Giải "nỗi đau" cho hoạt động đào tạo vận hành sản phẩm, hệ thống mới trong sản xuất
Công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) đã xuất hiện từ lâu nhưng chỉ đến thời gian gần đây, công nghệ này mới được ứng dụng trong môi trường sản xuất. Hệ thống AR/VR là một trình giả lập đa năng cho phép người dùng trải nghiệm môi trường nhân tạo do máy tính tạo ra với trải nghiệm giống thật. Do đó, có thể nói AR/VR là một cách để con người hình dung, thao tác và tương tác với máy tính và dữ liệu phức tạp.
Nhà máy ảo cho phép người dùng phân tích và xác định các sai sót trong quá trình sản xuất trước khi chúng xảy ra trên sàn nhà máy thực tế. Với công nghệ AR/VR, các nhà máy sản xuất có thể tạo ra một môi trường mô phỏng chính xác các quy trình sản xuất riêng lẻ và tổng thể, giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian phát triển, tối ưu hóa thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; tích hợp thiết kế sản phẩm, quy trình và tài nguyên, đưa ra các đánh giá chính xác, sớm về khả năng sản xuất và khả năng chi trả, đồng thời phát triển trao đổi thông tin liền mạch.
Ứng dụng công nghệ AR/VR cho hoạt động đào tạo vận hành sản phẩm, hệ thống mới trong sản xuất hiện được coi là một phương pháp tiên tiến trong việc giảng dạy các kỹ năng và quy trình sản xuất cho nhân viên. Nó sẽ giải quyết được những bất cập hiện có của ngành đào tạo sản phẩm/hệ thống mới.
Đầu tiên là hiệu quả công việc thấp, quá trình lắp ráp, vận hành, bảo trì thiết bị mới cần thời gian để đào tạo và làm quen trước khi đưa vào sử dụng và vận hành chính thức, đặc biệt với nhân sự mới. Lỗi xảy ra trong quá trình vận hành dẫn đến giảm hiệu suất công việc. Thứ hai là những bất tiện trong công tác bán hàng (presale) bao gồm: vận hành mẫu máy móc, dây chuyền sản xuất cho khách hàng rất tốn kém về chi phí và thời gian. Thay vào đó công nghệ AR giúp khách hàng thấy sự hoạt động của máy móc, dây chuyền trực quan trước, phát hiện các vấn đề và sửa đổi sớm trước khi quyết định mua.
Thứ ba là chi phí, tất cả lỗi trên đều làm tăng chi phí lao động bởi thời gian vận hành dài hơn, nhiều lỗi phát sinh hơn và thiệt hại gây ra do vận hành không chính xác.
Các khóa đào tạo bằng AR/VR diễn ra trong phiên bản mô phỏng thực tế, hoàn chỉnh với điều kiện môi trường, bối cảnh, âm thanh. Các kỹ năng làm việc được tiếp thu tốt hơn bằng cách trải nghiệm các môi trường thực tế hơn là từ một bài giảng, giáo trình, tài liệu. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) hàng đầu về điện tử như Motorola, Samsung đã áp dụng hình thức đào tạo này nhằm giảm chi phí và tăng chất lượng đào tạo.
Ứng dụng công nghệ AR/VR để kiến tạo nên những sản phẩm và dịch vụ đột phá
Là một trong 16 sản phẩm được lựa chọn hợp tác và tham dự vòng chung kết giải thưởng Viet Solutions 2021,giải pháp ứng dụng công nghệ AR cho hoạt động đào tạo vận hành dây chuyền/bảo trì thiết bị... trong sản xuất của Firecoals đã ra đời để đáp ứng nhu cầu trên.
Giải pháp mang lại nhiều giá trị cho khách hàng. Theo đó, các khái niệm phức tạp được thể hiện trực quan hóa và dễ hiểu. Việc đào tạo quy trình sản xuất hay vận hành máy móc... luôn đòi hỏi tính trực quan và tương tác rất cao. Giải pháp đào tạo ứng dụng công nghệ AR/VR của Firecoals giúp mô phỏng thực tế cùng tác động trực quan trong môi trường thật giúp học viên dễ dàng hình dung cách thức vận hành thiết bị và khả năng ghi nhớ tốt hơn.
Ngoài ra, đối với những nhà máy có số lượng lớn nhân viên và được phân bổ ở nhiều địa điểm làm việc khác nhau, nếu triển khai đào tạo theo phương pháp truyền thống sẽ cần sự tham gia của toàn bộ nhân viên đó trong cùng một ngày, gây ảnh hưởng đến tiến độ của công việc hàng ngày, dẫn đến dồn việc hoặc gián đoạn công việc. Tuy nhiên, nếu sử dụng giải pháp đào tạo của Firecoals, nhân viên có thể sử dụng nền tảng AR với smartphone sẵn có giúp cắt giảm đáng kể chi phí của chương trình đào tạo. Đồng thời cho phép người học học tập thuận tiện ở mọi địa điểm và thời gian.
Bên cạnh đó, việc đào tạo trực tiếp có thể đòi hỏi các quy trình và hướng dẫn đào tạo an toàn nghiêm ngặt do đặc thù của ngành sản xuất có những thiết bị máy móc phức. Trong khi đào tạo với công nghệ AR/VR sẽ mang lại là một môi trường làm việc an toàn hơn, cho phép các nhà quản lý nhà máy mô phỏng cấu hình dây chuyền lắp ráp và các quy trình liên quan đến sản xuất, cho phép họ xác định các tình huống có nguy hiểm tiềm ẩn và học viên không phải tiếp xúc trực tiếp với tình huống nguy hiểm như vật rơi, lỗi thiết bị, tiếng ồn, hóa chất,...
Giải pháp của Firecoals có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo vận hành sản phẩm, hệ thống mới trong sản xuất của các DN hoạt động trên các lĩnh vực, gồm: xây dựng; sản xuất xe có động cơ/rơ moóc; sản xuất sản phẩm điện tử; sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất thuốc/hoá dược/dược liệu; vận tải; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Việc đào tạo đặc biệt thích hợp ở những DN, nhà máy có số lượng lớn nhân viên, nơi các nhân viên được phân bổ rải rác diện tích rộng. Đây là một thị trường tiềm năng với quy mô 1.538 doanh nghiệp, có giá trị thị trường lên tới 769,35 tỷ đồng.
Về lộ trình phát triển sản phẩm, Firecoals cho biết trong năm 2021, công ty đã mô hình hóa sản phẩm dựa trên thiết kế và trình diễn trong môi trường AR. Năm 2022 sẽ phát triển tính năng tùy chỉnh thiết kế/hoạt động của máy móc/dây chuyền theo các phương án khác nhau, từ đó có thể kiểm soát tốt hơn. Năm 2023 phát triển tính năng tương tác trực tuyến, giúp nhân sự ở những địa điểm khác nhau có thể cùng xem, thảo luận và tương tác với một mô hình.
Hiện Firecoals đã triển khai dự án trên cho khách hàng Virtuoso ở Đài Loan. Nhận thấy những dấu hiệu không tích cực trong hiệu suất làm việc của nhân viên và kết quả kinh doanh trong vài năm qua, Virtuoso mong muốn mô phỏng dây chuyền sản xuất vành bánh xe với cánh tay robot để gia tăng hiệu quả đào tạo nhân viên và trình diễn cho người mua một cách trực quan nhất.
Vì vậy, Firecoals đã xây dựng ứng dụng di động có khả năng quét các bản vẽ và hiển thị mô hình 3D của dây chuyền sản xuất thông qua camera điện thoại. Qua đó, người dùng có thể dễ dàng quan sát được cách thức hoạt động của dây chuyền sản xuất. Nhờ vậy, hiệu quả đào tạo nhân viên bán hàng được ghi nhận tăng hơn 30% so với trước kia, đồng thời doanh số bán hàng cũng tăng hơn 10%.
Firecoals là một trong những công ty chuyên về công nghệ AR/VR gia nhập thị trường sớm nhất tại Việt Nam, vì vậy công ty đã có thương hiệu trên thị trường. Ngoài ra, công nghệ lõi là thế mạnh chính của Firecoals, giúp Firecoals có thể đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của khách hàng.
Chia sẻ với PV Tạp chí TT&TT, đại diện Firecoals cho biết: Tham gia cuộc thi Viettel Solutions, Firecoals muốn tận dụng thế mạnh công nghệ của Firecoals và lợi thế thương hiệu của Viettel để đưa sản phẩm phủ rộng đến tập khách hàng mục tiêu, hướng đến mục tiêu giải quyết bài toán bất cập của ngành đào tạo sản phẩm/hệ thống mới, từ đó góp phần vào công cuộc thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
"Chúng tôi muốn ứng dụng công nghệ AR/VR để kiến tạo nên những sản phẩm và dịch vụ đột phá, có tính tương tác cao nhằm đem đến những trải nghiệm mới lạ và thú vị cho người dùng", đại diện Firecoals cho biết./.