minh mở không gian mới cho sự phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO