Trong chuyến thăm, Thứ trưởng Rydberg tham vấn song phương với người đồng cấp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm.
Ông cũng gặp gỡ các bạn trẻ Việt Nam, các nhà nghiên cứu, đại diện chính phủ, chuyên gia tại Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV). Buổi toạ đàm tập trung vào những vấn đề như: chính sách của Thụy Điển, tình hình an ninh Thụy Điển và châu Âu cũng như mối quan hệ Thụy Điển - Việt Nam trong tương lai.
Tại buổi toạ đàm, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết trong hơn nửa thế kỷ qua, Việt Nam và Thuỵ Điển là bạn bè và đối tác thân thiết, cùng nhau trải qua những thời khắc khó khăn nhất.
TS. Phạm Lan Dung cũng chia sẻ Việt Nam có sự quan tâm lớn tới chuyển đổi số và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là hai lĩnh vực quan trọng trong công tác tham mưu, nghiên cứu tại Học viện. Học viện Ngoại giao hy vọng mạng lưới hợp tác và quan hệ giữa Học viện và các viện nghiên cứu, cơ quan tham mưu của Thuỵ Điển sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn.
Nhân kỷ niệm 40 năm khánh thành Nhà máy Giấy Bãi Bằng 1982 - 2022 (nay là Tổng Công ty Giấy Việt Nam - VINAPACO, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), Thứ trưởng Robert Rydberg đã tới thăm và có buổi gặp mặt trực tiếp với ban lãnh đạo và đại diện những người lao động đang làm việc tại nhà máy - biểu tượng lớn nhất và nổi bật nhất, thành quả của mối quan hệ hợp tác phát triển Thụy Điển - Việt Nam xuyên suốt thời gian. Cũng trong chuyến thăm này, đoàn tìm hiểu các triển vọng hợp tác trong việc lồng ghép đối thoại tại nơi làm việc.
Một nội dung quan trọng, Thứ trưởng Robert Rydberg cũng đến chào xã giao Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và gặp các chuyên gia tư vấn, nhà kinh tế, và những gương mặt đóng góp tích cực vào sự thay đổi ở Việt Nam.
Chia sẻ về chuyến thăm, Thứ trưởng Rydberg cho biết: "Với mối quan hệ lịch sử của chúng ta, Việt Nam là một người bạn tốt và một đối tác quan trọng của Thụy Điển trong khu vực ASEAN. Tôi rất vui khi có cơ hội để thảo luận với những người đồng cấp của mình tại Hà Nội và trao đổi quan điểm về các vấn đề thời sự, đồng thời giải quyết những thách thức chung như phục hồi xanh sau đại dịch, khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu".
Thứ trưởng Rydberg cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho các nỗ lực nhân đạo ở Ukraine thông qua cam kết đưa ra tại hội nghị các nhà tài trợ do Thụy Điển - Ba Lan đồng tổ chức ở Warsaw đầu tháng 5 vừa qua.
Trong 53 năm qua, Thụy Điển và Việt Nam đã và vẫn là những người bạn tốt và đối tác tin cậy, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Vào ngày 11/ 01/1969, vào thời điểm khi Việt Nam vẫn còn bị chiến tranh chia cắt, Thụy Điển trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chính phủ Thụy Điển và nhân dân Thụy Điển luôn mong muốn bày tỏ sự ủng hộ và tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
Sự tin cậy lẫn nhau ngày nay dựa trên cơ sở đối thoại liên tục và thường xuyên, quan hệ đối tác bình đẳng và đồng sáng tạo vì lợi ích của hai quốc gia và hai dân tộc.
Về phía cạnh kinh tế, đã có hơn 60 công ty Thụy Điển có mặt tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp và đối tác Việt Nam để cung cấp các thực tiễn đổi mới sáng tạo tiên tiến, các giải pháp, công nghệ và sản phẩm mang tính bền vững, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và khát vọng trở thành một quốc gia sáng tạo cao hơn của Việt Nam. Những thương hiệu Thụy Điển được biết đến nhiều, gồm có ABB, Astra Zeneca, Atlas Copco, Electrolux, Ericsson, H&M, Hestra Gloves, IKEA, Oriflame, SKF, Tetra Pak, Volvo Buses và Volvo Cars.
Thương mại song phương Thụy Điển - Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,5 tỷ USD./.