VNNIC Internet Conference 2023 - hội tụ tầm nhìn, chung tay phát triển Internet Việt Nam
VNNIC Internet Conference 2023 (28-30/6/2023) với chủ đề “Quản trị Internet trong kỷ nguyên thông minh” quy tụ hơn 300 chuyên gia hàng đầu về Internet trong nước và quốc tế, cùng hội tụ tầm nhìn, chung tay phát triển Internet Việt Nam.
Sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới (5G, IoT, cloud computing, big data, AI,...) đã tác động mạnh mẽ, toàn diện đến sự phát triển đời sống, kinh tế, xã hội. Với vai trò nền tảng thiết yếu cho hoạt động kinh tế, xã hội, là nền tảng số cho không gian số, Internet cần các thay đổi, cải tiến nhằm đáp ứng về tính thông minh, chất lượng cao, an toàn, tin cậy.
Quản trị Internet cần song hành giữa làm chủ công nghệ với các quy tắc ứng xử, tăng cường sự tham gia của các bên, tạo thành hệ sinh thái hiệu quả của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dùng trong việc xây dựng Internet thông minh, an toàn, bền vững.
Phổ cập Internet rộng khắp toàn dân
Tính đến năm 2023, Internet Việt Nam đã trải qua 26 năm phát triển với các thành tựu đáng kể: tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt 79,1%. Nhìn lại thời điểm khi dịch vụ Internet Việt Nam mới được khai trương (năm 1997), số người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người, đến năm 2002 có khoảng 3 triệu người (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó), năm 2007 là gần 20 triệu người, tăng thêm gần 7 lần (chiếm khoảng 24% dân số cả nước).
Tới tháng 1/2023, Việt Nam có tổng cộng 77,93 triệu người dùng Internet. Số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm 5,3 triệu (+7,3%) so với năm 2022, theo We are social, 2023.
Hiện nay, Việt Nam có 161,6 triệu kết nối di động, tương đương với 164,0% tổng dân số vào tháng 1/2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này phản ánh không hoàn toàn đúng số người dân có kết nối di động, do một số người sử dụng nhiều hơn một chiếc điện thoại có kết nối Internet.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, tính tới tháng 5/2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 76,9% (20,81 triệu hộ) tăng 6,2% so với cùng kỳ 2022.
Có thể thấy, tuy Việt Nam vẫn đang trên chặng đường để hướng tới mục tiêu phổ cập Internet đến toàn dân, nhưng thành tựu Internet Việt Nam đạt được trong 26 năm qua là không thể phủ nhận. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo, định hướng phát triển chiến lược của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng, hưởng ứng, chung tay xây dựng của các cơ quan, tổ chức, các DN và toàn xã hội.
Bộ TT&TT đang triển khai mạnh mẽ các chiến lược thu hẹp khoảng cách số, phổ cập Internet đến toàn bộ người dân. Kết quả đạt được và phương hướng chính sách thời gian tới đều cho thấy sự hiệu quả, hiện đại trong phát triển về Internet. Trong kỷ nguyên thông tin và công nghệ, Việt Nam cần xây dựng, phát triển Internet và các hoạt động cộng đồng để Internet Việt Nam tương thích, đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn mới.
Phát triển Internet thông minh với địa chỉ Internet thế hệ mới
Internet trong kỷ nguyên mới yêu cầu sự thông minh, linh hoạt, an toàn và bền vững. Chỉ có mạng IPv6 mới đáp ứng được yêu cầu kết và phát triển. IPv6 là khởi đầu và nền tảng của cải tiến Internet thông minh, mạng IP thế hệ mới.
Mạng IPv6+ (IPv6 enhanced) được cải tiến trên nền SRv6, BIER6,... kết hợp với AI ở các tính năng phân tích mạng lưới (network analysis) và tính cộng hưởng thông minh (intelligent unning). IPv6+ hỗ trợ triển khai dịch vụ tốc độ cao, hiệu quả, linh hoạt, tạo nên kỷ nguyên mới cho thế hệ mạng tự động, an toàn cho các dịch vụ 5G, Cloud và Trung tâm dữ liệu.
Theo dự đoán của các tổ chức và DN Internet hàng đầu thế giới, mạng IPv6+/SRv6 sẽ được phát triển và ứng dụng cao hơn từ năm 2027. Sự kết hợp IPv6 với các công nghệ tiên tiến, hình thành các mạng “IPv6 +” sẽ tạo ra tính đột phá và cải tiến cho mạng Internet tương lai. Để nghiên cứu về việc áp dụng, đổi mới công nghệ IPv6, Viện tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI) đã thành lập nhóm Công nghệ đổi mới nâng cao về IPv6 (IPv6 Enhanced Innovations - IPE) nhằm đưa ra các phương pháp triển khai và hướng dẫn cho các tính năng nâng cao của IPv6, ứng dụng công nghệ IPv6 trong các lĩnh vực điều hành, dịch vụ công, tài chính, năng lượng, giáo dục.
Các phân tích của Nhóm đã chỉ ra rằng, công nghệ cải tiến IPv6 (IPv6+AI, IPv6+SRv6,...) sẽ trở thành xu hướng chính để nâng cấp và cải tiến mạng Internet; đồng thời tác động trực tiếp đến GDP của một quốc gia, tạo ra nền tảng số hóa cho nhiều ngành công nghiệp.
Cụ thể, IPv6+AI giúp rút ngắn 80% thời gian phân tích nguyên nhân sự việc và giảm 50% chi phí vận hành, bảo dưỡng cho các ngành sản xuất. Trong lĩnh vực tài chính, công nghệ mới trên nền IPv6 nâng cao tính linh hoạt trong các giao dịch trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số. SRv6 cho phép các chi nhánh và đại lý ở các khu vực khác nhau có thể truy cập các dịch vụ đám mây chỉ trong một bước.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 5/2023, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 57,3%, đứng thứ 10 toàn cầu, thứ 3 châu Á và thứ 2 khu vực ASEAN. Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang hoạt động với IPv6, 100% người sử dụng truy cập Internet IPv6 tới năm 2025.
Quản trị Internet trong kỷ nguyên thông minh
Sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới (5G, IoT, Cloud Computing, big data AI,...) đã tác động mạnh mẽ, toàn diện đến sự phát triển đời sống, kinh tế, xã hội. Với vai trò nền tảng thiết yếu cho hoạt động kinh tế, xã hội, là nền tảng số cho không gian số, Internet cần các thay đổi, cải tiến nhằm đáp ứng về tính thông minh, chất lượng cao, an toàn, tin cậy cho hoạt động kinh tế số, xã hội số.
Các quốc gia cũng đứng trước các yêu cầu quan trọng về quản trị Internet, làm chủ công nghệ, đảm bảo sự an toàn và cân bằng, bảo vệ lợi ích và các giá trị cốt lõi, đưa lại giá trị và sự tiến bộ cho xã hội trong bối cảnh phát triển của công nghệ và các hoạt động trên không gian mạng. Quản trị Internet cần song hành về làm chủ công nghệ và về quy tắc ứng xử, tăng cường sự tham gia của các bên, tạo thành hệ sinh thái hiệu quả của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng trong việc xây dựng Internet thông minh, an toàn, bền vững.
Các vấn đề trọng tâm trong kỷ nguyên thông minh được đặt ra là:
Thứ nhất, Internet Việt Nam phát triển nhanh, hiện đại, bền vững; Internet cho tất cả mọi người (Internet for all)
Internet Việt Nam cần phát triển hiện đại, thông minh, thu hẹp khoảng cách số. Bên cạnh chiến lược truy cập Internet băng rộng tới 100% hộ gia đình, 100% người dân có smartphone, phổ biến dịch vụ Internet băng siêu rộng, cần phổ cập tên miền quốc gia “.vn”, khai thác giá trị tài nguyên Internet quốc gia, tăng cường hiện diện trực tuyến của người dân, DN trên môi trường số để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số. Cần các chính sách dành riêng cho người trẻ, đối tượng khởi nghiệp nhằm xây dựng cuộc sống, học tập và khởi nghiệp dễ dàng trên môi trường số.
Thứ hai, đảm bảo hạ tầng lõi Internet Việt Nam an toàn, hiện đại; phát triển mạng Internet trong nước đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ
- Hạ tầng quyết định sự phát triển của công nghệ, nền tảng và dịch vụ. Mạng Internet muốn phát triển thông minh, an toàn cần phải giải quyết từ nền tảng lõi, hạ tầng trọng yếu là hệ thống DNS quốc gia. Hệ thống DNS cần phát triển hiện đại gắn với các công nghệ mới như 5G, IoT phù hợp với xu thế và yêu cầu phát triển.
- Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Phát triển các IDC, đặc biệt IDC trung lập, nền tảng Cloud, CDN, các dịch vụ số trong nước đủ năng lực phục vụ nhu cầu phát triển và khả năng cạnh tranh.
- Mạng Internet Việt Nam hoạt động an toàn, bền vững. Giải quyết vấn đề an toàn từ gốc, từ kết nối định tuyến mạng, hệ thống máy chủ tên miền DNS là trái tim của mạng Internet; Chủ động trong các tình huống, đảm bảo hoạt động liên tục của mạng Internet Việt Nam trong điều kiện bình thường và đặc biệt khi có vấn đề kết nối quốc tế. Phát triển hạ tầng kết nối đa dạng, đa hướng và đảm bảo khả năng dự phòng.
Thứ ba, môi trường mạng an toàn, lành mạnh
Quản trị chủ động, làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề quản lý để không bị động trước các các phát sinh từ dịch vụ, công nghệ mới như AI, big data...
Bảo vệ cộng đồng thông qua các hoạt động rà soát, xử lý vi phạm trong cung cấp thông tin trên mạng, loại bỏ thông tin xấu độc; cung cấp công cụ, thông tin, kiến thức hỗ trợ người sử dụng khả năng nhận biết sự tin cậy của nguồn thông tin; bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng mô hình với sự tham gia của nhiều bên về an toàn thông tin mạng, bao gồm các vấn đề về chiến lược và chính sách an toàn thông tin, xã hội và văn hóa trên không gian mạng; pháp lý và quy định; các tiêu chuẩn và công nghệ để thiết kế môi trường Internet mở, an toàn về truy cập dữ liệu và thông tin tin cậy cho người dùng.
Thứ tư, quản trị Internet văn minh, bền vững thông qua việc xây dựng cộng đồng, với sự tham gia, đóng góp của các bên trong hệ sinh thái Internet, chung tay cùng phát triển.
Trong bối cảnh mới, sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet ngày càng diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi sự nhạy bén, chuyển mình của các tổ chức, doanh nghiệp; sự định hướng đúng đắn của chính phủ, sự hợp tác, chung tay của cả cộng đồng Internet Việt Nam.
Bên cạnh sự phát triển về công nghệ, cần có các hoạt động xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng cộng đồng và phát triển môi trường gắn kết, chia sẻ tạo thành hệ sinh thái hiệu quả của các cơ quan nhà nước, tổ chức, DN và người dùng trong việc xây dựng Internet thông minh, an toàn, bền vững.
VNNIC Internet Conference 2023 - hội tụ tầm nhìn, chung tay phát triển Internet Việt Nam
VNNIC Internet Conference là diễn đàn thường niên, chuyên sâu về Internet - nơi các nhóm cộng đồng, các chuyên gia hàng đầu về Internet, các cơ quan nhà nước gặp gỡ, chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh và chung tay phát triển Internet Việt Nam.
Tiếp nối thành công sự kiện năm 2022 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, VNNIC Internet Conference 2023 được tổ chức từ ngày 28- 30/6/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, chủ trì bởi Lãnh đạo Bộ T&TT, bao gồm chuỗi các sự kiện hội thảo và hội nghị với chủ đề chính “Quản trị Internet trong kỷ nguyên thông minh”.
Các nội dung trọng tâm được trao đổi tại sự kiện: Quản trị Internet, phát triển bền vững, an toàn mạng Internet, Internet thế hệ mới, quantum Internet, AI; Innovative Optical and Wireless Network (IOWN) & 5G Open RAN Ecosystem; Tài nguyên Internet, IPv6/IPv6+, SRV6, DNS với IoT/5G, Cloud; Peering & Interconnect, Internet Exchange, CDN, DNS Security, DNS Abuse,...
Sự kiện có sự tham dự của hơn 300 Lãnh đạo/ CEO và các chuyên gia hàng đầu về Internet trong nước và quốc tế, kết nối các nhóm đối tượng cộng đồng Internet Việt Nam: các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; các Sở TT&TT; các cơ quan phụ trách CNTT khối Bộ, ngành; các DN cung cấp dịch vụ Internet, di động, Cloud, IDC, dịch vụ nội dung,...; các thành viên kết nối VNIX, các thành viên địa chỉ IP Việt Nam; các Nhà đăng ký tên miền “.vn”; giảng viên, sinh viên các trường đại học công nghệ tại Việt Nam; các tổ chức, Hiệp hội Internet trong nước và khu vực (ICANN, APNIC, JPNIC, ISOC,...); các DN công nghệ, Internet lớn trên thế giới (NTT, AWS, Google,...).
Thông tin chi tiết về sự kiện truy cập tại https:// internet-conference.vn.
Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực Internet với các bài chính bày chính: Ông Vinton G. Cerf, Phó chủ tịch và Người truyền bá Internet, Google/“Father” of Internet với bài trình bày về Tầm nhìn phát triển Internet thông minh và an toàn; ông Dean Samuels, Giám đốc công nghệ khu vực ASEAN, AWS với bài trình bày về Đảm bảo an toàn dữ liệu trong kỷ nguyên AI; ông Jia- Rong Low, Giám đốc quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức quản lý tên miền và số quốc tế (ICANN) với bài trình bày về Quản trị Internet toàn cầu và An toàn dữ liệu trong kỷ nguyên thông minh; ông Binh Lam, Giám đốc dịch vụ Internet cho doanh nghiệp, NTT với bài trình bày về Cách mạng hạ tầng truyền thông với công nghệ IOWN,...
Internet đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, là hạ tầng, nền tảng cho chuyển đổi kinh tế số, xã hội số. Sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet ngày càng diễn ra nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối, dữ liệu, an toàn cho mạng Internet. Để phát triển Internet Việt Nam theo đúng xu hướng toàn cầu, phù hợp với tốc độ phát triển, hiện trạng, nguồn lực quốc gia đòi hỏi sự định hướng đúng đắn của chính phủ, sự hợp tác, chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn lực về Internet, chia sẻ thông tin, kiến thức, kỹ thuật,... cần được chú trọng. Sự kiện VNNIC Internet Conference đã mở ra một diễn đàn mới, với những phân tích, định hướng mới về quản trị Internet dưới góc nhìn các chuyên gia; tạo cơ hội kết nối, hợp tác phát triển và xây dựng cộng đồng mạng Internet Việt Nam với cộng đồng Internet quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 06/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
2. The changing world of digital in 2023: https://wearesocial. com/us/blog/2023/01/the-changing-world-of-digital-in-2023/
3. Một số kết quả nổi bật của lĩnh vực viễn thông trong tháng 5/2023: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pa... Mot-so-ket-qua-noi-bat-cua-linh-vuc-vien-thong-trong- thang-5-2023.html
2. Trang thống kế tỷ lệ chuyển đổi IPv6 của Google, https:// www.google.com/intl/en/ipv6/st...
3. Website của Diễn đàn IPv6 toàn cầu (IPv6 Forum)
4. https://www.networkworld.com/a... is-ipv6-and-why-aren-t-we-there-yet.html#:~:text=As%20 of%20March%202022%2C%20according,mobile%20 networks%20leading%20the%20charge.
5. https://www.telecomlead.com/te... forum-mwc-2022-ipv6-on-everything-and-ipv6-enhanced- innovation-to-boost-digital-economy-10382
6. https://www.telecomreview.com/... and-coverage/4028-trace-media-mobilizes-industry-experts- to-discuss-ipv6-enhanced-innovations
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2023)