Vì sao EduNext được coi là cuộc "cách mạng" trong Edtech ở Việt Nam?
Việc EduNext ứng dụng phương pháp kiến tạo xã hội - học thuyết mà Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng “đã làm nên ông và FPT hôm nay”, được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc “cách mạng” về Edtech tại Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ để khai thác hiệu quả phương pháp học Kiến tạo xã hội
Một ngày giữa tháng 6/2020, khi vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào Cần Thơ, Giám đốc mảng Education Technology tại FPT Software Cao Văn Việt nhận được email từ lãnh đạo FPT Software về một phương pháp giáo dục mới với tên gọi EduNext. 2 ngày sau, trong một cuộc họp có lãnh đạo Tập đoàn và những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch Trương Gia Bình dần phác thảo những bước đầu tiên về sự thay đổi mang tính “cách mạng” mà FPT sắp áp dụng. Cùng với đó là yêu cầu cấp bách phải xây dựng nền tảng EduNext - đưa phương pháp Kiến tạo xã hội cụ thể hoá thành một sản phẩm công nghệ.
Theo ông Việt, lý do FPT quyết định ra đời nền tảng Edunext vì nhận thấy đây là một phương pháp thực sự mang lại hiệu quả trong đào tạo. Hiệu quả của phương pháp này đã được chứng minh tại đất nước Do Thái và các đất nước tiên tiến khác trên thế giới. Mọi người cũng đã được nhìn thấy phương pháp này xuất hiện phần nào trên giảng đường hay đời sống hàng ngày thông qua việc thuyết trình hay thảo luận nhóm.
Phương pháp học tập kiến tạo xã hội là phương pháp khuyến khích người học tự học, tự nghiên cứu, tự xây dựng kiến thức cho mình thông qua tương tác và thảo luận. So với cách dạy truyền thống thì phương pháp kiến tạo xã hội có những ưu điểm vượt trội. Đầu tiên, người học sẽ không học thụ động như chủ yếu ngồi nghe, giáo viên giảng dạy trong suốt buổi học theo phương pháp truyền thống nữa.
Thay vào đó, người học sẽ chủ động nghiên cứu bài trước khi học, và khi lên lớp sẽ trả lời các câu hỏi giảng viên đưa ra, thông qua tương tác tác hướng dẫn giữa giảng viên - học viên và học viên - học viên kiến thức được xây dựng cho mỗi cá nhân.
Một ưu điểm khác là không chỉ đưa ra ý kiến bản thân, học sinh còn cần phản biện ý kiến của các bạn khác/nhóm khác, qua quá trình này sẽ khiến học sinh hiểu sâu vấn đề và nắm chắc kiến thức hơn.
Để phát huy mạnh mẽ phương pháp học hiệu quả này, FPT cần xây dựng nền tảng kiến tạo toàn diện để giúp cho công tác giáo dục được hiệu quả, kiến tạo triệt để và có thể quản lý được các hoạt động đó khi ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là lý do Edunext ra đời.
EduNext là nền tảng Học kiến tạo toàn diện – Giải pháp đào tạo trực tuyến lấy phương pháp kiến tạo xã hội làm cốt lõi, nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp giáo dục đem lại hiệu quả đào tạo cao cho cá nhân và tổ chức. Thông qua việc ứng dụng EduNext, doanh nghiệp (DN) có thể: Tối ưu chi phí đào tạo; Áp dụng phương pháp giáo dục mới, hiệu quả; Sử dụng báo cáo quản lý tổng thể, chi tiết; Tích hợp tất cả công cụ trong một nền tảng.
Không còn cảnh “thầy giảng trò nghe”, cô Phạm Thuỳ Trang (Giảng viên Đại học FPT Đà Nẵng) gọi lớp của mình là lớp học “bận rộn”. Kể từ khi áp dụng phương pháp kiến tạo xã hội, cả cô và trò đều phải tương tác liên tục. Trong không gian ảo mà EduNext tạo ra, đúng là lớp học của cô Trang đã có màn lột xác đáng kể. Các em được chủ động thẳng thắn đề cập Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu), bức tranh về chống dịch COVID-19 tại Việt Nam hay câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ…
Tác giả trích dẫn
Ứng dụng các công nghệ mới nhất của thế giới như AI, thực tế ảo
Về những khó khăn khi ứng dụng phương thức học mới, ông Việt cho rằng, đối với cả người dạy và người học, việc thay đổi thói quen về cách dạy học cũng như cách học là không dễ dàng, vì vậy, việc tiếp cận phương pháp kiến tạo cũng như sử dụng thành thạo nền tảng mới sẽ cần thời gian và sự quyết tâm thay đổi để phát triển.
Mặc dù vậy, EduNext đã gặp thuận lợi là đội ngũ giáo viên cũng như các cán bộ đào tạo của các cơ quan, tổ chức đều rất đón nhận và sẵn sàng ứng dụng những phương pháp và công nghệ mới vào để nâng cao hiệu quả đào tạo.
“Người học cũng rất hào hứng với việc tiếp xúc những điều mới mẻ, đặc biệt là những thứ liên quan đến công nghệ và phương pháp mới chưa từng được áp dụng từ trước tới nay”, ông Việt bày tỏ.
Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc và triển khai hình thức đào tạo nội bộ trực tuyến này, FPT nhận ra rằng rào cản trước nhất của EduNext chính là các DN Việt còn chưa chú trọng vào đạo tạo nội bộ, chứ chưa nói đến việc ứng dụng công nghệ. Vì vậy, đội ngũ của EduNext sẵn sàng làm nhiệm vụ của một người tiên phong, đưa đào tạo nội bộ trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch phát triển của DN. Sau đó, nhóm phát triển mới đưa ra EduNext như một giải pháp để hỗ trợ DN, tổ chức đạt được tối đa hiệu quả đào tạo trong khi vẫn tiết kiệm được chi phí.
Hiện FPT đã triển khai EduNext đến tất cả các khách hàng là các DN, trường học, ví dụ như Đại học FPT, các trường khối phổ thông FPT, các đơn vị thanh viên trong tập đoàn FPT, một số DN nước ngoài như Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch… Nền tảng đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía nhà trường, DN cũng như các thầy cô, học sinh và người học trong DN.
Như giảng viên, sinh viên Đại học FPT đã sử dụng EduNext từ năm 2019 vào dạy và học. Theo giảng viên của Đại học FPT, phương pháp giáo dục mới đã giúp sinh viên chủ động hơn. Sinh viên sẵn sàng cởi mở trong việc chia sẻ và đặt câu hỏi, thậm chí là những vấn đề nhạy cảm và đang được xã hội quan tâm. Khi học với phương pháp kiến tạo xã hội, học sinh không còn sợ đặt câu hỏi, không sợ sai, sẵn sàng bày tỏ ý kiến và tranh luận,...
Trong thời gian tới, EduNext sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả của các môn đã áp dụng thành công phương pháp kiến tạo xã hội tại thời điểm hiện tại. Điểm chung của các môn học mà chúng tôi ứng dụng thành công đó chính là các môn học có tính tương tác cao, người học có thể tự do thể hiện ý kiến, quan điểm và phản hồi lại ý kiến của những người học khác.
Đối với các môn học chưa phù hợp, EduNext sẽ tìm kiếm và đưa ra các giải pháp để phát huy được những ưu điểm của phương pháp kiến tạo xã hội.
“Chúng tôi cũng sẽ mở rộng tập khách hàng trên cả nước cũng như nước ngoài. Đồng thời áp dụng các công nghệ mới nhất của thế giới như AI, thực tế ảo, thực tế tăng cường vào nền tảng này để phục vụ người dùng một cách tốt nhất”, ông Việt cho biết thêm.
Để bùng nổ edtech, cần nâng cao các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
Đánh giá về lĩnh vực edtech hiện nay, Giám đốc mảng Education Technology cho biết, nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong những năm vừa qua, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để có thể chuyển mình và biến công nghệ trở thành bàn đạp để nhanh chóng phát triển toàn diện về mọi mặt kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Bên cạnh những thuận lợi về chủ trương, việc triển khai ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tại trường học cũng gặp phải một số thách thức về cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, một số DN, trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được điều kiện về đường truyền Internet ổn định hay còn chưa được trang bị những trang thiết bị phù hợp cho việc tổ chức các lớp học ứng dụng công nghệ như máy tính, loa, máy chiếu hay TV thông minh…
Chưa kể, so với các nước phát triển, trình độ tiếp cận công nghệ của người dạy và người học tại Việt Nam còn hạn chế.
Bên cạnh đó, do người dạy và học tại Việt Nam quen thuộc với phương pháp giáo dục truyền thống, vì vậy, việc cần thay đổi thói quen, làm quen với công nghệ mới, phương pháp mới nên sẽ không tránh khỏi những bối rối và mất thời gian trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, việc học online trong giai đoạn dịch COVID-19 cũng đã cho thấy được, không có sự thay đổi nào là không thể, thậm chí, còn có thể diễn ra rất nhanh chóng và toàn diện.
“Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng cộng nghệ trong mọi mặt của đời sống là điều tất yếu. Đặc biệt với giáo dục, khi có sự quyết liệt trong hoạt động triển khai của các tổ chức lớn nhỏ, quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra cực kỳ nhanh chóng và rộng khắp”, ông Việt nhấn mạnh.
Dù vậy, khó khăn lớn nhất của EduNext nói riêng cũng như các nền tảng đào tạo trực tuyến nói chung đó chính là làm sao để có được sự tiếp nhận của khách hàng, khi mà đối với các sản phẩm giáo dục, người dùng rất cẩn thận và khó tính, cần thời gian dài để kiểm chứng chất lượng. Chưa kể, người dạy và học tại Việt Nam đang quá quen thuộc với các phương pháp học tập truyền thống.
Do đó, Edunext cũng như các nền tảng cùng mục tiêu cũng cần thời gian để chứng minh được những ưu điểm của sản phẩm và hiệu quả của mình.
Về những kiến nghị để phát triển Edtech nói chung và EduNext nói riêng, theo ông Việt, cần chú trọng nâng cao các điều kiện về cơ sở hạ tầng, thiết bị để đáp ứng được hình thức học mới. Trước khi đào tạo, đội ngũ giảng viên cũng cần phải được tập tuấn kỹ càng cách thức sử dụng và có thể sử dụng linh hoạt EduNext cũng như các sản phẩm hỗ trợ khác vào những mục đích khác nhau trong giảng dạy.
Điều quan trọng hơn cả đó chính là tạo lập những thói quen ứng dụng những phương pháp, công cụ mới vào các hoạt động thường ngày. “Từ những thay đổi nhỏ, đơn giản, người dạy và người học sẽ dần trở nên quen thuộc và không ngần ngại trong việc thử những điều mới mẻ để góp phần nâng cao hiệu quả mà lại tiết kiệm được thời gian, chi phí”, ông Việt kết luận./.