Vai trò kiểm soát các thiết chế, các tiến trình chính trị của báo chí truyền thông

TS. Nguyễn Thu Hà| 01/09/2022 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Vai trò kiểm soát của báo chí truyền thông chủ yếu dựa trên sức mạnh của dư luận xã hội mà chính nó đại diện. “Đó là một sức mạnh vô hình đặt giới hạn đối với những gì chính phủ có thể làm”.

Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử… Hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí; cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí; cải chính thông tin trên báo chí; xuất bản, in, phát hành báo in; truyền dẫn báo điện tử và truyền dẫn, phát sóng báo nói, báo hình. Hoạt động báo chí phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng.

Truyền thông (commune) theo gốc tiếng Latinh, là chung, cộng đồng; là nội dung, cách thức, phương tiện để đạt tới sự hiểu biết giữa các cá nhân với nhau và giữa cá nhân với cộng đồng xã hội. Trong tiếng Anh, truyền thông (communication) chỉ sự truyền đạt thông tin, tuyên truyền, thông báo, thông tin. Đó là quá trình trao đổi thông điệp giữa các thành viên trong xã hội nhằm đạt được sự hiểu biết, qua đó liên kết với nhau. Đối tượng, phạm vi của truyền thông có thể là một nhóm nhỏ, một tập thể lớn hoặc cả cộng đồng. Truyền thông là một quá trình liên tục trao đổi hoặc chia sẻ thông tin, tình cảm, kĩ năng nhằm tạo sự liên kết lẫn nhau để dẫn tới sự thay đổi trong hành vi và nhận thức.

Truyền thông góp phần nâng cao (thay đổi) nhận thức, mở rộng hiểu biết, từ đó hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Bản chất xã hội của truyền thông là tương tác và chia sẻ, thực hiện những cuộc vận động xã hội trên cơ sở tương tác bình đẳng giữa chủ thể và khách thể nhằm hướng tới mục tiêu chung vì lợi ích cộng đồng. 

Nguyên lý của truyền thông là: tần suất tương tác càng nhiều, càng bình đẳng và càng nhiều người tham gia bao nhiêu thì năng lực và hiệu quả truyền thông càng cao bấy nhiêu. Truyền thông là kênh quan trọng thể hiện tính công khai, dân chủ hóa đời sống xã hội. Các kênh truyền thông như truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm và truyền thông đại chúng, đều tập trung vào việc truyền thông vận động xã hội, truyền thông thay đổi hành vi, tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ truyền thông, các chủ thể chính trị (nhà nước, đảng phái, chính khách...) sử dụng ngày càng nhiều, phát huy lợi thế tối đa sức mạnh của báo chí truyền thông trong hoạt động chính trị, nhất là bầu cử, quảng bá quan điểm, chính sách, gây áp lực chính trị với các đối phương, tạo dư luận xã hội ủng hộ mình, trong đó, trước hết phải nói đến vai trò của báo chí truyền thông quan trọng trong kiểm soát các thiết chế, các tiến trình chính trị hiện nay.

Vai trò kiểm soát các thiết chế, các tiến trình chính trị của báo chí truyền thông

Báo chí truyền thông có vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị của xã hội. Hệ thống chính trị của xã hội là hệ thống các thiết chế (các cơ quan nhà nước, các chính đảng, các tổ chức chính trị - xã hội) và những quy định, trong đó diễn ra đời sống chính trị của xã hội và quyền lực nhà nước được thực hiện. Một mặt, báo chí truyền thông đưa tin về hoạt động của các thiết chế chính trị và các quá trình chính trị, mặt khác bản thân báo chí truyền thông lại tích cực tham gia vào những quá trình ấy.

Với tư cách là "cơ quan quyền lực thứ tư", bên cạnh hoạt động tổ chức, điều hành, báo chí truyền thông còn đóng vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền. Thực chất đây là việc tham gia vào quản lý trật tự xã hội, khống chế sự lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước. Hoạt động này còn được thực hiện bởi phe đối lập, viện công tố, tòa án, các tổ chức xã hội, các nhóm lợi ích... 

Tuy nhiên, so với các thiết chế khác, sự phê phán, phản biện của báo chí truyền thông rộng hơn, thậm chí không hạn chế đối tượng. Chẳng hạn, phe đối lập thường tập trung vào phê phán chính phủ và các đảng cầm quyền, còn đối tượng phê phán của báo chí truyền thông nhằm vào các cơ quan, tổ chức quyền lực nhà nước, bao gồm cả tổng thống, chính phủ, hoàng gia, tòa án, chính sách của nhà nước và chính cả báo chí truyền thông.

Vai trò kiểm soát của báo chí truyền thông chủ yếu dựa trên sức mạnh của dư luận xã hội mà chính nó đại diện. Đó là một sức mạnh vô hình đặt giới hạn đối với những gì chính phủ có thể làm. Khác với các cơ quan nhà nước dùng biện pháp hành chính và trừng phạt kinh tế đối với các vi phạm, báo chí truyền thông thực hiện việc kiểm soát không kém phần hiệu quả, thậm chí còn nghiêm khắc, mạnh mẽ hơn vì nó cung cấp không chỉ cơ sở pháp lý, mà cả chuẩn mực đạo đức về các sự kiện, nhân vật. 

Vai trò kiểm tra, giám sát của báo chí truyền thông càng đặc biệt quan trọng khi phe đối lập hoạt động yếu và khi hệ thống kiểm tra, giám sát của nhà nước chưa hoàn thiện. Những hoạt động điều tra nghiêm túc của báo chí truyền thông làm cho những thông tin cần thiết, có ý nghĩa quốc gia hoặc có tầm quan trọng đặc biệt đối với nhân dân nhưng lại bị giấu giếm, che đậy trở nên công khai, minh bạch; đồng thời đấu tranh với sự lợi dụng chức quyền của các thế lực xấu, khai trừ một quan chức tham nhũng ra khỏi vị trí quyền lực, lên án hoạt động của một tổ chức chính trị cực đoan hay chống lại tình trạng vô pháp... giúp xã hội vận động theo chiều hướng tốt hơn.

Trên thực tế, cũng có khi các cơ quan báo chí truyền thông lại quay lại phê phán, phản biện lẫn nhau. Điều này thường xảy ra khi chúng nằm trong tầm kiểm soát của các thế lực khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, từ đó mà có lập trường, nhận định khác nhau.

Có thể lấy ví dụ trong cuộc chiến tranh Irắc, vào tháng 3/2003, Al Jazeera - đài truyền hình phát bằng tiếng Arập đã cải chính một cách hệ thống nhất, bài bản nhất nhiều thông tin sai lệch mà giới truyền thông Mỹ và Anh đã đưa, như: vụ nổi dậy ở Basra, vụ phát hiện nhà máy hóa chất mà sự thật là không có, cũng như là cho phát đi hình ảnh những binh lính Mỹ, Anh đã chết trận, bị tử nạn do "hỏa lực thân thiện" của quân đồng minh ra sao. Và chính Al Jazeera cùng một số tờ báo khác của thế giới Arập cũng đã liên tiếp đăng tải những tin nóng hổi liên quan đến tổ chức khủng bố nổi tiếng Al Qaeda đến những cuốn băng ghi giọng nói được cho là của Osama Bin Laden và các nhân vật tổ chức đó. Ngay lập tức, Al Jazeera đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm triệu khán giả vì đã "biết cách mang đến cho công chúng những cái nhìn từ hai phía chứ không chỉ bất cứ phía nào mà họ ủng hộ". Nhờ đó mà, Al Jazeera đã được tổ chức Indexon Censorship của Anh trao giải thưởng lớn vì đã "vượt qua vòng kiểm duyệt để đưa tin khách quan và chính xác".

Nhìn chung thông qua việc khai thác, phanh phui những việc làm sai trái, những che giấu không thích đáng của các cơ quan công quyền, báo chí truyền thông đã thực hiện được quyền lực chính trị của mình. Các nhà nghiên cứu truyền thông cho rằng, báo chí truyền thông cung cấp những chức năng và dịch vụ cho hệ thống chính trị, đó là: giám sát môi trường chính trị - xã hội; sắp xếp các chương trình theo một trật tự có ý nghĩa, xác định các sự kiện trọng tâm trong ngày, có thể lường trước được những ảnh hưởng có thể nảy sinh và khả năng giải quyết chúng; tạo cơ sở để công chúng dễ dàng ủng hộ các chính khách và người phát ngôn của các nhóm lợi ích khác; tổ chức các cuộc trao đổi giữa những nhà cầm quyền (hiện tại và tương lai) với công chúng; các kỹ xảo dành cho các quan chức để giải thích cách họ thực thi quyền lực; khuyến khích công dân tìm hiểu, lựa chọn và tham gia chứ không đơn thuần là tuân theo và đứng ngoài rìa các quá trình chính trị; phản kháng các thế lực ngăn cản truyền thông đại chúng phục vụ công chúng; tôn trọng khán giả khiến họ quan tâm hơn đến những vấn đề chính trị.

Vai trò kiểm soát các thiết chế, các tiến trình chính trị của báo chí truyền thông - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Internet)

Vai trò của báo chí truyền thông trong kiểm soát các thiết chế và tiến trình chính trị cũng được thể hiện rõ nét qua các cuộc bầu cử

Về mục đích, báo chí tuyên truyền, giải thích làm cho cử tri thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia cuộc bầu cử, làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Làm cho cử tri nắm vững và thực hiện đúng những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử, nhất là các quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; các quy định định về tiêu chuẩn đại biểu. 

Đồng thời, báo chí truyền thông cũng phải phê phán và uốn nắn những biểu hiện lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để làm mất dân chủ, gây mất đoàn kết trong xã hội, chia rẽ đại đoàn kết dân tộc và chống những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Thông tin, tuyên truyền đối ngoại về bầu cử, giới thiệu với nhân dân trong và ngoài nước, với nhân dân các nước trên thế giới biết được thể thức và không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình bầu cử; chủ động đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực phản động, thù địch.

Về nội dung, báo chí tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử; các văn bản hướng dẫn về cuộc bầu cử. 

Ví dụ ở Việt Nam, tuyên truyền về Nhà nước và Quốc hội Việt Nam: Phân tích, làm rõ bản chất Nhà nước ta - của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền dân chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng; Tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo Hiến pháp và pháp luật; những đóng góp của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước; Tuyên truyền về vai trò, vị trí của Quốc hội trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng, trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới.

Tuyên truyền pháp luật về bầu cử: Giới thiệu nội dung của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Đặc biệt tập trung tuyên truyền các nguyên tắc, quy trình bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm của cử tri trong quá trình tham gia bầu cử. Tuyên truyền về sự ủng hộ của nhân dân với đường lối đổi mới của Đảng; phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử; biểu dương kịp thời những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là công tác bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng có nhiều khó khăn, các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng có đồng bào theo các tôn giáo. Tuyên truyền về nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri, chương trình hành động của các ứng viên đại biểu Quốc hội; về công tác phục vụ bảo đảm cho cuộc bầu cử thành công; về kết quả cuộc bầu cử.

Giám sát xã hội của báo chí trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước là kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương, khích lệ và tổng kết thực tiễn; đồng thời cũng sớm phát hiện những "khiếm khuyết" của các kiến tạo chính sách - thể chế, qua đó nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy nhà nước. 

Vai trò và sức mạnh giám sát xã hội của báo chí trước hết là phát hiện những việc làm tốt và những sai phạm của tổ chức, cá nhân qua đó khơi nguồn và định hướng dư luận xã hội theo hướng ủng hộ hay phản bác, tạo áp lực dư luận xã hội và yêu cầu các cơ quan thẩm quyền giải quyết, giải thích và giải đáp trước công luận, trước nhân dân. Xã hội càng phát triển thì dân chủ càng mở rộng, quyền lực của nhân dân càng được tăng cường, đặc biệt là quyền giám sát các cơ quan công quyền, các công chức, viên chức cơ quan hành chính Nhà nước nhằm hạn chế, kiểm soát việc lạm dụng quyền lực. Muốn như vậy, cần phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong kiểm soát các thiết chế và tiến trình chính trị để đảm bảo sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả./.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Dững: Báo chí truyền thông hiện đại (từ hàn lâm đến đời thường), Nxb ĐHQGHN, 2011.

2. Doris A.Graber: Media power in politics (Sức mạnh của truyền thông trong chính trị), bản dịch của Khoa QHQT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, H. 2006.

3. Luật Báo chí năm 2016, Điều 3.

4. Lê Ngọc Hùng (2019), Vận dụng lý thuyết truyền thông và cơ chế hình thành dư luận xã hội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

5. Dương Xuân Sơn... : Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2007.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vai trò kiểm soát các thiết chế, các tiến trình chính trị của báo chí truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO