Hệ sinh thái không gian mạng ở Singapore đang phát triển nhanh chóng. Tính đến đầu năm 2022, Singapore có tỷ lệ thâm nhập Internet là 92%. Trong bối cảnh đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao trở thành mối quan tâm lớn của các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân tại Singapore.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 1/2022 của công ty bảo mật Sophos, 65% tổ chức, DN ở Singapore đã bị mã độc tống tiền (ransomware) tấn công trong năm 2021, tăng từ con số 25% năm 2020. Các DN báo cáo rằng các tấn công lừa đảo (phishing) và ransomware là những mối đe dọa mạng phổ biến nhất, với các DN vừa và nhỏ là mục tiêu chính.
Bộ trưởng cao cấp kiêm Bộ trưởng điều phối an ninh quốc gia Singapore Teo Chee Hean cho biết: "Năm ngoái, Singapore đã quan sát thấy số vụ vi phạm dữ liệu và ransomware được báo cáo tăng 73% so với năm trước. Tội phạm mạng chiếm gần một nửa số vụ phạm tội ở Singapore hiện nay".
Theo Cơ quan phát triển thông tin truyền thông Singapore (IMDA), thị trường an ninh mạng ở Singapore dự kiến đạt 889 triệu USD vào năm 2022. Từ năm 2022 đến năm 2030, thị trường này dự kiến sẽ tăng trưởng thêm 10% - 13% để trở thành thị trường có trị giá 2,4 tỷ USD.
"Ngành công nghiệp an ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho một tương lai kỹ thuật số bền vững", ông Teo Chee Hean cho biết.
Bộ Thông tin và Truyền thông (MCI) Singapore cũng đã vạch ra kế hoạch xây dựng một Singapore an toàn về mặt kỹ thuật số, năng động về kinh tế và ổn định về xã hội. Thừa nhận rằng chuyển đổi số (CĐS) đang định hình cách chúng ta sống, học tập, làm việc và vui chơi như thế nào, các kế hoạch của MCI tập trung vào việc trao quyền cho người Singapore nắm bắt các cơ hội tiếp cận kỹ thuật số, đồng thời bảo vệ sự an toàn và bảo mật của họ trong không gian số. Trong đó, các công ty khởi nghiệp (startup) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tổ chức, DN và người dân Singapore trực tuyến, với nhiều giải pháp được đưa ra để giữ an toàn cho không gian trực tuyến, tăng cường bảo vệ dữ liệu cho người tiêu dùng và DN, cũng như tăng cường bảo mật và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng và dịch vụ số.
Dự báo và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng
Được thành lập vào năm 2016, Responsible Cyber là một công ty khởi nghiệp an ninh mạng B2B có trụ sở tại Singapore. Công ty trang bị cho các startup và các DN đang phát triển các giải pháp an ninh mạng toàn diện.
Responsible Cyber đã phát triển nền tảng Immune, trong đó tạo ra các kịch bản rủi ro và đề xuất các biện pháp kiểm soát. Immune sử dụng công nghệ AI và tự động hóa để quản lý rủi ro mạng. Nền tảng này cũng tạo ra các báo cáo dựa trên thông tin có thể công khai để chỉ ra những rủi ro và các mối đe dọa mà một DN phải đối mặt. Thậm chí, Immune còn có thể ước tính tổn thất tiềm năng của DN cũng như dự đoán các tình huống rủi ro về mặt tài chính.
Vào tháng 3 vừa qua, Responsible Cyber đã được nhận giải thưởng dành cho DN vừa và nhỏ vì những đóng góp của mình cho hệ sinh thái an ninh mạng tại Singapore. Giải thưởng do Hiệp hội các chuyên gia an ninh thông tin tổ chức, với sự hỗ trợ từ Cơ quan An ninh mạng Singapore (CSA) và Hiệp hội liên ngành an ninh mạng Singapore (SCSIA).
Đảm bảo các giao dịch trực tuyến an toàn và tin cậy
Được xây dựng để phát hiện gian lận, Cylynx tạo ra các giải pháp phòng ngừa thông qua phân tích mạng. Bằng cách ứng dụng học máy và phân tích đồ thị, Cylynx tự động hóa việc giám sát giao dịch để ngăn chặn các giao dịch gian lận.
Thông qua một quá trình sàng lọc, công cụ phát hiện bất thường của Cylynx kiểm tra người gửi và người thụ hưởng dựa trên "danh sách đen" về rửa tiền quốc tế và các giao dịch đáng ngờ sẽ được gắn cờ tự động để xem xét.
Clynx cũng vận hành một hệ thống giám sát giao dịch cho các sàn giao dịch tiền điện tử. Sử dụng công nghệ blockchain để phân tích và giám sát việc chuyển giao tài sản, hệ thống có thể gắn cờ các giao dịch đáng ngờ và phát hiện hoạt động tội phạm.
Trong cuộc thi "Global Veritas Challenge" 2021, hệ quản trị mã nguồn mở của VerifyML của Cylynx, cung cấp cho các nhà phát triển khả năng xây dựng các mô hình học máy công bằng và tin cậy, đã giành được giải thưởng cho hạng mục Giám sát rủi ro, tuân thủ và gian lận.
Tăng cường bảo vệ web
Được thành lập vào năm 2013, Polaris xây dựng các giải pháp bảo mật tự động phân tích và giám sát lưu lượng truy cập trên các ứng dụng web của DN.
Nền tảng bảo vệ API và ứng dụng Web (WAAP) của Polaris có thể được triển khai trên đám mây, tại chỗ hoặc dưới dạng một giải pháp kết hợp. Nó ứng dụng AI để chủ động phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nhằm vào các DN. Không giống như tường lửa truyền thống, WAAP là một công cụ bảo mật chuyên biệt ở mức cao được thiết kế đặc biệt để bảo vệ các ứng dụng web và API.
Thông qua các kỹ thuật học hành vi như lấy dấu vân tay - quy trình thu thập thông tin về máy của người dùng để tạo thành một hồ sơ duy nhất - Polaris có thể phân biệt giữa các yêu cầu web hợp pháp và độc hại.
Sử dụng AI và học máy, nền tảng này cải thiện độ chính xác của việc phát hiện mối đe dọa và có thể dự đoán các cuộc tấn công "tàng hình" phối hợp. Khả năng tình báo về mối đe dọa của Polaris liên tục phát triển cùng với sự phát triển của các mối đe dọa mạng, tạo thành một hệ thống cảnh báo toàn diện hơn.
Chiến lược an ninh mạng quốc gia và ICE71
Theo Bộ trưởng cao cấp kiêm Bộ trưởng điều phối an ninh quốc gia Singapore Teo Chee Hean, chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ vào các sáng kiến để phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng. Một sáng kiến đáng chú ý là Chiến lược An ninh mạng năm 2021 của Singapore, đưa ra các kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng số của Singapore để tạo ra một không gian kỹ thuật số an toàn hơn.
Trong Chiến lược An ninh mạng, chính phủ Singapore cũng thừa nhận tầm quan trọng của các startup, nhấn mạnh Hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng đổi mới tại Block 71 (ICE71) là một sáng kiến quan trọng thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.
ICE71 là một trung tâm khởi nghiệp về an toàn, an ninh mạng được thành lập vào năm 2018 bởi Singtel Innov8, công ty đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Singtel và NUS Enterprise, chi nhánh của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và được CSA và IMDA hỗ trợ. Mục đích của ICE71 củng cố hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng, phát triển và đẩy nhanh các startup an toàn, an ninh mạng từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối. ICE71 điều hành một loạt các chương trình được thiết kế để hỗ trợ các doanh nhân và người khởi nghiệp từ phát triển ý tưởng đến việc tạo ra, phát triển và nhân rộng các doanh nghiệp của họ.
Kể từ khi thành lập vào tháng 7/2018, 16 startup từ các nhóm trước đây đã kêu gọi vốn được 18 triệu SGD (12,9 triệu USD), bao gồm cả nguồn vốn từ các đối tác sáng lập của ICE71 là Singtel Innov8 và NUS Enterprise.
Ngoài ra, Singapore cũng đã phát triển các sáng kiến tài trợ để khuyến khích việc ươm mầm tài năng về an ninh mạng. Vào năm 2021, CSA đã được phân bổ ngân sách hoạt động là 114,74 triệu SGD (82,8 triệu USD). Sau đó, cơ quan này đã triển khai Quỹ đồng đổi mới và phát triển an ninh mạng (CCDF) để trao thưởng cho các công ty có các giải pháp bảo vệ trực tuyến sáng tạo với mức thưởng 1 triệu SGD (721.700 USD) để mở rộng và phát triển hơn nữa.
Đối với Singapore, một không gian mạng an toàn là nền tảng cho an ninh quốc gia. Với lộ trình phát triển quốc gia thông minh và tham vọng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng đã thúc đẩy chính phủ Singapore hành động để đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng. Theo đó, bất kỳ thực thể nào hiện diện trực tuyến đều phải có khả năng bảo vệ dữ liệu và tài sản số của mình khỏi tội phạm mạng./.