Đời sống xã hội

UNCLOS 1982- khuôn khổ pháp lý toàn diện mà mọi hoạt động trên biển phải tuân thủ

Ngọc Anh 09/11/2023 16:07

Ngày 9/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với các Đại sứ quán Canada, Australia, New Zealand và EU tổ chức Hội thảo lần thứ 5 của Diễn đàn Khu vực ASEAN về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển.

hoi-thao-unclos.jpeg
Hội thảo lần thứ 5 của Diễn đàn Khu vực ASEAN. Nguồn ảnh: báo Quốc tế.

UNCLOS 1982 - bản hiến pháp của biển và đại dương

Hội thảo lần thứ 5 của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) là sự tiếp nối thành công của chuỗi bốn hội thảo cùng chủ đề được tổ chức từ năm 2019 tại Hà Nội. Ở lần thứ 5 này, hội thảo thu hút khoảng 150 đại biểu đến từ 27 quốc gia thành viên ARF, các tổ chức quốc tế và khu vực, cơ quan đại diện ngoại giao, viện nghiên cứu, chuyên gia, học giả có uy tín và các bộ, ngành, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia trao đổi, thảo luận về cách thức hợp tác, giải quyết các thách thức trong quản lý biển tại khu vực, trên cơ sở vận dụng và thực thi UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt cho rằng các quốc gia chỉ có thể tìm được giải pháp cho các vấn đề trên biển trong khu vực thông qua thúc đẩy hợp tác, bằng cách tôn trọng và thực thi đầy đủ UNCLOS.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của biển cả đối với sự sống của con người, cũng như tầm quan trọng của biển và đại dương trong phát triển bền vững.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, Thứ trưởng một lần nữa khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của UNCLOS 1982 - bản hiến pháp của biển và đại dương.

Vai trò không thể thay thế của UNCLOS 1982 trong giải quyết các thách thức mới nổi lên

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh chiến lược, căng thẳng trên thực địa cũng như biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và việc khai thác không bền vững biển, đại dương đặt Biển Đông, vùng biển có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế, trước nhiều nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn hàng hải của khu vực.

Và UNCLOS tiếp tục chứng tỏ vai trò không thể thay thế trong giải quyết các vấn đề và tranh chấp trên biển, là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển khuôn khổ pháp lý quốc tế để giải quyết các thách thức nổi lên.

Minh chứng cho điều này là những sự kiện quan trọng trong năm qua như: hoàn thành đàm phán Hiệp định về Bảo tồn và Sử dụng bền vững Đa dạng Sinh học Biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), hay việc một số nước hỏi ý kiến và tham gia tiến trình Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS) tiến hành xem xét và cho ý kiến tư vấn về quy định của UNCLOS liên quan đến phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu, cũng như tiến trình đàm phán Công ước về Rác thải Nhựa, trong đó có rác nhựa đại dương.

do_hung_viet-unclos.jpeg
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc hội thảo. Nguồn: Báo Quốc tế.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng hơn lúc nào hết, các quốc gia chỉ có thể tìm được giải pháp cho các vấn đề trên biển trong khu vực thông qua thúc đẩy hợp tác, bằng cách tôn trọng và thực thi đầy đủ UNCLOS.

Hội thảo là cơ hội để khẳng định UNCLOS 1982 tiếp tục đứng vững trước phép thử của thời gian, là cơ sở quan trọng để các quốc gia trong khu vực tăng cường lòng tin, thúc đẩy các hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng; nhấn mạnh mọi tranh chấp và các vấn đề liên quan đến biển và đại dương trong khu vực cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Giải quyết các vấn đề trên biển, cần sự nỗ lực chung của các nước

Chia sẻ quan điểm với Việt Nam, các đồng chủ tọa (bao gồm Đại sứ Canada, Phó Đại sứ Australia tại Hà Nội, Đại sứ New Zealand và Phó trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam) đều đề cao vai trò và giá trị của Công ước Luật Biển và cảm ơn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đăng cai tổ chức chuỗi hội thảo này.

Đại sứ Canada Shawn Steil bày tỏ quan ngại tới các diễn biến tại Biển Đông cũng như các vấn đề mới không ngừng nảy sinh trên biển; khuyến khích các hoạt động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực trong các vấn đề liên quan.

Đại sứ New Zealand Tredene Dobson đề cao tầm quan trọng của UNCLOS trong đảm bảo thịnh vượng, an ninh và ổn định chung của khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.

Phó Đại sứ Australia Mark Tattersall bày tỏ Australia đã đồng hành với Hội thảo ARF về UNCLOS qua 5 năm, với sự tin tưởng dành cho vai trò trung tâm của ASEAN đối với giải quyết các vấn đề khu vực, đặc biệt là các vấn đề trên biển, nhấn mạnh sự cần thiết có các nỗ lực chung của các nước trong khu vực.

Phó Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng hải trong phát triển kinh tế toàn cầu, cùng với đó là an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông, hy vọng các nước liên quan sớm thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và tính tới lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.

Các phát biểu đều đề cao giá trị của UNCLOS 1982 trong suốt 40 năm qua, nhấn mạnh đây là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà mọi hoạt động trên biển phải tuân thủ, cũng như là cơ sở để thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề truyền thống và mới nổi trên biển và đại dương trong khu vực.

Các phát biểu đều đề cao giá trị của UNCLOS 1982 trong suốt 40 năm qua, nhấn mạnh đây là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà mọi hoạt động trên biển phải tuân thủ, cũng như là cơ sở để thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề truyền thống và mới nổi trên biển và đại dương trong khu vực.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về 2 nhóm vấn đề chính, gồm sự điều chỉnh của UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý liên quan, tập trung vào một số vùng biển như vùng biển cả, đáy biển ngoài quyền tài phán quốc gia và thềm lục địa kéo dài; các thách thức truyền thống và mới nổi trong quá trình thực thi UNCLOS 1982, trong đó có quy định của UNCLOS về chống biến đổi khí hậu và vấn đề trách nhiệm của quốc gia gây thiệt hại gây ra cho cáp thông tin ngầm của nước khác.

Tranh chấp quốc tế về biển cũng là một loại tranh chấp quốc tế, do đó về cơ bản việc giải quyết các tranh chấp biển phải tuân theo những nguyên tắc chung của việc giải quyết tranh chấp quốc tế. Trước hết việc giải quyết các tranh chấp quốc tế về biển phải triệt để tuân theo các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc “hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Cụ thể, điều 2 khoản 3 Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định: “Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý”.

Tiếp đó, điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc cũng ghi nhận: “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình...”.

Theo Công ước năm 1982 về Luật biển, trong quá trình khai thác và sử dụng biển, các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích và áp dụng Công ước bằng phương pháp hoà bình theo đúng quy định của Liên hợp quốc./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
UNCLOS 1982- khuôn khổ pháp lý toàn diện mà mọi hoạt động trên biển phải tuân thủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO