Từ nay đến hết năm 2021, còn khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới

PV| 14/09/2021 17:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ nay đến hết năm 2021, trên Biển Đông còn khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ngoài ra, trong năm 2021, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Rét đậm, rét hại trong mùa Đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 2/2022.

có 3-4 cơn bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta

Liên quan đến xu hướng thời tiết từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến hết năm 2021, trên Biển Đông còn khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nhiều khả năng trong tháng 1/2022 vẫn còn xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.

"Cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập xảy ra trong tháng 10 và tháng 11 (đặc biệt là tháng 10) ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ. Sang nửa đầu tháng 12/2021 khu vực này còn có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to", ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021. Không khí lạnh có xu hướng gia tăng tần suất trong các tháng chính Đông. Rét đậm, rét hại trong mùa Đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 2/2022.

Ngoài ra, mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kết thúc muộn; trong mùa khô, nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Từ nay đến hết năm 2021, còn khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới - Ảnh 1.

Cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập xảy ra trong tháng 10 và tháng 11 (đặc biệt là tháng 10) ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.

Về tình hình thủy văn, hải văn và tình trạng xâm nhập mặn Nam Bộ, ông Hưởng cho biết: Tại Bắc Bộ, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nguồn nước trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt từ 30-50%, thiếu hụt nhiều trên thượng lưu lưu vực sông Đà, lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô. Mực nước thấp nhất lịch sử có khả năng xuất hiện tại hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng trong các tháng mùa cạn của năm 2022.

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, từ tháng 10 đến tháng 12/2021 là thời gian mùa lũ trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến ở mức báo động (BĐ) 1 - BĐ 2; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Đối với thủy văn Nam Bộ và nguy cơ xâm nhập mặn, ông Hưởng thông tin: Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức dưới BĐ1 và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10; đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.

"Đợt triều cường tháng 11/2021 và tháng 12/2021 có thể là đợt triều cường cao nhất năm 2021, duy trì khoảng một tuần. Thời gian xuất hiện đỉnh triều vào khoảng 15h-18h hàng ngày nên có khả năng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và sinh hoạt của người dân", ông Hưởng lưu ý.

Khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ

Trước đó, ngày 11 và 12 tháng 9 năm 2021, bão số 5 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, gây mưa rất lớn trên diện rộng, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến trong 3 ngày qua từ 200-400mm, có nơi 700-800mm, gây ngập cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân ở vùng thấp trũng, sạt lở một số tuyến giao thông.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6384/VPCP-NN ngày 12/9/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và chủ động ứng phó mưa lũ. Văn bản gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biểu dương và đánh giá cao thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo các địa phương đã chủ động, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ kịp thời, hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển và bảo đảm an toàn tính mạng người dân.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và các địa phương khẩn trương chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái; hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

Cùng với đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân, trong đó cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra "lũ chồng lũ".

Trong quá trình triển khai công tác ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả thiên tai các ngành, các địa phương phải đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Từ nay đến hết năm 2021, còn khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO