Truyền thông

Vẫn tồn tại nhiều hành vi cản trở xe cứu hoả làm nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp

Mai Hà 19/12/2023 14:58

Đi xe vào làn đường khẩn cấp dành cho xe cứu hoả, không nhường đường là những hành vi cản trở vi phạm Luật PCCC có thể phải bị phạt tù. Tuy nhiên, còn tình trạng xây trụ đường, chắn barie một cách hồn nhiên ở nhiều thôn xóm, khu đô thị cũng đang làm cản trở công tác PCCC.

Những đoàn xe thản nhiên đi vào làn khẩn cấp.

Muôn kiểu "chặn" xe chữa cháy

Hàng ngày nếu di chuyển trên đường cao tốc, hoặc dễ nhất là đường vành đai 3 ở Hà Nội, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều tài xế đi vào làn đường khẩn cấp, vốn chỉ dành cho các loại xe ưu tiên. Nhất là vào các giờ cao điểm, khi lưu lượng giao thông tăng cao khiến dòng phương tiện phải đi khá chậm, có không ít tài xế coi việc lấn làn là giải pháp đẩy nhanh tốc độ. Trong số đó, có nhiều xe sang, biển số đẹp và đâu đó thậm chí có cả xe biển xanh.

Đây cũng là cảnh thường xuyên diễn ra trên nhiều tuyến đường cao tốc trong những dịp nghỉ lễ. Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hay cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đều có thể bị tình trạng này khi tắc đường. Xe cảnh sát xuất hiện để xử lý nút tắc cũng không còn lối để đi lên phía trước, khi làn khẩn cấp đã bị bịt kín bởi một dãy dài vô tận ô tô đủ loại.

Thử tưởng tượng có xe cứu thương hoặc xe cứu hoả cần di chuyển khẩn cấp, thì dòng xe kia sẽ gây cản trở nghiêm trọng. Trong rất nhiều trường hợp, sự chậm trễ chỉ trong vài phút, có thể cướp đi mạng sống của người khác hoặc làm một đám cháy không còn cơ hội dập tắt.

Và trong thực tế thì vẫn diễn ra tình trạng xe cấp cứu bệnh nhân đang hú còi và nháy đèn một cách bất lực. Mọi người chỉ cầu mong người bệnh trên đó không ở trong tình trạng khẩn cấp, bởi tình trạng tắc nghẽn không lối thoát này có thể khiến cho bất cứ ca cấp cứu nào trở thành tuyệt vọng.

Nhiều video được chia sẻ trên mạng cho thấy những hình ảnh tình trạng ô tô đi vào làn dừng khẩn cấp diễn ra thường xuyên ở đường vành đai 3 trên cao. Không ít lần là cảnh xe cứu thương hú còi trong vô vọng, không thể vượt lên cả dãy ô tô nối dài trong làn khẩn cấp.

Vành đai 3 trên cao là nơi cảnh sát giao thông đã rất nhiều lần tăng cường tuần tra và xử phạt, nhưng chuyện lấn làn khẩn cấp vẫn diễn ra như cơm bữa, đến nỗi cánh tài xế gọi đó là đặc sản của tuyến đường này.

Làn đường khẩn cấp được thiết kế để phục vụ việc dừng khẩn cấp cho những ô tô xảy ra sự cố, và là lối ưu tiên cho xe cứu hoả, xe cứu thương, cảnh sát hay các lực lượng đang làm nhiệm vụ đặc biệt.

Nếu không thuộc diện trên mà vẫn cố đi vào làn này thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Về mặt đạo đức, đó phải gọi là “cướp” – cướp sự ưu tiên không thuộc về mình, cướp đi sự an toàn của những phương tiện khác bởi làm tăng nguy cơ tai nạn và cướp đi cơ hội được cứu sống, cơ hội hồi phục của những người đang cần cấp cứu. Cản trở xe cứu hoả đi làm nhiệm vụ chữa cháy khẩn cấp là cướp đi cơ hội sống sót của người khác và cơ hội giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Hiện nay, mức phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp dường như chưa đủ mạnh để răn đe. Bằng chứng chính là mức độ phổ biến của lỗi này ở rất nhiều tuyến đường có làn khẩn cấp.

Trong thực tế ở giao thông Việt Nam, không phải chỉ ở làn đường khẩn cấp, mà trên đường bình thường, cũng đã có những trường hợp khi xe cứu hoả ra dấu hiệu nhường đường, có những tài xế vẫn nghênh ngang cản trở.

Tại nhiều đường làng, ngõ xóm hay khu dân cư được người dân đặt trụ bê tông hoặc barie nhằm ngăn ô tô đi vào. Tuy nhiên, các chướng ngại vật này cũng chắn luôn xe cứu hỏa.

Tháng 3/2023, Trung tâm Chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại biệt thự liền kề trong KĐT Đại Kim (Đại Kim, Hoàng Mai).

Căn nhà xảy ra vụ việc có 4 tầng, diện tích khoảng 80m2. Ngọn lửa xuất phát từ phòng chứa vải tầng 1 sau đó bùng lên nhanh khiến lượng lớn khói tỏa lên các khu vực tầng trên. Thời điểm xảy ra vụ việc có 5 người ở trong nhà. Các nạn nhân chạy lên ban công sân thượng chờ lực lượng chức năng giải cứu.

Nhận tin báo, 3 xe chữa cháy của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàng Mai và Thanh Xuân đã đến hiện trường để triển khai dập lửa và cứu nạn cứu hộ.

Nhưng khi tiếp cận hiện trường, hai xe chữa cháy của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàng Mai đã bị “ngăn lại” bởi barie tại đầu đường Kim Giang.

Các chiến sĩ PCCC&CNCH phải vất vả phá khóa tại barie. Sau hơn 1 phút phá khóa, hai xe chữa cháy đến tiếp cận hiện trường. Kết quả 5 người mắc kẹt trong đám cháy đã được hướng dẫn ra ngoài an toàn.

a1.jpeg
Cảnh sát PCCC phải dừng lại tháo barie.

Và đây là một tình huống điển hình của xe cứu hỏa bị chặn lại trong tình huống nguy cấp. Nhưng đó là trường hợp may mắn, còn có những vụ việc xe cứu hỏa bị chặn bởi trụ bê tông, barie khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi.

Năm 2020, tại Nghệ An, một đám cháy rừng trên địa bàn xã Diễn Lộc (huyện Diễn Châu) kéo dài một ngày mới cơ bản được khống chế. Vụ cháy được cho là một trong những vụ việc có thời gian cứu hỏa lâu nhất trên địa bàn, nguyên nhân do xe cứu hỏa bị chặn lại bởi các trụ bê tông ở đường.

Thời điểm đó, 5 xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An liên tục bị chặn lại bởi các trụ bê tông. Lực lượng Cảnh sát PCCC phải mất nhiều thời gian để phá trụ bê tông cản đường khiến thời gian chữa cháy bị kéo dài, đám cháy lan rộng.

Lỡ "thời điểm vàng"

Cũng năm 2020, ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra một vụ cháy nhà dân. Xe chữa cháy của Công an huyện Hương Sơn trong quá trình di chuyển đến hiện trường đã bị mắc kẹt bởi trụ bê tông chắn đường. Lực lượng cứu hỏa phải xuống xe phá bỏ khối trụ bê tông để tiếp cận vụ cháy dẫn đến công tác chữa cháy bị chậm trễ. Căn nhà gỗ 3 gian cùng nhiều đồ đạc trong nhà đã bị thiêu rụi.

Năm 2019, tại thôn Minh Hiệp 1, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Xe của lực lượng Cảnh sát PCCC đã bị chặn lại bởi 2 cọc bê tông ngăn ô tô trên đường vào thôn. Phải mất 10 phút, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC mới đập tan chiếc cọc cản đường cho xe tiếp cận hiện trường, tổ chức chữa cháy.

Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), nếu đợi phá các vật cản cho xe chữa cháy vượt qua sẽ mất nhiều thời gian. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phải huy động tất cả bình chữa cháy mang theo, cùng người dân sử dụng xô, chậu… múc nước cứu chữa. Đối với những đám cháy lớn, việc xe chữa cháy tiếp cận điểm cháy chậm sẽ khiến cho việc cứu chữa giảm hiệu quả, ngọn lửa lan nhanh gây thiệt hại lớn.

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo, đường giao thông chữa cháy tuyệt đối không được xây dựng trụ bê tông, barie... gây cản trở xe di chuyển. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, đường giao thông chữa cháy phải đạt chiều rộng 3,5m và cao thông thủy 4,5m cho xe chữa cháy có thể đi qua.

Lực lượng PCCC phải vất vả tháo dỡ trụ bê tông.

Có thể thấy, việc xây dựng các trụ bê tông trên những con đường làng hiện vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương. Mặc dù có khả năng hạn chế được xe trọng tải, tuy nhiên thực tế cho thấy các trụ bê tông này gây ra nhiều bất cập. Trong đó, rất nguy cấp vào những lúc xảy ra các sự cố về thiên tai, hỏa hoạn, các xe của lực lượng chức năng không thể tiếp cận được hiện trường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện nay, Văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM ở nhiều địa phương đã đề xuất với các địa phương đập bỏ những trụ bê tông, thay vào đó là cắm biển báo giao thông về tải trọng của con đường. Làm như vậy vừa bảo vệ được chất lượng của tuyến đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, hạn chế tai nạn giao thông, giúp lực lượng không gặp trở ngại khi xảy ra các sự cố thiên tai.

Xe chữa cháy đi vòng(?)

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Tàu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Bình Phước, trụ sở của lực lượng PCCC và CNCH đưa vào sử dụng đã hơn 3 năm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã phát sinh nhiều bất cập vì trước cổng trụ sở có dải phân cách. Khi nhận được tin báo từ nhân dân về chữa cháy, CNCH trên địa bàn các huyện Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bù Đốp và thị xã Phước Long, chỉ huy Phòng phải điều lực lượng ra trước cổng đơn vị để điều tiết giao thông, kiểm soát phương tiện. Sau đó, đội xe chữa cháy phải đi về hướng thành phố Đồng Xoài cách đó khoảng 200m, mới rẽ qua làn đường bên kia để về hiện trường./.

Bài liên quan
  • Đảm bảo mỗi quận, huyện có tối thiểu một đội cảnh sát PCCC
    Thành phố Hà Nội hiện nay đã bố trí được 30 Đội Cảnh sát PCCC thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Theo Quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 khác biệt trong đào tạo nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Tập đoàn Phenikaa
    Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn (đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa) cùng các đối tác cam kết đào tạo tối thiểu 8.000 kỹ sư thiết kế chip và 12.000 kỹ sư/kỹ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến của ngành.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
  • Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói về 6 nhà lãnh đạo kiệt xuất “định hình thế giới”
    Bằng những kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ làm chính trị gia, Henry Kissinger trong cuốn sách cuối cùng của mình “Lãnh đạo: 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới”, đã xem xét chiến lược của 6 nhà lãnh đạo vĩ đại của thế kỷ XX và đưa ra một lý thuyết về lãnh đạo và ngoại giao.
  • Xây dựng Việt Nam thành trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam đang ở trung tâm toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Một trong những bước đi của chiến lược Quốc gia về công nghiệp bán dẫn Việt Nam là xây dựng Việt Nam thành hub nhân lực toàn cầu về nhân lực bán dẫn”.
Đừng bỏ lỡ
Vẫn tồn tại nhiều hành vi cản trở xe cứu hoả làm nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO