Đông Nam Á có thể nắm bắt cơ hội từ hàng tỷ USD đầu tư vào đám mây và AI?
Các hãng công nghệ lớn đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng để khai thác tối đa dòng vốn này, các quốc gia trong khu vực cần giải quyết khoảng cách về kỹ năng số và thách thức về lượng khí thải carbon.
Đông Nam Á đang trải qua công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi hàng tỷ USD đầu tư từ các công ty công nghệ toàn cầu lớn. Các công ty siêu quy mô đều có mặt tại đây, từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, dữ liệu lớn, dịch vụ số, các hãng sản xuất trò chơi, những công ty tiên phong về AI cho đến các ông lớn về dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) như Microsoft và Google.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng số nhanh chóng, khu vực này đang phải đối mặt với những rào cản đáng kể, cụ thể là tình trạng thiếu hụt kỹ năng số và các mối quan ngại ngày càng tăng về môi trường. Liệu Đông Nam Á (ASEAN) có thể vượt qua những thách thức này để duy trì đà phát triển và khai thác tiềm năng của đám mây và AI không?
Những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm dữ liệu
Sự chuyển đổi của khu vực này được thể hiện rõ qua sự gia tăng nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu (TTDL) chẳng hạn như STT Bangkok 1, nơi đặt hàng loạt máy chủ công nghệ cao hoạt động dưới sự bảo mật nghiêm ngặt.
Khi nhu cầu về ĐTĐM và các dịch vụ do AI thúc đẩy tăng vọt, Đông Nam Á đang nhanh chóng trở thành điểm nóng cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng dữ liệu.
Lionel Yeo, Giám đốc điều hành của STT GDC Đông Nam Á cho biết: "Đông Nam Á là một trong những thị trường nóng nhất. Chúng tôi đang chứng kiến các khoản đầu tư lớn đổ vào và có vẻ như không có dấu hiệu dừng lại".
Theo Asian Business Review, nhu cầu về các TTDL tại khu vực ASEAN sẽ tăng trưởng khoảng 20%/năm cho đến năm 2028. Sự phát triển của AI, ĐTĐM, Internet vạn vật (IoT)... đòi hỏi một lượng lớn sức mạnh xử lý và quản lý lượng dữ liệu khổng lồ đang thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với các TTDL.
AI đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán hơn nhiều so với các tác vụ truyền thống. Các hệ thống AI tạo sinh, bao gồm các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT, tiêu tốn nhiều năng lượng hơn tới 33 lần so với các mô hình truyền thống.
Trên toàn cầu, nhu cầu về các dịch vụ AI đang tăng vọt, cụ thể nhu cầu tính toán tăng gấp đôi sau mỗi 100 ngày, theo dữ liệu năm 2023 của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Theo Deloitte, với khoảng 125.000 người dùng mới truy cập Internet mỗi ngày, mức tiêu thụ dữ liệu tại Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025.
Có thể thấy, xu hướng các công ty công nghệ lớn tăng đầu tư tại Đông Nam Á đang biến khu vực này trở thành "điểm nóng". Báo cáo của Google, Temasek Holdings và công ty tư vấn Bain & Co của Mỹ đánh giá nền kinh tế số đang bùng nổ của Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, và là một trong số ít khu vực trên thế giới có sự cạnh tranh trực tiếp của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ và Trung Quốc.
Thu hẹp khoảng cách kỹ năng số
Mặc dù được nhiều ông lớn đầu tư và mở rộng mạng lưới hoạt động, Đông Nam Á vẫn phải đối mặt với một thách thức quan trọng, đó là thiếu hụt kỹ năng số. Sự phát triển nhanh chóng của AI và các dịch vụ số đã dẫn đến nhu cầu cao về lao động có tay nghề.
Theo báo cáo "Chỉ số xu hướng công việc năm 2024" do Microsoft và LinkedIn công bố, 88% lao động trí thức trong khu vực đã sử dụng AI tạo sinh, nhấn mạnh nhu cầu về lực lượng lao động có hiểu biết về kỹ thuật số. Đồng thời, khu vực này đang chứng kiến sự thay đổi sâu sắc về nhân khẩu học diễn ra cùng lúc với xu hướng số hóa.
Các công ty như Google và Microsoft đang hỗ trợ giải quyết bài toán này bằng cách cam kết đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng cơ sở hạ tầng và triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng AI cho người dùng trong khu vực.
Tại sự kiện "Microsoft Build: AI Day" hồi tháng 4/2024 tại Jakarta, Indonesia, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella đã công bố sáng kiến nhằm trang bị kỹ năng AI cho 2,5 triệu người trên toàn khu vực ASEAN vào năm 2025. Các sáng kiến nâng cao kỹ năng sẽ được thực hiện với sự hợp tác của chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp và cộng đồng tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng vẫn là một thách thức lớn. Các hệ thống giáo dục cần phải thích ứng nhanh chóng để trang bị cho người cho người lao động các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế do AI thúc đẩy, đảm bảo rằng tương lai kỹ thuật số của Đông Nam Á không bị cản trở bởi tình trạng thiếu nhân tài có trình độ.
Vượt qua những thách thức về carbon trong nền kinh tế số đang phát triển
Khi các TTDL và cơ sở hạ tầng đám mây tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên khắp Đông Nam Á, một mối quan tâm cấp bách khác lại nảy sinh đó là phát thải carbon.
Các TTDL tiêu thụ một lượng điện khổng lồ, góp phần gây ra những thách thức về môi trường trong một khu vực vốn đang phải đối mặt với các vấn đề về tính bền vững.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với các công nghệ AI tiêu tốn nhiều năng lượng chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Các công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft và AWS đang đầu tư vào các công nghệ xanh và hướng tới mục tiêu giảm lượng khí thải carbon của họ.
Do đó, khu vực ASEAN cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kỹ thuật số và trách nhiệm với môi trường. Các chính phủ đóng vai trò trong hành trình chuyển đổi xanh này, với các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Singapore đang đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư công nghệ đồng thời thúc đẩy tính bền vững.
Nếu Đông Nam Á có thể kết hợp tăng trưởng kỹ thuật số nhanh chóng với các công nghệ sạch hơn, hiệu quả hơn, thì khu vực này sẽ có thể dẫn đầu toàn cầu về phát triển nền kinh tế số và xanh.
Đông Nam Á có thể nắm bắt cơ hội không?
Không thể phủ nhận rằng Đông Nam Á đang trên bờ vực của một cuộc cách mạng kỹ thuật số, thu hút các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu bởi lợi thế về dân số trẻ, am hiểu công nghệ.
Sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng đám mây và AI mang đến vô số cơ hội, không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc vượt qua những thách thức về tình trạng thiếu hụt kỹ năng số và lượng khí thải carbon sẽ đòi hỏi những nỗ lực chung từ các chính phủ, tập đoàn và các tổ chức giáo dục.
Nếu có thể giải quyết thành công những vấn đề này, Đông Nam Á sẽ khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế của mình để trở thành một trung tâm công nghệ toàn cầu, trong khi đảm bảo phát triển nền kinh tế bền vững và công bằng./.