Truyền thông

Đảm bảo mỗi quận, huyện có tối thiểu một đội cảnh sát PCCC

Ngọc Hà 12/12/2023 10:41

Thành phố Hà Nội hiện nay đã bố trí được 30 Đội Cảnh sát PCCC thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Theo Quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Ảnh minh hoạ.

Hà Nội có 30 Đội Cảnh sát PCCC ở cấp quận, huyện

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong Quyết định 819 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ là hướng đến mục tiêu năm 2030, mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

"Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu một đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ", quyết định nêu rõ.

Trong thực tế, hiện nay ở các thành phố lớn cũng đã đảm bảo được yêu cầu này. Đơn cử TP Hà Nội đã bố trí được 30 đội Cảnh sát PCCC thuộc 30 quận, huyện, thị xã và 6 đội Chữa cháy khu vực, 1 đội Cảnh sát PCCC trên sông.

Mới đây nhất, trong văn bản báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình hình mới, TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường. Trong số 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ, trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác xảy ra trong 10 năm qua (2013-2023) có 44 vụ cháy lớn, 68 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng và 32 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Qua tổng kết, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tập trung nhiều tại loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Ngoài ra có khoảng trên 8.000 vụ nhỏ khác (cháy rác, phế liệu; chập dây dẫn điện trên cột; chập điện, sơ xuất trong đun nấu trong nhà dân).

Thiệt hại về người và tài sản qua các vụ cháy vẫn ở mức cao. Số vụ cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng gây mức độ thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Hà Nội hiện có 579 phường, xã, thị trấn với 5.377 thôn, tổ dân phố, trong đó 2.631 thôn và 2.746 tổ dân phố. Hiện nay, TP Hà Nội bố trí 30 Đội Cảnh sát PCCC thuộc 30 quận, huyện, thị xã và 6 Đội Chữa cháy khu vực, 1 Đội Cảnh sát PCCC trên sông. Tổng quân số 1.852 cán bộ, chiến sĩ biên chế.

Cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các đội dân phòng

Tuy nhiên, thực tế nhiều vị trí trụ sở, doanh trại lực lượng Cảnh sát PCCC bố trí ở xa địa bàn cháy, lên đến 38km, gây khó khăn không nhỏ cho công tác PCCC&CNCH của các đội PCCC.

Theo quy hoạch, khu vực đô thị trung tâm của TP tiếp tục được mở rộng về các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, khu vực đô thị vệ tinh gồm các huyện Thạch Thất (Hòa Lạc), Sơn Tây, Chương Mỹ (Xuân Mai), Phú Xuyên và Sóc Sơn. Do đó, bán kính phục vụ của các đội PCCC cần phải tăng cường để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Để nâng cao hiệu quả PCCC tại các địa phương, hiện nay 100% các thôn, tổ dân phố của TP Hà Nội đã thành lập đội dân phòng. Tuy nhiên, nhiều đội dân phòng khi thành lập chưa được bố trí địa điểm và các điều kiện khác (sân bãi tập luyện, kho để phương tiện,…); chủ yếu hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, độ tuổi, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc; chế độ bồi dưỡng thường xuyên còn hạn chế; chưa thu hút được các cá nhân tình nguyện đăng ký tham gia.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội đề xuất 100% thôn, xóm, tổ dân phố phải được bảo đảm về quân số, biên chế, được bố trí địa điểm và các điều kiện để làm việc. 100% thành viên các đội dân phòng phải được huấn luyện và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định và hằng năm được tập huấn, bồi dưỡng định kỳ. Đội trưởng, đội phó đội dân phòng được chi trả mức hỗ trợ thường xuyên định kỳ hằng tháng.

Đảm bảo điều kiện hoạt động cho lực lượng dân phòng có thể tham gia PCCC

Như vậy, đề xuất của Hà Nội phù hợp với tinh thần Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó Quy hoạch yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ PCCC và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Để phục vụ cho các mục tiêu, Quy hoạch cũng đề ra yêu cầu phát triển đồng bộ các loại hình giao thông đáp ứng yêu cầu PCCC; từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư để xe chữa cháy có thể hoạt động khi xảy ra cháy, nổ tai nạn, sự cố.

Quyết định 819 nêu rõ quy hoạch hạ tầng PCCC đến năm 2030 gồm: Phân vùng hạ tầng PCCC; phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ PCCC; phương hướng phát triển hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC; phương hướng phát triển hệ thống giao thông phục vụ PCCC; phương hướng phát triển hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC.

Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội Cảnh sát PCCC&CNCH; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

thu-tuong-chi-dao-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-vu-chay-o-pho-khuong-ha1694580325.jpg
Việc bố trí các đội PCCC&CNCH tại các quận, huyện giúp việc chữa cháy được nhanh chóng hơn. Ảnh minh họa.

Bảo đảm các điều kiện làm việc và hoạt động của các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành, đội dân phòng phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương theo quy định của pháp luật.

Trong đó, về phân vùng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, căn cứ Quy hoạch tổng thể quốc gia và đặc thù của lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, quy hoạch hạ tầng về phòng cháy và chữa cháy được phân thành 06 vùng; mỗi vùng có các địa phương trung tâm và địa phương trọng điểm, được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ các địa phương trong vùng, giáp ranh khi có yêu cầu.

Ở địa phương: 1- Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 đội Cảnh sát PCCC&CNCH.

2- Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô tính chất hoạt động của từng đơn vị, địa phương.

3- Các Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (bố trí tại các địa phương trung tâm của Vùng).

Bên cạnh đó, Quyết định nêu rõ, xây dựng trụ sở, công trình của lực lượng PCCC chuyên ngành, cơ sở, dân phòng và tình nguyện. Cụ thể, xây dựng, bố trí trụ sở làm việc cho các đội PCCC chuyên ngành; bảo đảm điều kiện hoạt động cho các đội PCCC cơ sở và chuyên ngành phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.

Bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho lực lượng dân phòng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động ở địa phương. Nghiên cứu thí điểm thành lập và bố trí địa điểm hoạt động cho Đội PCCC&CNCH tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ...

Bài liên quan
  • Hà Nội nhân rộng Mô hình “Tổ Liên gia an toàn PCCC”
    Việc xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào “Toàn dân PCCC”, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ ở địa bàn dân cư theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); đảm bảo làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý, cứu chữa kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo mỗi quận, huyện có tối thiểu một đội cảnh sát PCCC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO