Đề án nêu rõ, đầu tư hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành GTVT phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm mục tiêu bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.
Đến 2025 hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến 2025 hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT trong đó có cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.
100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công (DVC) và hệ thống một cửa điện tử; tất cả các DVC phổ biến liên quan đến nhiều người dân và doanh nghiệp (DN) được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ GTVT được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.
100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có nhu cầu.
Toàn bộ số liệu phục vụ quản lý an toàn giao thông được xử lý, tích hợp hoàn toàn tự động từ các hệ thống thông tin quản lý thuộc các chuyên ngành đường bộ, Cảnh sát giao thông và y tế dùng để đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ,...
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp gồm:
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành GTVT.
- Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật dùng làm nền tảng để phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành ngành GTVT.
- Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, DN và công tác chỉ đạo, điều hành của ngành GTVT.
- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
- Triển khai, hoàn thiện ứng dụng CNTT giao thông đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.
- Hợp tác, phát triển nguồn nhân lực CNTT chuyên trách chất lượng cao và triển khai nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong ngành GTVT.
- Giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện ứng dụng CNTT trong đổi mới, hiện đại hóa ngành GTVT.
- Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết.
Bộ GTVT cán mốc 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4
Thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công, Bộ GTVT vừa trở thành đơn vị thứ 13 hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 4, bên cạnh các bộ, ngành, địa phương khác gồm các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, TT&TT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tỉnh, thành phố: An Giang, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Nam Định.
Cùng với việc hoàn thành tỷ lệ 30% DVCTT mức 4, hiện Bộ GTVT còn có có tỷ lệ DVCTT mức 3,4 có phát sinh hồ sơ lên tới 88,16%.
Theo thống kê của Trung tâm CNTT - Bộ GTVT, trong tổng số 453 TTHC của ngành GTVT, có 366 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và gần 90 thủ tục liên quan đến các địa phương. Đến nay, gần như tất cả TTHC được Bộ GTVT triển khai cung cấp trực tuyến mức độ cao đều có phát sinh hồ sơ với tỷ lệ rất cao.
Cụ thể, trong 125 DVCTT mức 3, số dịch vụ có phát sinh hồ sơ là 109, đạt 87,2%, và với 137 DVCTT mức 4, số dịch vụ có phát sinh hồ sơ là 122, đạt hơn 89%.
Trung bình hàng năm, Bộ GTVT có khoảng 800.000 hồ sơ trực tuyến. Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống cung cấp DVCTT của Bộ có khoảng gần 100.000 tài khoản của DN và người dân, trong đó chủ yếu là tài khoản của các DN.
Tính đến tháng 5/2020, tổng số DVCTT mức độ 3,4 của Bộ GTVT là 262 dịch vụ, đạt tỷ lệ 57,84%. Trong đó, cung cấp DVCTT mức độ 4 là 137 dịch vụ, đạt tỷ lệ 30,24% (tỷ lệ này thời điểm cuối năm 2019 là 28,27%).
Bên cạnh đó, tỷ lệ DVCTT mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến của Bộ GTVT đạt 88,16%, cao hơn nhiều tỷ lệ trung bình của các bộ, ngành, địa phương tính đến tháng 5/2020 (25,64%). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3,4 của Bộ GTVT đạt 54,68%.