Chuyển đổi số

Việt Nam trở thành "điểm sáng" về chữ ký số, dịch vụ tin cậy

Hoàng Linh 25/10/2024 14:52

Năm 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực giao dịch điện tử tại Việt Nam với việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) 2023. Đây là cơ hội để phát triển chữ ký số, dịch vụ tin cậy, đáp ứng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cơ hội phát triển chữ ký số và dịch vụ tin cậy

Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT, khẳng định: Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) 2023 là thành quả nỗ lực không quản ngày đêm của cả hệ thống chính trị cùng các tổ chức, doanh nghiệp (DN). Luật không chỉ tạo khung pháp lý vững chắc cho các hoạt động GDĐT mà còn mở ra nhiều cơ hội để phát triển các dịch vụ tin cậy và chữ ký số (CKS), giúp thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.

Theo Giám đốc NEAC, CKS là giải pháp được quốc tế và Việt Nam công nhận về tính pháp lý, có thể giải quyết triệt để các nguy cơ an ninh trong giao dịch trực tuyến đặc biệt là giao dịch ngân hàng điện tử. CKS tương đương chữ ký tay, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ.

“CKS được xem là một trong những tài sản số quan trọng nhất, một mắt xích không thể thiếu trong thời đại chuyển đổi số (CĐS)”.

Nhìn lại chặng đường 17 năm cung cấp dịch vụ chứng thực CKS tại Việt Nam, mới đây tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập NEAC, ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ CKS và GDĐT Việt Nam (VCDC), đơn vị chuyên môn của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết: Tổ chức, DN Việt Nam đã có được sự đổi khác toàn diện về CĐS như ngày nay là có phần không nhỏ của CKS công cộng, của NEAC, của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Bảo hiểm xã hội cũng như các ngành nghề, lĩnh vực khác…

ong-phung-huy-tam.jpg
Ông Phùng Huy Tâm: Các tổ chức, DN đều khẳng định CKS công cộng giúp tiết kiệm, thay đổi toàn diện và tạo ra những cơ hội mới.

“Các tổ chức, DN đều khẳng định CKS công cộng giúp họ “hết ốm, đỡ mệt”, tiết kiệm nhiều, có lợi lớn, thay đổi toàn diện và còn tạo ra được vô khối những cơ hội mới”, ông Phùng Huy Tâm chia sẻ.

Cũng theo ông Phùng Huy Tâm, CLB đã đồng hành cùng NEAC hoàn thành phổ cập CKS công cộng cho tổ chức/DN và hiện đang tiếp tục đẩy mạnh phổ cập CKS cá nhân.

Theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ TT&TT về phổ cập CKS, ông Phùng Huy Tâm cho biết CKS cá nhân luôn là trăn trở của Ban chủ nhiệm CLB các thời kỳ, là sự vào cuộc không ngừng nghỉ của lãnh đạo và tập thể NEAC.

Chủ nhiệm VCDC chia sẻ, trong lúc dịch COVID-19 căng thẳng nhất, CLB vẫn không bỏ buổi nào để đưa vào triển khai CKS từ xa sớm nhất có thể. Có thể nói sự lựa chọn công nghệ đúng đắn, kịp thời, CKS từ xa đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu người sử dụng, là một đột phá không chỉ trong nước.

Một ví dụ khác là với sự phối hợp của NEAC và Ban chủ nhiệm CLB, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đã được thuyết phục dùng CKS công cộng, cá nhân thay cho OTP.

Với những nỗ lực và thành quả ấy, ở Diễn đàn quốc tế về Hạ tầng khóa công khai (PKI) với chủ đề "Đảm bảo tương lai số - Những tiến bộ trong lĩnh vực PKI và các khuôn khổ tin cậy” mới đây do NEAC phối hợp với Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á (APKIC) đồng tổ chức trung tuần tháng 10/2024, Tổng thư ký APKIC Vijayakumar Manjunatha đã đặt vấn đề với các nước học tập mô hình ký số từ xa của Việt Nam.

Với việc Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 được Quốc hội thông qua năm 2023 và có hiệu lực từ 1/7/2024, ông Phùng Huy Tâm cũng khẳng định Luật GDĐT 2023 là một kỳ tích, mở ra đường băng cất cánh cho CKS cá nhân và dịch vụ tin cậy.

chu-ky-so.jpg
Ảnh minh hoạ.

Trở thành điểm sáng về chữ ký số, dịch vụ tin cậy

Với nỗ lực của Chính phủ, các địa phương và các DN, năm 2023 đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc của chứng thư CKS cá nhân. Cụ thể, theo NEAC, tính đến hết tháng 6/2024, số lượng chứng thư số đang hoạt động trên toàn quốc là hơn 3,2 triệu, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số chứng thư số cá nhân đang hoạt động đạt hơn 2,5 triệu chứng thư số.

Tuy nhiên, tỷ lệ CKS cá nhân so với dân số trưởng thành chỉ đạt hơn 4%. Một số nguyên nhân chính dẫn đến số lượng sử dụng CKS cá nhân còn thấp được NEAC chỉ ra gồm: người dân, DN chưa biết lợi ích, cách thức sử dụng CKS hoặc biết nhưng vẫn còn e ngại khi sử dụng, quy định về áp dụng CKS chưa phủ rộng đến khắp các loại hình GDĐT...

Năm 2024, Bộ TT&TT xác định CKS là một cấu phần của hạ tầng số nên việc phổ cập phải diễn ra nhanh chóng nhằm thúc đẩy công cuộc CĐS. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có CKS hoặc chữ ký điện tử đến năm 2025 đạt 50%. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức.

Để phổ cập CKS sâu rộng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần chỉ đạo sử dụng CKS phải đơn giản, dễ dàng và được tuyên truyền rộng khắp… cũng như đưa ra những định hướng rất cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bộ trưởng nhấn mạnh việc khó phải nghĩ dễ, cần có ứng dụng quan trọng (app killer) phổ cập trong 1 ngày.

Ông Phùng Huy Tâm cho biết cùng với NEAC, CLB đã luôn trăn trở mọi lúc, mọi nơi về CKS và về một ứng dụng như vậy. Theo đó, CLB đề xuất một app tiện ích chung của cộng đồng CA công cộng thu hút được người sử dụng, có thể phổ cập trong “1 ngày”.

“Chúng tôi mong muốn được tiếp tục cùng NEAC thúc đẩy hơn nữa việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, lĩnh vực và người sử dụng để hỗ trợ thực chất cho ưu tiên cuộc sống toàn dân; cùng NEAC trở thành điểm sáng của dịch vụ tin cậy trong khu vực và vươn mình ra quốc tế”, Chủ nhiệm VCDC khẳng định”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam trở thành "điểm sáng" về chữ ký số, dịch vụ tin cậy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO