Ứng dụng Bluezone đã ra đời như thế nào?
Trước ngày ra mắt Bluezone (18/4) khoảng hơn 2 tuần, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có họp mặt các công ty công nghệ Việt Nam để bàn bạc về việc tiến hành nghiên cứu triển khai truy vết tiếp xúc bằng công nghệ bluetooh. Thời điểm đó chỉ có 2 nước có công nghệ này, áp dụng để tiến hành truy vết tiếp xúc, khoanh vùng dập dịch.
BKAV là 1 trong 4 nhóm công nghệ được triệu tập. BKAV vào sau các nhóm khác khoảng 1 tuần, Bộ trưởng cho 2 tuần triển khai nên chúng tôi chỉ có khoảng 1 tuần để nộp sản phẩm.
Cuối cùng, Cục Tin học hóa quyết định chọn sản phẩm của BKAV do có khả năng truy quét triệt để, tiết kiệm năng lượng, và năng lực triển khai ở quy mô lớn. Chính thức ngày 18/4 là ngày ra mắt ứng dụng và chúng tôi đặt tên là Bluezone.
Chỉ có 1 tuần, làm sao BKAV hoàn thiện sản phẩm trong thời gian ngắn như vậy?
Thực ra, từ tháng 1/2020 khi bắt đầu có dịch, BKAV đã lập các đội nghiên cứu dữ liệu và các giải pháp chống dịch Covid-19 rồi. Đội ngũ thực sự mang tinh thần thần tốc, làm sao hoàn thiện ứng dụng càng sớm càng tốt để bảo vệ cộng đồng.
Bluezone ban đầu có slogan "bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng", phải thần tốc ra sản phẩm để mọi người đều có thể cài đặt. Với tư duy đó, đội ngũ làm việc gần như 24/24 trong suốt 1 tuần.
Bề ngoài, Bluezone là một ứng dụng đơn giản, nhưng thực ra việc triển khai thiết kế lại có rất nhiều bài toán cần giải quyết để ứng dụng có hiệu quả.
Đầu tiên là bài toán bắt quét các thiết bị có hệ điều hành khác nhau. Hiện nay, trên thị trường có 2 hệ điều hành chính Adroid và IOS, chính sách của Google và Apple khác nhau. Công nghệ bluetooth sinh ra cũng không phải để truy vết tiếp xúc ngay từ đầu. Để tận dụng Bluetooth vào truy vết thì ứng dụng của nhà phát triển phải có rất nhiều công nghệ phục vụ việc bắt quét triệt để.
Bên cạnh đó là bài toán truy vết, bảo mật (đảm bảo vấn đề riêng tư của cá nhân người dùng) và trải nghiệm người dùng (bắt quét triệt để song song với tiết kiệm năng lượng).
Ở đây, công việc không chỉ là phần mềm mà còn liên quan đến phần cứng nên phải huy động cả đội ngũ phần cứng để tìm hiểu phần lõi của các loại máy di động trên thị trường, đo lượng năng lượng tiêu thụ, chọn băng tần phù hợp. Nhờ việc đầu tư nghiên cứu sản xuất smartphone nhiều năm nên chúng tôi mới làm được nhanh và hiệu quả, chứ iOS thì chỉ có ít thiết bị, còn Android thì rất nhiều; nếu không có nền tảng kiến thức về phần cứng từ trước thì rất khó.
Nhìn ứng dụng có vẻ đơn giản nhưng để giải quyết được tất cả các bài toán đó, team Bluezone cần tới 40 nhân sự. Sau khi ra mắt ứng dụng, trong khoảng 3 tuần tiếp theo, đội ngũ lên tới 100 người bao gồm cả cán bộ nghiên cứu và các cán bộ truyền thông, thu thập dữ liệu, đào tạo… để hoàn thiện ứng dụng. Vì thế, nói Bluezone chỉ cần biết code với iOS và Android đơn giản là làm được thì không phải đâu.
Tuy nhiên, nhân tố quan trọng giúp Bluezone có được kết quả là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong ngành. Khi Bluezone đưa vào sử dụng cần có các hạ tầng vật lý, đã được hỗ trợ rất nhiều bởi các doanh nghiệp lớn như Vietel, VinaPhone, MobiFone, CMC, và cả Vietnamobile…
Một sản phẩm chỉ làm trong thời gian rất ngắn nhưng số lượng người dùng lại đạt mức kỷ lục trong số các sản phẩm của BKAV (hiện đã có gần 30 triệu lượt tải), anh có suy nghĩ gì về điều đó?
Bluezone thành công nhờ có sức mạnh toàn dân. Việc Bluezone khi triển khai đạt được số lượng trên 20 triệu người dùng chỉ trong 3 tuần (thời gian tăng trưởng cao điểm -PV) là một kết quả đáng kinh ngạc trên bình diện thế giới chứ không chỉ tại Việt Nam.
Trước đó, các ứng dụng có nhiều lượt tải nhất ở Việt Nam đều của Mỹ, như Facebook, Instagram… Câu chuyện một ứng dụng Việt có thể vươn tầm sánh ngang họ như Bluezone, được xếp hạng vào top các ứng dụng của năm về lượng cài đặt và sử dụng thể hiện sức mạnh Việt Nam. Một sản phẩm khi chứng minh được sự tin cậy cũng như được cộng đồng thấu thiểu thì sản phẩm đó có thể triển khai với quy mô thần tốc.
Thực tế, Bluezone có được số lượng người dùng rất lớn và hiệu quả trong truy vết Covid-19 không phải do công nghệ mà do triển khai tốt, nhanh và nhận được sự cộng hưởng sức mạnh của cộng đồng: từ Chính phủ, các công ty viễn thông – công nghệ thông tin trong cùng ngành, sự hưởng ứng của người dân và cả các phương tiện truyền thông… đều chung tay.
Chúng tôi cũng coi đây là phép thử, để củng cố thêm niềm tin rằng: Mình cứ làm sản phẩm hữu ích cho xã hội, mang lại giá trị thì sẽ được cộng đồng đón nhận. Như slogan của BKAV: Hãy làm việc hết mình, điều tốt đẹp sẽ đến.
Vì sao nhiều yếu tố thuận lợi lại cộng hưởng với Bluezone như vậy?
Tôi nghĩ rằng tất cả phụ thuộc vào vấn đề niềm tin. Có biến cố về dịch bệnh như thế này, chúng ta mới thấy rằng người Việt rất tin vào giá trị Việt, tin vào Chính phủ: Tự chúng ta mới cứu được chúng ta, chứ không có một quốc gia nào khác có thể.
Bình thường, không ít người vẫn nghĩ là công nghệ của Việt Nam không thể làm được, nhưng đại dịch Covid-19 đã cho thấy một thực tế khác. Nước Mỹ hùng mạnh như vậy, công nghệ tốt như vậy mà vẫn "toang" nhưng Việt Nam thì không như thế.
Điều đó cho thấy rằng, khi chúng ta có niềm tin, cùng chung tay hành động, niềm tin đó sẽ là cơ sở giúp các sản phẩm như Bluezone cũng như các sản phẩm khác vươn lên và đạt được thành công.
Thực tế, khi làm bài test so sánh giữa tính năng bắt quét của Bluezone với công nghệ TraceTogether của Singapore, kết quả cho thấy Bluezone có tốc độ bắt quét nhanh hơn và triệt để hơn.
Còn khi số lượng người dùng đã lên con số hàng chục triệu thiết bị rồi thì hiệu quả sẽ nhìn thấy rõ thôi. Đó là sức mạnh từ sự hưởng ứng của người dùng – điều quan trọng nhất đối với sự thành công của một ứng dụng.
Kinh nghiệm làm Bluezone đem lại bài học gì cho BKAV trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ khác?
Theo tôi, Bluezone là sản phẩm có tên tuổi đầu tiên có hướng mở mã nguồn. 99% các sản phẩm công nghệ trên thế giới đều có mã nguồn mở, nhưng ở Việt Nam thì chưa phổ biến dù đã có Hiệp hội mã nguồn mở.
Bài học mà chúng tôi nhận ra khi mở mã nguồn Bluezone là một triết lý đơn giản mà nhiều người vẫn hay nói: "Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau".
Khi mở mã nguồn, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến, không chỉ về vấn đề công nghệ mà còn là những vấn đề về tâm lý người dùng khi sử dụng sản phẩm như: dùng Bluezone có ảnh hưởng đến tính riêng tư không, có bị tấn công hay không… Đây là những câu hỏi mà nhà phát triển không dễ để trả lời, và cách đơn giản nhất là mở mã nguồn cho cộng đồng soi xét, đánh giá
Khi mở rồi, chúng tôi nhận được cả phản hồi từ cộng đồng kỹ sư ở Silicon Valley. Họ cũng tham gia hỏi đáp, và chúng tôi có cơ hội để trao đổi trực tiếp với chuyên gia, cộng đồng để tìm ra tiếng nói chung.
Và nhờ việc mở mã nguồn, từ nền tảng công nghệ bắt quét thông qua bluetooth của Bluezone, các nhóm nghiên cứu khác có thể sử dụng nó để ứng dụng vào các khía cạnh khác của cuộc sống.
Với cách tiếp cận này, những ý tưởng, tri thức sẽ đến với cộng đồng triệt để hơn so với việc làm sản phẩm đóng gói mà chỉ người mua sản phẩm, dịch vụ mới được trải nghiệm. Điều này cũng góp phần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm Việt, liên kết các nhóm phát triển với nhau.
Một sản phẩm chỉ làm trong thời gian rất ngắn như Bluezone thì có tới hàng chục triệu người dùng, còn sản phẩm phải làm rất nhiều năm và tốn nhiều công sức như Bphone lại có một kết quả rất khác. Anh nghĩ gì về điều đó?
Cách đây nhiều năm, một người bạn kể cho tôi câu chuyện: Một người nông dân trồng nho rất vất vả, chăm bẵm tưới tắm nhưng cây không ra trái. Sau ba năm, người đó tính chuyện chặt cây nho đi. Bỗng một ngày, hàng xóm mang đến cho anh ta những quả nho chín mọng và nói: "Cây nho nhà anh mọc sang đất nhà tôi và kết trái rất ngon". Lúc đó, anh trồng nho mới biết cây nho leo sang tường nhà người khác và ra trái ngọt.
Câu chuyện này cứ đi theo tôi mãi.
Câu chuyện của Bphone không phải câu chuyện của sản phẩm, mà là câu chuyện của sự sẵn sàng. Đó là sự sẵn sàng về mặt công nghệ, về năng lực.
Chúng tôi là smartphone thì đương nhiên cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu rồi, không thể nói là cạnh tranh với công ty nhỏ được. Điều đó tạo cho chúng tôi sự sẵn sàng. Đương nhiên, chúng tôi xác định đây là cuộc chơi phải thắng. Tuy nhiên, cũng như câu chuyện vườn nho: Bây giờ chúng tôi chưa được hưởng trái, nhưng đâu đó nho đã kết quả.
Ví dụ như camera AI (BKAV AI View) chẳng hạn, là kết trái từ sản phẩm điện thoại. Với thời gian triển khai trong 3 tháng, hệ thống Qualcomm của Mỹ nhận xét đây là tốc độ thần kỳ, chưa một đối tác nào có thể đạt được. Để có kết quả đó, chúng tôi mất tới hơn 10 năm nghiên cứu phát triển smartphone.
Ngay cả Bluezone cũng là một "quả nho" từ việc làm smartphone. Để bắt quét công nghệ triệt để cũng như tiết kiệm năng lượng, đội ngũ phần cứng phải tham gia rất nhiều.
Từ bài học về Bluezone, anh và BKAV đã tìm thấy cơ hội cho Bphone tăng tốc chưa?
Trong quá trình phát triển sản phẩm điện thoại, về cơ bản, doanh nghiệp Việt khá cô đơn và phải dùng nội lực là chủ yếu. Cô đơn cả về mặt hỗ trợ và công nghệ trong cộng đồng.
Ví dụ ở Mỹ, Apple sản xuất ra iPhone thì rất nhiều công ty khác cùng tham gia, vì có cộng đồng, hệ sinh thái. Giống như câu chuyện phần cứng trong công nghiệp hỗ trợ thì phần mềm cũng vậy.
Đó là thực tế, và bài toán của doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó vẫn phải giải quyết thôi. Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc, và sẽ tiếp tục.
Không ít người hay chế nhạo tinh thần "người Việt Nam làm được" của BKAV khi làm Bphone và thực ra sản phẩm cũng chưa thể đạt được vị trí đáng kể so với các đối thủ nước ngoài trên thị trường. Anh cảm thấy thế nào?
Đội ngũ của BKAV coi việc chế nhạo đó là một trong những vấn đề cần giải quyết. Việc giải quyết sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược công bố thông tin.
Trước khi ra mắt Bphone, BKAV đã trải qua rất nhiều giai đoạn nghiên cứu, phát triển, nhưng không công bố thông tin. Phải đến khi sản phẩm hoàn thiện, ra mắt mới công bố. Như vậy thì ai tin?
Muốn người ta tin mình làm được ô tô thì trước tiên phải công bố mình đã làm được cái lốp xe, khung xe; điện thoại thì phải công bố từ kiểu dáng, rồi công nghệ dẫn xuất… thì cộng đồng mới tin.
Tức là ở góc độ truyền thông, sản phẩm Việt phải đi theo hướng "mưa dầm thấm lâu". Còn nếu truyền thông theo kiểu "đánh nhanh thắng nhanh" thì chỉ có đa cấp thôi. Văn hóa Việt Nam chưa quen với kiểu "thần tốc" đó.
Ngoài ra, để phát triển giá trị Việt rộng rãi hơn, chiến lược nền tảng mở sẽ đóng vai trò quan trọng. Khi sản phẩm có rất nhiều người dùng, mọi người sẽ không nghi ngại nữa. Còn sản phẩm chưa có nhiều người dùng thì ai dùng mới biết, còn người khác không dùng sẽ bảo vệ quyết định của mình, rằng dùng điện thoại ngoại tốt lắm, Bphone có rất nhiều vấn đề.
Tóm lại, việc bị chế nhạo phải giải quyết bằng số lượng người dùng. Sắp tới, chúng tôi sẽ hướng nhiều tới nền tảng mở - một cách để quảng bá ra cộng đồng. Thông qua Bluezone, cái nhìn về BKAV và sản phẩm của BKAV đã tích cực hơn rất nhiều.
Cuối cùng, cần phải xem xét, đối tượng nào mới thực sự nhận được nhiều giá trị từ công nghệ. Người nhận được nhiều giá trị từ công nghệ có phải các "nhà phê bình công nghệ" đó hay không? Công nghệ sẽ giúp ích cho những người cần – chính là những người còn gặp khó khăn trong xã hội mà phải nhờ đến công nghệ mới giải quyết được.
Đây là một vấn đề mang tính quy luật. Miễn là chúng tôi làm sản phẩm hữu ích cho nhiều người thì sản phẩm của chúng tôi sẽ lan tỏa. Trước đây, nghe thấy tin "ném đá" là chúng tôi đối chất ngay, nhưng dần dần, chúng tôi đổi chiến thuật "âm thầm chờ thời", hướng đến những người thật sự cần mình. Tất nhiên, những người ném đá không thể ngày một ngày hai mà thay đổi quan điểm, nhưng những người ủng hộ sản phẩm thì có thể tăng lên.
Cảm ơn anh!