Phổ cập chữ ký số cá nhân trong giao dịch ngân hàng đảm bảo an toàn và tiện lợi
Áp dụng chữ ký số cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng được nhận định mang lại nhiều tiện ích cho hoạt động ngân hàng và cho người dùng.
Sử dụng chữ ký số để giao dịch ngân hàng an toàn
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Luật Giao dịch điện tử 2023 thúc đẩy sử dụng chữ ký số (CKS) cá nhân trong các giao dịch, thanh toán điện tử, hướng đến mục tiêu mỗi người dân có một CKS. Điều này giúp tăng cường giá trị pháp lý của CKS, từ đó xây dựng sự tin tưởng và an toàn trong các giao dịch trực tuyến.
Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ để đảm bảo an toàn trong giao dịch trực tuyến, trong đó chữ ký số là một trong các biện pháp xác thực giao dịch trực tuyến an toàn cho người dân thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Những lợi ích chính của CKS trong các giao dịch ngân hàng có thể kể đến như: Giúp giảm đáng kể thời gian cung cấp các dịch vụ tài chính; cải thiện trải nghiệm của khách hàng (tức thời, tốc độ và tính di động); cải thiện hiệu quả và năng suất do sử dụng CKS, nhân viên có thể xử lý linh hoạt và hiệu quả bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính nào yêu cầu chữ ký xác thực, chẳng hạn như mở tài khoản ngân hàng hoặc đơn xin vay… Bên cạnh đó, việc ứng dụng CKS sẽ loại bỏ lỗi trong quá trình ký.
CKS cũng là một khía cạnh cơ bản trong quá trình số hóa của ngân hàng. Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã ứng dụng CKS chuyên dùng hiệu quả cho các hoạt động, điển hình có thể kể đến như các ngân hàng Seabank, Agribank, Techombank, ACB…
Đẩy mạnh ứng dụng CKS cá nhân trong ngân hàng
Năm 2023, Bộ TT&TT đã giao cho Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và cộng đồng các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (CA) phát triển, phổ cập CKS cá nhân.
Trải qua hơn 2 năm phổ cập CKS cá nhân, ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm câu lạc bộ CKS và giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC), đơn vị chuyên môn thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VINASA), cho biết việc phổ cập CKS cá nhân đã đạt được một số kết quả tích cực.
“CKS cá nhân với các tiện ích đã tích cực đóng góp cho chuyển đổi số các lĩnh vực và đã sẵn sàng cho lĩnh vực ngân hàng”, Chủ nhiệm VCDC khẳng định.
Cũng theo ông Phùng Huy Tâm, một điểm lợi khi các ngân hàng áp dụng CKS cá nhân là có thể bao phủ toàn bộ cho các lớp an toàn, xác thực nên CKS cá nhân hiện có thể sử dụng cho toàn bộ các dịch vụ của ngân hàng.
Ví dụ, ngân hàng có thể áp dụng CKS cá nhân ngay từ bước xác thực đăng nhập, tiếp theo là mở tài khoản, hồ sơ khách hàng, thanh toán chuyển khoản hồ sơ vay, ngân hàng doanh nghiệp, báo cáo kiểm toán, các nghiệp vụ nội bộ…
Theo đó, việc áp dụng CKS cá nhân trong các hoạt động giao dịch của ngân hàng có thể đáp ứng toàn trình tất cả các nghiệp vụ trong ngân hàng, đáp ứng xu thế phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Ông Phùng Huy Tâm cũng cho biết trải qua hơn 10 năm triển khai CKS, hiện nay các văn bản pháp luật liên quan đã được tăng cường thêm nhiều, từ Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cho đến các nghị định, thông tư tiêu chuẩn kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, bộ ngành liên quan, đảm bảo tính an toàn cũng như trách nhiệm pháp lý đối với dịch vụ CKS. VCDC đã cùng các CA Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về CKS trong nước và tập huấn theo quy chuẩn nước ngoài.
Đối với các ngân hàng với quy mô giao dịch lớn, tính chuyên nghiệp cao, ông Phùng Huy Tâm cho biết VCDC đã nghiên cứu để đưa ra cách thức, giao thức, giao diện dùng chung cơ bản, giúp cho trải nghiệm cũng như tích hợp CKS được nhanh chóng, tiết kiệm và hợp nhất.
VCDC gồm các CA Việt Nam có lực lượng triển khai CKS cá nhân trên toàn quốc cùng với sự vào cuộc của Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT) đã cho ra đời giải pháp CKS từ xa dựa trên đám mây (cloud remote signing) là CKS rất thân thiện, được thiết kế hướng đến người sử dụng cá nhân, đảm bảo người sử dụng chỉ “một chạm” đã có thể có được CKS.
Với công nghệ CKS cá nhân mới này, ông Phùng Huy Tâm cho biết VCDC và các CA đang cung cấp CKS cho các giao dịch với số lượng lớn và đảm bảo an toàn. Một CA có khả năng cung cấp CKS đáp ứng 7000 - 10.000 giao dịch/giây. Hiệu năng này có thể được nâng cấp cao hơn nữa vì đây mới là mức cơ bản.
“Nhờ có CKS mới, việc phổ cập việc áp dụng CKS cá nhân cho các tổ chức, doanh nghiệp được diễn ra nhanh chóng và đảm bảo cho các giao dịch trên môi trường điện tử”, ông Phùng Huy Tâm nhấn mạnh./.