Trung Quốc ứng dụng AI để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực y tế

TH| 19/06/2018 16:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được sử dụng trong y học để kiểm tra kết quả chụp cắt lớp và phát hiện các dấu hiệu của bệnh tiểu đường cũng như các căn bệnh khác.

Là một phần trong nỗ lực thúc đẩy AI trên toàn quốc, Trung Quốc đang đẩy mạnh các sáng kiến nhằm bổ sung AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, những hạn chế trong việc sử dụng dữ liệu và công nghệ mới lại ít hơn hẳn, và nhu cầu tự động hóa đang được ưu tiên hơn. Theo MIT Technology Review, có trung bình 1,5 bác sỹ trên 1.000 người tại Trung Quốc, thấp hơn so với mức 2,5 bác sĩ tại Mỹ.

Trung Quốc đang tiến rất nhanh trong chiến lược này. Theo Yiou Intelligence, một hãng tư vấn tại Bắc Kinh, hiện có 131 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực đưa AI vào khu vực chăm sóc sức khỏe quốc gia. Các nhà nghiên cứu đã phát triển một loạt các công cụ AI cho lĩnh vực y tế, bao gồm các công cụ hỗ trợ nhân viên tại các trung tâm cai nghiện ma túy đánh giá mức độ nghiện hay các công cụ giúp trẻ tự kỷ cải thiện nhận thức về con người và môi trường xung quanh. Sử dụng các thuật toán để xử lý những hình ảnh y tế, như phim chụp CT và X-quang cũng một lĩnh vực đang đặc biệt nóng bỏng cho các startup AI tại Trung Quốc.

Ở Thượng Hải, gần 1.000 người nghiện tại ba trung tâm cai nghiện của thành phố, bao gồm một trung tâm dành riêng cho phụ nữ, đã ứng dụng hệ thống thực tế ảo với hệ thống theo dõi chuyển động mắt khi người dùng đeo kính VR và đi vào bối cảnh nghiện ngập. Chuyển động mắt và các chỉ số sinh học của người nghiện như nhịp tim và độ dẫn của da, được ghi lại một cách khách quan để cho phép đánh giá chính xác mức độ nghiện của họ.

Khoảng 1.000 trẻ em mắc chứng tự kỷ tại thành phố này cũng được sử dụng một hệ thống VR mô phỏng các tình huống thực tế, nhằm hỗ trợ việc đào tạo và tương tác. Trong một số trường hợp, AI còn có thể làm nhiều hơn mức là hỗ trợ các chuyên gia y tế, nó cũng có thể giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt bác sĩ hiện nay.

Điển hình là trường hợp một bệnh viện ở Quảng Châu đã tiến hành thử nghiệm hệ thống AI để chẩn đoán chứng tự kỷ ở trẻ dưới hai tuổi. Hệ thống này được phát triển bởi Bệnh viện liên kết thuộc Đại học Sun Yat-sen tại Quảng Châu và Đại học Duke Kunshan. Kết quả đạt tỉ lệ chính xác lên tới 80% khi tiến hành sàng lọc 120 trẻ mới biết đi và được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.
Hệ thống này cho thấy cho bước phát triển mạnh mẽ trong việc sàng lọc chứng tự kỷ trẻ em, đây vốn được coi là một thách thức lớn  tại Trung Quốc hiện nay do thiếu các bác sĩ nhi khoa giàu kinh nghiệm có thể thực hiện chẩn đoán chính xác.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các ứng dụng và công cụ AI được phát triển trong nước. Một báo cáo gần đây từ Hiệp hội dữ liệu quốc tế (IDC) cho thấy thị trường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng AI tại Trung Quốc sẽ đạt mức 930 triệu USD vào năm 2022. Thị trường này cũng đang là đích ngắm cho các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc. Cả Alibaba và Tencent đều có các bộ phận nghiên cứu chuyên phát triển các công cụ chuẩn đoán bằng AI.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc ứng dụng AI để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO