So với các khu vực khác trong nền kinh tế của Indonesia, các MSME đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 và cần phải được hỗ trợ nhiều nhất nếu chính phủ nước này muốn phục hồi nền kinh tế một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Với hơn 64 triệu DN, các MSME chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia và sử dụng 97% công nhân Indonesia. COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào các DN này trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng suy yếu và các khoản vay ngân hàng trở nên khó tiếp cận hơn, khiến hơn 70% MSME buộc phải ngừng hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Kết quả là nền kinh tế Indonesia rơi vào vòng xoáy suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, thúc đẩy các MSME nhanh chóng số hóa để giảm thiểu tác động của các hạn chế di chuyển và tiếp xúc trực tiếp hơn.
Giải pháp cứu cánh cho các MSME
Trong thời gian diễn ra đại dịch, các nền tảng số đã được chứng minh là cứu cánh cho các MSME bằng cách cho phép họ kết nối với 21 triệu khách hàng số mới tham gia trực tuyến.
Đã có sự gia tăng rõ rệt trong các dịch vụ số hóa ở Indonesia. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, 98% người bán hàng số của Indonesia hiện chấp nhận thanh toán số và hơn một nửa cung cấp các giải pháp cho vay trực tuyến.
"Đại dịch đã khiến chúng tôi nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới, thích ứng và cải thiện kỹ năng - không chỉ bằng cách bán hàng và thanh toán trực tuyến mà còn tạo ra nội dung sáng tạo để DN có thể tiếp tục phát triển bền vững", Sandiaga Uno, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, cho biết tại một hội thảo do công ty ví điện tử Dana của Indonesia hồi tháng 8/2021.
"Đại dịch là chất xúc tác có thể mang lại sự thay đổi lớn cho các MSME", Bộ trưởng Sandiaga Uno nhấn mạnh.
Vince Iswara, CEO và đồng sáng lập của ví điện tử Dana, cho biết việc số hóa các MSME là "không thể tránh khỏi" và sẽ "giảm thiểu rủi ro từ thanh toán tiền mặt trực tiếp và tăng cường cơ hội kinh doanh để tồn tại trong những thời điểm không chắc chắn này".
Tăng tốc độ hòa nhập tài chính tại Indonesia
Iswara cho biết: "Dana được xây dựng từ niềm tin của chúng tôi rằng công nghệ là động lực thúc đẩy mọi người tiến lên phía trước, bao gồm cả Indonesia".
Là quốc gia có nhiều tiềm năng và tài nguyên to lớn nhưng Indonesia phải đối mặt với những vấn đề do bị chia cắt bởi đại dương và đất liền, điều này khiến cho việc di chuyển hàng hóa và giao dịch không hề dễ dàng.
Dana - được đặt tên theo tiếng Bahasa Indonesia có nghĩa là "quỹ" - nhận thấy giải pháp cho những thách thức về địa lý của quốc gia này đó là xây dựng "xã hội không tiền mặt". Được thành lập vào năm 2018, nền tảng của Dana cung cấp giải pháp all-in-one, cho phép khách hàng và DN thực hiện các thanh toán số một cách thuận tiện.
"Chúng tôi tập trung vào việc trở thành cầu nối cho tất cả các hệ sinh thái kinh tế. Đặc biệt, bằng cách kết nối nhiều người không có tài khoản ngân hàng hoặc không được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, Dana giúp họ tiếp cận tốt hơn với công nghệ tài chính và nâng cao khả năng hiểu biết của họ", Iswara nói.
Iswara gọi những giải pháp này là "thanh toán số 4.0" mở đường cho tương lai của DN thông qua công nghệ và các nền tảng trực tuyến.
Việc cung cấp ví điện tử của Dana được thúc đẩy bởi các sáng kiến giáo dục và quan hệ đối tác hợp tác nhằm giải quyết một số thách thức xã hội dai dẳng của Indonesia như thiếu nhân tài, khả năng tiếp cận thị trường và khả năng hòa nhập tài chính.
Ví dụ: Dana Bisnis, dịch vụ hỗ trợ DN của Dana, giúp các MSME dễ dàng chấp nhận các giao dịch số thông qua mã QR và lưu giữ hồ sơ trong thời gian thực. Khi việc chấp nhận công nghệ này tăng mạnh trong năm ngoái, Dana đã cung cấp chương trình giáo dục và đào tạo miễn phí để giúp các MSME tận dụng tối đa các giải pháp của Dana. Đến nay, startup này đã kết nối tới 14 triệu người bán QRIS (mã QR tiêu chuẩn Indonesia) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Indonesia.
Iswara cho biết: "Trong thời gian đại dịch xảy ra, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ và đào tạo để khuyến khích việc hấp thụ kiến thức một cách tối ưu. Kết quả là số lượng đối tác MSME của Dana Bisnis đã tăng lên cũng như hiểu biết về tài chính số của họ".
Hỗ trợ MSME tiếp cận các nguồn tài chính
Khát vọng của Dana về một "xã hội không tiền mặt" đã tạo ra sự hợp lực đáng kể giữa startup này và chính phủ Indonesia trong việc triển khai "thanh toán không dùng tiền mặt" của mình vào năm 2014. Các sáng kiến của Dana đã đạt được thành công khi các MSME đấu tranh để phục hồi sau đại dịch. Điều này bắt nguồn từ việc thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản như tài khoản ngân hàng. Hầu hết các MSME hoạt động trong một thị trường phi chính thức không yêu cầu đăng ký kinh doanh, dẫn đến những hạn chế về khả năng tiếp cận hạn mức tín dụng và hỗ trợ tài chính.
Iswara nói: "Trong thời gian đại dịch xảy ra, chúng tôi đã khởi xướng chương trình "Daftarkan Warung Sekitar Kamu", một phần để hỗ trợ các sáng kiến của Bộ Hợp tác xã và SME Indonesia. "Đây là một sáng kiến cộng đồng, nơi người dùng có thể đăng ký một warung (cửa hàng tạp hóa nhỏ) bằng cách sử dụng ứng dụng của chúng tôi".
Chương trình là một phần của chiến dịch "Siap Siaga COVID-19" của Dana - một sáng kiến hợp tác với nền tảng gây quỹ trực tuyến nhằm quyên góp từ công chúng để giúp đỡ các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Mặc dù số người dùng Internet tại Indonesia khá cao nhưng đây cũng là quốc gia có tỷ lệ dân số không sử dụng ngân hàng lớn thứ ba thế giới. Để giải quyết vấn đề dai dẳng này, Dana đã hợp tác với tổ chức Women's World Banking (WWB) và chính quyền địa phương để mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính số của các MSME.
"Chương trình WWB của chúng tôi nhằm mục đích nâng cao hiểu biết về tài chính số, giúp mọi người thích ứng với những thách thức đang tồn tại và mới nổi đối với phúc lợi của gia đình họ", Iswara nói.
Ngoài việc tạo điều kiện tiếp cận hỗ trợ tài chính, Dana cũng đã giúp các MSME tiếp cận thị trường và người dùng mới bằng cách số hóa các nguyên tắc cơ bản của logistics, đặc biệt là khi các chính sách đóng cửa đã hạn chế sự di chuyển của người tiêu dùng.
Iswara cho biết: "Với Bhanda Ghara Reksa Logistics, chúng tôi đã ra mắt Miniservice Warung Pangan để giúp những người dùng tiếp cận các mặt hàng thực phẩm có giá cả phải chăng và trao quyền cho các MSME bằng cách mở cửa thị trường này".
Giám đốc điều hành của Dana cũng chia sẻ rằng thông qua dịch vụ Dana Delivery, startup này cho phép các MSME truyền thống số hóa dịch vụ logistic của họ thông qua mạng lưới vận tải để phân phối hàng hóa đến nhiều khách hàng hơn.
Trao quyền cho MSME thông qua giáo dục
Bên cạnh đó, Dana cũng đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các kỹ năng của các doanh nhân MSME địa phương. Thông qua Học viện Dana, công ty khởi nghiệp đã trao quyền cho hơn 400.000 doanh nhân Dana Bisnis với các kỹ năng bao gồm sức khỏe và an toàn, quản lý kinh doanh và tiếp thị số.
Iswara cho biết: "Tại Dana, công nghệ và năng lực của chúng tôi cho phép chúng tôi tạo ra những sản phẩm fintech tuyệt vời, chuyển giao kiến thức và kỹ năng để nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả người dân Indonesia".
Ông cho biết thêm sáng kiến Dana Untuk Negeri của công ty đã cho phép nhân viên của mình hỗ trợ tình nguyện các MSME tại các thành phố được chỉ định. Đối với Iswara, những hoạt động này là chìa khóa để xây dựng lòng tin giữa Dana và cộng đồng rộng lớn hơn.
"Sự tin tưởng này cho chúng tôi khả năng duy trì liên lạc với các đối tác kinh doanh để thảo luận và tìm ra những giải pháp về cách tiếp tục hoạt động phù hợp với bối cảnh hiện tại, nơi mà sức khỏe là ưu tiên của tất cả chúng tôi", giám đốc điều hành Dana chia sẻ.
Iswara cũng lưu ý rằng Dana "rất lạc quan" về cơ hội việc làm cho tất cả người Indonesia từ nền kinh tế Internet đang phát triển của Đông Nam Á, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giao hàng thực phẩm và thương mại điện tử./.