Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19

PV| 28/04/2020 18:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiều nay, 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.

Hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tại các vùng có nguy cơ cao được công bố trong cuộc họp trước đều không có ca lây nhiễm mới. Với 270 ca nhiễm COVID-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Việt Nam đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch với chi phí thấp được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao. Đến giờ phút này, có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh cuộc họp hôm nay sẽ tiếp tục bàn về việc tháo gỡ, nới lỏng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Cuộc họp cũng sẽ tập trung thảo luận về một số biện pháp trong trạng thái "bình thường mới".

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia (tính đến 11h ngày 28/3), thế giới ghi nhận hơn 3 triệu trường hợp mắc COVID-19 tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ; có 211.609 trường hợp tử vong. Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 40.766 trường hợp mắc và 1.447 tử vong, trong đó Singapore ghi nhận số mắc cao nhất (14.423) và Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (765).

Tại Việt Nam, ghi nhận 270 trường hợp mắc (ngày thứ 12 liên tiếp không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng, kể từ ngày 17/4), 230 trường hợp đã khỏi bệnh, 48 bệnh nhân đang được điều trị tại 8 cơ sở khám chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161), trong đó bệnh nhân số 20 và 161 đang tập cai thở máy.

Ban Chỉ đạo cho biết, có 5 trường hợp khỏi bệnh nhưng được xét nghiệm dương tính trở lại đang được theo dõi tại các cơ sở y tế. Điều đó cho thấy tính phức tạp trong cơ chế lây nhiễm của SARS-CoV-2, cần đánh giá và triển khai đúng các biện pháp phòng, chống nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đặc biệt đối với các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng, nhưng không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ.

Việt Nam hoàn toàn chủ động việc xét nghiệm mà không cần phải mua thêm máy móc

Về vấn đề xét nghiệm, cả nước hiện có 112 phòng xét nghiệm Realtime-PCR có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 (công suất tối đa khoảng hơn 27.000 mẫu/ngày), trong đó 48 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất tối đa khoảng 14.300 mẫu/ngày).

Thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Đại học Nagasaki của Nhật Bản nghiên cứu và phát triển loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể. Điểm khác biệt rất đáng chú ý là sinh phẩm xét nghiệm của Việt Nam sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA đã được trang bị từ tuyến Trung ương đến tận y tế tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác. Sinh phẩm "made in Vietnam" có nhiều ưu điểm: Sử dụng rộng rãi cho tất cả các tuyến từ tuyến huyện; độ nhạy và độ đặc hiệu cao khoảng 95% sau khi bị nhiễm 8 ngày; giá thành của sinh phẩm này rẻ (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm). Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt. Nếu thành công, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể và thương mại hóa.

Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19 - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.

Hai xét nghiệm trên đây dùng để bổ trợ cho nhau trong việc khẳng định COVID-19 và xác định mức độ lây lan trong cộng đồng. Thời gian tới, với 2 loại sinh phẩm sản xuất được, Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động việc xét nghiệm mà không cần phải mua thêm máy móc, thiết bị xét nghiệm cũng như các sinh phẩm, hóa chất cần thiết khác.

Về việc sửa Nghị quyết số 20/NQ-CP về xuất khẩu khẩu trang, Ban Chỉ đạo đã thống nhất phương án: Bỏ chế độ cấp giấy phép và cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế mà không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu. Căn cứ diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp để bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
    Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ với chủ đề: “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO