Vai trò của truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập
Truyền thông chính sách về đa văn hóa góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân.
Góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Nhà Xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức tháng 10 vừa qua, TS. Nguyễn Thế Vinh, NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, truyền thông chính sách về văn hóa và đa văn hóa ở nước ta là hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa đến đối tượng công chúng, nhằm mục đích củng cố hoặc thay đổi nhận thức, quan điểm, hành vi của họ đối với các vấn đề liên quan đến văn hóa.
Truyền thông chính sách về văn hóa và đa văn hóa từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa. Các sản phẩm văn hóa thông tin, dịch vụ truyền thông vừa mang tính giáo dục, vừa góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, tăng cường hội nhập, giao lưu giữa các dân tộc.
Truyền thông chính sách về văn hóa và đa văn hóa góp phần chắt lọc, tiếp biến các giá trị văn hóa của các quốc gia trên thế giới để bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc.
Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần được tạo ra trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, văn hóa Việt Nam đứng trước những thời cơ, thuận lợi to lớn, song cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức khi phải vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa mở rộng giao lưu với thế giới, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
“Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, truyền thông chính sách ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền văn hóa Việt Nam... Truyền thông chính sách được xem là công cụ cốt lõi của giao lưu văn hóa. Với khả năng tác động nhanh chóng và rộng khắp, truyền thông chính sách có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh giao lưu văn hóa”.
PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, truyền thông chính sách có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là “kênh thông tin” hữu hiệu để các cơ quan chức năng kịp thời lắng nghe ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách.
Trong thành công chung của hoạt động truyền thông chính sách đó, truyền thông chính sách về đa văn hóa góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân; qua đó giới thiệu đất nước, văn hóa con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, đóng góp vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nền kinh tế quốc dân.
Góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài
Theo TS. Nguyễn Thế Vinh, nhiệm vụ xuyên suốt của báo chí truyền thông Việt Nam là truyền tải về nền văn hóa Việt, với tất cả các sinh hoạt văn hóa của người Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dựa trên hai mối quan hệ lớn nhất về ứng xử văn hóa là ứng xử với môi trường tự nhiên và ứng xử với môi trường xã hội.
Trong thời gian qua, báo chí truyền thông đã thông tin, tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, câu chuyện truyền cảm hứng cũng như phản ánh những vấn đề liên quan đến bản sắc dân tộc, di sản văn hóa, từ đó nâng cao ý thức của toàn xã hội về lĩnh vực này, hình thành nên niềm tự hào dân tộc và tự tin về văn hóa đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Không chỉ có các tờ báo của ngành văn hóa, những kênh thông tin lớn khác cũng đã dành nhiều thời lượng, bài viết chuyên sâu, đa dạng để tuyên truyền các nội dung văn hóa. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), các đài phát thanh, truyền hình địa phương, các cơ quan báo chí và truyền thông trên cả nước cũng tích cực phủ sóng và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Đặc biệt, một số chính sách liên quan đến công tác truyền thông đã được ban hành, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung và chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng đến với đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hơn nữa, thông qua hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới, truyền thông chính sách đã góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, nhất là đối với hơn 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và công tác ở nước ngoài cũng như những người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu rõ, thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển văn hóa và đa văn hóa đã được thực hiện thường xuyên, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội để từ đó có những giải pháp định hướng đúng đắn, phát huy mặt tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực.
Công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài được triển khai hiệu quả, có chất lượng. Các hoạt động đa văn hóa đối ngoại với quy mô, hình thức đa dạng, phong phú được tổ chức trong và ngoài nước, góp phần quảng bá các giá trị đa văn hóa của Việt Nam ra thế giới; tiếp thu tinh hoa đa văn hóa của nhân loại. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa đa dạng và con người Việt Nam phát triển toàn diện, biến đa văn hóa thành sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc; tăng cường tình đoàn kết giữa người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
“Thành tựu quan trọng nhất của lĩnh vực đa văn hóa trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, là cơ bản bảo đảm vững chắc sự đồng thuận toàn dân tộc, dựa trên việc phát huy tinh thần yêu nước, ý thức đại đoàn kết dân tộc và những giá trị đa văn hóa cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Sự đồng thuận đó còn chính là niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Có được thành tựu đa văn hóa to lớn và quan trọng đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có đóng góp trực tiếp của ngành văn hóa”, PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa nhấn mạnh.
Giải pháp đồng bộ
Để phát huy vai trò của truyền thông chính sách về văn hóa và đa văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, TS. Nguyễn Thế Vinh cho rằng cần nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia truyền thông chính sách về văn hóa ở Việt Nam; Hoàn thiện quy định về chu trình truyền thông chính sách về văn hóa; Đầu tư tương xứng với tầm quan trọng của văn hóa và truyền thông chính sách về văn hóa.
Đồng thời, nâng cao năng lực của các chủ thể truyền thông, đặc biệt là những chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động truyền thông (cán bộ thuộc Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam); Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác truyền thông chính sách về văn hóa.
TS. Lưu Thúy Hồng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng, để tăng cường truyền thông về đa dạng văn hóa với tư cách là giá trị cấu thành “sức mạnh mềm” quốc gia Việt Nam, trong thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm hoàn thiện cơ chế liên quan đến truyền thông về văn hóa nói chung và đa dạng văn hóa nói riêng; Cần quan tâm hơn đến hoạt động truyền thông đa dạng văn hóa của các cá nhân - những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trong xã hội, cũng như các doanh nghiệp để quảng bá một cách chân thực về đa dạng văn hóa trong bối cảnh hội nhập với sự phát triển của công nghệ thông tin.
Cùng với đó, nâng cao khả năng thích ứng của các phương tiện truyền thông tạo hiệu ứng mang tính quảng bá và lan tỏa, từ đó tăng sức ảnh hưởng của đa dạng văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế; Tiếp tục xây dựng hệ giá trị về đa dạng văn hóa Việt Nam một cách đầy đủ, khoa học, có tính thừa nhận phổ quát và phát triển./.