Diễn đàn

Việt Nam cùng Liên hợp quốc chia sẻ sáng kiến về phổ cập Internet, AI

Hoàng Linh 19:12 06/01/2025

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam sẽ tích cực tham gia các sáng kiến của Liên hợp quốc về thoả thuận số toàn cầu và phát triển AI. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia và đặt ưu tiên phát triển AI lên hàng đầu.

Chiều 6/1/2025, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Amandeep Singh Gil, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) kiêm Đặc phái viên về Công nghệ. Ông hiện là thành viên Cơ quan Tư vấn về Trí tuệ nha bác hân tạo (AI) và Hội đồng Tư vấn Khoa học của Tổng Thư ký LHQ.

Tham dự buổi làm việc có các đơn vị liên quan thuộc Bộ TT&TT, Văn phòng LHQ tại Việt Nam.

Việt Nam đóng vai trò tích cực trong GDC và phát triển AI

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã bày tỏ vui mừng được tiếp Phó Tổng thư ký Amandeep Singh Gil và đoàn công tác đến thăm Việt Nam ngay sau khi Thỏa thuận số toàn cầu (Global Digital Compact - GDC) được toàn bộ 193 nước thành viên LHQ thông qua vào ngày 24/9/2024. LHQ đã thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò dẫn dắt các vấn đề của nhân loại như chuyển đổi số (CĐS), AI…

bt-tiep-pho-ttk-06012025.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Tổng thư ký Amandeep Singh Gil trao đổi về phổ cập Internet, phát triển AI và các nội dung liên quan.

“Việt Nam ủng hộ GDC, các kế hoạch hành động của LHQ về GDC và sẽ đóng vai trò tích cực. LHQ có thể tổ chức các diễn đàn về GDC, AI, quản trị dữ liệu tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đang là trung tâm của Đông Nam Á, một khu vực năng động, có nhiều kinh nghiệm, bài học có thể chia sẻ với nước khác, nhất là các nước đang phát triển về phổ cập Internet, công nghệ. Vùng phủ Internet di động băng rộng của Việt Nam đạt 99,8% dân số, gần 100% máy điện thoại di động là điện thoại thông minh (smartphone). 85% hộ gia đình có Internet cáp quang đến tận nhà. Đây là tỷ lệ khá cao so với nước đang phát triển. Cách đây 2 tháng, Bộ TT&TT công bố khung hạ tầng số ở Việt Nam với 5 lớp và Việt Nam đang đang tập trung phát triển.

Về ứng dụng AI, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ban hành Chương trình CĐS quốc gia và Thủ tướng Việt Nam là Chủ tịch Uỷ ban CĐS Quốc gia. Việt Nam cũng đặt ưu tiên phát triển AI lên hàng đầu.

Việt Nam có cách tiếp cận riêng về AI là phát triển AI chung và riêng. AI chung (Public AI) đòi hỏi nhiều quy định pháp luật, AI riêng (private AI) dành riêng cho các tổ chức mà trước tiên là xây dựng trợ lý ảo để hỗ trợ các cán bộ công chức làm việc. Các công ty công nghệ Việt Nam cung cấp nền tảng, năng lực AI… còn dữ liệu, tri thức đào tạo thì các đơn vị, cơ quan, tổ chức sẽ làm. Bộ TT&TT đang tích cực thúc đẩy AI riêng.

Về nhân lực, Việt Nam chủ trương trở thành trung tâm (hub) toàn cầu về nhân lực AI, CĐS, bán dẫn. Việt Nam cũng có gần 60.000 doanh nghiệp (DN) công nghệ số, 10% DN trong số các DN này đang có doanh thu từ nước ngoài, ước tính 12 tỷ USD năm 2024, với tốc độ tăng trưởng 30%. Định hướng của Bộ TT&TT là đẩy mạnh DN Việt Nam đi ra nước ngoài, để đóng góp cho sự phát triển số của thế giới.

Phát triển công nghệ của Việt Nam đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội

Trước những thành quả đáng tự hào của ngành TT&TT về phổ cập Internet, phát triển công nghệ được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Phó Tổng thư ký Amandeep Singh Gil đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam về thu hẹp khoảng cách số, phổ cập Internet cho toàn bộ người dân, trong khi thế giới vẫn còn 2,6 tỷ người chưa được kết nối Internet. Việt Nam là hình mẫu cho nhiều quốc gia.

bt-tiep-pho-ttk.jpg
Phó Tổng thư ký Amandeep Singh Gil đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam về phát triển công nghệ.

Phó Tổng thư ký đã thông tin về Thoả thuận GDC, gồm 5 mục tiêu chính: Thu hẹp khoảng cách số, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận Internet; Hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia và phát triển trong nền kinh tế số (KTS); Bảo vệ người dùng trên môi trường số; Đảm bảo quản trị dữ liệu minh bạch, bảo mật, công bằng; Thiết lập khung pháp lý toàn cầu để phát triển AI có trách nhiệm.

GDC nhấn mạnh ưu tiên hợp tác về quản trị AI, với việc đặt ra kế hoạch Thành lập Kênh đối thoại Khoa học quốc tế độc lập về AI (Independent International Scientific Panel on AI) và Quỹ AI toàn cầu (Global AI Fund). GDC mang tính chất định hướng, tạo cơ sở để các nước xây dựng chương trình hợp tác cụ thể. Hiện nay, LHQ đang tham vấn các nước để xây dựng chương trình triển khai Thỏa thuận GDC, dự kiến hoàn tất trong quý 1 năm 2025 và bắt đầu thực hiện từ giữa năm 2025.

Phó Tổng thư ký cũng cho biết, GDC là cơ hội mới để các nước tăng cường, thúc đẩy hơn nữa khả năng kết nối và thông qua hạ tầng số. Ở các quốc gia đang phát triển như Estonia, các nước ở châu Phi cũng đang cố gắng mở rộng kết nối và phục vụ người dân hơn nữa.

GDC đã đặt ra sự phát triển KTS bao trùm toàn diện và công bằng. Đó cũng là trọng tâm để xây dựng một nền KTS hiện đại, công bằng. Những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Peru… sẽ có một cơ hội để tạo ra bước nhảy vọt thông qua yếu tố sản xuất mới là công nghệ thay vì các yếu tố truyền thống.

GDC thiết lập một diễn đàn đối thoại giữa các chính phủ về quản trị dữ liệu, AI nhằm đưa ra tiêu chuẩn, phương pháp tiếp cận thống nhất giữa các quốc gia trong hành trình này. Trong khuôn khổ của GDC, với việc thành lập Uỷ ban khoa học độc lập quốc tế về AI sẽ nhấn mạnh những cơ hội, năng lực, rủi ro gắn liền với nghiên cứu và phát triển (R&D) AI.

GDC còn thiết lập một diễn đàn chính sách quốc tế để các quốc gia, các khu vực có cơ hội trình bày những phương pháp tiếp cận, ý tưởng, quan điểm để từ đó học hỏi cũng như chia sẻ dựa trên một khuôn khổ chung của LHQ và để giảm bớt tính phân mảnh, cạnh tranh và tính liên thông trong phát triển, quản trị AI.

Bên cạnh đó, GDC thúc đẩy tăng cường hợp tác Nam - Nam giữa các nước đang phát triển để thảo luận về việc áp dụng các quy định pháp luật cứng hay tiêu chuẩn đạo đức mềm, hay phát triển nhân tài, nâng cao năng lực điện toán đám mây, tiếp cận dữ liệu để đào tạo các mô hình AI. Đây là một hoạt động nâng cao năng lực trên toàn cầu.

Thấu hiểu những vấn đề này, Phó Tổng thư ký cho biết, Hội đồng Tư vấn cấp cao về AI đã thiết lập những đề xuất để thành lập mạng lưới các trung tâm năng lực xuất sắc về AI trên thế giới và phục vụ nhu cầu nâng cao năng lực AI cho các quốc gia. Hội đồng chịu trách nhiệm về triển khai các trụ cột trên và trên các phương diện về hạ tầng, chính sách, chiến lược, khung thể chế.

“Hội đồng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này và Việt Nam hưởng ứng các sáng kiến, mạng lưới nâng cao năng lực”, Phó Tổng thư ký nhấn mạnh.

Phó Tổng thư ký cho biết ông đã tìm hiểu những năng lực công nghệ của Việt Nam trong những ngày qua, đặc biệt ấn tượng của các DN công nghệ Việt Nam, DN từ khối tư nhân và đánh giá cao những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ, đóng góp lớn cho quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 sẽ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức, tránh bẫy thu nhập trung bình.

bt-tiep-pho-ttk-06012025_2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng thư ký Amandeep Singh Gil và các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Trước các đề xuất của Phó Tổng thư ký, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị LHQ tăng cường nguồn lực hỗ trợ các nước đang và kém phát triển về nâng cao kỹ năng số cho người dân. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cùng LHQ triển khai các chương trình này./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cùng Liên hợp quốc chia sẻ sáng kiến về phổ cập Internet, AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO