Trước đó, vào tháng 1/2019, MoMo cũng đã nhận đầu tư từ Quỹ Warburg Pincus. Số tiền không được tiết lộ do bảo mật, nhưng theo đại diện ví điện tử, giá trị khoản vốn của Warburg Pincus là con số cao nhất cho đến hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực Fintech và thương mại điện tử tại Việt Nam tại thời điểm đó. MoMo là công ty thứ năm tại Việt Nam nhận vốn từ Warburg Pincus, trước đó quỹ này chưa có khoản đầu tư nào dưới 100 triệu USD.
Năm 2020 được coi là một năm "rực rỡ" của Ví điện tử MoMo khi tháng 9/2020 đã chạm mốc 20 triệu người dùng. Chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề "Công nghệ tài chính và thanh toán tại ASEAN" trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS) vào tháng 11/2020, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo cho biết khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường ví điện tử. Trước dịch, Ví MoMo có 10 triệu khách hàng và chỉ trong thời gian ngắn sau đó, nền tảng này tiếp cận thêm được 10 triệu khách hàng nữa. MoMo đặt mục tiêu phải tiếp cận ít nhất 50% dân số, tương ứng với 50 triệu người dùng.
"Theo Ngân hàng nhà Nước Việt Nam, hiện tại có 38 ví điện tử đang hoạt động trong nước. Trong đó, 5 ví lớn nhất chiếm tới 95% tổng số giao dịch. Theo thông lệ của thị trường với quy mô hơn 100 triệu dân, quá trình tái cơ cấu sẽ diễn ra trong 3 đến 5 năm tiếp theo và có thể chỉ còn 2 đến 3 ví tồn tại. MoMo sẽ tích cực tham gia vào quá trình phấn đấu này để theo đuổi mục tiêu trở thành ví điện tử lớn nhất VN trong thời gian tới", ông Diệp chia sẻ.
Mới đây, Ví điện tử MoMo cũng được nhận bằng khen của Văn phòng Chính phủ vì đã có những đóng góp xuất sắc trong việc xây dựng và vận hành Cổng DVCQG khi mà hơn 40% giao dịch và 20% doanh thu thanh toán dịch vụ công trực tuyến được thực hiện qua Ví MoMo.