Ứng dụng công nghệ giúp DN tuyển dụng nhân tài nhanh chóng trong “bình thường mới”

Bảo Bình| 19/05/2022 07:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngay cả những doanh nghiệp (DN) uy tín nhất cũng thấy rằng việc “miễn nhiễm” với tác động của COVID-19 sẽ rất khó khăn khi không có sự trợ giúp từ công nghệ.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn trong quy trình tuyển dụng trên toàn thế giới. Điều này buộc các tổ chức phải đưa ra các biện pháp mang tính linh hoạt và thận trọng hơn để thu hút nhân tài. Những tổ chức chưa trang bị đầy đủ kiến thức sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trở về trạng thái “bình thường mới”.

Chỉ các DN đã ứng dụng công nghệ bài bản mới có thể hoạt động trơn tru và kịp thời ứng phó với những sự thay đổi phức tạp trên. Những thách thức như vậy ảnh hưởng đến tính liên tục trong các hoạt động kinh doanh và đặc biệt trong bộ phận quản lý. Ngay cả những công ty uy tín nhất cũng thấy rằng việc “miễn nhiễm” với tác động của COVID-19 sẽ rất khó khăn khi không có sự trợ giúp từ công nghệ.

Những rào cản khi ứng dụng công nghệ trong quy trình tuyển dụng

Mới đây, hãng InTalents đã công bố Báo cáo về tình hình chuyển đổi số (CĐS) trong tuyển dụng. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều DN không xây dựng một quy trình phỏng vấn bài bản hoặc vẫn đang sử dụng các phương thức tiếp cận truyền thống - như đăng tin trên các cổng tuyển dụng hoặc gọi điện trực tiếp để giới thiệu các vị trí mới. Thêm vào đó, các DN dường như không có cơ sở hạ tầng để xác định và chiêu mộ nhân tài phù hợp. Họ cũng không có nhiều hiểu biết về ứng dụng công nghệ, dùng dữ liệu khách quan để sắp xếp, tối ưu hóa và đưa ra các quyết định tuyển dụng.

Trong khi đó, 76% những người được khảo sát cho rằng ứng dụng công nghệ chính là chìa khóa giúp họ gia tăng giá trị của DN. Trước những thách thức do COVID-19 gây ra, đa số các chủ DN đều cho rằng các công việc hiện tại và cả việc tuyển dụng của họ vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, dù trong bối cảnh nhân viên phải làm việc từ xa. Hiện nay Internet đã phủ sóng mọi nơi, máy tính có giá thành rẻ và sự dễ dàng trong việc tiếp cận công nghệ giúp nhân viên thoải mái làm việc từ xa.

Các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và những nước khác, dự kiến sẽ có tốc độ áp dụng công nghệ vào tuyển dụng ở mức 47%. Tại các quốc gia này, chi phí sử dụng Internet, mua thiết bị, áp dụng công nghệ mới và sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh với giá thành phải chăng đã thúc đẩy sự tăng trưởng.

Mặc dù xác định tầm quan trọng và cần thiết của việc ứng dụng công nghệ, song các nhà tuyển dụng cho biết việc phụ thuộc quá nhiều và thường xuyên sử dụng các phương pháp tuyển dụng truyền thống chính là rào cản đáng kể nhất của họ đối với việc áp dụng công nghệ vào các công việc tuyển dụng, bên cạnh khó khăn về mặt chi phí.

Theo InTalents, để có thể vượt qua các rào cản trên, các DN và cấp quản lý cần trang bị những kiến thức và tăng khả năng thích ứng với các công nghệ và quy trình làm việc mới.

Các DN chuyển sang hình thức tuyển dụng trực tuyến đều nhận thấy những bước phát triển đột phá thực sự mà CĐS mang lại. Nhà tuyển dụng thấy rằng họ được hỗ trợ rất nhiều từ các hệ thống mới và sử dụng công nghệ chính là điểm mấu chốt cho tương lai.

Ứng dụng công nghệ giúp DN tuyển dụng nhân tài, nhanh chóng “bình thường mới” sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Những khó khăn khi nhà tuyển dụng ứng dụng công nghệ

Các công nghệ được sử dụng nhiều nhất trong tuyển dụng

Bên cạnh việc khẳng định tầm quan trọng của công nghệ, báo cáo của InTalents cũng khuyến nghị một số những công cụ thiết yếu mà các DN nên áp dụng để đạt hiệu quả cao trong quá trình tuyển dụng, tìm kiếm nhân sự.

Applicant Tracking System (ATS)

Applicant Tracking System hay hệ thống theo dõi ứng viên (ATS) là một công cụ cần phải có với các kế hoạch chiến lược tuyển dụng và xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai. Bằng cách kết hợp tất cả dữ liệu ứng viên vào hệ thống ATS, nhà tuyển dụng không chỉ có thể nhanh chóng chuyển đổi ứng viên qua các phễu tuyển dụng (recruitment funnel), mà còn có thể khai thác dữ liệu từ những chiến dịch cũ và chuyển nó thành nguồn lực cho các chiến dịch khác trong tương lai.

InTalents cho rằng ATS nên là nền tảng trung tâm định hướng cho chiến lược tuyển dụng và các chương trình quản lý ứng viên. Thêm vào đó, hệ thống còn cung cấp cho nhà tuyển dụng vô số thông tin về ứng viên mà họ có thể dễ dàng truy cập trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình tuyển dụng.

Sourcing tools - công cụ tạo nguồn

Đây là cách tìm kiếm ứng viên chủ động trên các mạng xã hội như Facebook, LinkedIn,... Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng cho rằng những công cụ tìm kiếm ứng viên ứng dụng công nghệ AI cũng rất hữu ích trong việc thiết lập nguồn ứng viên như Upsider, RecruitRobin, Aevy,...

Bảng tin tuyển dụng

Bên cạnh các công cụ trên, các trang tìm kiếm việc làm, cơ sở dữ liệu (CSDL) ứng viên cũng được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá hữu ích. Riêng tại Việt Nam, nền tảng CSDL ứng viên  được nhiều đội ngũ tuyển dụng sử dụng như TopCV, VietnamWorks, CareerBuilder,...

Phỏng vấn trực tuyến

Top các công cụ dùng để phỏng vấn trực tuyến được nhiều công ty, phòng nhân sự tin dùng có thể được kể đến như Google Meet, Zoom và Skype; ngoài ra còn có các công cụ hỗ trợ sắp xếp lịch phỏng vấn, hội họp của doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ giúp DN tuyển dụng nhân tài, nhanh chóng “bình thường mới” sau dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ trong quy trình tuyển dụng để mang lại hiệu quả

Xu hướng công nghệ mới trong năm 2022

Không chỉ sử dụng những công cụ như trên, để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu mới, đội ngũ tuyển dụng đã nhờ đến các phần mềm tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác tạo nguồn, lọc ứng viên, lên lịch phỏng vấn và thậm chí trò chuyện tương tác cùng ứng viên.

AI

Hầu hết các công ty đang cần nhiều ứng viên hơn, điều này đòi hỏi họ phải xây dựng một mạng lưới rộng lớn hơn. Ứng dụng công nghệ AI trong tuyển dụng dự kiến sẽ gia tăng vào năm 2022. AI có thể tăng hiệu quả cho quy trình tuyển dụng qua việc tự động hóa những công việc đơn giản, mang tính thủ công và lặp đi lặp lại.

Thực tế, trong quá trình tuyển dụng, các công ty sẽ phải đối mặt với tình trạng có quá nhiều ứng viên ứng tuyển vào một vị trí. Điều này đặt các công ty vào tình huống “mò kim đáy biển“. Tuy vậy, với công nghệ tự động, các công ty có thể tìm kiếm những ứng viên phù hợp nhất cho vị trí cần tuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn. Bất cứ công việc thủ công nào mà nhà tuyển dụng làm nhiều hơn năm lần một ngày đều có thể và nên được tự động hóa.

Công nghệ chuỗi khối (blockchain)

Công nghệ blockchain đang cách mạng hóa cách thức các cơ quan, nhà tuyển dụng xem xét và cân nhắc các ứng viên tiềm năng. Cụ thể, với mức độ bảo mật mà blockchain cung cấp cho người dùng - chính là các ứng viên, công nghệ này có thể được sử dụng để duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu, như những dữ liệu nền tảng việc làm trước đó hoặc dữ liệu về chứng chỉ học tập. Nhà tuyển dụng có thể tham khảo các dữ liệu được ứng viên chia sẻ. 

Theo một nghiên cứu của CareerBuilder, 75% nhà tuyển dụng đã từng bắt gặp điểm không trung thực trong hồ sơ ứng tuyển mà họ nhận được. Mặc dù con số này đã cao đáng kinh ngạc, nhưng đây chỉ là những hồ sơ gian lận mà các nhà tuyển dụng nhận thấy. Điều nãy cũng đồng nghĩa với việc còn vô số những hồ sơ gian lận khác không bị phát hiện. 

Thêm vào đó, sự xuất hiện hàng loạt các cơ sở sản xuất văn bằng và những chứng chỉ trực tuyến (online) đã khiến cho các tài liệu chính thống rất dễ bị làm giả. Do đó, các hồ sơ ứng tuyển giờ đây không còn uy tín như trước đó.

Giải pháp chính là công nghệ xác thực thông tin. Cùng với việc biết rằng ứng viên thực sự đủ tiêu chuẩn cho vị trí hiện tại, nhà tuyển dụng cũng cần khẳng định ứng viên không giả mạo các chứng chỉ hoặc bằng cấp. Các thông tin đã xác thực có thể cung cấp cho các chuyên gia nhân sự thông tin có giá trị về các nhà tuyển dụng trước đây của ứng viên hoặc các tài liệu tham khảo về học vấn, bao gồm tên và chi tiết liên hệ, để việc tham khảo trở nên đáng tin cậy và hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ blockchain, nhà tuyển dụng có thể có những thông tin xác thực của ứng viên như lịch sử học vấn, kinh nghiệm làm việc, lý lịch tư pháp, các chứng chỉ và bằng cấp …. Công nghệ blockchain cung cấp cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng quyền truy cập an toàn vào hồ sơ đã được xác thực. Hiện nay, các nhà tuyển dụng có thể có quyền xem hồ sơ ngay lập tức khi có sự đồng ý của ứng viên.

Vào năm 2022, các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực nhân sự sẽ tiếp tục thay đổi cách thức nhà tuyển dụng tìm kiếm nhân sự./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ giúp DN tuyển dụng nhân tài nhanh chóng trong “bình thường mới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO