Vai trò của dư luận xã hội và báo chí truyền thông trong việc góp phần giải quyết các vấn đề xã hội
Dư luận xã hội là cuộc thảo luận công khai về các vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích chung, thường mang tính thời sự. Dư luận xã hội có chu kỳ hình thành, phát triển, đạt đỉnh và kết thúc.
Tóm tắt:
- Dư luận xã hội (DLXH): Là cuộc thảo luận công khai về các vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích chung, thường mang tính thời sự. DLXH có chu kỳ hình thành, phát triển, đạt đỉnh và kết thúc.
- Vai trò của báo chí:
+ Nêu vấn đề, tạo diễn đàn thảo luận, định hướng dư luận.
+ Báo chí chuyên nghiệp giúp phân tích, sàng lọc, dẫn dắt dư luận đi đúng hướng.
+ Là “thủ lĩnh dư luận,” giúp công chúng hiểu rõ vấn đề, thúc đẩy giải pháp.
- Báo chí và mạng xã hội (MXH):
+ Báo chí duy trì tính chuyên nghiệp, định hướng dư luận tốt hơn MXH (mang tính tự phát, cảm tính).
+ Cả hai tạo diễn đàn trao đổi, nhưng cần sự định hướng đúng đắn từ các nhà báo có tâm và tầm.
- Tác động của dư luận: Góp phần giải quyết vấn đề xã hội, nhưng cần tránh thái cực, cực đoan.
- Yêu cầu đối với nhà báo và công chúng:
+ Nhà báo cần có chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, định hướng tích cực cho dư luận.
+ Công chúng cần phát ngôn có trách nhiệm, tránh lạm dụng quyền tự do ngôn luận.
- Kết luận: Báo chí và DLXH góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, khi được vận dụng và định hướng đúng đắn. Nhà báo cần đảm nhận vai trò dẫn dắt, tạo sự ổn định và tiến bộ cho cộng đồng.
DLXH có thể được xem là cuộc thảo luận công khai của công chúng về những vấn đề thời sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của nhiều người. DLXH là hiện tượng diễn ra thường xuyên, liên tục trong đời sống xã hội hiện đại. Báo chí truyền thông đóng vai trò xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển và kết thúc của DLXH xung quanh một vấn đề cụ thể.
Báo chí có khả năng nêu vấn đề, làm diễn đàn thảo luận vấn đề và góp phần tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Để báo chí làm tốt vai trò “thủ lĩnh dư luận”, dẫn dắt dư luận đi đúng hướng, cần có những nhà báo với năng lực chuyên môn cao và ý thức đạo đức nghề nghiệp sâu sắc, sẵn sàng và đủ khả năng đưa công chúng đến với nhận thức và hành động đúng, góp phần vào việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong xã hội và thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
DLXH trong xã hội hiện đại: Khái niệm, nguồn gốc và đặc điểm
DLXH xung quanh một vấn đề hay còn được gọi là công luận (public opinion) là cuộc thảo luận công khai của công chúng về các vấn đề quan trọng với cộng đồng xã hội, được xã hội quan tâm [1]. Thường những vấn đề được tập trung thảo luận là những vấn đề có tính thời sự có liên quan đến lợi ích của cộng đồng. Cuộc thảo luận này là sự trình bày và tương tác giữa các luồng ý kiến khác nhau về vấn đề (luồng ý kiến đồng ý, luồng ý kiến phản đối, luồng ý kiến trung lập), cuối cùng sẽ dẫn đến sự hiểu biết sâu hơn về vấn đề và góp phần vào việc hình thành giải pháp cho vấn đề.
DLXH xung quanh một vấn đề, sự kiện, hiện tượng sẽ không tồn tại mãi mãi mà sẽ có thời điểm phát sinh, phát triển đến đỉnh điểm và dần lắng dịu rồi chấm dứt, nhường chỗ cho dư luận xung quanh các vấn đề khác mới nổi, như thể hiện trong minh họa ở Hình 1 và Hình 2.
Trong xã hội, luôn tồn tại và phát sinh các vấn đề liên quan đến lợi ích và mối quan tâm của cộng đồng. Ngày nay, sự đa dạng, sẵn có của các phương tiện truyền thông đại chúng giúp cho công chúng có điều kiện thuận lợi trong việc trình bày công khai ý kiến của mình về các vấn đề mà họ quan tâm. Do đó, DLXH về các vấn đề nối tiếp nhau hình thành, tồn tại, phát triển, được giải quyết, được kết thúc và lại tiếp tục phát sinh những vấn đề mới thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.
Nói cách khác, DLXH về một vấn đề có chu kỳ tồn tại, phát triển và kết thúc, nhường chỗ cho ý kiến về những vấn đề mới nảy sinh thu hút sự chú ý của công chúng. Điều này có nghĩa là DLXH hay công luận là hiện tượng tồn tại thường xuyên trong xã hội, hầu như không bao giờ chấm dứt. Trong xã hội hiện đại nơi mà báo chí truyền thông phát triển, thì DLXH xung quanh các vấn đề thời sự nóng bỏng là nguồn đề tài liên tục, thường xuyên cho báo chí truyền thông.
Dư luận xã hội và báo chí truyền thông
Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng, cuộc thảo luận của công chúng diễn ra mạnh mẽ trên truyền thông đại chúng, và truyền thông đại chúng đang tạo ra điều kiện thuận lợi cho cuộc thảo luận của xã hội xung quanh các vấn đề được xã hội quan tâm. Đặc biệt, hiện nay, báo chí và MXH đang là 2 loại phương tiện truyền thông đại chúng có mối quan hệ chặt chẽ với DLXH, có khả năng làm diễn đàn cho sự phát sinh, phát triển và định hướng của DLXH.
Trong xã hội luôn nảy sinh và tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích của nhiều người, đặt ra yêu cầu cần giải quyết những vấn đề này để ổn định tâm lý của cộng đồng xã hội và tạo điều kiện cho sự phát triển của xã hội. Đứng trước các vấn đề phát sinh, con người có nhu cầu lên tiếng phát biểu ý kiến của mình. Trong một xã hội tiến bộ, dân chủ, phát triển, những tiếng nói này có điều kiện để cất lên, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí và hiện nay là MXH. Khi có nhiều tiếng nói xung quanh một vấn đề, xã hội sẽ có thể hướng sự chú ý đến vấn đề hon, từ đó tạo ra áp lực cho các bên liên quan trong việc tìm ra giải pháp và thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề.
Ngày nay, báo chí là diễn đàn để dư luận lên tiếng và báo chí cũng chính là nơi nhiều vấn đề của xã hội được nêu lên, trình bày cho công chúng nhìn thấy, từ đó làm “khỏi nguồn" [2] DLXH. Nhưng vai trò của báo chí không chỉ dừng lại ở khởi nguồn dư luận, mà quan trọng hơn nữa, là định hướng dư luận.
Với sự phát triển của thuyết thiết lập chương trình nghị sự (the agenda setting theory), từ những năm 70 của thế kỉ XX, hai nhà nghiên cứu người Mỹ Maxwell McCombs và Donald Shaw đã chứng minh khả năng và chức năng định hướng dư luận của báo chí.
Tiếng nói từ báo chí là tiếng nói được dư luận chú ý và tin tưởng, báo chí không trực tiếp thực hiện các việc thay đổi hay điều chỉnh, nhưng cất lên tiếng nói để cho mọi người thúc đẩy hành động thay đổi cần thiết.
Trong điều kiện bùng nổ truyền thông như hiện nay, chức năng này không hề suy giảm mà càng trở nên quan trọng hơn. MXH là nơi nhiều cá nhân tự do thể hiện ý kiến của mình, tuy nhiên, do tính chất tự do, tự phát của mình, các ý kiến trên MXH có thể mang tính tự phát, ít chọn lọc, thậm chí là thiếu cân nhắc.
Nói đến công luận là nói đến các ý kiến. Xung quanh một vấn đề có thể có nhiều ý kiến khác nhau, xuất phát từ các cá nhân hoặc nhóm với những góc nhìn khác nhau, lợi ích khác nhau. Ý kiến trong quá trình được hình thành và phát biểu thì có thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: lợi ích, hệ tư tưởng, nguồn gốc văn hóa, trình độ giáo dục, hệ giá trị, môi trường, và đặc biệt là báo chí truyền thông... Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều ý kiến khác nhau được thể hiện khi một vấn đề được công khai, và tranh cãi là một giai đoạn trong quá trình phát sinh, tồn tại của dư luận xung quanh một vấn đề.
Trên thực tế, nếu đứng ở một góc nhìn khách quan với một thái độ cầu thị, thì các ý kiến tuy khác nhau nhưng nên được lắng nghe, chọn lọc, xem xét để đem lại một bức tranh tổng quan, toàn diện về vấn đề, hay nói cách khác, giữa nhiều tiếng nói cất lên trên diễn đàn công khai của truyền thông đại chúng thì cần có những nhân vật đóng vai trò “thủ lĩnh thông tin” để dẫn dắt và tổ chức các tiếng nói đó. Những người “thủ lĩnh thông tin” cần lắng nghe các ý kiến khác nhau và phân tích để đạt được là sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ mọi khía cạnh về vấn đề đang cần giải quyết, từ đó có những sự điều chỉnh hoặc động thái phù hợp để giải quyết vấn đề. Nói cách khác, thủ lĩnh thông tin không nên vội vàng bác bỏ toàn bộ mọi ý kiến, mà nên có sự lắng nghe, cân nhắc, đánh giá thật sáng suốt.
Sự tồn tại của DLXH xung quanh một vấn đề xã hội công khai là điều tất yếu, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông hiện nay. Con người có tư duy, có suy nghĩ nên đứng trước một vấn đề, sự kiện, hiện tượng thì con người có nhận xét, đánh giá, ý kiến (khen ngợi, phê phán, ủng hộ, phản đối...).
Do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên không phải mọi ý kiến đều khách quan hoặc hoàn toàn đúng. Trên thực tế, công luận phản ánh những vấn đề quan trọng của xã hội, mối quan tâm, nguyện vọng, tình cảm, nhận thức, thái độ, góc nhìn của các tầng lớp xã hội, các nhóm công chúng. Lắng nghe dư luận thì sẽ hiểu nhân dân, hiểu tâm tư nguyện vọng, nhận thức, hiểu biết của công chúng. Tuy nhiên, như đã phân tích, để công luận phát huy tốt khả năng tích cực của nó trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội, cần phải có vai trò của các thủ lĩnh dư luận, đặc biệt là báo chí.
Công luận là nơi thể hiện, gặp gỡ và trao đổi của các luồng ý kiến. Công luận có khả năng tác động mạnh mẽ lên vấn đề và quá trình giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên, các luồng ý kiến này cần có sự định hướng đúng đắn của các thủ lĩnh dư luận để tập hợp các ý kiến đa dạng, xác định được trọng điểm, làm rõ được bản chất vấn đề, dung hòa và tìm được hướng đi đúng và đưa dư luận đi theo chiều hướng đúng đắn, tích cực.
Khi một vấn đề được công khai trên truyền thông đại chúng và trở thành tâm điểm của dư luận, thì các ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề sẽ đặt vấn đề dưới những góc nhìn khác nhau, từ đó cung cấp cái nhìn toàn diện về vấn đề, giúp công chúng hiểu sâu sắc, rõ ràng hơn vấn đề. Đây là tiền đề quan trọng để đi đến tìm ra giải pháp cho vấn đề.
Khi các ý kiến khác nhau được trình bày công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí, thì sẽ có sự trao đổi, tương tác, thảo luận xảy ra. Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đại chúng hiện nay, cuộc trao đổi này được tạo điều kiện thuận lợi (ví dụ như trên báo chí, MXH dẫn đến các góc nhìn về vấn đề được bộc lộ, vấn đề được soi chiếu. Các luồng ý kiến cọ xát với nhau trên những diễn đàn công khai như báo chí và mạng xã hội. Cutlip và các cộng sự (2000, trang 265) cho rằng có sự thể hiện, điều chỉnh, thỏa hiệp giữa các ý kiến để rồi đi đến “một sự xác định tập thể về đường hướng hành động”.
Trong điều kiện xã hội và công nghệ truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, vai trò làm diễn đàn của báo chí được phát huy, tạo điều kiện thuận lợi cho các ý kiến được trình bày, các cuộc thảo luận của xã hội diễn ra. Hiện nay, MXH cũng đang đóng vai trò diễn đàn, song thiếu sự chắt lọc chuyên nghiệp của báo chí nên diễn đàn MXH mang tính cảm tính, nhiều khi là tự phát, thiếu định hướng phù hợp. Các nhà báo với trình độ, kinh nghiệm, uy tín và thẩm quyền được trao (xã hội trao cho báo chí), có khả năng cao trong việc lựa chọn, sàng lọc thông tin, dẫn dắt dư luận đi theo một đường hướng phù hợp.
Trong thời đại hiện nay, điều tạo nên giá trị của báo chí không chỉ nằm ở việc đưa tin mà còn là ở những phân tích sâu sắc, đánh giá chính xác, tầm nhìn toàn diện, khả năng định hướng dư luận đi đúng hướng trước các vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Điều này đòi hỏi nhà báo phải thực sự có năng lực chuyên môn cao, thực sự có khả năng đảm nhận được vai trò thủ lĩnh dư luận, dẫn dắt dư luận đi đúng hướng trong biển thông tin và ý kiến.
Qua phân tích, có thể thấy, trong điều kiện hiện nay, mặc dù MXH bùng nổ và đang là diễn đàn tương đối tự do để dư luận lên tiếng về các vấn đề mà xã hội quan tâm, song báo chí với ưu điểm, truyền thống lịch sử và tính chuyên nghiệp của mình vẫn có thể đóng vai trò thủ lĩnh dư luận có vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội. Vai trò này được thể hiện qua các bước sau:
Qua quá trình này, báo chí cùng dư luận tạo nên tác động đến các bên liên quan đến vấn đề, qua đó thúc đẩy quá trình giải quyết vấn đề. Ví dụ, trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, báo chí Việt Nam, báo chí thế giới và báo chí Mỹ đã đưa tin chân thực, bám sát tình hình chiến sự ở Việt Nam, qua đó giúp cho nhân dân Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu được sự thật về cuộc chiến, tác động đến dư luận Mỹ và dư luận thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào phản chiến ở ngay trong lòng nước Mỹ và trên thế giới, từ đó góp phần tạo sức ép buộc chính phủ Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký vào Hiệp định Paris, rút quân về nước, tạo bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân ta trong thế kỉ XX đi đến thắng lợi [3].
Trên thực tế, đã có những trường hợp mà vấn đề được góp phần giải quyết theo hướng này trên thế giới, từ hoạt động của giới nghệ sĩ cho đến một số vấn đề chính trị. Thay vì sử dụng hoàn toàn các biện pháp “rắn” để giải quyết vấn đề, thì sử dụng báo chí truyền thông và DLXH cũng có thể là một giải pháp “mềm” bổ sung giúp các vấn đề còn tồn tại của xã hội được giải quyết, qua đó góp phần tạo sự ổn định trong xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần có một số điều kiện nhất định. Như trên đã phân tích, vai trò của nhà báo như là những thủ lĩnh dư luận, nhà báo cần vừa giỏi vừa có đạo đức nghề nghiệp cao thì mới có khả năng dẫn dắt dư luận đi đúng hướng trong nhận thức. Bên cạnh khả năng nhận biết vấn đề, phân tích vấn đề, nhà báo còn cần có đạo đức cao, tránh tình trạng thao túng dư luận, đánh lừa dư luận vì mục đích riêng.
DLXH có tác động mạnh đến công chúng và xã hội nên việc điều tiết, định hướng DLXH là rất quan trọng, vì nếu dư luận rơi vào hỗn loạn, cực đoan thì hậu quả sẽ khó lường. Ví dụ, một người nổi tiếng có hành động hoặc lời nói sai lầm nhưng chưa đến mức độ gây hại quá lớn, nhưng dư luận lại chĩa mũi nhọn vào người này quá mức, cực đoan tới độ lăng mạ, xúc phạm, liên tục và kéo dài thì có thể dẫn đến tạo áp lực vượt ra khỏi mức chịu đựng với họ và người thân của họ, từ đó dẫn đến những hành động tiêu cực, tổn hại bản thân người đó, thì dư luận lúc này cần được đánh giá lại và có sự tiết chế hơn.
Việc báo chí truyền thông phát triển tạo ra diễn đàn cho công chúng trình bày ý kiến của mình, tạo nên DLXH thúc đẩy giải quyết vấn đề có ý nghĩa tích cực đối với sự vận hành và phát triển của xã hội. Pháp luật đã công nhận và cho phép người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là công chúng có thể lợi dụng quyền tự do, dân chủ để phát ngôn bừa bãi, nói sai sự thật, xúc phạm, lăng mạ, gây tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của người khác.
Việc trình bày ý kiến xung quanh các vấn đề trong xã hội cần được thực hiện một cách có văn hóa, đúng pháp luật, khoa học, hợp lý, có lý có tình, phù hợp với bối cảnh để phát huy hiệu quả, tránh tình trạng “đổ thêm dầu vào lửa”, “khuấy cho đục nước”, gây thêm phẫn nộ, bất ổn cho xã hội. Dư luận và báo chí truyền thông cũng nên thận trọng trong việc khen chê. Việc tung hô quá đà, hoặc vùi dập xuống bùn đen, để cảm tính lấn át lý tính trong các phát ngôn... đều có khả năng gây mất cân bằng, gây dư luận cực đoan, bất lợi.
Từ những phân tích trên, xin đề xuất một số lưu ý khi báo chí và DLXH đóng góp vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội:
- DLXH là một trong những nguồn thông tin cho báo chí, báo chí và DLXH có khả năng tác động và tạo ra thay đổi trong xã hội. Do đó, nhà báo phải hết sức có trách nhiệm trong việc đưa tin, định hướng DLXH. Nhà báo phải làm việc vì mục tiêu phụng sự xã hội, giúp cho xã hội ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn chứ không phải dùng dư luận để gây hoài nghi, làm tán loạn lòng người. Yêu cầu đặt ra với nhà báo là cả sự sắc sảo trong chuyên môn nghiệp vụ (để nhận biết bản chất vấn đề, đúng sai phải trái và khả năng phản ánh đúng vấn đề) cũng như cái tâm trong sáng (phụng sự xã hội, đất nước, nhân dân, bảo vệ chân lý, lẽ phải, vì sự lành mạnh, ổn định và tiến bộ của xã hội).
- Để định hướng dư luận đúng đắn thì nhà báo cần cung cấp thông tin chính xác, cập nhật, kịp thời để công chúng nhận thức đúng vấn đề. Thông tin cần chính xác, đầy đủ và thực tế.
- Người nổi tiếng hoặc các tổ chức cần phải thận trọng trong phát ngôn, trong thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tránh gây ra các vấn đề hoặc khủng hoảng có hại cho mình. Nếu trường hợp xảy ra khủng hoảng thì cần có những bước đi phù hợp, tích cực giải quyết vấn đề để không làm bùng phát dư luận tiêu cực gây tổn hại cho bản thân và xã hội.
- Công chúng cũng cần có trách nhiệm và suy nghĩ trước khi trình bày các ý kiến của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ứng xử như người công dân có giáo dục, có tâm, có trách nhiệm với cộng đồng.
Kết luận
Tóm lại, giữa DLXH và báo chí truyền thông có một mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại. DLXH và báo chí truyền thông có thể tạo điều kiện cho việc hiểu rõ vấn đề, tìm giải pháp cho vấn đề và giải quyết vấn đề. Do đó, DLXH và báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết một số vấn đề nóng đặt ra trong xã hội hiện đại. Nếu được vận dụng một cách khéo léo, phù hợp và định hướng đúng đắn, báo chí và dư luận xã hội có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Để làm được điều này báo chí cần đảm nhận tốt vai trò thủ lĩnh dư luận, lấy đôi mắt sắc sảo của người làm báo chí truyền thông kết hợp cùng trái tim nhân văn và tinh thần trách nhiệm của người dẫn đường thắp lên ngọn đèn soi sáng các khúc mắc của xã hội và hướng dẫn cuộc thảo luận để tìm ra những giải pháp phù hợp nhất, góp phần gỡ bỏ những vướng mắc trên con đường phát triển để xã hội cùng nhau tiến tới, như chàng Đan kô [4] dũng cảm dám lấy trái tim mình để soi sáng con đường đi cho đoàn người thoát khỏi rừng sâu và bùn lầy, gợi cho chúng ta nhớ đến những câu thơ nổi tiếng đầy cảm hứng của nhà thơ Tố Hữu:
“Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!”
(Tố Hữu, Chào xuân 67)
1. Tổng hợp các quan điểm của Phạm Chiến Khu (2020), Cutlip và các cộng sự (2000), Trần Thị Hòa (2016)
2. Nguyễn Văn Dững 2011, Báo chí và dư luận xã hội, NXB Lao động, trang 257
3. Xem Dương Minh Huệ (2018), “Vai trò của báo chí đối với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Việt Nam”, 50 năm cuộc tổng tiến công, nổi dậy Mậu Thân (1968-2018): Tầm vóc và giá trị lịch sử, NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Nhân vật trong Trái tim Đan kô - một phần trong sáng tác của nhà văn người Nga Macxim Goocki có nội dung kể về chàng trai dẫn đường xé toang lồng ngực lấy trái tim mình soi sáng con đường đi cho bộ lạc của anh thoát khỏi rừng sâu, tìm thấy lối ra thảo nguyên đầy ánh sáng. Tác phẩm này đã được giảng dạy trong sách giáo khoa trong trường học phổ thông ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo: Tài liệu tiếng Việt 1. Dương Minh Huệ 2018, “Vai trò của báo chí đối với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Việt Nam”, 50 năm cuộc tổng tiến công, nổi dậy Mậu Thân (1968-2018): Tầm vóc và giá trị lịch sử, NXB Chính trị quốc gia Sự thật. 2. Đoàn Trọng Huy 2010, “Nhớ Tố Hữu, đọc lại những vấn thơ đầy hào khí”, Sài Gòn Giải phóng Online, https://www.sggp.org.vn/nho-to-huu-doc-lai-nhung-van tho-day-hao-khi-post83546.html truy cập ngày 5/12/2024. 3. Nguyễn Văn Dững 2011, Báo chí và dư luận xã hội, NXB Lao động. 4. Phạm Chiến Khu 2020, Bàn về khái niệm “Dư luận xã hội”, Tạp chí Mặt trận, https://tapchimattran.vn/nghien-cuu/ban-ve-khai-niem-du luan-xa-hoi-36789.html truy cập ngày 5/12/2024. 5. Trần Thị Hòa 2016, Tập bài giảng Báo chí và dư luận xã hội, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Tài liệu tiếng Anh 1. Cutlip S.M., Center A.H. & Broom G.M. 2000, Effective Public Relations (Eighth Edition), Prentice Hall, New Jersey. 2. ScienceDirect, “Agenda Setting Theory”, https://www.sciencedirect.com/topics/social-sciences/ agenda-setting-theory truy cập ngày 5/12/2024 |
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2024)