Việt Nam xếp thứ 50 về an toàn, an ninh mạng trên toàn cầu

Hoàng Linh| 16/07/2019 15:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) vừa công bố Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (Global Security Index - GCI) 2018.

Theo đó, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (so với năm 2017 là 100), được xếp vào nhóm 1 trên 3 nhóm (là nhóm có độ cam kết cao). Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 11/38.

Việt Nam xếp hạng 50 trong Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu 2018 (Nguồn: itu.int)

Việt Nam được xếp vào nhóm 1 trên 3 nhóm là nhóm có độ cam kết cao (Nguồn: itu.int)

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/11 (so với năm 2017 là 9/11), xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Về mặt điểm số trung bình, năm 2018 Việt Nam có điểm số là 0.693 (so với năm 2017 là 0.245).

Chỉ số an ninh mạng toàn cầu của ITU (GCI) làm sáng tỏ phạm vi ứng phó của chính phủ và giúp các quốc gia tìm hiểu làm thế nào các nước có thể tăng cam kết đối với an ninh mạng.

Chỉ số cho thấy sự cải thiện đáng kể trong an ninh mạng trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia có chiến lược an ninh mạng quốc gia, kế hoạch quốc gia, đội phản ứng và luật pháp cụ thể để chống lại các mối đe dọa.

Thật không may, vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa các khu vực khác nhau. Ngoài ra, có một khoảng cách rõ ràng giữa nhiều quốc gia về kiến ​​thức để thực thi pháp luật về tội phạm mạng, chiến lược an ninh mạng quốc gia (NCS), các nhóm phản ứng khẩn cấp máy tính (CERT), nhận thức và năng lực tuyên truyền các chiến lược, khả năng và chương trình trong lĩnh vực an ninh mạng.

GCI tập hợp 25 chỉ số được xây dựng trên 05 trụ cột của Chương trình nghị sự an ninh mạng toàn cầu của ITU: các biện pháp lập pháp, cơ chế kỹ thuật, cơ cấu tổ chức, hoạt động xây dựng năng lực và sắp xếp hợp tác. GCI đại diện cho một chỉ số tổng hợp phản ánh mức độ đa dạng và phức tạp cao của an ninh mạng.

Theo Chỉ số này, Vương quốc Anh đứng đầu danh sách các quốc gia cam kết nhất về an ninh mạng, tiếp theo là Hoa Kỳ, Pháp, Litva, Estonia, Singapore, Tây Ban Nha, Malaysia, Na Uy và Canada lọt vào Top 10.

Theo Báo cáo đánh giá mức độ bảo đảm an toàn thông tin Việt Nam năm 2018 của Bộ TTTT công bố tháng 4/2019, cơ quan, tổ chức được phân loại mức độ triển khai an toàn, an ninh mạng theo 05 mức A, B, C, D và E. Kết quả cho thấy, trong số 90 cơ quan, tổ chức nhà nước ở Trung ương và địa phương, 17% xếp loại B (Khá), 70% xếp loại C (Trung bình). Không có cơ quan, tổ chức nào xếp loại A hoặc E.

Phương pháp đánh giá kết hợp giữa kết quả khảo sát do cơ quan, tổ chức cung cấp và kết quả ghi nhận thực tiễn từ các hệ thống giám sát của Bộ TTTT (về tình trạng lây nhiễm mã độc, lộ lọt thông tin tài khoản, tình trạng bảo đảm an toàn thông tin của các trang/cổng thông tin điện tử và số lượng sự cố nghiêm trọng đã được ghi nhận tại mỗi cơ quan, tổ chức).

Số lượng mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam giảm đáng kể

Theo bản tin bảo mật Kaspersky (Security Bulletin) của Kaspersky Security Network (KSN) Quý II năm 2019, số lượng các mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam đã giảm đáng kể so với Quý I năm 2018.

Trong Quý II năm 2019, Kaspersky đã phát hiện hơn 19 triệu mối đe dọa trực tuyến và hơn 99 triệu mối đe dọa ngoại tuyến tại Việt Nam.

Tấn công thông qua trình duyệt là phương thức mà tội phạm mạng thường sử dụng để phát tán mã độc. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019, Kaspersky đã phát hiện 19.820.196 sự cố, tương ứng với 27,7% người dùng tại Việt Nam bị tấn công bởi các mối đe dọa từ internet. So với cùng thời điểm năm 2018, số lượng các mối đe dọa trực tuyến đã giảm 36,84%, từ 31.382.419 trường hợp.

Khác với tấn công trực tuyến, tấn công ngoại tuyến được thực hiện khi mã độc lây lan qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác. Tại Việt Nam, Kaspersky đã phát hiện 99.885.492 sự cố, tương ứng với 59,9% người dùng bị tấn công ngoại tuyến. Việt Nam hiện đang xếp vị trí đầu tiên ở Đông Nam Á và vị trí thứ 30 trên thế giới về các vụ tấn công ngoại tuyến.

Dữ liệu từ KSN cũng cho thấy Singapore là quốc gia có số lượng mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến thấp nhất khu vực trong Quý II năm 2019 với số trường hợp nhiễm mã độc trực tuyến và ngoại tuyến lần lượt là 1.300.197 (xếp thứ 143 toàn cầu) và 2.141.642 (xếp thứ 116 toàn cầu).

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc của Kaspersky Đông Nam Á cho biết: “So với năm ngoái, số lượng các mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến tại Việt Nam đều giảm. Kết quả này có được nhờ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đối với an ninh mạng, và đây cũng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thành công trong mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia được dự định tiến hành vào năm 2019 có thể giúp cải thiện an ninh mạng tại Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Yeo Siang Tiong cũng lưu ý hiện tại, Việt Nam vẫn gặp phải nhiều các mối đe dọa ngoại tuyến (mà nguyên nhân đến từ con người). Chúng tôi khuyến nghị các công ty và tổ chức cần nâng cao nhận thức của nhân viên về tấn công mạng thông qua các khóa học về an ninh mạng từ các đơn vị đào tạo đáng tin cậy.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam xếp thứ 50 về an toàn, an ninh mạng trên toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO