Trưng bày chuyên đề "100 năm Báo Le Paria"

Bình Minh| 13/04/2022 18:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là nội dung trưng bày chuyên đề trong khuôn khổ của Hội báo toàn quốc, thu hút sự tham quan, tìm hiểu của nhiều phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí ngay sau lễ khai mạc ngày 13/4/2022.

Hình ảnh trung tâm của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thời còn trẻ tại khu trưng bày chuyên đề "100 năm Báo Le Paria" (Người cùng khổ). Ảnh: Bình Minh

Nội dung trưng bày càng ý nghĩa hơn tại Hội báo toàn quốc năm 2022, khi đây là sự kiện đánh dấu cột mốc lịch sử kỉ niệm 100 năm tờ báo ra đời dưới sự tham gia sáng lập, điều hành của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Theo những tài liệu, giấy tờ liên quan được lưu giữ, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã cùng các đồng chí của mình sáng lập và làm báo "Người cùng khổ", tạo ra "một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức". Báo đã góp phần truyền tải những thành quả mang tính thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh giành tự do, độc lập.

Ảnh: Bình Minh

Báo Le Paria (Người cùng khổ) duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Le Paria đã tạo được ảnh hưởng lớn đối với bạn đọc, đối với công luận Pháp và đặc biệt đối với phong trào yêu nước ở các thuộc địa.

Tham quan sự kiện trưng bày chuyên đề "100 năm Báo Le Paria", người làm báo cả nước được chứng kiến hình ảnh trung tâm của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thời còn trẻ. Cùng với đó, một số hình ảnh cỡ lớn về các trang Báo Le Paria với cách trình bày giản dị, mộc mạc, nhưng cũng rất thời sự, hiện đại với nhiều hình vẽ, ảnh, box thông tin…

Ảnh: Bình Minh

Đáng chú ý hoạt động trưng bày chuyên đề có trích đoạn Truyền đơn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cổ động mua báo Việt Nam Hồn, ngày 15/5/1923 tại Paris, Pháp: "Mình là người Việt, khách địa làm ăn. Chẳng đọc Hán văn, không xem Pháp tự. Việc đời hay dở, lành dữ mặc ai, tuy có mắt tai, cũng không nghe thấy. Phận mình là vậy, vận nước thế nào, anh chị đồng bào, có hay chăng nhẽ. Cũng vì thế, tôi muốn làm ra, một báo tiếng ta, cho đồng bào đọc. Chẳng nài khó nhọc, dám kể công trình. Mong mỗi người mình, mở mày, mở mặt. Báo này sẽ đặt tên Việt Nam Hồn. Một tháng hai lần, mỗi lần trăm bản. Xin anh em bạn, ai có muốn coi, cắt gửi cho tôi, cái toa mãi chỉ. Mấy lời chung thủy, thư bất tận ngôn."

Hoạt động trưng bày chuyên đề này giúp người làm báo cảm nhận, học tập được phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, của một con người Việt Nam yêu nước cất lên tiếng nói đấu tranh, gây dựng tờ báo ở nước ngoài như một vũ khí để đấu tranh cách mạng, phục vụ lý tưởng giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc.

Việc Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức sưu tầm và trưng bày "100 năm Báo Le Paria"  tại Hội báo toàn quốc năm 2022, góp phần lan tỏa ánh sáng nhân văn và phong cách, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh - di sản quý báu Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trưng bày chuyên đề "100 năm Báo Le Paria"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO