Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy DOC, xây dựng hòa bình trên biển Đông

PV| 26/11/2022 10:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều học giả quốc tế đánh giá rằng, tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là thành tựu quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, cho thấy các bên có thể hợp tác để tìm kiếm tương đồng vì mục đích chung dù vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt.

Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy DOC, xây dựng hòa bình trên biển Đông - Ảnh 1.

Chiến sỹ hải quân Việt Nam trên đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Nhân kỷ niệm 20 năm ra đời Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua tuyên bố tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của văn kiện này đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông.

Tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Campuchia giữa tháng 11 vừa qua.

Biển Đông là một trong những vùng biển chiến lược quan trọng nhất trên thế giới với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt dồi dào, tập trung nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế chủ chốt. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực tồn tại nhiều tranh chấp phức tạp đan xen chưa được giải quyết giữa các bên, trong đó bao gồm cả các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về các vùng biển.

Sau một loạt diễn biến phức tạp ở Biển Đông cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, cả ASEAN và Trung Quốc đều nhận thấy cần thiết có một bộ quy tắc ứng xử để điều chỉnh hành vi của các bên liên quan tại Biển Đông.

Trên cơ sở đó, năm 2000, hai bên đã chính thức khởi động tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việc đạt được tuyên bố DOC có ý nghĩa khởi đầu cho những nỗ lực chung thúc đẩy hợp tác tại khu vực, là cơ sở cho quá trình tham vấn về COC trong tương lai.

Khi ký DOC, cả ASEAN và Trung Quốc nhất trí cam kết với các nguyên tắc được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á năm 1976 và Năm nguyên tắc chung sống hòa bình.

Các bên cũng đồng ý giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan theo các nguyên tắc của luật quốc tế được công nhận rộng rãi và "không đe dọa hay sử dụng vũ lực." Các bên còn cam kết tự kiềm chế trong các hành động có thể gây ra xung đột, và tăng cường nỗ lực để "xây dựng lòng tin giữa các bên"...

Thời gian qua, cả ASEAN và Trung Quốc đều thể hiện mong muốn sớm đạt được một COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Đầu tháng 10 vừa qua tại Campuchia đã diễn ra cuộc họp lần thứ 37 Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC. Tại cuộc họp này, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành trao đổi về tình hình Biển Đông, việc thực hiện DOC và việc xây dựng COC, khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Tới thời điểm này, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành vòng rà soát thứ nhất và đang tiến hành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá trong thời gian tới, khi chờ đợi COC, các nước ASEAN và Trung Quốc cần thực thi một cách đầy đủ và nghiêm túc, thiện chí DOC.

Trong khi đó, Giáo sư Engelbert cho rằng các quốc gia trong khu vực biển Đông cần kiềm chế hành động, tôn trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực cùng nhau giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Điều đó sẽ góp phần xây dựng lòng tin để có thể thúc đẩy đàm phán COC/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy DOC, xây dựng hòa bình trên biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO