Việt Nam - Nhật Bản: Hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác toàn diện
Trải qua hơn nửa thế kỷ vun đắp và xây dựng, Việt Nam - Nhật Bản là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác toàn diện, hiệu quả, chân thành, bền vững và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Quan hệ chính trị - ngoại giao ngày càng bền chặt
Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, khởi đầu cho một mối quan hệ hợp tác toàn diện và bền vững. Đặc biệt, năm 1992 đánh dấu bước ngoặt lớn khi Nhật Bản nối lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, sau thời gian gián đoạn vì tình hình khu vực. Từ đó, quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc, dựa trên nền tảng hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.
Quan hệ chính trị - ngoại giao không ngừng phát triển qua từng giai đoạn, phản ánh sự gắn kết ngày càng mật thiết trước những biến động của khu vực và thế giới. Tháng 4/2002, hai nước thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”, khẳng định sự cam kết hợp tác toàn diện. Đến tháng 10/2006, Tuyên bố chung “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” được ký kết, đánh dấu bước chuyển quan trọng với tầm nhìn dài hạn.
Tiếp nối các thành tựu, tháng 4/2009, hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Những chuyến thăm cấp cao liên tục diễn ra, đặt nền móng cho các sáng kiến hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Năm 2010, hai bên ký Tuyên bố chung “Phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược”, tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác sâu rộng.
Đến tháng 3/2014, Việt Nam và Nhật Bản chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” nhấn mạnh tính chiến lược, thực chất và toàn diện của mối quan hệ. Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2015, hai bên ra Tuyên bố chung “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản", mở ra giai đoạn hợp tác mới với sự tin cậy và phối hợp chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, vào tháng 11/2023, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh mới, khi cả hai quốc gia đều coi trọng vai trò chiến lược của nhau ở khu vực và trên toàn cầu.
Các chuyến thăm cấp cao và đối thoại thường kỳ giữa lãnh đạo, các bộ, ngành, và địa phương hai nước đã góp phần củng cố sự tin cậy chính trị, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của quan hệ song phương.
Hợp tác kinh tế đạt được nhiều thành tựu đáng kể
Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển thương mại song phương. Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư FDI lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong suốt ba thập kỷ qua. Nếu như năm 1992, tổng kim ngạch thương mại chỉ đạt 1,3 tỷ USD thì đến năm 2023, con số này đã chạm mốc gần 50 tỷ USD. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại song phương ước đạt 38,1 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 20,24 tỷ USD và nhập khẩu 17,86 tỷ USD từ Nhật Bản.
Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) vào tháng 10/2009 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc, thúc đẩy các hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai quốc gia. Quan hệ hợp tác không chỉ mang lại lợi ích song phương mà còn được coi là hình mẫu cho sự hợp tác kinh tế hiệu quả trong khu vực.
Nhật Bản cũng dẫn đầu trong việc cung cấp vốn ODA cho các dự án trọng điểm tại Việt Nam, đặc biệt là các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực từ Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho Việt Nam.
Hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân không ngừng phát triển
Quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước đã có những bước tiến mạnh mẽ, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho ngành giáo dục Việt Nam, với các chương trình hỗ trợ nâng cấp trường đại học và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Hiện nay, hơn 51.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nhật Bản, biến Việt Nam thành cộng đồng du học sinh lớn thứ hai tại quốc gia này. Bên cạnh đó, tiếng Nhật đã được giảng dạy phổ biến tại các cấp học ở Việt Nam, từ tiểu học đến đại học, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và giao lưu văn hóa.
Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản với khoảng 520.000 người đang đóng vai trò cầu nối quan trọng, không chỉ góp phần vào nền kinh tế Nhật Bản mà còn thúc đẩy sự gắn kết văn hóa giữa hai dân tộc. Các sự kiện như Lễ hội Hoa anh đào, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản hay Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam thu hút hàng triệu lượt tham dự, tạo nên sự kết nối bền chặt và tình hữu nghị sâu sắc.
Những kết quả quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 50 năm qua có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với Việt Nam và Nhật Bản cũng như mối quan hệ giữa hai nước, mà còn là đối với sự hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế.
Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từng nhấn mạnh: "Quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam chưa bao giờ sâu sắc như hiện nay. Khoa học công nghệ tiên tiến của Nhật Bản góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, trong khi nguồn nhân lực trẻ, tài năng của Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào nền kinh tế Nhật Bản. Đây là một mối quan hệ tương hỗ, vì hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực"./.