Việt Nam sẽ là trung tâm khởi nghiệp tiếp theo ở khu vực Đông Nam Á

NK| 12/01/2022 16:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ là trung tâm khởi nghiệp kế tiếp ở khu vực Đông Nam Á, khi mà hệ sinh thái trong nước đang phát triển mạnh mẽ và mở rộng nhanh chóng. Nhiều quỹ đầu tư đã chọn Việt Nam là thị trường mũi nhọn, và trong 2 - 3 năm tới sẽ có thêm ít nhất khoảng 5 doanh nghiệp (DN) kỳ lân .

Nhận định trên vừa được các chuyên gia chia sẻ trong hội thảo chủ đề "Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022" được Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp cùng Nova Group vừa tổ chức.

Sự trỗi dậy của M&A trong lĩnh vực công nghệ với hàng loạt thương vụ "khủng"

Đánh giá về toàn cảnh thị trường M&A (mua bán và sát nhập) Việt Nam giai đoạn 2019 cho đến tháng 10/2021, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn KPMG Việt Nam cho biết, thị trường đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021: Tổng giá trị được ghi nhận ở mức 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tương ứng tăng trưởng 17,9% so với cả năm 2020; Giá trị giao dịch bình quân tăng từ 28 triệu USD trong năm 2019 lên 43 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2021.

Ông Ái khẳng định, thời gian qua cũng ghi nhận sự trỗi dậy của M&A trong ngành công nghệ, khi mà lĩnh vực này ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư. Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận 42 thương vụ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, với tổng giá trị giao dịch đạt 963 triệu USD. Trong đó, các giao dịch đáng chú ý như Tiki (vòng gọi vốn 258 triệu USD), Sky Mavis (vòng gọi vốn 152 triệu USD)…

Từ đó, ông Ái nhận định, Việt Nam sẽ là trung tâm khởi nghiệp kế tiếp ở khu vực Đông Nam Á, khi mà hệ sinh thái trong nước đang phát triển mạnh mẽ và mở rộng nhanh chóng. Nguyên nhân là do tình hình vĩ mô thuận lợi, tầng lớp trung lưu đang có thu nhập khả dụng ngày càng tăng, nguồn nhân lực trong nước ở khối ngành công nghệ dồi dào, tư duy kinh doanh và khởi nghiệp không ngừng phát triển, cũng như chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ chính phủ. Năm 2022, theo dự báo KPMG, mức đầu tư sẽ tăng 150% trong lĩnh vực công nghệ, và chạm mức trên dưới 2 tỷ USD. 

"Tuy nhiên, để có thể trở thành trung tâm khởi nghiệp thì cần phụ thuộc vào thể chế phù hợp và mức độ năng động của DN", ông Ái nói.

Trong top 5 thương vụ M&A tiêu biểu theo đánh giá của KPMG Việt Nam thì MoMo chiếm đến 2 thương vụ (nhận đầu tư vòng Series D với giá trị 100 triệu USD đầu năm 2021 và mới đây với thương vụ Series E lên đến 200 triệu USD). Hai thương vụ đầu tư có giá trị lớn nhất thuộc vụ Tiki (258 triệu USD) và VnLife (250 triệu USD). Thương vụ trăm triệu USD cuối cùng trong top 5 là của Sky Mavis với giá trị là 152 triệu USD.

Đánh giá về một thương vụ điển hình sẽ được nhận đầu tư, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam đã dẫn chứng về trường hợp của Gene Solutions, công ty mới huy động 15 triệu USD từ Mekong Captital nhờ có giải pháp mới, đột phá và chất lượng của đội ngũ sáng lập. Gene Solutions được thành lập năm 2017 với tầm nhìn đưa việc xét nghiệm di truyền trở nên dễ tiếp cận với chi phí hợp lý cho hàng triệu người dân Việt Nam.

Việt Nam sẽ là trung tâm khởi nghiệp tiếp theo ở khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Ái:Việt Nam sẽ là trung tâm khởi nghiệp kế tiếp ở khu vực Đông Nam Á

Với với góc độ cá nhân cũng như kinh nghiệp làm việc, ông Hồ Phi Ân, CEO Công ty CP EI Industrial thấy rằng các quỹ đầu tư luôn đặt Việt Nam trong tầm ngắm, trong đó nhiều quỹ chọn Việt Nam là thị trường mũi nhọn trong năm 2022, đặc biệt tập trung vào các DN B2B.

"Theo tôi, trong 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm ít nhất khoảng 5 DN kỳ lân. Hiện tại, năng lực CNTT của Việt Nam đang xếp trong top 4 - 5 trên thế giới", ông Ân nói.

TMĐT, Fintech là những lĩnh vực thu hút M&A mạnh mẽ ở Việt Nam

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT, nếu như trước năm 2025, các hoạt động M&A của Việt Nam chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh bất động sản,… thì trong giai đoạn 2015-2018, đã xuất hiện một số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ số có giá trị chuyển nhượng lớn như: Công ty cổ phần VNG mua 38% vốn điều lệ, tương ứng sở hữu 3,72 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Tiki; Năm 2018, Vingroup mua 51% cổ phần Mundo Reader, công ty chủ quản của thương hiệu smartphone BQ.

Đặc biệt, giai đoạn 2019 - 2021 đã xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Teamsek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; Affirma Capotal đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group , FPT mua lại nền tảng quản trị DN Base,... Ngày 01/9/2021, KKR công bố thông tin trở thành nhà đầu tư chính trong vòng đầu tư 45 triệu USD vào KiotViet cùng sự tham gia của ngân hàng lớn thứ 2 tại Thái Lan- Kasikornbank (KBank).

Cũng theo ông Tuyên, mặc dù công nghệ số Việt Nam là lĩnh vực có tiềm năng lớn, có khả năng bùng nổ các hoạt động M&A so với các lĩnh vực khác trong tương lai gần. Tuy nhiên, do các công ty công nghệ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thành hình, phần nhiều vẫn còn ở hình thức các startup. Nhiều công ty có thể có ý tưởng sản phẩm công nghệ tốt, nhưng chưa thể phát triển thành các DN hoạt động quy mô bài bản, có nền tảng, bởi còn hạn chế về năng lực quản trị điều hành DN, hoạch định chiến lược, cũng như năng lực tài chính chưa đủ mạnh.

Bên cạnh đó, các DN công nghệ số Việt Nam đang còn nhiều hạn chế và sản phẩm, khi phần lớn đang chỉ phục vụ cho thị trường trong nước, chưa nhiều sản phẩm có tính khu vực và toàn cầu. Đồng thời, các hoạt động M&A còn chưa thực sự bùng nổ, để từ đó tạo nên kênh huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam

Ngoài ra, do các nhà đầu tư không chỉ tìm kiếm một ý tưởng sản phẩm đơn thuần, mà hướng đến thành phẩm hoàn thiện để có thể tích hợp vào hoạt động kinh doanh. Do đó, họ không sẵn lòng theo đuổi các ý tưởng, sản phẩm chưa có hình hài rõ nét, trừ khi sản phẩm đó thực sự nổi bật và khác biệt. 

"Hay nói cách khác, chất lượng sản phẩm của các công ty công nghệ tại Việt Nam chưa thật sự "khớp" với kỳ vọng của bên mua, để đủ giúp làn sóng M&A trong lĩnh vực công nghệ thật sự bùng nổ", ông Tuyên bày tỏ.

Về các các lĩnh vực M&A tiềm năng trong ngành công nghệ, theo ông Tuyên, đó là thương mại điện tử (TMĐT), đi kèm với sự phát triển của các ứng dụng trung gian thanh toán là mảng thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhất, hay Fintech cũng là một điểm nhấn đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi số (CĐS) sắp tới. Tiêu biểu có thể kể đến như thương vụ rót 300 triệu USD vào VNPay của Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và Softbank Vision Fund; thương vụ 100 triệu USD đổ vào Momo từ quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus; thương vụ VinID tiến hành thâu tóm nền tảng MonPay.

Mặc dù vậy, so với quy mô M&A của Việt Nam, lĩnh vực công nghệ số trong thời gian qua chủ yếu là các thương vụ nhỏ, tập trung trong lĩnh vực TMĐT. Trong hai năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, CĐS. Vì vậy, M&A lĩnh vực công nghệ số chính là mảng đầu tư rất hứa hẹn cho các nhà đầu tư, mang cơ hội và nguồn lực cho các DN công nghệ số. 

"Dự báo Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch làn sóng M&A ở hầu hết các lĩnh vực, từ sản xuất hàng hoá cho đến đến công nghệ trên nền tảng Internet", ông Tuyên bày tỏ.

Về góc độ pháp lý, các hoạt động M&A hiện đang chịu sự điều chỉnh của các Hiệp định quốc tế và các văn bản liên quan đến Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán, Luật mua bán tài sản, Luật nhà đất, Luật chuyển giao công nghệ.

Là một DN thúc đẩy sự phát triển bằng chiến lược M&A, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Công nghệ Nova Tech (NovaGroup) cho biết, hiện công ty đang triển khai hàng loạt giải pháp CĐS và ứng dụng công nghệ cao tại các đô thị do NovaGroup phát triển. Trong thời gian tới, để nhanh chóng CĐS toàn diện, Nova Tech lấy chiến lược M&A làm trọng tâm để nhanh chóng mở rộng hệ sinh thái, tạo nên cộng đồng DN vững mạnh. Các DN có thể tận dụng hệ sinh thái của Nova Group và tệp khách hàng của tập đoàn. Từ đó, có thể có các hoạt động trao đổi mua bán, đẩy mạnh hoạt động.

Trên cơ sở đó, Nova Tech tìm kiếm các DN CNTT có khả năng hiện thực hóa những mục tiêu phát triển, DN thực hiện những ý tưởng công nghệ sáng tạo và thực tế; DN có sự phát triển, định hình rõ ràng. Đồng thời, các DN cũng phải có tiềm năng về kinh doanh để phát triển vững mạnh và lớn mạnh hơn nữa. Ngoài ra, thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm để Nova Tech có thể tiến dài và nhanh hơn nữa.

Chủ quyền dữ liệu quan trọng như chủ quyền quốc gia

Theo ông Hồ Phi Ân, CEO Công ty CP EI Industrial, ở góc độ DN, việc M&A trong lĩnh vực công nghệ gia tăng là rất đáng mừng. Khi đó, các DN sẽ được tiếp cận được nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài lớn. Tuy nhiên, hành trình để được công nhận không hề dễ và rất nhiều khó khăn.

Về vấn đề có sự bị thâu tóm hay không, ông Ân cho rằng, nếu những người sáng lập đủ giỏi thì sẽ không sợ điều đó. Còn nếu không đủ giỏi thì nên bị thâu tóm, qua đó giúp công ty phát triển hơn nữa thì là điều bình thường. Bên cạnh đó, nhiều nhà sáng lập startup cũng định hướng rằng một ngày nào đó sẽ thoái vốn ra khỏi công ty để theo đuổi các ước mơ, dự án khác, cũng như để đội ngũ tiếp theo có thể tiếp tục phát triển công ty. Như Alibaba, các nhà sáng lập đã rời đi để công ty được vận hành bởi đội ngũ kế cận.

Về bản chất, ông Ân cho rằng, các công ty không sợ bị thâu tóm, mà quan trọng là thâu tóm với mức giá nào? Nếu có lời đề nghị không thể từ chối thì tại sao lại bỏ qua, bởi vì, nhiều công ty đã từng từ chối những lời đề nghị hấp dẫn, để rồi lại bị xoá sổ bởi những tập đoàn lớn khác.

Việt Nam sẽ là trung tâm khởi nghiệp tiếp theo ở khu vực Đông Nam Á - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trọng Đường: Chủ quyền dữ liệu là vấn đề quan trọng như chủ quyền quốc gia.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ TT&TT khẳng định, M&A đang là xu hướng, DN nào đầu tư cũng muốn bán được hàng, bán giá càng cao càng tốt. "Dù việc ươm mầm DN khởi nghiệp thì cũng mong bán được nhưng cần bàn tới vấn đề bán cho ai và bán rồi có mang lại hậu quả gì không?", ông Đường đặt câu hỏi.

Từ đó, ông Đường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu. Dữ liệu không sẵn có, dữ liệu sinh ra từ các ứng dụng. Chủ quyền dữ liệu là vấn đề quan trọng như chủ quyền quốc gia. Vì vậy, khi bán dữ liệu cũng cần đặt vấn đề ai mua, mua để làm gì? Ai là người chỉ mua vì lợi nhuận và thúc đẩy phát triển, ai mua với ý đồ xấu? Luật Đầu tư nói về tập trung kinh tế nhưng đầu tư dữ liệu hiện mở không hạn chế, ai mua cũng được, mua gì cũng được, miễn là bán được.

"Cần lưu ý để việc nước ngoài mua bán, sáp nhập, thôn tính các lĩnh vực ảnh hưởng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng", ông Đường đặt vấn đề.

Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, dù Cách mạng 4.0 tích hợp nhiều công nghệ, nhưng Việt Nam thì chỉ là công nghệ số ở các lĩnh vực CNTT-TT. M&A công nghệ bùng nổ vì đó là xu hướng không cưỡng được, dẫn dắt sự phát triển tương lai. Chưa kể, COVID-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn, nên M&A được đẩy mạnh.

Ông Thành cho rằng, các thương vụ M&A vừa qua mới chủ yếu nhắm vào Việt Nam, chưa phải thị trường toàn cầu. Đây chính là các giới hạn của các Startup, cũng như M&A ở Việt Nam.

Qua đó, ông Thành khẳng định, muốn M&A theo phương diện nhìn toàn cầu, cần phải nhìn lớn, và xử lý 5 vấn đề sau: Cross border data flow (dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới) và vấn đề thuế; Việt Nam chưa thích hợp mô hình kinh doanh mới, đằng sau là tỷ lệ phần trăm nhà đầu tư nước ngoài; Financing (huy động vốn), dù các hình thái quỹ đầu tư đã có quy định liên quan nhưng vẫn chưa đầy đủ; Xây dựng trung tâm tài chính ở Việt Nam, để DN có thể huy động vốn, thay vì phải sang Singapore; Vấn đề dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ với tài sản này; Công nghệ lõi và an ninh quốc gia./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ là trung tâm khởi nghiệp tiếp theo ở khu vực Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO