Bất chấp nhiều năm nỗ lực và nhiều Chỉ thị nhắc lại của chính phủ, ba nhà mạng China Mobile, China Telecom và China Unicom đang phải chật vật để tắt sóng mạng 2G và 3G và chuyển đổi khách hàng sang mạng 4G hoặc 5G.
Nhà mạng China Unicom là điển hình cho việc này. Tại buổi công bố kết quả hoạt động thường niên vào tháng 3 năm ngoái, Chủ tịch nhà mạng này lúc bấy giờ là ông Wang Xiaochu cho biết China Unicom sẽ hoàn tất việc tắt sóng 2G vào cuối năm 2021. Nhưng điều này đã không xảy ra - không phải do Unicom hay các đối thủ của nhà mạng này.
Theo Communication World, một ấn phẩm liên kết với Bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc (MIIT), ba nhà mạng đã duy trì tổng cộng 2,64 triệu trạm BTS 2G và 3G vào cuối năm 2021.
Các lý do chính để dừng các trạm BTS này là chi phí và hiệu quả: Các mạng lưới hoạt động kém hiệu quả, tạo ra ít doanh thu và yêu cầu tiếp tục bảo trì và chi phí nhiên liệu. Các mạng cũng chiếm giữ phổ tần khan hiếm mà có thể được chuyển sang sử dụng cho mạng 5G.
Ngoài ra, các mạng cũ đang sử dụng năng lượng không hiệu quả, tạo ra carbon và các chỉ số ESG (môi trường, xã hội và quản trị) tiêu cực đối với nhà mạng.
Phương pháp tiếp cận khác nhau
Ba nhà mạng Trung Quốc có cách tiếp cận hơi khác nhau. Bên cạnh những nỗ lực của nhà mạng China Unicom trong việc tắt sóng 2G, nhà mạng China Mobile đang cố gắng loại bỏ mạng TD-SCDMA, vốn chưa bao giờ rất phổ biến và giữ lại mạng GSM khổng lồ của mình. Nhà mạng China Telecom lại đang đặt mục tiêu tắt sóng 2G và 3G vào khoảng năm 2025.
Tuy nhiên, thật khó để có được một cách xử lý chính xác về việc này. Cả chính phủ và các nhà mạng Trung Quốc đều không tiết lộ số thuê bao 2G hoặc 3G.
Vào tháng 5/2020, số liệu của MIIT cho thấy ước tính có khoảng 273 triệu thuê bao đăng ký 2G, chiếm 17% trong tổng số thuê bao. Trong số này, khoảng 90% là thuê bao của nhà mạng China Mobile, nhà mạng có độ phủ sóng sâu rộng ở cả vùng sâu, xa của Trung Quốc. Còn 30 triệu thuê bao khác là các thuê bao 3G.
Phần lớn người dùng 2G là người già, trẻ em hoặc người dân nông thôn không có mạng 4G. Kể từ năm 2018, các nhà mạng đã cung cấp các gói 4G nhắm đến những người dùng này, nhưng số lượng thuê bao 2G vẫn còn lớn do chi phí cho một thiết bị mới, chưa quen với điện thoại thông minh hoặc chưa có sóng 4G hoặc 5G.
Các thiết bị 2G và 3G mới vẫn đang được xuất xưởng, với 12 mẫu được tung ra thị trường trong năm nay. Được biết, 4,2 triệu chiếc đã được bán ra vào năm 2021 và 8,7 triệu chiếc vào năm 2020.
Những vấn đề khác là nhu cầu hỗ trợ hàng chục triệu thiết bị IoT, thiếu vùng phủ sóng mạng cho NB-IoT hoặc LTE Cat 1, cũng như chi phí của các mô-đun Cat 1 vẫn cao hơn các mô-đun 2G/3G.
Các nhà mạng sẽ không thể tắt sóng các mạng cũ trong khi họ vẫn hỗ trợ một lượng lớn khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng nghèo và dễ bị tổn thương nhất ở Trung Quốc. Thực tế là kỷ nguyên 2G/3G ở Trung Quốc vẫn còn nhiều năm nữa./.