Truy xuất nguồn gốc đang trở thành một khâu phải có đối với việc kinh doanh hàng nông sản, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, và truy xuất nguồn gốc chính là một công cụ giúp người dùng an tâm hơn khi tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm. Nhờ đó, người dùng có thể biết thêm thông tin về cách thức sản xuất loại thực phẩm họ mua. Đối với người bán, tích hợp công cụ truy xuất nguồn gốc cũng mang lại lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường.
Vụ việc rau trôi nổi dán nhãn VietGap và đưa vào một số cửa hàng trong hệ thống siêu thị WinMart thuộc WinCommerce của tập đoàn Masan vừa qua càng khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại vì không phân biệt được nguồn gốc thực phẩm, bỏ tiền ra mua sản phẩm với giá cao nhưng chất lượng “hàng chợ”.
Giải quyết vụ việc này, tập đoàn Masan đã ngừng nhập và loại bỏ toàn bộ số hàng hóa này khỏi các cửa hàng, đồng thời tiến hành rà soát lại các nhà cung cấp rau khác.
Hiểu đúng về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Sử dụng công cụ truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể theo dõi, nắm bắt thông tin về sản phẩm, từ nguồn gốc nguyên liệu, cách thức sản xuất và chế biến, quy trình vận chuyển và phân phối ra thị trường. Một số nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Thái Lan … đã bắt buộc các loại hàng hóa, thực phẩm phải có truy xuất nguồn gốc thông tin sản phẩm. Đặc biệt, liên minh châu Âu đã yêu cầu tất cả hàng hóa đưa ra thị trường phải được dán nhãn bằng phương thức thích hợp để truy xuất được nguồn gốc.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đặc biệt quan trọng đối với mặt hàng thực phẩm, đồ ăn uống. Những lỗ hổng trong quá trình quản lý chưa được xử lý triệt để khiến hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng có khe hở trà trộn trên thị trường. Chính vì thế, người tiêu dùng bị lạc vào “ma hồn trận” các loại sản phẩm và dẫn đến mua nhầm những mặt hàng kém chất lượng. Điều này khiến những doanh nghiệp kinh doanh chân chính bị “vạ lây”, đôi khi mất uy tín, niềm tin với người tiêu dùng, do đó mức độ tiêu thụ hàng hóa sụt giảm.
Mặc dù vậy, ý nghĩa của việc truy xuất nguồn gốc vẫn chưa được các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu hết. Rất nhiều sản phẩm bày bán gắn mã QR code và quảng bá là công nghệ truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, thông tin cung cấp khá hạn chế, chỉ có những thông tin như nhà sản xuất, địa chỉ, đơn vị phân phối hay các thành phần, nguyên liệu của sản phẩm. Thực tế, truy xuất nguồn gốc bao hàm nhiều thông tin hơn, có thể nói là mọi thông tin liên quan đến sản phẩm, từ khi hình thành cho đến khi ra thị trường.
Để đạt hiệu quả cao nhất khi ứng dụng truy xuất nguồn gốc, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, để doanh nghiệp cũng như người dùng hiểu rõ hơn về yêu cầu thông tin này. Từ đó, nhận thức được nâng cao, thông tin được minh bạch và đầy đủ, cải thiện chất lượng và uy tín, giúp doanh nghiệp hòa nhập với thị trường quốc tế.
Diện tích bao bì sản phẩm nhiều khi không thể hiện hết thông tin liên quan, như nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là nguyên liệu, quá trình sản xuất, chế biến. Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp có thể cung cấp nhanh, đầy đủ thông tin đến người tiêu dùng. Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những thông tin này, để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng. Những vấn đề như thuốc trừ sâu, hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi trồng, chế biến đang được quan tâm mạnh mẽ. Công nghệ truy xuất nguồn gốc khiến mọi dữ liệu liên quan đến quá trình tạo ra thành phẩm đều được công khai minh bạch.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam như Luật ATTP 2010, Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 03/2011/TT-BNNPTNT, với mục tiêu truy xuất và thu hồi những sản phẩm không đảm bảo an toàn cho người dùng, trong đó có những sản phẩm chưa hướng đến minh bạch hóa và cung cấp thông tin cho các tác nhân liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các hộ kinh doanh cần áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc, vừa là để bảo vệ thương hiệu của chính mình, vừa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm để mở rộng sang các thị trường quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, thử thách và trở ngại lớn của các doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường tiêu dùng cả trong và ngoài nước chính là sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chưa kể, để xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, hiện diện tại những quốc gia khó tính như các nước châu Âu, ngoài việc sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng, còn phải thực hiện vấn đề truy xuất nguồn gốc.
Hiện tại, các sản phẩm nông sản, thủy sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại các nước châu Âu. Tuy nhiên để nắm bắt cơ hội này, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc, để tạo chuỗi cung ứng an toàn, hình thành niềm tin của người dùng châu Âu đối với hàng hóa Việt Nam.
Các quy định về xuất xứ hàng hóa cũng đã được nhà nước quy định trong Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ. Trong đó, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ dựa trên các quy định và yêu cầu liên quan đến các thông tin như nguồn gốc xuất xứ của loại hàng hóa. Giấy chứng nhận này do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp.
Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu cũng nhằm để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn Điều ước quốc tế đó.
Như vậy, các doanh nghiệp muốn kinh doanh và phát triển, mở rộng ra thị trường quốc tế bắt buộc phải quan tâm và áp dụng việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trước hết là để nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng và để đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin của người tiêu dùng trong nước; sau đó là để đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã là xu thế trên thế giới, doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài cuộc chơi. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp, mang lại lợi thế lâu dài.
Việc cấp mã số vùng trồng, vùng sản xuất là một trong những vấn đề quan trọng của truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay đã có 50 tỉnh, thành phố được cấp mã số vùng trồng với số lượng 4.000 mã số cho các loại sản phẩm nông nghiệp, như trái cây, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, gỗ...
Cung cấp truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa, sản phẩm bán ra thị trường không chỉ mang lại những thông tin minh bạch, nâng cao uy tín thương hiệu mà đồng thời cũng sẽ giúp đẩy lùi những loại hàng hóa kém chất lượng, từ đó làm trong sạch thị trường, đồng thời góp phần đẩy lùi nạn gian lận xuất xứ ảnh hưởng tới mối giao thương giữa các nước với Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, nền kinh tế 4.0 yêu cầu thông tin về sản phẩm hàng hoá được theo dõi đến từng bước nhỏ, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ. Truy xuất nguồn gốc chính là nền tảng cho việc sản xuất, lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế 4.0./.