Ảnh minh họa (Nguồn: mPoS.vn)
Cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 21.000 người từ 27 vùng lãnh thổ, cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán di động tại Việt Nam tăng lên 61%, tăng từ 37% vào năm 2018. Mức tăng 24% cũng là lớn nhất trong 6 nước thuộc khu vực Đông Nam Á tham gia khảo sát.
Tại Singapore, các thanh toán di động đã tăng 12% từ 34% năm 2018 lên 46% vào năm 2019. Kể từ khi chính phủ bắt đầu khuyến khích thanh toán số vào cuối năm 2017, kết quả mới nhất cho thấy sự nỗ lực của chính phủ Singapore và các bên tham gia vào thanh toán di động.
Các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến sự gia tăng trong thanh toán di động với Thái Lan tăng 19% lên 67%, Malaysia tăng 17% lên 40% và Philippines tăng 14% lên 45%. Indonesia có tốc độ tăng chậm nhất trong việc sử dụng thanh toán di động chỉ 9% lên 47%.
Trung Đông là khu vực tăng trưởng nhanh thứ hai sau Việt Nam, tăng 20% lên 45%. Trung Quốc vẫn không thay đổi đạt mức 86%. Ở tất cả các vùng lãnh thổ, 34% người tiêu dùng đã thanh toán di động để mua hàng, tăng từ 24% so với 1 năm trước đó.
Mua sắm thông qua mạng xã hội
Theo khảo sát này, người tiêu dùng ở châu Á tham gia trực tuyến nhiều hơn so với những người ở châu Âu và châu Mỹ. Những người được hỏi ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam dẫn đầu toàn cầu trong việc mua hàng trực tiếp thông qua các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội trên các nền tảng như Instagram và Facebook với tỷ lệ tương ứng là 50%, 49% và 48% số người tham gia khảo sát cho biết họ làm như vậy.
Trên toàn cầu, chỉ có 21% số người được hỏi đã mua hàng trực tiếp thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Trong số các loại sản phẩm và dịch vụ, cuộc khảo sát cho thấy phương tiện truyền thông xã hội rất có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hàng liên quan đến thời trang.
Charles Loh, Trưởng nhóm tư vấn sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng Đông Nam Á, PwC, cho biết: Các nền tảng truyền thông xã hội đã chín muồi ở Đông Nam Á.
Công nghệ giọng nói
Theo khảo sát, 9% người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ sử dụng công nghệ giọng nói để mua sắm trực tuyến hàng tuần hoặc thường xuyên hơn.
Trưởng nhóm tư vấn sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng Đông Nam Á của PwC Charles Loh cho biết: “Công nghệ giọng nói được sử dụng rộng rãi trên các nền tảng giao tiếp nhắn tin tức thời. Chỉ là vấn đề thời gian chấp nhận công nghệ này tại Đông Nam Á”.
Shirish Jain, Giám đốc thanh toán của Strategy, cho biết: “Châu Á vẫn là khu vực dẫn đầu trong việc đưa khách hàng chuyển sang thanh toán di động, báo cáo cho thấy 8 quốc gia châu Á trong top 10 và 6 quốc gia ở Đông Nam Á. Việt Nam, với tỷ lệ thâm nhập tương đối thấp vào năm 2018, đã đạt mức tăng trưởng cao nhất khi các nền tảng di động chứng minh sự tiện lợi đáng kể so với các phương tiện thương mại truyền thống.
Điều này khác với Singapore, quốc gia cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, hệ sinh thái phức tạp và đã được thiết lập từ trước, cũng như việc lựa chọn các hình thức thanh toán di động khác nhau cũng có thể làm chậm việc chấp nhận công nghệ giọng nói ở quốc gia này”.