Chuyển động ICT

Việt Nam - Hàn Quốc đồng hành trong kỷ nguyên AI

Anh Minh 16:37 21/11/2024

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm hy vọng, Việt Nam có thể học tập nhiều hơn từ Hàn Quốc về các bài học kinh nghiệm, cách làm hay để phát huy tối đa vai trò công nghệ số nói chung và trợ lý ảo nói riêng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập xã hội số nhân văn và thu hẹp khoảng cách số.

Internet và công nghệ số tạo ra các biến đổi sâu sắc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Hợp tác số Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024 với chủ đề “Việt - Hàn: Bạn đồng hành hướng tới thời đại AI” vào chiều 21/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm cho biết, Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số, là đối tác quan trọng của Việt Nam. Hai nước có nhiều điểm chung và cơ hội hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển chính phủ số và nguồn nhân lực số.

Trong thời gian qua, hai bên đã có những hoạt động hợp tác cụ thể và thiết thực như công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam, tham vấn xây dựng Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghiệp công nghệ số, triển khai dự án ITCP Việt Nam - Hàn Quốc...

fy7a4139.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số, là đối tác quan trọng của Việt Nam. (Ảnh: Thảo Anh).

Thứ trưởng hy vọng qua Diễn đàn, các đại biểu sẽ trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm để Việt Nam có thể học các bài học kinh nghiệm, cách làm hay để phát huy tối đa vai trò công nghệ số nói chung và trợ lý ảo nói riêng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, tạo lập được xã hội số nhân văn, thu hẹp khoảng cách số, hỗ trợ và giúp đỡ các nhóm yếu thế. Đồng thời, thông qua Diễn đàn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực thúc đẩy ứng dụng AI giữa các chủ thể liên quan.

Theo Thứ trưởng, hiện nay Internet và công nghệ số đã và đang tạo ra các biến đổi sâu sắc, đi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo tiền đề cho những thay đổi tích cực mang tính đột phá cho cách thức tổ chức sản xuất, quản lý nhà nước và quản trị xã hội.

Một trong những ứng dụng hiện được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, triển khai là trợ lý ảo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính phủ và khu vực công với những mục đích đa dạng nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao trải nghiệm của người dân.

Chẳng hạn như trợ lý ảo GoodPy tích hợp thông tin từ các bộ, ngành cho phép người dân Hàn Quốc tra cứu và nhận tư vấn về các vấn đề dân sự. Vương quốc Anh cũng có trợ lý ảo BritGPT hay chính phủ Australia cũng có trợ lý ảo MyGov phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công.

Trong khi đó, Nhật Bản sử dụng ChatGPT cho mục tiêu tăng năng suất và hiệu quả hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hỗ trợ công tác văn thư và soạn thảo tài liệu ở các bộ, ngành và địa phương. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng có chatbot AI S.A.R.A.H đóng vai trò nhân viên tư vấn y tế, chế độ ăn uống bằng 8 ngôn ngữ khác nhau.

“Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược và yêu cầu khách quan”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Để phát huy tối đa tiềm năng của công nghệ số, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, chiến lược liên quan, nổi bật như Chương trình CĐS quốc gia; Chiến lược quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số; Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Chiến lược dữ liệu quốc gia….

Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Việt Nam tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.

Về trợ lý ảo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Việt Nam đang định hướng triển khai xây dựng trợ lý ảo để hỗ trợ thủ tục hành chính theo hướng lấy người dân là trung tâm, tăng cường tính minh bạch; xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức trong việc tra cứu thông tin về các quy định pháp luật giúp tăng hiệu quả, năng suất công việc; xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ người dân để cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Một trong những mô hình thành công về trợ lý ảo tại Việt Nam có thể kể đến là “Trợ lý ảo” tại Tòa án nhân dân tối cao. Trợ lý ảo này được triển khai thử nghiệm từ năm 2022 đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, giao tiếp với Thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên. Việc đưa trợ lý ảo này vào trong hoạt động Tòa án giúp giải quyết được nhiều vấn đề nội tại.

Hàn Quốc - Việt Nam đồng hành trong kỷ nguyên AI

Theo ông Jang Ho Seung, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam, kể từ khi quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, hai quốc gia đã không ngừng tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp tiên tiến, dựa trên các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo hai nước.

Chính phủ Việt Nam cũng đã tập trung nỗ lực vào việc xây dựng chiến lược bán dẫn, chiến lược hạ tầng số, soạn thảo luật dữ liệu và công nghệ số, với mục tiêu vươn lên trở thành quốc gia dẫn đầu về số hóa và trí tuệ nhân tạo.

_l6a5106.jpg
Diễn đàn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi hai nước cùng chuẩn bị cho thời đại AI sắp tới. (Ảnh: Thảo Anh).

“Diễn đàn "Hàn Quốc - Việt Nam: Những người đồng hành trong kỷ nguyên AI" là cơ hội để hai nước cùng mở ra kỷ nguyên số và tạo nền tảng cho sự phát triển đồng hành trong tương lai”, ông Jang Ho Seung cho biết và đề xuất hai nước hợp tác trong việc xây dựng hạ tầng số quan trọng, bao gồm AI, mạng thế hệ mới, AI bán dẫn và trung tâm dữ liệu. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng khung pháp lý và thể chế hỗ trợ sự phát triển của số hóa và trí tuệ nhân tạo.

Hàn Quốc, với kinh nghiệm xây dựng hệ thống pháp luật về công nghiệp số, đã và đang hỗ trợ Việt Nam để mở rộng đầu tư vào AI và công nghệ số, thúc đẩy hợp tác đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái số bền vững. Ông Jang Ho Seung mong rằng thông qua việc hợp tác đào tạo nhân tài và phát triển các startup, hai nước sẽ cùng vươn lên thành những quốc gia dẫn đầu trong nền kinh tế số toàn cầu.

Diễn đàn số Hàn Quốc - Việt Nam đã khởi đầu từ năm 2021 với tên gọi Diễn đàn Chuyển đổi số Hàn Quốc - Việt Nam. Ông Hur Sung Wook, Viện trưởng Viện Xúc tiến Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (NIPA) cho biết, năm nay Diễn đàn có tên gọi mới là Diễn đàn số Hàn Quốc - Việt Nam lần thứ 4.

_l6a5232.jpg
Diễn đàn số Hàn Quốc - Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác số giữa hai quốc gia. (Ảnh: Thảo Anh).

“Với tên gọi mới, chúng ta đang bắt đầu một hành trình mới với tầm nhìn và sứ mệnh mới. Diễn đàn lần này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi chúng ta cùng chuẩn bị cho thời đại AI sắp tới và củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác, đổi mới giữa hai nước”, ông Hur Sung Wook nói./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Hàn Quốc đồng hành trong kỷ nguyên AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO