Theo Hiệp hội Bản quyền Trung Quốc, công nghệ blockchain mới có thể lập hồ sơ bằng chứng về tài sản số, giám sát các hoạt động vi phạm, thu thập bằng chứng trực tuyến, đưa ra thông báo xóa các sản phẩm vi phạm bản quyền và giúp tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan đến bản quyền và xử lý các vụ kiện.
Xiaohong Yan, Chủ tịch của Hiệp hội Bản quyền Trung Quốc cho biết trong một diễn đàn về đổi mới và bảo vệ bản quyền: "Blockchain rất lý tưởng để bảo vệ bản quyền số nhờ vào các tính năng kỹ thuật như tính bất biến, khả năng truy tìm nguồn và sự đồng thuận phân tán".
Tòa án nhân dân tối cao của Trung Quốc cũng đã công nhận bằng chứng được xác thực bởi blockchain và coi nó là ràng buộc pháp lý từ tháng 9/2018.
"Các tòa án Internet ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đã bắt đầu sử dụng blockchain để tiến hành các cuộc họp và ghi lại hồ sơ tòa án", Yuanming Qin, Chánh án tại bộ phận sở hữu trí tuệ của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cho biết tại diễn đàn.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã phải đối mặt với một số vụ vi phạm bản quyền và các vấn đề liên quan đến bản quyền trong lĩnh vực nội dung số chẳng hạn như video ngắn, âm nhạc, văn học trực tuyến,... Tuy nhiên, Yan cho rằng công nghệ blockchain mới sẽ giúp giảm đáng kể chi phí bảo vệ bản quyền số, cải thiện tính hiệu quả và đưa ra những phương thức mới để thu thập bằng chứng, giao dịch các tài sản số và cũng đảm bảo quyền của các bản quyền liên quan./.