Trọng tâm chiến lược là tận dụng thời gian này để đẩy nhanh chuyển đổi số

Hải Yến| 19/09/2021 21:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Đẩy nhanh chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, đẩy nhanh chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường.

Trọng tâm chiến lược là tận dụng thời gian này để đẩy nhanh chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.

Dịch Covid-19 kéo dài hơn 20 tháng qua đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các mối quan hệ kinh tế quốc tế cũng đã thay đổi đáng kể. Điều đó có đáng ngại không, thưa ông?

Dịch bệnh làm gia tăng khủng hoảng kinh tế và địa - chính trị. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này khi kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các đối tác trên thế giới bị ngưng trệ và đại dịch đã gây ra đứt gẫy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu và giao thương giữa các quốc gia bị gián đoạn, khiến quan hệ thương mại song phương giữa các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những làn sóng lây nhiễm mới, thách thức khả năng chống chọi của các loại vắc-xin, thì rất có thể, chúng ta sẽ phải chứng kiến một “kỷ nguyên băng” kinh tế, các biên giới sẽ tiếp tục bị đóng cửa, chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan tràn và thậm chí có thể dẫn đến các cuộc xung đột khi các nền kinh tế thấm mệt sau giai đoạn dài đóng cửa do áp dụng các chính sách thắt chặt.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hướng đến một triển vọng tươi sáng hơn khi các nước đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc-xin, cùng với kết quả tích cực đạt được từ những gói hỗ trợ và kích cầu nền kinh tế mà các quốc gia đang áp dụng. Khi đó, cùng với sự phục hồi kinh tế, thì quan hệ kinh tế quốc tế cũng sẽ bước sang giai đoạn “bình thường mới”.

Trước “cơn bão” Covid-19, nhiều nhà máy tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã phải ngừng sản xuất. Nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép lo ngại mất khách hàng. Với góc nhìn của ông, doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức nào?

Covid-19 đang đặt ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục… Nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, không phải là chúng ta không có cơ hội để tìm ra hướng đi mới trong phát triển nền kinh tế. Trong đó, một trọng tâm chiến lược là cần tận dụng thời gian này để đẩy nhanh chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế, từ đó bảo đảm phát triển bền vững và toàn diện.

Đồng thời, cần có sự hợp tác để tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó thúc đẩy xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước.

Ngoài ra, thách thức từ đại dịch cũng nên xem như một cơ hội để chúng ta thanh lọc nền kinh tế, chọn ra những nhân tố đủ sức chống chịu với những biến động, khủng hoảng toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt Nam cần có cách tiếp cận và ứng xử như thế nào để không bị đẩy ra xa trước tác động khôn lường của dịch bệnh được dự báo còn tiếp tục kéo dài, thưa ông?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, theo tôi, ở góc độ vĩ mô, Việt Nam cần phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, đời sống đối với người lao động. Tăng cường vận động, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài để phổ cập vắc-xin, sớm mở cửa trở lại ở những vùng bị giãn cách. Tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh, với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất - kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia các chuỗi giá trị mới.

Ông có nhắc đến việc doanh nghiệp phải đẩy nhanh chuyển đổi số để sớm thích ứng với giai đoạn “bình thường mới”, nhưng đây có lẽ là bài toán khó, bởi phần lớn doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ?

Covid-19 dự báo còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn. Để thích ứng với tình hình này, tôi cho rằng, các doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới, bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.

Thực tế, Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải tạm dừng hoạt động. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải chú trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng.

Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh hậu Covid-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Điều quan trọng nữa là, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm thuế, phí…, do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu, tận dụng các chính sách này để chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trọng tâm chiến lược là tận dụng thời gian này để đẩy nhanh chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO