Nông nghiệp là một lĩnh vực then chốt của các nền kinh tế Đông Nam Á. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nông nghiệp chiếm khoảng 11% GDP của ASEAN trong năm 2020. Tại các quốc gia như Campuchia và Myanmar, ngành này đóng góp hơn 20% vào GDP. Nông nghiệp cũng là một ngành sử dụng phần lớn lao động trong khu vực.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp toàn cầu đã phải đối mặt với những thách thức lớn. Chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Ở khu vực Đông Nam Á, lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng lớn bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn do sự nóng lên của toàn cầu.
Theo một báo cáo nghiên cứu năm 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), từ năm 2008 - 2018, khu vực này đã chịu thiệt hại 21 tỷ USD về sản xuất cây trồng và vật nuôi do các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Tình trạng này lại càng trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát, dẫn đến thiếu lao động trong nông nghiệp và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2020, ước tính đại dịch đã làm giảm 3,1% tổng sản lượng nông nghiệp (29,58 triệu tấn) tại Đông Nam Á, tương đương mức giảm 1,4% GDP (3,76 tỷ USD) cả khu vực.
Trước những thách thức đó, ngành nông nghiệp của khu vực đã nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới và sáng tạo, đặc biệt là trong các hoạt động nông nghiệp ở nông thôn và thành thị.
Agritech thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp khu vực Đông Nam Á
Nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ sang ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Theo đó, điện thoại thông minh cùng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn được tích hợp sử dụng để quản lý cây trồng hiệu quả hơn, trong khi máy bay không người lái (drone) giúp nông dân cải thiện phương thức canh tác và tăng năng suất cây trồng.
Đối với nhiều hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, trồng trọt trên diện tích đất dưới 2ha, những công nghệ số này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn giúp tăng thu nhập.
Tại Việt Nam, MimosaTEK đang cung cấp các giải pháp nông nghiệp chính xác cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thông qua các thiết bị dựa trên đám mây và cảm biến hỗ trợ giám sát mùa màng.
Bên cạnh đó, startup này còn tận dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để phát triển hệ thống tưới tiêu thông minh được vận hành từ xa dựa vào việc phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây, giai đoạn sinh trưởng của cây. Người dùng có thể theo dõi các thông số này theo thời gian thực bằng điện thoại thông minh. Mô hình này đang được thí điểm tại Cần Thơ và dự kiến sẽ mở rộng ra toàn bộ phần còn lại của đồng bằng sông Cửu Long.
Agritech và "canh tác thông minh" cũng đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Thái Lan. Để khuyến khích nông dân sử dụng công nghệ số trong hoạt động, từ năm 2020, Cơ quan Xúc tiến kinh tế số của Thái Lan đã trao cho nông dân và các doanh nghiệp cộng đồng các khoản tài trợ từ 10.000 THB (300 USD) tới 300.000 THB (9.000 USD). Đến nay, một số hộ nông dân ở Thái Lan đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái (drone) trong các hoạt động nông nghiệp như gieo hạt và phun thuốc trừ sâu.
Drone cũng đã được sử dụng trong nông nghiệp ở các quốc gia khác ở Đông Nam Á cho các mục đích như dự báo thời tiết, quản lý thiên tai, đánh giá thiệt hại cây trồng, giám sát và lập bản đồ mùa màng.
Một ví dụ điển hình là Poladrone, startup về công nghệ drone có trụ sở tại Malaysia, cung cấp các giải pháp quản lý dịch bệnh cho nông dân trồng cọ dầu tại quốc gia này. Các drone của công ty không chỉ thực hiện chính xác việc phun thuốc trừ sâu, mà còn có thể giúp giảm mức độ phơi nhiễm của nông dân với thuốc trừ sâu độc hại.
Công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng phục hồi và nâng cao khả năng ứng phó của nông dân với biến đổi khí hậu và các thách thức như đại dịch COVID-19. Do đó, nhằm hỗ trợ việc áp dụng công nghệ số trong các nông hộ nhỏ, Deloitte và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang nghiên cứu xây dựng chương trình 100 triệu nông dân (100 Million Farmers program) để khuyến khích và hỗ trợ nông dân sử dụng các giải pháp phát triển bền vững.
Vai trò của canh tác đô thị
Bên cạnh việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) của ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 cũng cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị.
Theo nghiên cứu gần đây về hệ sinh thái agritech Singapore của Deloitte và Ủy ban Phát triển kinh tế Singapore thực hiện, nông nghiệp đô thị giúp xây dựng một hệ thống thực phẩm đảm bảo an toàn và linh hoạt hơn. Đó cũng là lý do Cơ quan Lương thực Singapore (the Singapore Food Agency) đã thành lập Quỹ chuyển đổi cụm thực phẩm nông sản trị giá 60 triệu SGD (44,4 triệu USD) trong năm 2021 nhằm khuyến khích các nông dân chuyển sang áp dụng các phương thức canh tác bền vững, ứng dụng công nghệ.
Các trang trại đô thị là chìa khóa để xây dựng một hệ thống thực phẩm mạnh mẽ hơn ở những thành phố có xu hướng phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu. Các trang trại này đóng vai trò là vùng đệm cho nguồn cung ứng thị trường, trong trường hợp chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị cũng cho phép nông dân trồng nhiều loại thực phẩm quanh năm. Với các hệ thống nông nghiệp không cần đất như khí canh hoặc thủy canh, người nông dân có thể giảm thiểu các vấn đề liên quan đến sâu bệnh truyền qua đất, cũng như tăng năng suất cây trồng. Đồng thời, việc sử dụng các công nghệ số như ánh sáng LED, cảm biến và công nghệ IoT có thể giúp các trang trại đô thị kiểm soát tốt hơn và tối ưu hóa các điều kiện trồng trọt để có năng suất cao hơn.
Chẳng hạn như, Sustenir, startup agritech có trụ sở tại Singapore, có các trang trại công nghệ cao trong nhà, có thể đạt mức năng suất cao hơn ít nhất 14 lần so với các trang trại truyền thống.
Đông Nam Á - thị trường trọng điểm của agritech
Đông Nam Á đang sẵn sàng trở thành thị trường trọng điểm cho đầu tư agritech khi nhu cầu mua sắm trực tuyến trong khu vực có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Theo AGFunder, các startup agritech trên toàn cầu đã huy động được 51,7 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp đôi so với 27,8 tỷ USD huy động được vào năm 2020.
Khi agritech giải quyết được những thách thức của nông nghiệp và sản xuất lương thực, nó sẽ tạo điểm nhấn cho chuỗi cung ứng thực phẩm. Bên cạnh sản xuất lương thực, nhiều lĩnhg vực khác trong hệ thống thực phẩm có thể áp dụng hiệu quả công nghệ, bao gồm chế biến và phân phối thực phẩm.
Theo Báo cáo e-Conomy SEA năm 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, tốc độ tăng trưởng kỹ thuật số của Đông Nam Á được thúc đẩy một phần bởi thương mại điện tử, cửa hàng tạp hóa trực tuyến và giao hàng thực phẩm. Xu hướng này đã phát triển mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, đã có 60 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á, trong đó có đến 20 triệu người tham gia chỉ trong nửa đầu năm 2021.
Từ xu hướng phát triển đó, bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ nông nghiệp vào hoạt động, nông dân cũng đã và đang tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để phân phối trực tiếp nông sản cho người tiêu dùng thành thị.
Tại Singapore, Urban Tiller, startup cung cấp sản phẩm tươi sống cho các hộ gia đình trong vòng 8 giờ sau khi thu hoạch.
Trong khi đó, tại Indonesia, người dân ở Java và Bali đang chuyển sang nền tảng tạp hóa điện tử Sayurbox để đặt hàng nông sản tươi sống trực tiếp từ nông dân địa phương.
Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số, cùng với khả năng tiếp nhận cao, Đông Nam Á đang nổi lên là một khu vực trọng điểm cho đầu tư agritech khi nhu cầu về thực phẩm của người dân ngày càng cao cả về số lượng lẫn chất lượng./.