Việt Nam thuộc các nước tiên phong trên thế giới về công nghệ truyền hình

Hoàng Linh| 12/01/2022 21:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số thế hệ thứ hai giúp chúng ta đi cùng với các nước dẫn đầu thế giới về công nghệ truyền hình".

Ngày 12/1/2021, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng (TDPS) truyền hình mặt đất Việt Nam 2020 (Đề án) sau 9 năm triển khai thực hiện.

Thực hiện Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã phối hợp cùng các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) liên quan tích cực triển khai và hoàn thành tất cả các mục tiêu của Đề án.

Ngày 11/01/2021, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo công bố Việt Nam ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, hoàn thành số hóa truyền hình từ ngày 28/12/2020. Ban chỉ đạo Đề án đã có báo cáo số 01/BC-BCĐĐASHTH báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án.

Hoàn thành 4 mục tiêu lớn của Đề án

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ tri ân, tôn vinh và trân trọng cảm ơn những người đã đóng góp công sức cho một sự chuyển đổi có tính cách mạng về công nghệ truyền hình.

Việt Nam tiên phong trên thế giới về công nghệ truyền hình - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Những kinh nghiệm tốt, cách tiếp cận phù hợp của số hoá truyền hình sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công các chuyển đổi tiếp theo

Theo Bộ trưởng, hội nghị được tổ chức cũng là để tìm ra những bài học làm hành trang ý nghĩa cho ngành TT&TT, bởi vì con đường phát triển cơ bản là sự chuyển đổi. "Chúng ta đã chuyển đổi mạng viễn thông từ analog sang số, tiếp theo là số hoá truyền hình và bây giờ là số hoá toàn diện, đưa toàn bộ thế giới thực lên không gian số".

"Chúng ta có mặt tại đây hôm nay để thấy rõ hơn những thành quả của Đề án số hoá truyền hình mà biết bao con người đã không quản ngại khó khăn hơn 9 năm trời để đi đến thành công. Chúng ta đã hoàn thành 4 mục tiêu lớn của Đề án".

Thứ nhất là hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng TDPS truyền hình mặt đất từ công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số thế hệ thứ hai, là công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất trên phạm vi toàn quốc. Hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất tăng 30 lần so với truyền hình tương tự, vì vậy đã giải phóng được 112 MHz thuộc băng tần 700 MHz để sẵn sàng phủ sóng dịch vụ 5G toàn quốc trong khi vẫn có đủ tần số cho nhiều kênh truyền hình hơn trước đây.

Thứ hai là mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình mặt đất từ phủ trung tâm 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011, tương đương 50% dân số, đến nay đã vươn đến tất cả 63 địa phương toàn quốc tương đương với 80% dân số, vượt 10 điểm % so với mục tiêu của Đề án, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu truyền hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, gồm truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet.

Thứ ba là đã thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình mà trước kia dùng ngân sách nhà nước. Đến năm 2020, đã có 4 đơn vị trong đó có 3 công ty cổ phần tham gia TDPS. Nguồn lực xã hội tham gia số hoá truyền hình đã đạt được trên 50%.

Thứ tư, năm 2011, 100% các nhà đài vừa làm nội dung vừa TDPS thì đến nay 100% các đài phát thanh truyền hình (PTTH) địa phương đã được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng chuyên môn hoá, tập trung vào khâu sản xuất nội dung chương trình và thuê dịch vụ TDPS.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là nước thứ 5 hoàn thành dừng phát sóng truyền hình tương tự. 4 nước đã hoàn thành trước chúng ta là Brunei năm 2017, Singapore năm 2019, Malaysia năm 2019 và Thái Lan đầu năm 2020 đều là những nước có quy mô dân số nhỏ hơn và địa hình dễ phủ sóng hơn".

Theo Bộ trưởng, dừng phát sóng truyền hình tương tự là một việc khó, nhất là khi năm 2011 bắt đầu Đề án này có đến hơn 80% các hộ gia đình vẫn chưa có đầu thu kỹ thuật số. Việt Nam có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, địa hình phức tạp, chia cắt, nhiều đồi núi, làm cho việc số hoá truyền hình còn khó hơn nữa.

Việt Nam tiên phong trên thế giới về công nghệ truyền hình - Ảnh 2.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các địa phương trên cả nước

7 cách tiếp cận phù hợp

Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam đã giữ đúng cam kết với toàn khối ASEAN là hoàn thành việc tắt sóng vào năm 2020. "Trên thế giới, Việt Nam là nước thứ 78/193 nước hoàn thành việc dừng phát sóng truyền hình tương tự, thuộc nhóm các nước hoàn thành sớm. Thành công của Đề án là do chúng ta có những cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh Việt Nam".

Theo Bộ trưởng, có 7 cách tiếp cận. Một là hoàn thành hành lang pháp lý trước. Ban chỉ đạo Đề án đã phối hợp cùng với các Bộ ngành, địa phương, đơn vị, DN hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra cơ chế hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Hai là có lộ trình phù hợp, làm thí điểm trước tại Đà Nẵng thành công, tiếp theo đến các thành phố lớn, khu vực cao, sau đó là các tỉnh đồng bằng và cuối cùng là các địa phương vùng núi.

Ba là đi thẳng vào công nghệ hiện đại. "Chúng ta đã chọn công nghệ DVB-T2 khi mới chỉ có 6 nước chọn công nghệ này nhưng đây là công nghệ tiên tiến, vừa có chất lượng cao, vừa tiết kiệm được băng tần hơn và thực tế chứng minh là chúng ta đúng. Đến nay 90% các nước sử dụng công nghệ này", Bộ trưởng cho biết.

Bốn là sáng tạo, linh hoạt vận dụng cơ chế tài chính phù hợp. "Trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn Bộ TT&TT và các bộ liên quan đã đề xuất chính phủ cho phép sử dụng Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo thiết bị thu kỹ thuật số. Đã có gần 2 triệu hộ gia đình được hỗ trợ với trên 1.000 tỷ đồng".

Năm là quan tâm và lắng nghe ý kiến của người dân, đặt người dân làm trung tâm.

Theo Bộ trưởng, đối với người dân khi tiếp cận sử dụng công nghệ mới, hiện đại sẽ gặp những khó khăn so với việc quen với việc sử dụng công nghệ cũ. Vì vậy, Bộ TT&TT đã thiết lập riêng một tổng đài để tiếp nhận phản ánh, hỗ trợ các hộ dân trong việc chuyển đổi. Các khó khăn khi sử dụng công nghệ mới sẽ được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Sáu là truyền thông, nâng cao nhận thức. Theo Bộ trưởng, vì việc tắt sóng truyền hình tương tự liên quan đến trên 20 triệu hộ gia đình trên toàn quốc nên việc truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhân dân phải nhận thức được tắt sóng tương tự là để nâng cao chất lượng truyền hình, để xem được nhiều kênh hơn, trong đó có những kênh chuyên đề về y tế, giáo dục, nông nghiệp giúp nâng cao đời sống.

Bảy là sự vào cuộc tích cực, chủ động của các địa phương trong việc triển khai Đề án. 

Bộ trưởng nhấn mạnh UBND các tỉnh, thành phố đã sát sao triển khai các nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn, thành lập Ban chỉ đạo của địa phương, triển khai thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, lựa chọn đơn vị, DN TDPS truyền hình số mặt đất để truyền tải chương trình truyền hình địa phương, hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo. Một số địa phương còn hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho một số hộ gia đình chính sách.

Với việc hoàn thành 4 mục tiêu lớn của Đề án và 7 cách tiếp cận phù hợp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việt Nam chỉ có thể thay đổi thứ hạng nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới về cái mới và muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ như Steve Jobs từng nói "cái chết là sự sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống".

