Ứng dụng công nghệ giúp bưu tá, khách hàng hạn chế tiếp xúc

Vân Anh| 03/08/2021 10:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Hệ thống tủ phát hàng tự động Post Smart của Vietnam Post và mô hình bưu cục số của Viettel Post đã góp phần hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa bưu tá với người dân tại các vùng dịch, nhất là Hà Nội và TP.HCM.

Cung cấp gần 7.000 tấn hàng hóa thiết yếu cho người dân 24 địa phương

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Vietnam Post) là những doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tham gia đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh, thành đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

Từ giữa tháng 7 đến nay, mỗi khi có thêm địa phương thực hiện giãn cách xã hội, 2 doanh nghiệp lập tức bố trí địa điểm và nhân sự tại các khâu quan trọng của quá trình vận chuyển và cung cấp nhu yếu phẩm. Qua đó, phần nào giúp “hạ nhiệt” tình trạng khan hiếm, tăng giá thực phẩm tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, đồng thời không để cán cân thị trường tại Hà Nội mất cân đối.

Theo bà Lê Việt Nga, Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Vietnam Post, Viettel Post đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc vận chuyển, cung ứng hàng thiết yếu tại các tỉnh, thành đang giãn cách.

“Với hệ thống bưu cục cùng việc sở hữu các sàn Vỏ Sò và Postmart, 2 doanh nghiệp đã tích cực tham gia một số chương trình, qua việc tổ chức những điểm bán hàng lưu động và qua các sàn thương mại điện tử tại các địa phương đang giãn cách. Mô hình này rất hiệu quả tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam”, bà Nga thông tin.

Dưới sự điều phối của Bộ TT&TT, đến nay ngoài Vietnam Post và Viettel Post, đã có thêm nhiều doanh nghiệp bưu chính tham gia vận chuyển, cung ứng hàng thiết yếu cho các địa phương đang giãn cách như: Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Thuận Phong, Lalamove, Supership, Proship...

Thống kê từ các doanh nghiệp cho thấy, đến hết ngày 1/8, tổng số điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu tại 24 địa phương vùng dịch đã là 3.688 điểm. Tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp cung ứng cho người dân tại các địa phương đã là 6.952 tấn, tăng 13% so với ngày 31/7, với tổng giá trị đạt 174,97 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cũng đến ngày 1/8, các doanh nghiệp bưu chính đã vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương 2.650 tấn hàng hóa thiết yếu, tăng 12% so với ngày 31/7.

Giảm nguy cơ lây lan dịch nhờ ứng dụng công nghệ số

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, để bảo vệ sức khỏe của nhân viên và các khách hàng, các doanh nghiệp bưu chính đã và đang triển khai nhiều giải pháp công nghệ giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Tủ phát hàng tự động Smart Post và bưu cục số là 2 giải pháp công nghệ hỗ trợ Vietnam Post và Viettel Post không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng mà còn phát huy tác dụng trong mùa dịch.

Post Smart, ứng dụng công nghệ giao - nhận hàng đã trở nên phổ biến tại nhiều nước phát triển, đã được Vietnam Post vận hành thử nghiệm trong tháng 7. Trong 40 tủ phát hàng tự động Post Smart được triển khai thí điểm, có 22 tủ tại TP.HCM và 18 tủ tại Hà Nội. Sau thử nghiệm, doanh nghiệp đang hoàn thiện giải pháp để lên phương án sớm mở rộng.

“Giao hàng qua Post Smart là một trong những giải pháp công nghệ để chúng tôi từng bước hoàn thiện phương thức giao hàng tự động, phù hợp nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng ưa chuộng mua sắm, giao dịch qua các nền tảng số”, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Post Lê Quốc Anh chia sẻ.

Để chọn nhận bưu gửi qua tủ Post Smart, người dùng sẽ liên hệ với doanh nghiệp qua một trong các hình thức: hotline, số điện thoại bưu cục gửi hàng, Fanpage của Vietnam Post, tạo yêu cầu thay đổi địa chỉ trên ứng dụng “My Vietnam Post”, yêu cầu bưu tá phát tại điểm tủ Post Smart mong muốn. Khi bưu gửi về Post Smart đã đăng ký, người dân sẽ dùng mã OTP hoặc mã QR được Vietnam Post gửi đến để nhập/quét mã mở tủ, thanh toán và nhận hàng.

Bưu gửi được giữ trong tối đa 48 giờ từ khi về tủ, giúp khách hàng chủ động sắp xếp thời gian đến điểm Post Smart lấy hàng. Cước phí nhận hàng được thanh toán qua ví điện tử bằng thao tác quét mã QR hiển thị trên màn hình tủ.

Ứng dụng công nghệ giúp bưu tá, khách hàng hạn chế tiếp xúc - Ảnh 1.

Tại các địa bàn cung cấp dịch vụ Post Smart, khách hàng của Vietnam Post có thể đến điểm tủ đăng ký để tự lấy bưu gửi.

Với Viettel Post, mô hình bưu cục số với chỉ 1 nhân sự đã được đơn vị áp dụng từ tháng 5. Đến nay, trên toàn quốc đã có hơn 1.100 bưu cục số được mở, trong đó TP.HCM có trên 200 điểm.

Nhờ được trang bị các công cụ công nghệ số hỗ trợ cho các đầu việc diễn ra tại bưu cục thường, Trưởng bưu cục số có thể phụ trách và chịu trách nhiệm tất cả các khâu giao và nhận hàng trên địa bàn. Điều này giúp công việc có thể diễn ra bình thường ngay trong mùa dịch.

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Quang Đạt, Trưởng bưu cục số Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, nhờ chỉ hoạt động tại 1 địa bàn, Trưởng bưu cục số này không phải khai báo tại các chốt giữa các quận. Việc gom đơn và vận chuyển theo tuyến ngắn cũng cho phép nhân sự của bưu cục số có thể chuyển phát được số lượng đơn lớn hơn, hỗ trợ được nhiều người dân hơn.

“Người dân không cần đến trực tiếp các điểm phục vụ để gửi hàng mà chỉ cần tạo đơn trên ứng dụng. Sau khi nhận thông tin, tôi sẽ đến địa chỉ khách hàng để khai thác và kết nối bưu phẩm, hàng hóa. Điều này giúp khách hàng có thể ở nhà, giảm nguy cơ bị nhiễm dịch do tiếp xúc trực tiếp”, ông Đạt chia sẻ./.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ giúp bưu tá, khách hàng hạn chế tiếp xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO