Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới
Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) vừa tổ chức tọa đàm “Dòng dữ liệu xuyên biên giới và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân”, với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Internet đã xâm nhập sâu rộng và thay đổi cơ bản cách chúng ta sống, làm việc; thay đổi cách kinh tế vận hành và thay đổi cả cách thức quản trị quốc gia.
Tại Việt Nam, kinh tế số là lĩnh vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm qua. Từ quy mô 3 tỷ USD vào năm 2015, đến năm 2020, Kinh tế số đạt khoảng 14 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.
Chuyển đổi số, kinh tế số đặt ra những vấn đề lớn về an toàn, an ninh mạng trong đó có vấn đề dữ liệu cá nhân. Các vấn đề về “đánh cắp danh tính”, mạo danh, lừa đảo… đang ngày càng trở nên phổ biến gây những phiền phức không nhỏ đến cuộc sống từng cá nhân.
Ông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, các dữ liệu cá nhân hiện nay đều được số hoá. Do đó, nếu thiếu đi những cơ chế bảo vệ thoả đáng, nguy cơ bị lạm dụng dữ liệu và mức độ nguy hiểm của nó tạo ra với mỗi cá nhân, với mỗi cộng đồng, quốc gia.
Khi dữ liệu cá nhân ở một quốc gia này có thể chuyển đến, lưu trữ ở các trung tâm dữ liệu tại một quốc gia khác. Hệ quả là, nếu dữ liệu cá nhân bị xâm hại, làm thế nào để một cơ quan thực thi pháp luật ở quốc gia bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của cá nhân khi vi phạm đó, về mặt kỹ thuật, xảy ra ở một quốc gia khác.
Tại tọa đàm, ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á cũng đã nhấn mạnh các lợi ích mà dòng dữ liệu xuyên biên giới mang lại cho phát triển thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định bên cạnh cơ hội, dữ liệu xuyên biên giới cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức về chính sách như bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, khả năng thực thi quyền tài phán của quốc gia, an ninh mạng. ông Jeff Paine cho rằng, tìm ra một hướng đi thích hợp lúc này là điểm "then chốt" trong tiến trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Cân bằng giữa quyền riêng tư và tự do dữ liệu
Theo đánh giá của ITU, trong nhiều năm, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có lượng dữ liệu luân chuyển xuyên biên giới lớn nhất thế giới. Với một nền kinh tế có độ mở thương mại cao; tỷ lệ lớn người dùng tham gia hoạt động tích cực trên môi trường số toàn cầu, xu thế này phản ánh một cách tích cực tiềm năng và cơ hội của Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, xu thế này kèm theo thách thức lớn làm sao bảo vệ được an toàn dữ liệu cho người dùng, bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người mà không làm tổn hại đến dòng chảy dữ liệu - vốn là huyết mạch của nền kinh tế số. Do vậy, bài toán chính sách là tìm một điểm cân bằng giữa trao đổi dữ liệu (gồm dữ liệu cá nhân và dữ liệu xuyên biên giới) và bảo vệ được an toàn để tạo lập niềm tin số của người dùng.
Theo bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), trên thực tế ở Việt Nam vẫn còn những khoảng trống pháp lý trong vấn đề chuyển giao dữ liệu cá nhân ra khỏi biên giới quốc gia. Cụ thể là chưa có một văn bản pháp luật nào quy định việc chuyển giao dữ liệu cá nhân khỏi biên giới quốc gia; quy định ẩn danh/phi danh tính hóa dữ liệu cá nhân khi chuyển giao…
Tại tọa đàm, nhiều đại diện quốc tế đã mang đến các kinh nghiệm cũng như góc nhìn trong xây dựng chính sách quản trị dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu cá nhân.
Theo bà Lori Roussey, Trưởng Bộ phận chính sách quyền riêng tư của Oxfam International, hoạt động của tổ chức thông qua áp dụng chính sách và thực hành quản trị dữ liệu có trách nhiệm, đạo đức, minh bạch, tôn trọng quyền dữ liệu của công dân, trong đó có các nhóm dễ bị tổn thương, tương thích với khung chính sách bảo vệ dữ liệu châu Âu.
Đại diện Oxfam cũng chia sẻ cần có cơ chế quản trị dữ liệu mang yếu tố nhân văn, đáp ứng nhu cầu và lợi ích các bên, có sự tham gia của chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi các nhóm yếu thế. Các biện pháp chính sách quản trị dữ liệu xuyên quốc gia cần đảm bảo quyền dữ liệu của công dân được thực thi công bằng, thúc đẩy sáng tạo, trách nhiệm giải trình và an ninh mạng.
Còn ở Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS cũng khuyến nghị, Việt Nam nên đặt mục tiêu kép thúc đẩy được dòng chảy dữ liệu tự do để phục vụ phát triển kinh tế số, đồng thời đảm bảo được an toàn và quyền riêng tư dữ liệu cho người dùng.