Bộ trưởng khẳng định: "Truyền hình tương tự đã hoàn thành sứ mạng. Việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số công nghệ số thứ hai giúp chúng ta đi cùng với các nước dẫn đầu thế giới về công nghệ truyền hình. Trong tương lai, việc chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực sẽ xảy ra. Những kinh nghiệm tốt, cách tiếp cận phù hợp của số hoá truyền hình sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công các chuyển đổi tiếp theo".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: "Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải liên tục chuyển đổi. Chuyển đổi để đón nhận những cơ hội mới, chuyển đổi để tiến tới những điều tốt đẹp hơn và công cuộc chuyển đổi lớn nhất của chúng ta là chuyển đổi từ thế giới thực vào thế giới số, gọi là chuyển đổi số mà Ngành ta được giao lĩnh ấn tiên phong. Kế thừa và mở ra không gian mới sẽ là cách mà chúng ta làm để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia".

Việt Nam tiên phong trên thế giới về công nghệ truyền hình - Ảnh 3.

Việt Nam tiên phong trên thế giới về công nghệ truyền hình - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm trao Bằng khen của Bộ trưởng, kỷ niệm chương cho các đơn vị, cá nhân đã có thành tích trong việc thực hiện Đề án

100% các hộ gia đình được tiếp cận truyền hình chất lượng cao

Thông tin một số kết quả thực hiện đề án, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án cho biết thêm 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước có thể xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

Người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình với chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách số về thông tin giữa vùng sâu, vùng xa và thành thị. Trước đây, với truyền hình tương tự chỉ thu xem được từ 3 - 7 kênh chương trình có độ phân giải SD thì nay với truyền hình số có thể thu xem đến 70 kênh chương trình quảng bá miễn phí, trong đó có hàng chục kênh HD.

Việt Nam tiên phong trên thế giới về công nghệ truyền hình - Ảnh 5.

Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Nguyễn Đức Trung: Người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình với chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách số về thông tin giữa vùng sâu, vùng xa

Sau một năm hoàn thành Đề án, theo số liệu của Công ty TNHH truyền thông TNS (tính đến 12/2021), trong số các phương thức truyền hình thì truyền hình số mặt đất được đông đảo người dân tại nhiều khu vực sử dụng bao gồm: Miền Tây Nam Bộ (61%), Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung (42%), Đồng bằng Sông Hồng (34%), Trung du Miền núi phía Bắc (29%), TP. Cần Thơ (29%). Trong đó tỷ lệ thu xem truyền hình số mặt đất năm 2021 tăng so với năm 2020 tại các khu vực: miền Tây Nam Bộ (tăng 3 điểm %), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (tăng 7 điểm %), TP. Cần Thơ (tăng 2 điểm %).

Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo đã tổ chức 21 phiên họp, qua đó đề xuất, đóng góp ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ giúp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; tổ chức khảo sát tình hình thu, phát sóng truyền hình tương tự, truyền hình số mặt đất tại các địa phương.

Cục Tần số VTĐ, thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tổ chức 05 cuộc làm việc với các hãng sản xuất, nhập khẩu thiết bị thu, phát truyền hình về tiêu chuẩn, lộ trình bắt buộc tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 vào máy thu hình được sản xuất, nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam; tổ chức 02 cuộc hội thảo quốc tế về triển khai số hóa truyền hình tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; làm việc với chuyên gia của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về số hóa truyền hình.

Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều buổi làm việc với UBND, Sở TT&TT, Đài PTTH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham gia của các đơn vị, DN cung cấp dịch vụ TDPS để chỉ đạo và phối hợp triển khai các nội dung công việc.

Cục trưởng Nguyễn Đức Trung khẳng định: "Đề án đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho gần 1,9 triệu hộ dân với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Một số địa phương còn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn địa phương và các hộ gia đình chính sách từ nguồn kinh phí của địa phương".

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Nguyễn Đức Trung, Đề án đã hình thành được thị trường TDPS, làm chuyên nghiệp hóa khâu TDPS, tách biệt với khâu sản xuất nội dung chương trình, mang lại hiệu quả và chất lượng cao hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thuộc các nước tiên phong trên thế giới về công nghệ truyền hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO