Diễn đàn

Tuần lễ số quốc tế 2024: Việt Nam thúc đẩy ứng dụng AI đột phá qua trợ lý ảo

Hoàng Linh 11:29 19/11/2024

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới vẫn đang tìm kiếm ứng dụng AI đột phá. Trợ lý ảo có thể là ứng dụng AI đột phá. Việt Nam coi AI nguồn mở là cách phát triển bền vững.

Ngày 19/11/2024, tại Quảng Ninh, Bộ TT&TT đã chính khai mạc Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam International Digital Week - VIDW 2024) với chủ đề “Trợ lý ảo”.

VIDW 2024 đánh dấu lần tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 12 sự kiện chính thức và các sự kiện bên lề, dự kiến thu hút hơn 600 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước từ gần 30 quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp (DN) công nghệ hàng đầu.

Diễn ra từ ngày 19-22/11/2024, VIDW 2024 tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thực tiễn tốt, cách tiếp cận và sáng kiến mới để mở rộng hợp tác giữa các nước, các tổ chức, DN về đẩy mạnh phát triển AI và triển khai trợ lý ảo, với các chủ đề ưu tiên như ứng dụng trợ lý ảo, quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), Open RAN, khung pháp lý cho 5G, phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực số…

Trợ lý ảo - Trợ lý ảo cá nhân và trợ lý ảo riêng được hỗ trợ bởi AI

Phát biểu khai mạc Tuần lễ số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chủ đề thảo luận chính của chúng ta trong năm nay là trợ lý ảo - trợ lý ảo cá nhân và trợ lý ảo riêng, được hỗ trợ bởi AI”.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Trợ lý ảo có thể là ứng dụng AI đột phá. Trợ lý ảo có thể là trợ lý ảo cá nhân cho một người hoặc trợ lý ảo riêng cho một tổ chức.

AI là công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. AI tương tự như động cơ hơi nước trong cuộc CMCN lần thứ nhất, máy phát điện trong cuộc CMCN lần thứ hai và máy tính cá nhân trong cuộc CMCN lần thứ ba.

Theo Bộ trưởng, thế giới vẫn đang tìm kiếm ứng dụng AI đột phá. Trợ lý ảo có thể là ứng dụng AI đột phá. Trợ lý ảo có thể là trợ lý ảo cá nhân cho một người hoặc trợ lý ảo riêng cho một tổ chức.

AI là trợ lý cho con người, giúp chúng ta làm tốt hơn công việc của mình. AI sẽ không thay thế con người. AI hỗ trợ con người và trao quyền cho con người.

Bộ trưởng cũng cho rằng: “Mỗi cá nhân và mỗi tổ chức nên phát triển trợ lý ảo của riêng mình, từ dữ liệu và kiến ​​thức của riêng mình, cho mục đích riêng của mình. Đó là AI của riêng chúng ta, không phải AI của ai đó, vì vậy chúng ta tin tưởng AI của mình”.

Trong phát triển trợ lý ảo, Bộ trưởng cho biết vai trò của các công ty công nghệ và người dùng được tách biệt. Các công ty công nghệ cung cấp nền tảng, công cụ AI, công cụ đào tạo trợ lý ảo. Người dùng nhập dữ liệu, kiến ​​thức và đào tạo trợ lý ảo. Chúng ta không phụ thuộc vào các công ty công nghệ lớn. Chúng ta tự tạo ra AI của riêng mình.

“AI là khái niệm mới đối với tất cả chúng ta, vì vậy, hợp tác là cách tốt nhất để cùng nhau tiến xa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

bt-hung-2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến ​​khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số và chuyển đổi số”.

Bộ trưởng cho biết: “Việt Nam coi AI nguồn mở là cách phát triển bền vững. Nguồn mở tạo ra niềm tin. Nguồn mở cho phép phát triển toàn cầu thay vì độc quyền công nghệ”.

Trợ lý ảo đã được phát triển và vận hành hiệu quả ở nhiều quốc gia. Theo Bộ trưởng, Tuần lễ số này là cơ hội để đại diện các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này trao đổi, thảo luận.

Bộ trưởng khẳng định: “Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến ​​khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số và chuyển đổi số”.

“Tuần lễ số quốc tế hàng năm sẽ là cơ hội tốt để các chính phủ, tổ chức quốc tế, hiệp hội và DN số toàn cầu thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác số, thúc đẩy sự hợp tác của chúng ta vì một thế giới số bền vững”.

Quảng Ninh đi trước, đón đầu xây dựng hạ tầng mềm, hạ tầng số

Chào mừng Tuần lễ số quốc tế 2024 được tổ chức tại Quảng Ninh, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tỉnh Quảng Ninh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết bằng tinh thần đổi mới sáng tạo (ĐMST), khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực, tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển đột phá, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc ĐMST của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, Việt Nam. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023).

ong-do-xuan-phuong.jpg
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Đặng Xuân Phương: Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng “cứng” với hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, trong năm qua, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu”, tập trung xây dựng hạ tầng “mềm", hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số.

Toàn tỉnh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%; số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người; Tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng thuê băng rộng cố định đạt 92,84%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (cả nước 75,39%).

Tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.

Nhân dịp Hội nghị bàn tròn năm nay tập trung vào việc ứng dụng trợ lý ảo, ông Đặng Xuân Phương nhấn mạnh tiềm năng tăng cường hợp tác và phát triển các giải pháp sáng tạo, trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức tại Quảng Ninh.

Tuần lễ số quốc tế tổ chức tại Quảng Ninh là cơ hội để tỉnh có thể trao đổi, tiếp cận với các cơ quan quản lý, hiệp hội, DN của các nước ASEAN và các nước đối thoại lớn trong phát triển về công nghệ thông tin, CĐS, phát triển hạ tầng số từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế; Học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề về hoạch định chính sách, chiến lược phát triển, công nghệ, nguồn nhân lực, thiết lập quan hệ đối tác hợp tác, đề xuất các giải pháp đối với các thách thức và cơ hội lớn nhằm thúc đẩy ứng dụng AI cho các lĩnh vực trong kỷ nguyên số ở khu vực ASEAN và toàn cầu nói chung và Quảng Ninh nói riêng góp phần giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, thu hút đầu tư và thiết lập quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh với các đối tác công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong và ngoài nước.

Nhiều hoạt động trong khuôn khổ VIDW 2024

Trong khuôn khổ của VIDW 2024, phiên toàn thể là sự kiện Hội nghị bàn tròn dành cho các đại diện chính phủ, các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo chuyên ngành để trao đổi quan điểm, tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các DN Việt Nam và các bên liên quan toàn cầu.

toan-the-ban-tron-19112024.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị bàn tròn bàn thảo các chủ đề ứng dụng AI, trợ lý ảo

Hội nghị bàn tròn sẽ tập trung vào chủ đề ứng dụng trợ lý ảo, nhấn mạnh tiềm năng hợp tác chặt chẽ hơn và phát triển các giải pháp sáng tạo, liên ngành.

Cùng với thảo luận chiến lược, chia sẻ tầm nhìn về tương lai của công nghệ số, vai trò của trợ lý ảo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị 5G lần thứ 5 diễn ra ngay sau Phiên toàn thể, là sáng kiến của Việt Nam, được Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G.

dai-bieu-thao-luan-19112024.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị bàn tròn sáng 19/11.

Mục tiêu của Hội nghị lần này tâp trung trao đổi vào các vấn đề ưu tiên chính liên quan đến việc triển khai Open RAN, khung pháp lý cho 5G và những tiến bộ trong việc đổi mới công nghệ và xây dựng hệ sinh thái. Sự kiện cũng sẽ báo cáo về tiến độ triển khai 5G của các quốc gia ASEAN và trình diễn trực tiếp các ứng dụng 5G trong thế giới thực của các quốc gia thành viên ASEAN, đối tác đối thoại và các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh các hoạt động với chủ đề “Trợ lý ảo”, trong các ngày từ 19-22/11/2024, Bộ TT&TT phối hợp với các nước ASEAN, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế như Liên minh Viễn thông quố tế (ITU), OECD tổ chức các diễn đàn chuyên môn với các chủ đề khác nhau: Diễn đàn quốc tế về Chiến lược số, chính sách và quản trị AI; Diễn đàn quốc tế về Chiến lược số, chính sách và quản trị AI; Hội nghị Quan chức Thông tin ASEAN (SOMRI); Hội thảo ASEAN về dịch vụ tin cậy; Hội thảo về các công nghệ miễn cấp phép thế hệ mới phục vụ phát triển kinh tế số; Diễn đàn Đầu tư số quốc tế; Diễn đàn quốc tế về Kết nối số; Hội nghị Việt Nam - OECD về phát triển nguồn nhân lực số; Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - Hàn Quốc; Hội nghị Việt Nam – ITU về quản trị AI và ứng dụng AI trong các lĩnh vực công nghiệp và tổ chức cuộc thi Hackathon Đông Nam Á…

Hiện nay, Việt Nam đang ưu tiên phát triển trợ lý ảo cho từng cơ quan nhà nước, mỗi cơ quan sẽ có trợ lý ảo của mình, tiến tới mỗi công chức có một trợ lý ảo. Việt Nam cũng đã và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẽ ưu tiên các chương trình hợp tác về AI, về phát triển và sử dụng trợ lý ảo.

Các diễn đàn chuyên đề sẽ tạo cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt (best practices), cả về thể chế (sandbox) và thực tiễn (use cases) của trợ lý ảo trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhiều nước trên thế giới.

VIDW 2024 là cơ hội để quảng bá và mở rộng thị trường cho các DN Việt Nam ra thế giới, đồng thời giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam năng động và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đây cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân và DN công nghệ số của Việt Nam, các nước ASEAN và các nước đối thoại trực tiếp kết nối, trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển thị trường./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số” (*)
    Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết.
  • Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
    Nhân dịp Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi thư chúc mừng đến các Cô giáo, Thầy giáo, những người đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng thuộc ngành Thông tin và Truyền thông trong cả nước.
  • Cuối năm, lại xuất hiện tình trạng lừa bán vé máy bay Tết
    Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), hiện đang tái diễn tình trạng các đối tượng lừa đảo sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi bán vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giá rẻ để lừa khách hàng, nhằm chiếm đoạt tài sản.
  • Sơn La tăng cường trồng cây dược liệu - mở lối phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS
    Những năm qua, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều nông dân và Hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi khai thác, chế biến các sản phẩm dược liệu. Đây đang là một trong những hướng đi mở lối phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
  • Hành trình xây dựng dữ liệu tin cậy
    Trong bối cảnh lấy dữ liệu làm trung tâm ngày nay, tin cậy dữ liệu là điều không thể thương lượng. Chất lượng, sự tuân thủ và độ tin cậy của dữ liệu là nền tảng của việc ra quyết định, lập kế hoạch chiến lược và tạo ra hiệu quả hoạt động.
  • 'Công dân Thủ đô số' - iHaNoi: Mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân, doanh nghiệp
    “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi là kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội.
  • 12 cách toà soạn khai thác AI để tăng hiệu quả hoạt động (Phần 1)
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa các ngành, lĩnh vực trên toàn thế giới và báo chí cũng không ngoại lệ. Các tổ chức tin tức đang tích hợp các công cụ AI nhằm kết hợp hiệu quả của công nghệ với sự sáng tạo của người làm báo.
  • Cảnh sắc chỉ có thể được bảo tồn khi chúng ta rung động trước vẻ đẹp của chúng
    Cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” mở ra cho người đọc một cách nhìn mới về vẻ đẹp của thiên nhiên, về cách rung cảm trước nhiều hình thái khác nhau của tạo hóa, thay vì chỉ qua những bức hình trên mạng xã hội.
  • An ninh mạng là rủi ro kinh doanh hàng đầu trên toàn cầu
    Trước đây, an ninh mạng chỉ là vấn đề bên lề của hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp, nhưng giờ đây đã, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức trên toàn thế giới.
  • Ngành an ninh mạng sẽ có những thay đổi lớn trong năm 2025
    Dự báo an ninh mạng 2025 của Google cung cấp cái nhìn toàn diện về bối cảnh mối đe dọa mạng đang phát triển và các chiến lược mà các tổ chức nên cân nhắc để giải quyết các mối đe dọa.
Tuần lễ số quốc tế 2024: Việt Nam thúc đẩy ứng dụng AI đột phá qua trợ lý ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO