Truyền thông

Truyền thông về quyền con người - Một số nhận thức mới và kinh nghiệm

Nguyễn Thu Hường, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT 08/07/2024 14:45

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người (QCN) là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm QCN và qua đó, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở bình diện toàn cầu.

Tóm tắt

- Công tác truyền thông quyền con người (QCN) đã có sự chuyển biến quan trọng, từ coi đấu tranh là chủ yếu chuyển thành “xây là chính”, “lấy xây để chống”.
- Kinh nghiệm truyền thông về QCN: Khai thác hiệu quả báo chí; Đổi mới cách tiếp cận QCN trên báo chí; Khuyến
khích truyền thông công dân và truyền thông số.
- Khuyến nghị:
+ Các cơ quan nhà nước, địa phương: Thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, chủ động trong truyền thông chính sách, huy động sự tham gia và phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan báo chí;
+ Các cơ quan báo chí: Tiếp cận QCN từ các khía cạnh nhân đạo, nhân văn; đấu tranh, phản bác trên cơ sở pháp luật,
dựa trên luật pháp và văn hóa.
+ Các cơ quan chức năng (BCĐ Nhân quyền và Bộ TT&TT) có các hình thức khen thưởng, kỷ luật kịp thời.

I. Bước chuyển về nhận thức trong truyền thông QCN

Đảng ta đã xác định từ sớm tầm quan trọng và tác động của công tác này đến thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Một số văn bản định hướng quan trọng cần kể đến gồm: Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề QCN và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 02/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới” và Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”... Các văn kiện nêu trên đều nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCN, quyền và nghĩa vụ công dân.

quyen-con-nguoi-qdnd.jpg
Ảnh minh hoạ (nguồn: xaydungdang.org.vn)

Ở thời điểm trước khi bình thường thường hóa quan hệ, chính quyền Mỹ qua nhiều thế hệ lãnh đạo đã sử dụng biện pháp bao vây, cấm vận về kinh tế, chính trị với mục tiêu làm cho Việt Nam kiệt quệ về kinh tế, suy kiệt về chính trị. Không những thế, các tổ chức phản động cả ở trong và ngoài nước với sự hỗ trợ từ nước ngoài tìm cách gây bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng.

Tới cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, Mỹ có sự điều chỉnh chính sách: tập trung giải quyết vấn đề Tù binh Chiến tranh và Người Mỹ mất tính trong Chiến tranh (POW/MIA); bước đầu đề cập thận trọng vấn đề dân chủ nhân quyền; “từng bước có điều kiện” để nới lỏng các mức quan hệ, dần dần đi đến xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nhưng vẫn nhằm chuyển hóa nền chính trị Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo của Mỹ. Trong tình hình đó, công tác nhân quyền và tuyên truyền về nhân quyền được xác định cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân ta để mọi người hiểu rõ quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về QCN, quyền và nghĩa vụ công dân, vạch trần những luận điệu bịp bợm và thủ đoạn xấu xa của các thế lực thù địch về QCN...

Các phương tiện thông tin đại chúng cần tích cực tham gia chống địch hoạt động phá hoại tư tưởng trên lĩnh vực QCN, hạn chế những sơ hở dễ bị địch lợi dụng xuyên tạc... Khắc phục tình trạng bị động trong hoạt động tuyên truyền đối ngoại... Cần có sự phối hợp giữa mọi lực lượng từ các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội và những cán bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài hoặc có quan hệ tiếp xúc với người nước ngoài để chủ động tuyên truyền, giải thích cho bạn bè và khách quốc tế hiểu rõ thực chất vấn đề QCN ở nước ta.

Ngày 20/7/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW về công tác nhân quyền trong tình hình mới và ngày 06/02/2018, sau gần 08 năm thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, Ban Bí thư đã có kết luận tại Thông báo kết luận số 46-TB/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 44- CT/TW, tiếp tục xác định cần “đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm QCN của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta”.

Ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về QCN ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 (Quyết định 1079) trong đó tiếp tục khẳng định quan điểm trong công tác thông tin, truyền thông về QCN là “lấy xây để chống, trong đó xây là chính”.

Có thể thấy, nhận thức về công tác truyền thông quyền con người ở nước ta đã có sự chuyển biến quan trọng, từ chỗ coi đấu tranh là chủ yếu chuyển thành “xây là chính”, “lấy xây để chống”. Nội dung trước đây chủ yếu bó hẹp trong “tuyên truyền” quan điểm, chính sách của Nhà nước ta và phản bác các luận điệu xuyên tạc, nay đã chuyển sang “truyền thông” chủ động trên cả 03 bình diện (i) phổ biến, giáo dục kiến thức về QCN; (ii) tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm QCN; (iii) giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình QCN ở Việt Nam.

Sự chuyển biến trong nhận thức và quan điểm này phản ánh khách quan các những bước tiến quan trọng về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Phản ánh rõ nhu cầu và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của đất nước, Quyết định 1079 xác định mục tiêu tổng quát “Truyền thông về QCN nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các QCN; thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy QCN ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực QCN ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới”.

So với các chỉ đạo, định hướng về truyền thông QCN trước đây, mục tiêu đã được bổ sung chuyển biến nhận thức trong toàn xã hội về QCN, không chỉ ở việc trang bị kiến thức, hiểu biết trong nhân dân mà còn nâng cao uy tín của Việt Nam tương xứng và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII “là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Về phương thức truyền thông, Quyết định 1079 cũng xác định điểm mới trong quan điểm chỉ đạo đó là “ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo QCN của Nhà nước ta”. Trên cơ sở đó, Đề án đã cụ thể hóa việc sử dụng công nghệ trong các giải pháp, nhiệm vụ cũng như đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như “tỉ trọng các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và sản phẩm truyền thông trên nền tảng số chiếm từ 15% đến 20% tổng số sản phẩm truyền thông về QCN” và “100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông của Đề án được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn, chống tin giả, thông tin xấu độc về tình hình QCN ở Việt Nam. Giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại QCN trên không gian mạng xuống còn dưới 10% tổng số thông tin về QCN ở Việt Nam; phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại QCN trên không gian mạng.”

Có thể khẳng định, trong gần 40 năm Đổi mới ở nước ta, truyền thông về QCN đã được xác định rõ về tầm quan trọng; nhận thức và quan điểm về công tác này là một quá trình vận động phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, xuất phát từ chính nhu cầu của Nhà nước Việt Nam là nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn chất lượng thụ hưởng QCN cho người dân Việt Nam. Quá trình xây dựng Quyết định 1079 có căn cứ trên 03 khuyến nghị của quốc tế về tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về QCN đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, bao gồm khuyến nghị số 63, 67, 86 theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chu kỳ III, nhưng trên thực tế là sự chủ động, có chuẩn bị và giải mật hóa các nỗ lực trước nay của Đảng và Nhà nước ta trong công tác truyền thông QCN nói riêng và công tác bảo vệ, thúc đẩy QCN ở Việt Nam nói chung.

tre-em-dan-toc-thieu-so-tai-lai-chau-3.jpg
Ảnh minh họa (dangcongsan.vn)

Bước chuyển trong nhận thức và quan điểm về công tác truyền thông QCN có thể gói gọn trong bốn điểm chính: từ chống sang xây là chính, lấy xây để chống; từ bị động phản bác sang chủ động truyền thông thành tựu, nỗ lực; từ chỗ xuất phát từ sức ép bên ngoài chuyển thành nhu cầu tự thân nhằm chăm lo, thúc đẩy ngày càng tốt hơn chất lượng thụ hưởng quyền của người dân Việt Nam và mọi người nói chung; từ chỗ phá thế bao vây, cô lập chuyển sang củng cố vị thế là một thành viên có trách nhiệm và uy tín trong việc thực thi và hoàn thiện các chuẩn mực quốc tế về QCN trên bình diện toàn cầu.

II. Một số kinh nghiệm tham khảo

Quá trình triển khai thực hiện Quyết định 1079 từ năm 2022 đến nay và tích lũy các kinh nghiệm của Cục Thông tin đối ngoại với vai trò là đơn vị chủ trì tham mưu, giúp việc Lãnh đạo Bộ TT&TT trong công tác truyền thông QCN, có thể đúc rút một số kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với các cán bộ làm công tác truyền thông các cấp. Cụ thể như sau:

Khai thác hiệu quả báo chí

Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng trưởng thành và thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò là diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, của nhân dân; là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Với lợi thế là tính phổ cập, kịp thời và rộng khắp, báo chí là một kênh đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta về QCN. Phát huy thế mạnh đặc trưng của mình, mỗi loại hình báo chí đều có thể tìm được những hình thức thích hợp để chuyển tải nội dung truyền thông QCN đến đối tượng một cách hiệu quả nhất.

Thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan đã có những chuyển biến lớn trong công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, qua báo chí thông tin, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Từ tháng 6/2016, Bộ TT&TT phối hợp với Văn phòng Thường trực về Nhân quyền tổ chức và duy trì cơ chế Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác QCN và thông tin đối ngoại định kỳ hằng tháng. Tính đến tháng 3/2024, đã có khoảng 80 Hội nghị được tổ chức tại trụ sở của Bộ TT&TT hoặc tại các địa phương với khoảng 7.000 lượt phóng viên các cơ quan báo đài trung ương, các cán bộ làm công tác TT&TT về QCN của cả nước tham gia, khoảng 200 chuyên đề do đại diện các bộ, ban ngành cung cấp tới báo chí.

Bên cạnh đó, hằng năm Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ và Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT còn phối hợp tổ chức các đoàn phóng viên đi thâm nhập thực tế, viết bài tại các cơ sở, địa phương, chú trọng đến các cơ sở có yếu tố dân tộc, tôn giáo, các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, các trại giam, trại cai nghiện... Qua cơ chế này thúc đẩy trách nhiệm và sự chủ động trong phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan nhà nước; tạo điều kiện cho phóng viên báo chí được tiếp cận thông tin gốc, kiến thức nền và các cơ hội đi thâm nhập thực tế viết bài, qua đó, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm báo chí về QCN ở Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc ”khó”, tâm lí cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách, làm rõ các thông tin dư luận quan tâm. Đây là các khâu yếu cần khắc phục mà Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền và các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục duy trì công tác tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông cho các lực lượng.

Đổi mới cách tiếp cận QCN trên báo chí

Trước nay, khi nói tới các cơ quan báo chí đi đầu trong công tác nhân quyền, có thể kể ngay một số tên tuổi trong làng báo mạnh về đấu tranh phản bác, bút chiến như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, VTV1, An ninh TV... Tuy nhiên, với cách tiếp cận mới, các sản phẩm báo chí truyền thông đối ngoại thành công về QCN thời gian gần đây đã có sự thay đổi về chủ thể, cách chọn chủ đề và cách khai thác, thể hiện đề tài.

vtv4.jpg

Kênh Văn hóa – Đối ngoại (VTV4), Đài Truyền hình Việt Nam có thể coi là đơn vị dẫn đầu trong xu thế này. VTV4 hiện phát sóng 24/7 với 9 bản tin hằng ngày bằng 06 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật Bản và trên 20 chuyên mục mỗi tuần. VTV4 cũng là đầu mối của Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện việc hợp tác, trao đổi tin tức với các tổ chức/đài/kênh truyền hình trên thế giới, tiêu biểu như với DW (Đức), CNN (Mỹ), NHK, Nara (Nhật Bản), tham gia chương trình trao đổi tin tức truyền hình hằng ngày ASIA VISION của Hiệp hội Phát thanh, truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương (ABU).

Về QCN, VTV4 phối hợp với Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ thực hiện chuyên mục “Chân dung cuộc sống” thời lượng 30 phút, 2 tuần / số với nội dung cung cấp thông tin chính thống, bức tranh toàn cảnh về việc thực thi các quyền con người, quyền công dân theo các công ước và chuẩn mực quốc tế đã được công nhận, theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, thông qua các câu chuyện nhân văn, sinh động về hoạt động bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam. Góc độ nhân quyền được tiếp cận một cách dễ hiểu, không khô cứng giúp khán giả tiếp cận vấn đề một cách đa chiều, khách quan, qua chia sẻ trực tiếp từ người trong cuộc. Nhân vật người trong cuộc có thể là những người thuộc cộng đồng LGBTQ, là em bé dân tộc thiểu số ở vùng cao, là các phạm nhân đang học tập, cải tạo trong các cơ sở giam giữ... Cách tiếp cận và khai

triển vấn đề nhân quyền của VTV4 có thể được gói gọn trong 4 cụm từ: “đa dạng vấn đề”, “gần gũi, đời thường”, “chạm vào cảm xúc” và “có tính thời sự”.

Khuyến khích truyền thông công dân và truyền thông số

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản tư duy và cách làm, cách quản lý và điều hành công việc, Quyết định 1079/QĐ đã xác định rõ quan điểm “ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo QCN của Nhà nước ta”. Nói cách khác, không gian mạng đã và đang được xác định là không gian mới để làm thông tin đối ngoại, trong đó có truyền thông về QCN.

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thí điểm Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” trên nền tảng đối ngoại quốc gia Vietnam.vn lần thứ nhất thành công, tạo được hiệu ứng truyền thông tốt. Cuộc thi nhằm phát hiện và tôn vinh những khoảnh khắc, những câu chuyện có ý nghĩa về mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của Việt Nam thông qua những tác phẩm ảnh, video của các tác giả trong nước và quốc tế gửi tham dự. Đối tượng tham gia dự thi là các nhiếp ảnh gia, các nhà làm phim chuyên nghiệp và không chuyên người Việt Nam, kiều bào và bạn bè quốc tế qua đó thể hiện sự sinh động, khách quan và chân thực về hình ảnh Việt Nam thanh bình, tươi đẹp, đang phát triển năng động, một quốc gia hạnh phúc của những người dân hạnh phúc.

Lễ trao giải và Triển lãm đã được thực hiện tối ngày 19/12/2023 tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự tham dự của Bộ trưởng và Lãnh đạo các bộ, ban, ngành và truyền hình trực tiếp trên Kênh Văn hóa - Đối ngoại (VTV4) của Đài Truyền hình Việt Nam để phát sóng trong và ngoài nước. Dư luận sau đêm trao giải rất tích cực, riêng Lễ khai mạc triển lãm và công bố giải thưởng có 70 cơ quan báo chí với 320 tin bài, chương trình, phát thanh, truyền hình đưa về sự kiện và 10 KOLs (nhân vật có sức ảnh hưởng) đến dự, lan tỏa thông điệp và ý nghĩa của sự kiện. Hơn 7.000 tác phẩm ảnh và video gửi tham gia cuộc thi được đăng tải trên nền tảng thông tin đối ngoại quốc gia Vietnam. vn, thu hút lượt xem trên 90 triệu, trong đó trên 40% là từ nước ngoài.

giai-nhat_bay-len.png
Tác phẩm "Bay lên Việt Nam" đạt giải Nhất hạng mục Ảnh Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” thuộc về tác giả Bùi Cương Quyết.

Sản phẩm đạt giải đã và đang được khai thác triển lãm trên nền tảng thông tin đối ngoại quốc gia Vietnam.vn và triển lãm trực tiếp phục vụ các sự kiện thông tin đối ngoại ở trong và ngoài nước. Mới đây nhất, các tác phẩm đạt giải của cuộc thi đã được trưng bày triển lãm trong khuôn khổ Liên hoan Thanh niên thế giới tại Sochi, Liên bang Nga – sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng 20.000 người từ hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các tác phẩm từ người dân, nhất là qua con mắt khách quan của các tác giả người nước ngoài thực sự có tính lan tỏa rộng rãi, nhanh chóng, được tiếp nhận một cách thân thiện, bớt định kiến và giàu tính thuyết phục chính là các yếu tố giúp đạt được các mục tiêu truyền thông đối ngoại về QCN của các nhà tổ chức.

Theo kế hoạch, năm 2024, Bộ TT&TT sẽ tổ chức phát động cuộc thi trên phạm vi toàn quốc, trên cơ sở các tác phẩm 63 tỉnh, thành hạnh phúc tạo nên bức tranh tổng thể về một Việt Nam hạnh phúc. Đây sẽ là sự kiện thường niên để lan tỏa mạnh mẽ hơn thông tin tích cực về Việt Nam mà người làm nên và phản ánh một Việt Nam hạnh phúc không ai khác chính là các tác giả - người dân – những “cán bộ thông tin đối ngoại” đặc biệt của Việt Nam.

III. Khuyến nghị một số việc cần làm ngay

Chủ trương, quan điểm và các đề án có đúng đắn, kịp thời đến đâu cũng sẽ không thể thành công nếu thiếu sự thống nhất, đồng lòng trong cách hiểu và tổ chức thực hiện từ Trung ương tới cấp địa phương, cơ sở. Trong thời gian hiệu lực của Quyết định 1079 - giai đoạn 2023-2028 các cấp ủy đảng, chính quyền và trực tiếp là các Sở TT&TT, các cơ quan báo đài Trung ương và địa

phương cần quán triệt để các quan điểm chỉ đạo mới để triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 1079.

- Các địa phương, các cơ quan hành chính nhà nước nói chung cần thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, chủ động trong truyền thông chính sách, huy động sự tham gia và phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan báo chí. Sau tập huấn toàn quốc về QCN do Bộ TT&TT tổ chức năm 2023, các BCĐ Nhân quyền (Công an Tỉnh và Sở TT&TT) các tỉnh phối hợp chặt chẽ tham mưu, tổ chức cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ, trong điều kiện phù hợp tổ chức đón các đoàn phóng viên báo chí trong và ngoài nước đi thực tế viết bài phản ánh thực tiễn các nỗ lực và kết quả bảo đảm, phát huy QCN ở địa phương, đơn vị.

- Các cơ quan báo chí: tiếp cận QCN từ các khía cạnh nhân đạo, nhân văn, đồng thời đấu tranh, phản bác trên cơ sở pháp luật, dựa trên luật pháp và văn hóa. Cần phân loại các đối tượng khán giả mục tiêu để có cách tiếp cận đấu tranh hoặc vận động phù hợp, không đánh đồng. Nâng cao chất lượng các sản phẩm bằng tiếng nước ngoài, truyền dẫn, phát sóng, phát hành trên đa nền tảng để lan tỏa, tiếp cận tới đúng khán giả mục tiêu.

Các cơ quan chức năng (BCĐ Nhân quyền và Bộ TT&TT) có các hình thức khen thưởng, kỷ luật kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích/ vi phạm trong công tác truyền thông về QCN. Tăng cường hợp tác quốc tế trong truyền thông về QCN để tăng cương trao đổi kinh nghiệm kỹ năng, chia sẻ thông tin, giải tỏa các căng thẳng, nhận định chưa khách quan về truyền thông VN cũng như đảm bảo QCN ở Việt Nam. Có hình thức huy động và ghi nhận xứng đáng từ các cơ quan Nhà nước với sự tham gia của truyền thông công dân, truyền thông xã hội. Nhà nước đóng vai trò là người cầm nhịp, ghi nhận kịp thời và hỗ trợ, tạo điều kiện để tôn vinh lực lượng truyền thông đông đảo này.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2024)

Bài liên quan
  • Đảm bảo quyền con người trong chuyển đổi số
    Chuyển đổi số (CĐS) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông về quyền con người - Một số nhận thức mới và kinh nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO