Kinh tế số

Xây dựng tương lai Internet cho Đông Nam Á

Anh Minh 14/06/2023 05:58

Mặc dù hệ sinh thái Internet của khu vực phát triển rất sôi động song vẫn còn những rào cản để Internet thực sự đến với tất cả người dân ở Đông Nam Á.

Khi nói đến kết nối Internet ở Đông Nam Á, nhiều báo cáo cho thấy một số quốc gia trong khu vực cung cấp khả năng kết nối Internet tốt nhất trên thế giới. Trên thực tế, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ sử dụng Internet ở Đông Nam Á cao tới 70% ở hầu hết các quốc gia.

Tỷ lệ thâm nhập Internet ngày càng tăng nên các khả năng số của người dân trong khu vực cũng tăng lên. Ví dụ, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Đông Nam Á đang phát triển nhanh nhất thế giới và dự kiến trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo báo cáo của Google. Ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu (TTDL) trong khu vực cũng đang bùng nổ, với việc Singapore được cho là có khả năng kết nối TTDL tốt nhất ở châu Á.

Việc mở rộng mạng 5G cũng cho phép khả năng tiếp cận Internet lớn hơn. Trong khi Singapore đã thống trị ngành công nghiệp 5G của khu vực, các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia cũng đang nhanh chóng bắt kịp để giành lợi thế phát triển công nghệ.

Những rào cản để Internet thực sự đến với tất cả người dân

Mặc dù vậy, một báo cáo mới từ Kearney, hãng tư vấn toàn cầu, lại chỉ ra điều ngược lại. Báo cáo có tiêu đề "Xây dựng Internet cho tương lai của Đông Nam Á", đã nhấn mạnh rằng trong khi hệ sinh thái Internet của khu vực phát triển rất sôi động, các chính phủ và doanh nghiệp (DN) nơi đây phải giải quyết một loạt các thách thức để có thể cung cấp khả năng tiếp cận Internet và khả năng chi trả cho mọi người.

1000x650_shutterstock_1902298015.jpg
Vẫn còn những rào cản để internet thực sự đến với tất cả người dân ở Đông Nam Á

Soon Ghee Chua, đối tác cấp cao tại Singapore của Kearney và là tác giả báo cáo, nhận xét rằng khu vực Đông Nam Á chắc chắn đã đạt được những bước tiến lớn trong nền kinh tế số nói chung, thể hiện qua sự gia tăng tỷ lệ tiêu dùng kỹ thuật số và áp dụng công nghệ trong vài năm qua. Tuy nhiên, Soon chỉ ra rằng vẫn còn những rào cản để Internet thực sự đến với tất cả người tiêu dùng với lợi nhuận công bằng cho tất cả người chơi trong hệ sinh thái.

Soon cho biết: “Là những người thúc đẩy sự thay đổi, chính phủ và các nhà lãnh đạo DN cần chủ động giải quyết các vấn đề”.

Thực tế là khoảng 20% người dân Đông Nam Á vẫn chưa có khả năng truy cập Internet. Khu vực này cũng còn một chặng đường dài phía trước khi áp dụng thế hệ kết nối Internet tiếp theo, với tỷ lệ thâm nhập 5G vẫn thấp hơn so với các nước phát triển vào khoảng 4 hoặc 5%.

Khả năng chi trả cho Internet cũng là một thách thức lớn trong khu vực. Hiện tại, khoảng cách về khả năng chi trả cho các dịch vụ Internet, với giá băng thông rộng cố định ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia, không đạt được mục tiêu về khả năng chi trả là 2% thu nhập bình quân đầu người do ITU/UNESCO đặt ra vào năm 2021.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company phát hành, nền kinh tế ố của Đông Nam Á có thể đạt tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Báo cáo cho biết kinh tế số của Đông Nam Á có nhiều tiềm năng tăng trưởng, các yếu tố thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ bao gồm hơn 460 triệu người tiêu dùng số, dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cũng như tỷ lệ sử dụng Internet ngày càng tăng. Tuy vậy, báo cáo cho biết nhiều rào cản vẫn còn, từ sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn cho đến trình độ hiểu biết về kỹ thuật số thấp, khu vực này sẽ tiếp tục phải vật lộn với những thách thức có thể kìm hãm sự tăng trưởng.

Anthony Toh, nhà phân tích tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, một đơn vị thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, cho biết: “Nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN đang mở rộng, nhưng vẫn có khoảng cách số”.

15-jul-digital-tech.jpg
“Nền kinh tế số của ASEAN đang mở rộng, nhưng vẫn có khoảng cách kỹ thuật số” (Ảnh minh họa)

 7 xu hướng công nghệ cơ bản giúp giải quyết các thách thức Internet

Để giải quyết thách thức này, Kearney đã vạch ra một số xu hướng công nghệ cơ bản mà các nhà lãnh đạo nên nắm bắt, bao gồm:

Điện toán đám mây (ĐTĐM): ĐTĐM ngày càng được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, như xe tự lái, chăm sóc sức khỏe từ xa, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo…. 

Phần mềm hóa mạng: đám mây thậm chí còn mở rộng vào trung tâm của Internet - cơ sở hạ tầng mạng viễn thông - khi các mạng trở thành phần mềm chạy trên đám mây lai. Xu hướng này đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới trong 5 năm qua và sẽ sớm trở nên phổ biến hơn ở Đông Nam Á.

Các công nghệ bền vững: tính bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo đối với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM), ISP và các công ty siêu quy mô ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới.

Công nghệ tiếp xúc với giao diện lập trình ứng dụng (API): Internet của tương lai cũng sẽ phục vụ những đối tượng không phải con người và nó không chỉ là kết nối. Các ISP đang phát triển từ các nhà cung cấp kết nối truyền thống cung cấp đường ống dữ liệu thành các mô hình kinh doanh nền tảng cung cấp API viễn thông.

Công nghệ phân chia mạng: là khả năng cung cấp các dịch vụ kết nối khác biệt với tài nguyên mạng chuyên dụng. Các dịch vụ này được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của các ứng dụng bên thứ ba, có thể truy cập và kiểm soát có chọn lọc các dịch vụ hoặc cho những khách hàng cụ thể muốn có mạng 5G ảo chuyên dụng.

Hệ thống mạng phi mặt đất (NTN): Hệ thống NTN đặc biệt phù hợp với Đông Nam Á, các khu vực nông thôn rộng lớn, dân cư thưa thớt, nơi phủ sóng di động không kinh tế. Hội tụ NTN nhằm tích hợp các NTN (vệ tinh) khác nhau với các mạng di động để cung cấp các dịch vụ liên lạc liền mạch.

Quản lý phân nhánh: Nguy cơ phân nhánh sẽ cần được quản lý bằng cách sử dụng các công nghệ mở và công nghệ số chung để thúc đẩy cách tiếp cận hợp tác, chia sẻ để phát triển và sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và Internet.

Đáng chú ý, 92% các nhà lãnh đạo công nghệ của khu vực kỳ vọng sự phát triển của ĐTĐM sẽ trở thành một xu hướng công nghệ quan trọng trong hai đến ba năm tới. Trong khi đó, 83% trong số họ kỳ vọng quá trình phần mềm hóa mạng sẽ trở nên quan trọng trong vòng 1 - 3 năm tới. Điều này có nghĩa là sự xâm nhập của Internet và mạng phải đến được với tất cả mọi người trong khu vực. Nếu không, nó sẽ chỉ dẫn đến sự phân chia kỹ thuật số lớn hơn.

Không quốc gia nào có thể giải quyết tất cả thách thức một mình

Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã đồng tình với những phát hiện của báo cáo. Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh ATxSG, Wong nhấn mạnh rằng khả năng kết nối, an ninh mạng và sử dụng AI có trách nhiệm là một trong những ưu tiên kỹ thuật số cần được giải quyết.

Trong một bài viết trên trang The Straits Times, Phó Thủ tướng tuyên bố rằng cách các quốc gia quản lý những vấn đề này sẽ xác định tương lai của nền kinh tế số ngày nay. Đối với Singapore nói riêng, Wong đề cập rằng quốc đảo này cần phấn đấu cho một nền kinh tế số đáng tin cậy, kết nối với nhau và toàn diện.

Để cải thiện khả năng mạng và Internet của Singapore, quốc gia này sẽ tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối cứng. Điều này bao gồm các điểm hạ cánh cáp ngầm mới để tăng dung lượng mạng của Singapore, đây là một trong những mục tiêu được liệt kê trong kế hoạch chi tiết kết nối số của đất nước. Singapore cũng sẽ nâng cấp mạng của mình để tăng tốc độ Internet lên 10Gbps, tạo nền tảng cho một thế hệ ứng dụng mới.

Phó Thủ tướng Wong cũng nhấn mạnh rằng cơ sở hạ tầng mềm như các ứng dụng hỗ trợ giao dịch số, nhận dạng số và chứng nhận, vốn tạo thành xương sống của nền kinh tế số ngày nay, cần hoạt động xuyên biên giới để hiện thực hóa giới hạn tiếp theo của tăng trưởng số.

“Không quốc gia nào có thể giải quyết tất cả những vấn đề này một mình. Chỉ bằng cách đoàn kết lại với nhau và dựa trên trí tuệ và kinh nghiệm chung của chúng ta, chúng ta mới có thể hy vọng thành công”, Phó Thủ tướng đề cập trong bài phát biểu lễ khai mạc Asia Tech x Singapore (ATxSG).

Carlos Oliver Mosquera, Giám đốc trung tâm công nghệ của Kearney, đồng thời là tác giả báo cáo cũng chia sẻ quan điểm tương tự về vấn đề này. Mosquera cho biết: “Tương lai của bối cảnh Internet Đông Nam Á đang được định hình lại bởi các xu hướng công nghệ toàn cầu khác nhau có liên quan thực chất với mạng và cơ sở hạ tầng kết nối. Bằng cách tận dụng các xu hướng như điện toán biên, đám mây hóa mạng và chia mạng, các doanh nghiệp và chính phủ có thể cung cấp nhiều dịch vụ thời gian thực và tương tác cao hơn cho người dùng cuối”.

Tất cả các nhà lãnh đạo công nghệ được Kearney khảo sát trong khu vực đều nhất trí rằng “khả năng truy cập, khả năng chi trả và tính toàn diện” là thành phần quan trọng nhất của tương lai Internet khu vực. Mọi công dân phải được tham gia vào nền kinh tế số và xã hội số, chi phí truy cập Internet phù hợp với tất cả mọi người bất kể mức thu nhập và vị trí địa lý.

Ngoài ra, “khả năng phục hồi và độ tin cậy”, và “an toàn và bảo mật” là hai yếu tố được xếp hạng quan trọng thứ hai và thứ ba, với 80% người trả lời khảo sát đồng ý, để đảm bảo một tương lai Internet bền vững ở Đông Nam Á./.

Theo Techwireasia, CNBC, Digiconasia
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng tương lai Internet cho Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO