Truyền thông

TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao: Xây dựng lòng tin ở Biển Đông

PV 27/10/2023 08:59

Trả lời phỏng vấn nhân Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng Hội thảo sẽ giúp lan truyền đến công chúng các thông tin chân thực, khách quan.

ttxvn_ong_son.jpeg
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao.

Đặc biệt là tính thượng tôn pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, nuôi dưỡng những tiếng nói tích cực cho hòa bình, xây dựng lòng tin ở Biển Đông.

Chuỗi Hội thảo Biển Đông của Học viện Ngoại giao đã, đang tạo ra môi trường đối thoại thẳng thắn, hữu nghị nhằm tăng cường hiểu biết chung và thu hẹp khác biệt, thúc đẩy lòng tin, đối thoại, hợp tác.

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông đã trở thành một diễn đàn không thể thiếu

PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá kết quả của Hội thảo Quốc tế về Biển Đông sau 15 năm tổ chức có ý nghĩa như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn: Năm 2009, cách đây 15 năm, lần đầu tiên Học viện Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông, với mục tiêu xây dựng một diễn đàn không chính thức, công khai và rộng mở để các chuyên gia, học giả quốc tế thảo luận về tình hình Biển Đông nhằm tìm kiếm những giải pháp đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.

Sau 15 năm, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông trở thành một sự kiện, một diễn đàn không thể thiếu cho tất cả những người quan tâm đến việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông. Cộng đồng trong nước và quốc tế đều ghi nhận những kết quả đạt được qua các Hội thảo thường niên và thừa nhận chuỗi Hội thảo Biển Đông của Học viện Ngoại giao đã và đang tạo ra môi trường đối thoại rộng mở, thẳng thắng, hữu nghị, góp phần tăng cường hiểu biết chung và thu hẹp khác biệt, thúc đẩy lòng tin, đối thoại và hợp tác ở khu vực.

Cho đến nay, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông đã từng bước trưởng thành và dần nâng cấp trở thành diễn đàn đối thoại kênh bán chính thức uy tín hàng đầu tại khu vực, góp phần kết nối các lãnh đạo, chuyên gia, học giả, các nhà hoạch định chính sách từ nhiều khu vực trên thế giới có quan tâm tới tình hình Biển Đông. Ngày càng có nhiều chính khách cấp cao của các quốc gia, tổ chức quốc tế tham gia và có phát biểu quan trọng tại Hội thảo, bày tỏ quan điểm, thể hiện sự quan tâm đối với Biển Đông và khẳng định lập trường duy trì cam kết tại khu vực.

- Thưa ông, chủ đề của Hội thảo năm nay hướng tới điều gì và xin ông phân tích thêm những điểm mới tại Hội thảo lần thứ 15?

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn: Học viện Ngoại giao luôn cố gắng tìm kiếm và đổi mới trong việc đưa ra ý tưởng và cách thức tổ chức Hội thảo Quốc tế về Biển Đông nhằm thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận quốc tế.

Điểm mới đầu tiên chính là chủ đề của Hội thảo năm nay: “Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh.” Theo đó, “thu hẹp vùng biển xám” hướng tới mục tiêu công khai, thảo luận cởi mở, khiến cho không gian biển trở nên minh bạch và ổn định hơn, thúc đẩy thượng tôn luật pháp quốc tế và hạn chế những va chạm, xung đột không mong muốn trên biển; “mở rộng vùng biển xanh” nhằm xác định những tiềm năng hợp tác biển trong tương lai, thông qua việc thúc đẩy những kinh nghiệm và thực tiễn hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng như chuyển đổi xanh, các công nghệ mới, nghiên cứu và đầu tư năng lượng điện gió, chuyển đổi năng lượng biển… Cách tiếp cận này đều được các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo quan tâm sâu sắc và đánh giá cao.

Điểm mới thứ hai chính là lần đầu tiên Hội thảo Quốc tế về Biển Đông đã tổ chức một phiên thảo luận dành riêng cho đại diện lực lượng Cảnh sát biển của một số nước ven Biển Đông, nhằm hướng tới thúc đẩy hợp tác, vì một Biển Đông “xanh hơn,” “minh bạch hơn.”

Ngoài ra, Hội thảo đã nâng cấp phiên dành riêng cho các nhà lãnh đạo trẻ tại khu vực trở thành phiên toàn thể trong chương trình nghị sự chung. Từ nhiều năm, Chương trình lãnh đạo trẻ đã trở thành một sự kiện được tổ chức song song cùng Hội thảo chính, tạo ra một sân chơi khoa học cho thế hệ những nhà nghiên cứu trẻ từ các nước.

Năm nay, Hội thảo dành một phiên riêng cho các nhà lãnh đạo trẻ với tầm nhìn tạo nhận thức cho thế hệ kế cận về tầm quan trọng của hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật và tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ về giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin

ttxvn_hoi_thao_bien_dong_1.jpeg
Các đại biểu tham dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 15. Ảnh: TTXVN.

- Theo ông, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần này sẽ có tác động như thế nào đến dư luận thế giới?

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn: Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần này đặc biệt là cơ hội tổng kết 15 năm chuỗi Hội thảo Quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức. Nội dung thảo luận tại Hội thảo trải rộng nhiều phương diện, từ khía cạnh chính trị - ngoại giao, đấu tranh pháp lý và các hoạt động trên thực địa, nhất là các hoạt động “vùng xám” của một số bên liên quan trong việc thực hiện yêu sách biển của mình, vai trò của các diễn đàn đa phương trong quản lý tranh chấp, các yếu tố mới tác động đến tranh chấp tại Biển Đông như vai trò của công nghệ hiện đại, cơ sở hạ tầng thiết yếu trên biển…

Hội thảo quy tụ các chuyên gia, học giả về an ninh biển hàng đầu, các cựu quan chức Chính phủ cũng như những cán bộ đương nhiệm có nhiều năm làm việc liên quan đến Biển Đông, do vậy giúp cung cấp sát thực các đánh giá, tổng kết tình hình, tìm ra các nguyên nhân gây căng thẳng trên biển trong thời gian qua và đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin, phòng ngừa các rủi ro, tránh leo thang căng thẳng ở trên Biển Đông. Các khuyến nghị này sẽ được báo cáo lên các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách, từ đó có tác động đến chính sách phù hợp trên biển.

Đối với những đại biểu tham dự, việc gặp gỡ trực tiếp và có các tương tác, trao đổi tình hình thực tế trên biển sẽ giúp lan truyền đến công chúng các thông tin chân thực, khách quan, đặc biệt là tính thượng tôn pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, nuôi dưỡng những tiếng nói tích cực cho hòa bình, xây dựng lòng tin ở Biển Đông.

- Học viện Ngoại giao dự kiến những hoạt động gì trong thời gian tới để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông?

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn: Học viện Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại không chính thức, bán chính thức về các vấn đề chiến lược, an ninh biển, luật pháp quốc tế và hợp tác quốc tế về biển, đảo; tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới chuyên gia, học giả và các cơ quan trong nước, khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Học viện Ngoại giao mong muốn sự kiện thường niên này sẽ tiếp tục trở thành một diễn đàn an ninh biển cấp độ khu vực quan trọng, rộng mở, bao trùm và sáng tạo; là nơi gặp gỡ và là điểm giao thoa giữa các lợi ích từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chuỗi Hội thảo Biển Đông của Học viện Ngoại giao đã, đang tạo ra môi trường đối thoại thẳng thắn, hữu nghị nhằm tăng cường hiểu biết chung và thu hẹp khác biệt, thúc đẩy lòng tin, đối thoại, hợp tác.

TS Nguyễn Hùng Sơn

Trong các ngày 25 và 26/10, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh.”

Hội thảo có sự góp mặt của hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 250 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Việt Nam: một trong số ít quốc gia có năng lực sản xuất tấm tấm bán dẫn
    Mới đây, hơn 100 công ty từ Úc và Việt Nam đã hội tụ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Xanh tại TP. Hồ Chí Minh để thảo luận về năng lượng xanh, công nghệ, giáo dục và tài chính.
  • Các công cụ bảo mật đám mây dựa trên AI
    Ngày nay, AI tiên tiến đang được đưa vào sử dụng ở mọi loại hình doanh nghiệp (AI). Một loạt các nhà cung cấp bảo mật bên thứ ba đã phát hành các công cụ bảo mật đám mây dưới sự hỗ trợ của AI. Dường như đây là một trong những xu hướng nóng nhất trong ngành.
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
  • Oracle đầu tư mạnh vào AI tạo sinh, đáp ứng xu hướng "chủ quyền dữ liệu"
    Nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Hoa Kỳ Oracle đang tăng cường các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình khi cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng khốc liệt và ngày càng có nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực AI.
  • Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
    Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
Đừng bỏ lỡ
TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao: Xây dựng lòng tin ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO