Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nhiều hợp tác xã vượt khó trong đại dịch

Thanh Trà| 28/11/2021 09:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Dịch bệnh Covid-19 có tác động lớn đến chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, gây khó khăn cho ngành nông nghiệp đặc biệt là các hợp tác xã. Trong những thời điểm khó khăn đó, nhiều hợp tác xã đã liên kết, ứng dụng công nghệ, tích cực chuyển đổi số và

Hợp tác xã chủ động thích ứng trong đại dịch Covid-19

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn là một trong số ít hợp tác xã ở Hà Nội tiên phong trong việc phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã một cách đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như các hệ thống siêu thị lớn và các sàn giao dịch điện tử thương mại còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, hợp tác xã đã ứng dụng Công nghệ 4.0 eGap & eGap.vn, iMetos của Liên hiệp hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam nhằm phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống hợp tác xã với các giải pháp đồng bộ như nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc mã QR gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn.

Theo đại diện Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các hệ thống giám sát minh bạch đến các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp cho nông dân của hợp tác xã mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa người nông dân với người tiêu dùng.

“Mặc dù thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của hợp tác xã vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu của hợp tác xã năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020”, đại diện Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh), cho biết, với tiềm năng, lợi thế từ đàn ong bản địa lớn, hằng năm cho năng suất mật cao, đến cuối năm 2019, sản phẩm mật ong Cường Nga đã được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao.

Với kinh nghiệm sản xuất lâu năm, người nông dân Hợp tác xã Mật ong Cường Nga đã kết hợp việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm mật ong đã có tính đồng đều hơn, qua đó khẳng định được vị trí trên thị trường.

“Mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng bằng việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, đặc biệt là tham gia kết nối thương mại điện tử nông sản trên cổng Blockchain chuyển đổi số hợp tác xã nông nghiệp, việc kết nối giao thương của hợp tác xã vẫn diễn ra thuận lợi thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, qua đó tiêu thụ được hơn 7.000 lít mật ong, thu về khoảng 3 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Cường cho hay.

Bên cạnh những thuận lợi đó, nhiều hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ sản nông sản.

Đại diện Hợp tác xã Thanh Bình Thabi Farm (Đồng Nai) cho biết: Hiện nay, hợp tác xã đang phát triển theo hướng hữu cơ, chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, gặp rất nhiều khó khăn trong đồng bộ sản xuất.

Vườn trồng của các xã viên diện tích nhỏ, manh mún, không liên kết tạo thành cánh đồng… nên việc kiểm soát dịch bệnh, sử dụng các hoạt chất chưa có sự đồng nhất. Hợp tác xã vừa phải bảo đảm sản xuất, vừa phải lo công tác tiêu thụ.

Hiện, hợp tác xã có sản lượng hằng năm là 50 tấn/ha. Với diện tích hơn 2.000 ha thì sản lượng chuối hằng năm có nhu cầu tiêu thụ rất lớn.

Trên cơ sở đó, hợp tác xã bày tỏ mong muốn, các đơn vị kết nối, doanh nghiệp có hệ sinh thái tốt liên kết với hợp tác xã xây dựng vùng trồng chuối tập trung; Tổ chức lại sản xuất, đi đúng hướng theo yêu cầu của thị trường, tối ưu sản phẩm…

Cần chủ động thích ứng bằng nhiều giải pháp

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng trong bối cảnh mới của kinh tế, xã hội cũng như thị trường trong nước và thế giới, các hợp tác xã cần phải chủ động thích ứng bằng nhiều giải pháp.

Thứ nhất là đầu tư cho nguồn nhân lực.

Thứ hai là nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tích hợp đa giá trị, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Thứ ba là đổi mới tư duy trong kinh doanh và liên kết, cần tiếp tục mở rộng quy mô của các hợp tác xã thông qua nhiều giải pháp khác nhau, từ tăng thành viên đến việc kết hợp với các hợp tác xã khác trong cùng lĩnh vực để mở rộng kinh doanh và hợp tác trong các hệ sinh thái.

“Thứ tư, trong quá trình chuyển đổi, phát triển, các hợp tác xã cũng cần thay đổi tư duy trong liên kết với các doanh nghiệp đầu ra, cần phải tăng tính cam kết, chia sẻ giữa hợp tác xã và các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra. Đặc biệt, rất cần những hợp tác cụ thể, không chỉ là câu chuyện bán hàng mà còn là sự hỗ trợ, tương tác của hai bên trong việc xử lý vốn, xử lý công nghệ…”, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông Thịnh, hợp tác xã không nên đi vào công đoạn lớn, nhiều rủi ro như thương mại hay chế biến sâu. Điều cần làm là tập trung sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua đầu vào. Một số tồn tại được ông Thịnh chỉ ra như nghịch lý về vốn, công nghệ.

“Một trong những câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất là không đủ vốn, không đủ công nghệ. Cần xác định là hợp tác xã có nguyên liệu, không có hợp tác xã thì doanh nghiệp không hoạt động được. Hợp tác xã có thể yêu cầu doanh nghiệp đầu tư về công nghệ, có thể được chia sẻ vốn, máy móc”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo đó, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn đề nghị các hợp tác xã tiếp tục xây dựng khu vực, thể chế phù hợp với nông thôn để hoàn thành những nhiệm vụ cho phát triển nông nghiệp; giúp đỡ, hỗ trợ những người nông dân chưa đủ điều kiện để làm ông chủ…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nhiều hợp tác xã vượt khó trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO