Việt Nam phải bảo vệ được chủ quyền, thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng

Lan Phương| 02/12/2020 15:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2020 với chủ đề: "An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam - Yếu tố then chốt trong chuyển đổi số quốc gia", sự kiện hàng đầu, nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng trong năm 2020 tại Việt Nam, đã được tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội.

Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Cường quốc an ninh mạng cũng như là cường quốc quân sự. Công nghiệp an ninh mạng cũng như công nghiệp quốc phòng. Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì cũng phải biết tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Việt Nam phải bảo vệ được chủ quyền, thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sứ mệnh của ATANM Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Sứ mệnh của an toàn, an ninh mạng (ATANM) Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Trách nhiệm này đặt trên vai các doanh nghiệp (DN) an toàn, an ninh mạng. Đây cũng là trách nhiệm của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA)".

Muốn làm tốt việc này, theo Bộ trưởng, phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm ATANM, phải xây dựng được một nền công nghiệp ATANM hùng mạnh.

Bộ trưởng bày tỏ vui mừng khi VNISA lấy chủ đề ngày ATTT năm nay là "ATANM Make in Vietnam - Yếu tố then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một sự kiện rất lớn của lĩnh vực ATANM Việt Nam là tuyên bố Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm ATANM phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đến đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ 100%. Rất ít nước trên thế giới làm được điều này.

"Đây là tự hảo Việt Nam. Chúng ta rất đáng tự hào về điều này. Hiệp hội và các DN ATANM Việt Nam rất nên tự hào về điều này vì chính các bạn đã làm được điều đó".

Theo Bộ trưởng, cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về an ninh mạng trong thế giới ảo. Niềm tin sẽ số trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Công nghệ mở cũng sẽ giúp cho thế giới được hòa bình vì không một quốc gia nào là Super Power về công nghệ.

Nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó được sử dụng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng nguồn mở. Đây là thuận lợi cho các doanh nghiệp ATANM Việt Nam.

Việt Nam phải bảo vệ được chủ quyền, thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu xem trình diễn những giải pháp, sản phẩm ATANM Make in Vietnam tại Hội thảo

Bộ trưởng yêu cầu các DN ATANM phải hợp tác chặt chẽ ngay từ đầu với các DN phát triển sản phẩm và dịch vụ ICT để các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống ICT phải được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

"Chúng ta phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về an toàn an ninh mạng làm nòng cốt. Riêng về lĩnh vực ATANM, các chuyên gia giỏi và nền công nghiệp là yếu tố quan trọng ngang nhau. Ngoài DN, ngoài công cụ thì cần phải có các cá nhân xuất sắc. Vì công cụ chỉ xử lý được các lỗ hổng đã biết. Những lỗ hổng chưa biết chỉ có các chuyên gia mới xử lý được. Ví dụ như khi kẻ địch tung ra một loại virus mới thì công cụ đã có không thể xử lý được. Chỉ có chuyên gia giỏi mới ra được vắc-xin mới để xử lý. Nước nào ít người giỏi, ra chợ vắc-xin thì sẽ gặp nguy hiểm", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đội ngũ này, theo Bộ trưởng, có thể nằm ở các DN. Hiệp hội và Cục ATTT nên cân nhắc đứng ra liên kết mạng lưới này. Việc tiếp hợp các sự kiện của Hiệp hội và Cục ATTT là một cách tiếp cận tốt. Bộ TT&TT luôn coi Hiệp hội ATTT như một bộ phận quan trọng trong hệ thống ATANM quốc gia.

Phổ cập ATANM để thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện

Nói về chuyển đổi số, Bộ trưởng cho biết đây là công cuộc toàn dân và toàn diện, ứng dụng số sẽ là phổ cập. Vì vậy, đảm bảo ATANM cũng phải được phổ cập. Muốn phổ cập thì phải rẻ, phải dễ dùng. Các DN ATTT phải có cách tiếp cận mới để phổ cập ATANM tới mọi cá nhân, tổ chức. Đó có thể là các sản phẩm ATANM được phát triển dưới dạng các nền tảng. Đó có thể là cung cấp dịch vụ ATANM như dịch vụ hay cung cấp dịch vụ cơ bản miễn phí để phổ cập và thu phí dịch vụ nâng cao… Đó cũng thể là công khai giá cơ bản của các sản phẩm ATANM.

Bộ TT&TT khuyến khích các DN ATANM có những cách tiếp cận mới cả về công nghệ và marketing, để sớm phổ cập sản phẩm dịch vụ ATANM tới mọi người và mọi tổ chức.

Bộ trưởng cũng đề nghị VNISA nên nhận về mình một số công việc mới, không chỉ hỗ trợ các DN mà hỗ trợ người dân và xã hội. Đó có thể là soạn thảo và phổ cập cuốn cẩm nang về ATTT mạng dành cho tổ chức, DN và người dân. Đó có thể miễn phí và phổ cập phần mềm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Chiếc iPhone, iPad sẽ chỉ truy cập được vào các trang web lành manh, an toàn.

VNISA nên đề cao sứ mệnh của mình đối với xã hội. Sứ mệnh lớn không chỉ là trách nhiệm, sứ mệnh lớn mới tạo ra không gian lớn, năng lực lớn, mới liên kết sức mạnh. Sứ mệnh lớn mới kêu gọi được sự ủng hộ toàn dân, toàn xã hội và quản lý nhà nước. Chỉ khi đó các DN mới phát triển lớn mạnh được. Vì lợi ích lâu dài của chính mình, Hiệp hội và các DN, hãy lấy sứ mệnh quốc gia làm sứ mệnh của mình.

Bộ trưởng cũng cho biết: Việt Nam cần tham gia, đóng góp tích cực hơn cho các hoạt động ATANM quốc tế, đặc biệt là các hoạt động do Liên minh Viễn thông quốc tế khởi xướng.

"Tạo ra một không gian mạng Việt Nam an toàn, chia sẻ thông tin, tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế, đóng góp cho thị trường quốc tế, các DN lớn mạnh, sản phẩm ATTT chất lượng cao là phương pháp tốt nhất để thực hiện mục tiêu này. Việt Nam phải bảo vệ được chủ quyền và sự thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng. Mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống mới của chúng ta. Hãy cùng thống nhất nhận thức và phối hợp hành động để cùng hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược này", Bộ trưởng khẳng định.

DN ATTT cam kết đối với xã hội các dịch vụ an toàn mạng cơ bản, chất lượng

Đồng quan điểm với Bộ trưởng, Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng, nguyên thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: "Năng lực bảo đảm ATTT của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng do các DN Việt Nam làm chủ.

Việt Nam phải bảo vệ được chủ quyền, thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng - Ảnh 3.

Chủ tịch VNISA: Hội thảo năm nay là một diễn đàn quan trọng nhằm gắn kết "3 nhà"

Hội thảo năm nay là một diễn đàn quan trọng nhằm gắn kết "3 nhà": Các DN an toàn, an ninh mạng; Các đơn vị sử dụng dịch vụ, sản phẩm an toàn, an ninh mạng và các cơ quan xây dựng chính sách của nhà nước.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, Chủ tịch VNISA cho biết Hiệp hội sẽ liên kết các DN ATTT Hội viên để đưa ra những cam kết đối với xã hội về các dịch vụ an toàn mạng cơ bản có chất lượng tốt, miễn phí theo chính sách Freemium và linh hoạt, dễ tiếp cận nhờ sử dụng mô hình dịch vụ Security-as-a-Service (SaaS) trên nền tảng điện toán đám mây, tiến tới phổ cập các dịch vụ này.

Theo Chủ tịch VNISA, trách nhiệm góp phần phát triển nguồn nhân lực ATANM của đất nước được VNISA được thể hiện qua các hoạt động thiết thực, như chủ trì tổ chức cuộc thi sinh viên với ATTT suốt 13 năm qua, mở rộng ra các nước ASEAN trong 2 năm cuối.

Sắp tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với các tổ chức liên quan, tổ chức cuộc thi nhận thức về ATTT hướng tới đối tượng là các em học sinh phổ thông, đồng thời liên kết với các DN có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tương tác an toàn trên không gian mạng để hỗ trợ nhà trường và phụ huynh trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, VNISA cam kết sẽ tiếp tục tham gia tích cực với vai trò trách nhiệm cao trong quá trình triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ về ATANM.

4 hành động lớn để phát triển hệ sinh thái ATANM

Chia sẻ về quan điểm phát triển hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng, Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Thành Phúc cho biết: "Tự chủ công nghệ sản phẩm, giải pháp, dịch vụ ATANM là giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Phát triển hệ sinh thái ATANM Việt Nam là tiền đề để phát triển nền công nghiệp ATANM Việt Nam. Mỗi cơ quan, DN đều có ít nhất 1 DN, tổ chức ATANM chuyên nghiệp trong nước bảo đảm ATANM".

Việt Nam phải bảo vệ được chủ quyền, thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thành Phúc (ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận cho các DN làm chủ nền tảng điện toán đám mây Việt trong khuôn khổ Hội thảo

Với quan điểm như vậy, Bộ TT&TT thực hiện 4 hành động lớn gồm: Thúc đẩy hoạt động Liên minh phát triển hệ sinh thái, Ban hành tiêu chí kỹ thuật, đánh giá chất lượng; Thúc đẩy nhu cầu thị trường; Truyền thông, giới thiệu sản phẩm.

Với 4 hành động như vậy, ông Phúc cho biết tỷ lệ chủng loại sản phẩm ATTT tăng nhanh, dịch vụ tăng trưởng, có những sản phẩm ATTT xuất sắc được bình chọn trong năm 2020. Tỷ lệ chủng loại sản phẩm ATTT trong 5 năm qua tăng cao (năm 2015 có khoảng 5% sản phẩm nội địa ATTT, đến nay đạt 91% và hướng tới 100% vào năm 2021).

Về tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa với sản phẩm nước ngoài tăng 15% từ năm 2018 lên 39% năm 2019 và đến nay là 45%, hy vọng tiếp tục tăng lên trong các năm tiếp theo.

Về tăng trưởng doanh thu dịch ATTT năm 2016 là 400 tỷ đồng đến năm 2020 dự kiến đạt 900 tỷ đồng và năm 2019 tăng 23% so với năm 2018. Năm 2020 tăng so với năm 2019 là 30% cho thấy hệ sinh thái sản phẩm ATTT tăng trưởng mạnh. Năm 2020, có một số sản phẩm ATTT được bình chọn xuất sắc như các sản phẩm của Viettel, Bkav, CMC, CyRadar.

Trong thời gian tới, ông Phúc cho biết Bộ TT&TT định hướng sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách như Đề án phát triển công nghiệp ATANM và Quyết định mua sắm máy móc, thiết bị bảo đảm ATTT; Thúc đẩy phát triển thị trường với phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng make in Vietnam đạt 100%; Giá trị thị trường ATANM năm 2021 tăng 30% so với năm 2020; Tỷ lệ đầu tư cho ATANM năm 2021, tăng 3 - 4 lần so với năm 2020.

Bài liên quan
  • Bộ TT&TT ban hành "cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng"
    Bộ TT&TT ban hành “Bộ cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi theo từng nhóm tuổi phù hợp để trẻ em tự bảo vệ bản thân và phụ huynh cùng tham gia bảo vệ con em mình sinh hoạt trên môi trường mạng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phải bảo vệ được chủ quyền, thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO