Tương lai của y tế số

Đặng Hồng| 10/08/2020 09:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Y tế số đang trong giai đoạn vàng của công cuộc chuyển đổi để hướng tới mục đích cuối cùng là giảm chi phí. Theo WTO, chi tiêu Y tế toàn cầu năm 2016 là 7,5 nghìn tỷ đô la, chiếm 10% GDP toàn cầu.

MacKinsey nhận định, công nghệ số có thể giúp tiết kiệm hơn 10% chi phí y tế quốc gia hàng năm cho hầu hết các quốc gia OECD. Dân số ngày càng tăng và già đi, bệnh mãn tính xuất hiện ngày càng nhiều khiến cho chi phí y tế gia tăng, bệnh viện và bác sĩ chịu sức ép nặng nề. Các công ty và nhà lập chính sách tìm đến chuyển đổi số như là một công cụ đầy hấp dẫn cho các nỗ lực tìm kiếm biện pháp giảm chi phí y tế.

Trong một khảo sát, so với 15% doanh nghiệp các lĩnh vực khác thực hiện các chiến lược kỹ thuật số, công nghiệp y tế và dược phẩm đã bị tụt lại phía sau với chỉ 7%. Lực lượng này trên toàn cầu đang chịu áp lực trước bối cảnh mới, với 68% cho biết đã nhận ra tác động đáng kể của chuyển đổi số, theo báo cáo tháng 3 vừa qua của Nutanix – một trong những đơn vị dẫn đầu về điện toán đám mây của Mỹ.

Tương lai của y tế số - Ảnh 1.

Bệnh nhân là trung tâm

Chuyển đổi số trong y tế là sự tác động tích cực của công nghệ đối với lĩnh vực y tế. Thiết bị hỗ trợ từ xa, trí tuệ nhân tạo (AI), hồ sơ sức khỏe điện tử Blockchain chỉ là một vài ví dụ cụ thể về chuyển đổi kỹ thuật số với mục tiêu chính là hợp lý hóa công việc của nhân viên y tế, tối ưu hệ thống, cải thiện kết quả của bệnh nhân, giảm thiểu lỗi do con người gây ra và giảm chi phí thông qua trải nghiệm web và di động thông minh.

Ngày nay, nhu cầu và mong đợi của bệnh nhân đang thay đổi. Họ muốn được thông báo, tham gia và kết nối với tất cả các bên liên quan trong hệ thống chăm sóc sức khỏe để trở thành chuyên gia trong con đường điều trị của chính mình. Họ đang sử dụng thiết bị di động, như điện thoại thông minh để liên lạc và giao tiếp với bác sĩ, tận hưởng những lợi ích của trải nghiệm chăm sóc sức khỏe sáng tạo, vượt qua các thách thức và quy trình truyền thống. Điều đó đòi hỏi các tổ chức dịch vụ y tế cần tập trung vào đổi mới cách thức hoạt động theo định hướng khách hàng, đặt bệnh nhân làm trung tâm trong hành trình y tế của chính họ.

Từ robot phẫu thuật đến bệnh viện thông minh, hệ thống chuyển đổi kỹ thuật số đang cách mạng hóa việc chăm sóc bệnh nhân. Thời của biểu đồ giấy và phòng lưu trữ hồ sơ sẽ phải qua đi, nhường lại cho lưu trữ trên đám mây mà ở đó bệnh nhân có thể truy cập kết quả xét nghiệm trực tuyến 24/7. Đám mây cho phép các IT bảo mật dữ liệu bệnh nhân và cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiếp tục cung cấp trải nghiệm công nghệ tiên tiến cho bệnh nhân trong không gian kỹ thuật số. Nhu cầu về an ninh mạng theo đó cũng tăng tốc, nhiều quốc gia sẽ áp dụng các khoản phạt và phạt nặng đối với các nhà cung cấp dịch vụ không bảo vệ đầy đủ dữ liệu của bệnh nhân trước các mối đe dọa liên tục và gia tăng. Theo một báo cáo, giá trị dữ liệu y tế trong thị trường đen còn lớn hơn cả thông tin tài chính.

Các hãng dược phẩm lớn, khách hàng là người trả tiền và các công ty bảo hiểm đều đã thừa nhận lợi ích kinh doanh của việc trao quyền cho bệnh nhân. Ứng dụng số bằng cách cung cấp hiểu biết được cá nhân hóa, đang giúp bệnh nhân trở thành người đưa ra quyết định sức khỏe tốt hơn. Ở Mỹ và Anh, một nửa người tiêu dùng nói rằng việc tham khảo ý kiến bác sĩ bằng điện thoại hoặc cuộc gọi video, thay vì gặp trực tiếp sẽ giúp họ quản lý theo dõi sức khỏe tốt hơn. 

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy 36% người tiêu dùng đang sử dụng Internet để tìm kiếm kiến thức về vấn đề sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, tăng tới 42% ở độ tuổi 55 - 64. Năm 2013, 93 triệu người Mỹ đã chuyển sang dùng Internet để tự chẩn đoán. Tìm kiếm thông tin về sức khỏe là hoạt động trực tuyến phổ biến thứ ba. Với dịch vụ y tế số, bệnh nhân không phải chờ đợi hàng tuần để có được một cuộc hẹn hoặc dành hàng giờ trong phòng chờ, trong khi bác sĩ được giải phóng về mặt thời gian để tập trung vào các trường hợp khẩn cấp hơn.

Năm 2019, y tế số toàn cầu ước tính giá trị đạt 147 tỷ USD và đến năm 2023 có thể đạt 233 tỷ USD. Giá trị thị trường của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe qua thiết bị di động trên toàn cầu năm 2020 đạt 46 tỷ đô la, phát triển nhanh nhất trong y tế số nói chung. Công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa ngày nay bằng cách thức trao quyền cho phép bệnh nhân ở ngay cả những nơi xa xôi nhất của thế giới cũng có thể tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng và nhận chẩn đoán cấp cứu. Các chuyên gia giỏi nhất ngày nay đều có thể kết nối với bác sĩ địa phương để cung cấp dịch vụ chữa bệnh tốt nhất và không bỏ sót. Y tế số do đó đã tự khắc phục khoảng cách và không gian rộng lớn, chăm sóc bệnh nhân tốt nhất, giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Đó là chiến thắng hai bên cùng có lợi.

AI tạo đột phá trong y tế số

AI đã tạo ra cuộc cách mạng về chăm sóc sức khỏe, được xem là cách tốt nhất để tinh chỉnh dữ liệu. Chuyên gia chăm sóc ảo tên là Addison có thể hỗ trợ cho 10.000 người Mỹ bước sang tuổi thứ 65 mỗi ngày. Với sự giúp đỡ của AI, cô ấy có thể theo dõi sức khỏe của một người già ngay tại ngôi nhà của họ một cách an toàn, bù đắp cho số lượng người không được chăm sóc trong các cơ sở y tế cộng đồng. Addison, giống như nhiều hướng chuyển đổi số hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã trở nên rất hữu ích cho cả bệnh nhân và quy mô ngành đang ngày càng lớn lên.

AI cung cấp dữ liệu chính xác giúp cho chẩn đoán, kế hoạch điều trị và kết quả bệnh nhân được tốt hơn ở tất cả các chuyên khoa thực hành. Phần mềm hỗ trợ AI có thể phân tích hàng ngàn hình ảnh bệnh lý của các loại ung thư khác nhau để đưa ra chẩn đoán chính xác cao và dự đoán kết hợp thuốc chống ung thư hiệu quả nhất. 

Nhờ AI, bác sĩ phẫu thuật có thể tăng độ chính xác trong việc loại bỏ khối u; bác sĩ Xquang có thể phát hiện ra các chi tiết mắt thường không nhìn thấy được; các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể được phân tích nhanh chóng cho các mẫu dữ liệu hiện có hoặc thiếu để dự đoán các điều kiện bỏ lỡ; cung cấp tốt hơn dịch vụ chăm sóc cá nhân, đặc biệt là việc kê đơn điều trị cho bệnh nhân; xử lý hàng triệu nghiên cứu y khoa để tìm ra kế hoạch điều trị hiệu quả dựa trên tình trạng, tuổi tác và các yếu tố khác của bệnh nhân,…

Tương lai của y tế số - Ảnh 2.

Nhờ AI, công đoạn chụp X quang thông thường được thay thế bằng công nghệ quét phân tích CAT nhanh hơn tới 150 lần, phát hiện hiện tượng thần kinh cấp tính chỉ trong 1 đến 2 giây. AI cũng có thể giúp xác định các chế phẩm dược phẩm hiệu quả nhất để ra quyết định thử nghiệm nhanh hơn, phục vụ cho công đoạn sản xuất thuốc nhanh hơn.

Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tìm đến AI như một giải pháp sáng tạo tiên phong nhằm cải thiện y tế số. Tại Thái Lan, Khoa Ung thư của Bệnh viện Quốc tế Bumrungrad tích hợp phân tích siêu máy tính IBM Watson có cường độ xử lý 80 teraflops và có thể truy cập 90 máy chủ với khả năng lưu trữ dữ liệu đến hơn 200 triệu trang để xử lý dữ liệu bệnh nhân, tài liệu y khoa, điều hướng phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư. Tại Singapore, Trường Y tế Công cộng Swee Hock và Cơ quan Môi trường Quốc gia đã hợp tác phát triển tác nhân AI có thể dự báo tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trong vòng 4 tháng.

Hệ thống AI có thể giúp giảm chi phí bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ tốn thời gian mà con người từng làm, để các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tập trung thời gian vào các nhiệm vụ phức tạp hoặc tập trung vào bệnh nhân. AI có thể giúp bệnh nhân sử dụng các thiết bị đầu cuối khi thích hợp tại các phòng khám và bệnh viện. Theo nghiên cứu của Accenture, hệ thống AI có thể đáp ứng 20% nhu cầu lâm sàng hiện nay và dự đoán đến năm 2026, các ứng dụng AI hàng đầu có thể tiết kiệm cho ngành y tế 150 tỷ đô la mỗi năm.

AI khi được sử dụng sẽ giúp quan chức y tế phân tích lượng lớn dữ liệu theo cách hiệu quả hơn. Tiềm năng của AI để cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang tạo ra nguồn vốn khổng lồ để tài trợ cho công nghệ này. Đến năm 2021, tổng vốn đầu tư của khu vực công và tư nhân vào AI trong y tế dự kiến đạt 6,6 tỷ đô la, theo Forbes.

Chuyển đổi số hoàn hảo

Sự phát triển của ngành y tế nói chung và y tế số nói riêng đòi hỏi một chiến lược tổng thể và toàn diện mà ở đó có sự vào cuộc của cả nhà nước và lực lượng tư nhân.

Chính phủ thường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dự án y tế số toàn hệ thống. Úc phát triển Chiến lược Y tế Số Quốc gia và thiết lập Hồ Sơ Sức khỏe cho tất cả người dân Úc. Anh thành lập các cơ quan quốc gia như NHS Digital và NHSX để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Trong các quốc gia định hướng theo thị trường, chính phủ Mỹ áp dụng các ưu đãi tài chính cho bệnh viện và bác sĩ, được thể hiện trong Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư Mỹ năm 2009 nhằm khuyến khích áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử.

Hơn nữa, chia sẻ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin với các dịch vụ công cộng khác như ID công dân và hệ thống quản lý đồng bộ có thể đẩy nhanh tiến độ, tạo ra một nền tảng khuyến khích bệnh nhân sử dụng dịch vụ số. Ví dụ Hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân Estonia là một phần nằm trong nền tảng Trao đổi Thông tin Y tế của quốc gia và được ghi nhận là giúp đơn giản hóa việc thực hiện kết nối chăm sóc sức khỏe.

Cũng như chính phủ điện tử, Estonia là tiên phong trong y tế số bằng việc cung cấp đơn thuốc điện tử, hồ sơ bệnh nhân điện tử và cổng thông tin y tế quốc gia. Yếu tố then chốt là ENHIS, một mạng lưới trao đổi dữ liệu về sức khỏe đăng ký toàn bộ lịch sử bệnh tật, được thiết kế để rút ngắn các liệu pháp và hỗ trợ chẩn đoán. Trong khi đó, chiến lược y tế kỹ thuật số của Canada lại được tổ chức phi lợi nhuận Health Infoway triển khai, bắt đầu từ năm 2001 để quảng bá hồ sơ bệnh nhân điện tử. Chương trình thu hút sự đồng thuận tham gia của các tỉnh và doanh nghiệp, trở thành ý chí chính trị mạnh mẽ được xem là yếu tố quyết định thành công.

Không đâu ở châu Âu mà công dân có niềm tin cực lớn vào hệ thống y tế của họ như ở Đan Mạch. Chính phủ nước này đã tuyên bố đầu tư vào nền tảng ứng dụng có tên là Dịch vụ Số Đẳng cấp Thế giới (WCDS) - sau đó còn được địa phương các cấp tiếp tục phát triển thông qua Quỹ Đầu tư Công nghệ quốc gia và Cổng thông tin y tế quốc gia sundhed.dk để người dân có thể truy cập hồ sơ sức khỏe của mình thông qua một mã số định danh cá nhân.

Từ rất sớm, năm 1995 các dự án đầu tiên về dữ liệu y tế số đã được triển khai tại Israel. Chính phủ Israel cũng nhắm mục tiêu thúc đẩy chỗ đứng trong y tế số thông qua các khoản tài trợ và đầu tư, như khoản 33 triệu đô la cho sản xuất dược phẩm và công nghệ sinh học; gói đầu tư 275 triệu đô la cho số hóa hồ sơ cá nhân của công dân. Không chỉ chính phủ, nhiều tổ chức tư nhân cũng sớm vào cuộc để thiết lập đơn thuốc điện tử, khám bệnh từ xa và truy cập trực tuyến hồ sơ sức khỏe điện tử. Bằng cách hoạt động độc lập với nhà nước, nghiên cứu và y tế số Israel tạo động lực tiềm tàng cho sự đổi mới.

Ở Tây Ban Nha, nhà nước không đóng vai trò điều phối trung tâm, quyền được trao cho từng khu vực, vùng miền được phép sử dụng ngân sách và huy động xã hội để tạo ra nhiều cánh tay quyết tâm thực hiện, làm nên một y tế số rất khởi sắc của đất nước.

Cách đây hơn một thập kỷ, Singapore cho ra đời Chương trình Hệ thống Quản lý Phòng khám tích hợp nhằm cải thiện hoạt động của phòng khám đa khoa, đảm bảo sự kết nối dữ liệu bệnh nhân của toàn bộ dịch vụ trong hệ thống y tế, hợp nhất kết nối phòng khám đa khoa với bệnh viện, các đơn vị chăm sóc sức khỏe khác, để làm sao có thể đưa ra kế hoạch điều trị bệnh nhân tốt hơn và tốt nhất. Mới gần đây, nước này tuyên bố sẽ bơm hơn 13 tỷ đô la Mỹ cho kế hoạch nghiên cứu và phát triển trong 5 năm, trong đó sẽ đi theo hướng đổi mới ở giao điểm y tế và công nghệ thông tin.

Quốc gia có diện tích nhỏ bé này hội tụ tiềm tàng yếu tố để có nền y tế số dẫn đầu trong khu vực và tiếng tăm trên toàn cầu. Mạng lưới băng thông phân bố rộng khắp quy mô toàn quốc và cơ sở hạ tầng sợi siêu tốc hàng đầu thế giới, có khả năng truyền tải kết nối trực tiếp từ nhà đến văn phòng. Thâm nhập thuê bao di động đã vượt quá 100% và kết nối với Internet ở trình độ rất cao, là tiêu chí quan trọng cho việc đáp ứng nhu cầu số giữangười tiêu dùng và doanh nghiệp. Tất cả tiêu chí đó là chìa khóa mở cửa thị trường y tế số lành mạnh: truy cập thông tin y tế liền mạch, bảo mật dữ liệu, doanh nghiệp khởi nghiệp - startup trong lĩnh vực y tế có nhiều đột phát và đổi mới kỹ thuật số lấy bệnh nhân làm trung tâm.

Năm 2011, nước này triển khai hệ thống Hồ sơ Sức khỏe Điện tử Quốc gia rồi sau đó bắt đầu chuyển dần dữ liệu sang đám mây. Đến nay, hơn 400.000 nhân viên y tế đều có thể sử dụng H-Cloud để tiếp cận kho dữ liệu quan trọng được pháp luật bảo mật nghiêm túc thông qua Đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân hiệu lực cụ thể vào lĩnh vực y tế năm 2014.

Hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế của Singapore thịnh vượng và có tính đột phá, khi được chính phủ "tiếp tay" và nuôi dưỡng. Nhà nước đã đầu tư nâng cao kỹ năng khởi nghiệp cho người dân, trong khi doanh nghiệp và nhà đầu tư tin tưởng vào hệ thống pháp lý. Những biện pháp hỗ trợ đó đã giúp quốc gia đảo sư tử trở thành điểm nóng hàng đầu cho các startups công nghệ y tế ở châu Á - Thái Bình Dương, số lượng chiếm đến 9% trong khu vực, chỉ đứng sau hai cường quốc tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ, theo Công ty truyền thông Deal Street Asia.

Năm 2019, tiền đầu tư đổ vào các công ty khởi nghiệp và hàng tỉ đô la được tạo ra nhờ những mã chứng khoán niêm yết công khai lần đầu. Thị trường toàn cầu cho khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng, phân tích sức khỏe, mHealth và hệ thống y tế số dự kiến vượt 500 tỉ đô la Mỹ. Các nhà đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực y tế số năm 2018 dành 8 tỷ đô la, năm 2019 dành 7 tỷ đô la để tài trợ cho 350 công ty. Đến giữa năm nay, sáu công ty IPO làm nên thị trường trị giá 17 tỷ đô la. Trong đó đáng chú ý là Livongo phát triển giải pháp cho người mắc bệnh mãn tính; Change Healthcare chuyên bán phần mềm và hỗ trợ công nghệ; và Catalyst phát triển các giải pháp quản lý sức khỏe dân số. Các công ty đại chúng khác như Veeva điện toán đám mây, Teledoc đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt. Với khoản thanh toán vượt trên mức 30 tỷ đô la, các nhà đầu tư tiếp tục háo hức mong chờ sự ra đời của các công ty y tế số ra mắt IPO.

Mặc dù số lượng quốc gia đạt được tỷ lệ chấp nhận một cách khá hứa hẹn, toàn bộ giá trị của chuyển đổi số của lĩnh vực này vẫn còn rất khó nắm bắt. Các hệ thống y tế đã không thể khỏa lấp các lỗ hổng về chất lượng, tiếp cận, tài chính, thậm chí ngay cả khi ngân sách dành cho lĩnh vực này tiếp tục tăng. Dường như chuyển đổi số trong y tế là quá sức. Nhưng để thành công, chỉ có sáng tạo và chấp nhận rủi ro.

Tài liệu tham khảo

1. https://hitinfrastructure.com/news/siemens-healthineers-geisinger-partner-to-boostdigital-healthcare

2. https://www2.stardust-testing.com/en/the-digital-transformation-trends-and-challengesin-healthcare

3. https://www.forbes.com/sites/danielnewman/2019/01/03/top-6-digital-transformationtrends-in-healthcare-for-2019/#54c51f816911

4.https://www.deutschland.de/en/topic/knowledge/digital-healthcare-learning-from-othercountries

5.https://www.mckinsey.com/industries/healthcare-systems-and-services/our-insights/ promoting-an-overdue-digital-transformation-in-healthcare

(Bài đăng ấn phẩm in tạp chí TT&TT Số 7+8 Tháng 8/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tương lai của y tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO